Từ động thái “rút vốn” bất thường tại các Công ty nghìn tỷ: Nghĩ tới giải pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản bất minh

(Pháp lý) - Thời gian qua, không ít ông chủ các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn khi bị thanh tra, đều có chung động thái bất thường, “lặng lẽ” rút vốn. Gần đây nhất, khi chính thức có quyết định thanh tra Công ty Cổ phần Lã Vọng Group (Tập đoàn Lã Vọng), thì ông Lê Văn Vọng - Chủ tịch HĐQT đã bất ngờ thoái toàn bộ vốn khỏi Tập đoàn Lã Vọng.  Động thái này của ông Vọng được cho là bất thường khi diễn ra cùng thời điểm Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra các dự án có liên quan đến Tập đoàn Lã Vọng.

Từ động thái “rút vốn” bất thường tại các Công ty nghìn tỷ …

Vào tháng 4/2017, sau lùm xùm từ dự án Đa Phước, ông Phan Văn Anh Vũ (hay còn gọi là Vũ “nhôm”) đồng loạt thoái toàn bộ vốn tại nhiều Công ty do ông sở hữu hoặc giữ vai trò chủ chốt, số vốn được thoái lên tới 700 tỷ đồng. Cụ thể, theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 sửa đổi ngày 26/4/2017 cho thấy ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 650 tỷ đồng, tương đương 92,86% vốn. Tại Công ty TNHH Minh Hưng Phát (nay đổi tên thành Công ty TNHH Phú Gia Compound), giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 7/4/2017 thể hiện ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 40 tỷ đồng, tương đương 80% vốn điều lệ của doanh nghiệp trên.

Dự án nhà hàng - bến du thuyền do Công ty TNHH IVC làm chủ đầu tư là một trong chín dự án liên quan đến Vũ “nhôm” tại Đà Nẵng
Dự án nhà hàng - bến du thuyền do Công ty TNHH IVC làm chủ đầu tư là một trong chín dự án liên quan đến Vũ “nhôm” tại Đà Nẵng)

Chỉ hơn một năm sau khi ông Trần Bắc Hà (Chủ tịch HĐQT BIDV) nghỉ hưu, vợ và con ông Trần Bắc Hà đã đồng loạt thoái lui khỏi các doanh nghiệp ngàn tỷ. Vợ ông Trần Bắc Hà rút lui khỏi Resort hạng sang ở Quy Nhơn ngay trước thời điểm vụ án Phạm Công Danh được đưa ra xét xử ngày 8/1/2018, mà cựu Chủ tịch HĐQT BIDV là người có liên quan.

Trước đó, cuối năm 2017, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định, Công ty CP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn - đơn vị chủ sở hữu Khu nghỉ dưỡng 4 sao Hoàng Gia Quy Nhơn toạ lạc tại vị trí "đất vàng" của TP. Quy Nhơn với diện tích hàng chục nghìn m2 nằm dọc theo bờ biển đã đổi tên người đại diện pháp luật. Theo đó, từ ngày 27/12/2017, bà Ngô Kim Lan (vợ ông Trần Bắc Hà) không còn đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty CP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn, người ngồi vào vị trí đó là bà Ngô Thị Kim Oanh (em gái bà Ngô Kim Lan).

Và mới đây nhất là Tập đoàn Lã Vọng (tiền thân là Công ty cổ phần Thương mại Ngôi Nhà Mới) và chuỗi hệ thống các nhà hàng Lã Vọng, các quán Cafe dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân do ông Lê Văn Vọng làm Giám đốc. Trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án của Tập đoàn Lã Vọng, người sáng lập, cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Lã Vọng là ông Lê Văn Vọng đã có đơn thoái toàn bộ số vốn đang nắm giữ tại Tập đoàn này. Đơn đề nghị của ông Vọng sau đó đã được Hội đồng quản trị, các cổ đông của Tập đoàn Lã Vọng ra nghị quyết chấp thuận và kể từ ngày 18/1/2018, người đại diện pháp luật của Tập đoàn Lã Vọng được công bố là ông Đỗ Minh Đàm – Tổng Giám đốc Tập đoàn. Tiếp đó, vào cuối tháng 2/2018, ông Lê Văn Vọng cũng hoàn tất thủ tục thoái vốn tại Công ty Cổ phần thương mại Ngôi Nhà Mới – tiền thân của Tập đoàn Lã Vọng.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao ông Lê Văn Vọng, người có thể nói là đã “khai sinh”, “chăm sóc” Tập đoàn Lã Vọng suốt bao năm qua lại rời bỏ Tập đoàn này một cách khá bất ngờ như vậy?

Nhà hàng Lake View Coffe - một cơ sở kinh doanh của Tập đoàn Lã Vọng.
Nhà hàng Lake View Coffe - một cơ sở kinh doanh của Tập đoàn Lã Vọng.)

