(Pháp lý) - Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ (U.S. Senate Armed Services Committee) vừa thông qua bản dự luật chính sách quốc phòng (Dự luật Ủy quyền Quốc phòng 2019 – NDAA) thường niên trị giá 716 tỉ USD. Theo dự thảo mới, cùng với các nhà đồng cấp Hạ viện, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cũng chỉ đích danh Trung Quốc và Nga chính là những mối đe dọa đối với Mỹ và đồng minh.
Xác định Trung Quốc và Nga là những mối đe dọa chính
Thông thường mỗi năm, sau khi được thông qua, NDAA được sử dụng như một phương tiện để đo lường hàng loạt chính sách cũng như quyết định mọi việc từ mức chi tiêu quân sự đến việc các tàu, máy bay được hiện đại hoá, mua hoặc tạm ngưng.
Thông tin trên báo Đại đoàn kết cho biết, đối với không lực, Mỹ sẽ đầu tư chế tạo thêm 77 chiếc F-35 Lightning II, một loại máy bay tiêm kích tấn công kết hợp một chỗ ngồi, có khả năng tàng hình cũng như thực hiện những nhiệm vụ chiến đấu có tính chiến lược cao. Tuy nhiên, phương tiện này được cho biết sẽ hạn chế về mặt nâng cấp phần mềm do ngân sách dự kiến chưa đủ đáp ứng. Đối với hải quân, Mỹ sẵn sàng chi ra 200 triệu đô cho việc mở rộng và đầu tư vào sản xuất tàu ngầm với hơn 13 chiến hạm. Con số này thậm chí còn vượt mức yêu cầu mà Lầu Năm Góc đặt ra. Dự thảo ngân sách quốc phòng 2019 cũng nhất trí rót vốn cho kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc phát triển một loại đầu đạn lắp đặt trên tên lửa đạn đạo, cũng như ủng hộ đề nghị của ông Trump trong việc chi 250 triệu USD viện trợ vũ khí cho Ukraine, và 63 tỷ USD cho Sáng kiến Đánh chặn châu Âu (EDI) để "tăng số lượng binh sỹ Mỹ ở châu Âu, bảo vệ các đối tác và đồng minh của Mỹ, ngăn chặn sự hung hăng của Nga". Dự thảo Luật cũng cho phép chính quyền của Tổng thống Trump được áp lệnh trừng phạt trong khuôn khổ Đạo luật Chống các bên thù địch của Mỹ bằng cấm vận (CAATSA) 2017 - một đạo luật được thông qua bởi đại đa số nghị sĩ lưỡng đảng nhưng lại bị ông Trump cho là "thiếu sót". Nhiều quan chức cấp cao thuộc chính quyền Trump trước đó đã liên tục tìm cách sửa đổi một số điều khoản của đạo luật này để cho phép họ áp lệnh trừng phạt với các nước mua vũ khí từ Nga.
Với những mục đích rõ ràng, Dự luật Ủy quyền Quốc phòng 2019, bao gồm các biện pháp nhắm vào hai “đối thủ chiến lược”, như lệnh kiểm soát các quy định thương mại và lệnh cấm đối với Bộ Quốc phòng trong việc mua bán với các cơ sở sử dụng thiết bị hoặc dịch vụ viễn thông từ các công ty Huawei và ZTE của Trung Quốc. Dự luật cũng mở rộng giới hạn trong việc hợp tác quân sự giữa Nga – Mỹ, “nhấn mạnh quan điểm của Thượng viện” rằng đây là chính sách của Mỹ nhằm tăng cường quốc phòng cho các nước đồng minh và các đối tác ở Châu Âu, nhằm ngăn chặn sự xâm lược của Nga và chỉ đạo Quân đội để đạt được năng lực tức thì giúp xóa bỏ khoảng cách trong phòng thủ tên lửa đạn đạo, bảo vệ mình trước các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.
Trước đó, Dự luật Ủy quyền Quốc phòng 2019 được Hạ viện Mỹ thông qua, cũng đề cập đến vấn đề Trung Quốc và các điều khoản như áp các lệnh trừng phạt mới với ngành vũ khí của Nga để đáp trả những hành vi vi phạm hiệp ước của nước này. Bên cạnh đó, cả hai bản dự luật của Thượng viện và Hạ viện đều nhắm đến Thổ Nhỹ Kỹ, một nước đồng minh của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) đang có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ ngày càng cao trong những tháng gần đây. Đặc biệt, Dự luật Ủy quyền Quốc phòng 2019 của Thượng viện cũng muốn tăng cường sự đáp trả của Mỹ trong các cuộc tấn công mạng, bằng cách yêu cầu chính phủ sử dụng “tất cả sức mạnh quốc gia”, bao gồm những nguồn lực mạng của mình, để ngăn chặn và ứng phó với các cuộc tấn công mạng.
Dự luật NDAA 2019 có thể sẽ trở thành Luật chính thức trong thời gian tới. Sau khi Ủy ban Quân vụ Thượng viện thông qua, dự luật phải được sự đồng ý của tất cả thành viên Thượng viện, nơi nó có thể sẽ còn được sửa đổi. Tiếp đó, nó phải được hợp nhất với bản của Hạ viện vừa được thông qua. Sau khi Hạ viện và Thượng viện thống nhất đưa ra bản dự luật hoàn chỉnh, nó sẽ được trình lên Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump phê duyệt và trở thành luật chính thức.
Nga – Trung và những phản ứng trái ngược
Ngay sau khi Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật Ủy quyền Quốc phòng 2019, Trung Quốc đã có những phản ứng mạnh mẽ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng ngày 25/7 cho biết Bắc Kinh "thất vọng và phản đối mạnh mẽ" dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm tài khóa 2019 của Mỹ, vì cho rằng dự luật có những đề xuất nhằm vào Trung Quốc.
Trước đó, một ủy ban gồm các thành viên hạ viện và thượng viện Mỹ đã đạt được thống nhất về NDAA 2019, trong đó có một số đề xuất liên quan đến Trung Quốc như tăng cường quan hệ với Đài Loan và nghiên cứu những hoạt động cưỡng ép của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Cảnh Sảng cho rằng nếu những nội dung này được phê chuẩn thành luật, chúng sẽ "gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin giữa Mỹ với Trung Quốc" và gây nguy hiểm cho hoạt động hợp tác song phương cũng như hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ gần đây leo thang liên quan đến các vấn đề như tranh chấp thương mại, Biển Đông và Đài Loan. Các chuyên gia CIA trong báo cáo mới nhất cáo buộc Trung Quốc đang ngấm ngầm gây chiến tranh lạnh để đánh bật Mỹ, trở thành siêu cường hàng đầu. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc kêu gọi tăng cường kho vũ khí hạt nhân để đối phó trước những mối đe dọa từ Washington.
Ngược lại với những phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc, một số nhân vật trong giới chức Moskva lại "có cảm tình" với chiến lược này, bởi nó nhắc nhở họ về thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi mọi thứ trở nên khá rõ ràng và các bên đều biết đối thủ sẽ phản ứng ra sao. Chiến lược quốc phòng mới chỉ ra, "Trong nhiều thập kỷ, nước Mỹ đã đạt được sự vượt trội bất ngờ hoặc thống trị trong mọi lĩnh vực. Nước Mỹ thường chủ động triển khai các lực lượng quân đội theo thời gian, địa điểm và cách thức của chúng ta. Tuy vậy, mọi thứ đã thay đổi cả trên không, trên bộ, trên biển, trong vũ trụ và không gian mạng".
Vì vậy, những thách thức mà Mỹ phải đối mặt ngày nay chủ yếu đến từ sự cạnh tranh với các cường quốc, thay vì chỉ là từ các cuộc tấn công khủng bố và các yếu tố có quy mô toàn cầu như biến đổi khí hậu và nhân khẩu học. Và quân đội Mỹ không còn quyền ưu tiên trên chiến trường nữa, điều này đồng nghĩa với việc quay lại mô hình cổ điển của các mối quan hệ quốc tế.
Hải Dương (tổng hợp)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nga-trung-phan-ung-nhu-the-nao-truoc-du-luat-uy-quyen-quoc-phong-2019-cua-my-a197065.html