Nghĩ về giải pháp chặn việc tẩu tán tài sản bất minh

Trong kinh doanh, việc một nhà đầu tư rút vốn khỏi doanh nghiệp để đầu tư vào một doanh nghiệp khác cũng là chuyện rất bình thường. Nhưng với những trường hợp nêu trên thì dư luận cho rằng câu chuyện lại không bình thường chút nào. Bởi thời điểm những ông chủ, bà chủ của những doanh nghiệp này rút vốn khỏi doanh nghiệp là thời điểm khá “nhạy cảm”, hoặc bị cơ quan Thanh tra “sờ gáy” hoặc có dấu hiệu liên quan đến một vụ án nào đó. Do đó, hiện tượng “rút vốn” bất thường của các ông chủ doanh nghiệp thời gian qua, các cơ quan chức năng không thể xem nhẹ, bỏ qua, vì có những trường hợp cho thấy dấu hiệu tẩu tán tài sản.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, thiệt hại được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất. Tuy nhiên tỉ lệ thu hồi lại thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt, chỉ thu hồi được 7,82% về tiền, tài sản và 54,75% về đất. Trong những năm gần đây, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy có tăng nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Năm 2016, tỉ lệ thu hồi đạt 38,3%.

Vấn đề đặt ra là trước khi có kết luận thanh tra, điều tra, khởi tố và tiến hành tố tụng, thì việc xác định được khối tài sản là do hành vi phạm tội tham nhũng mà có, cần có biện pháp để kiên quyết thu hồi triệt để trả lại cho chủ sở hữu, quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ Nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, càng ở giai đoạn đầu của việc giải quyết các vụ án tham nhũng mà có cơ chế giải pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, thì sau đó tỉ lệ thu hồi tài sản càng cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngay từ giai đoạn đầu không chỉ chú trọng đến vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự mà còn phải quan tâm đến việc áp dụng pháp luật để thu hồi được tối đa tài sản tham nhũng.

Trong thời gian gần đây, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được xử lý nghiêm minh trước pháp luật và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của Nhân dân cả nước. Tuy nhiên, vấn đề mà Nhân dân cả nước còn chưa hài lòng, tỷ lệ tài sản được thu hồi còn thấp, việc tẩu tán tài sản tham nhũng được thực hiện một cách tinh vi và dễ dàng. Quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng còn kéo dài, pháp luật còn kẽ hở để các đối tượng có hành vi tham nhũng có thời gian, điều kiện tẩu tán tài sản tham nhũng.

image006

Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành quy định các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán... khi thực hiện nhiệm vụ mà phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền đề nghị điều tra, xử lý hình sự. Và khi đó, cơ quan điều tra mới có thể áp dụng các biện pháp bắt buộc như: kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản... Thế nhưng, thực tế thì cơ quan thanh tra phải kiểm tra, kết luận xong, cơ quan điều tra mới vào cuộc. Mà việc kiểm tra, thanh tra bao giờ cũng có sự tham gia của đối tượng bị kiểm tra, thanh tra. Việc kiểm tra, thanh tra có khi kéo dài cả năm trời. Do đó, đối tượng vẫn có cách để tẩu tán tài sản.

Trả lời chất vấn các ĐBQH về giải pháp chống tẩu tán tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó có nguyên nhân về thể chế, chính sách chưa cụ thể hóa kịp thời; quy định của pháp luật về thu hồi tài sản còn mang tính nguyên tắc, quy định trách nhiệm, phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa rõ ràng; việc nội luật hóa các quy định về thu hồi tài sản theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng còn chậm.

Bên cạnh đó, tội phạm tham nhũng thuộc nhóm tội có độ ẩn cao cả về hành vi phạm tội và tài sản bị chiếm đoạt. Kẻ phạm tội luôn có xu hướng che dấu, tẩu tán, hợp pháp hóa những tài sản do tham nhũng mà có, dẫn đến khó khăn cho việc truy tìm, thu hồi tài sản.

Về giải pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định: Việc thu hồi tài sản tham nhũng luôn phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, việc hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thu hồi tài sản là cấp thiết….

Đặc biệt tới đây, khi đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó đề xuất việc xử lý đối với tài sản tham nhũng, tài sản không kê khai, tài sản tăng thêm nhưng không giải trình được một cách hợp lý.

Luật sư Phan Thị Thu Nga, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Trong các vụ án lớn, tham nhũng có tính chất rất nghiêm trọng, số tiền tham nhũng, thiệt hại lớn nhưng tài sản thu hồi là rất ít. Chúng ta không kiểm soát được dòng tiền do tình trạng dùng tiền mặt, không chi trả qua tài khoản ngân hàng nên khó xác định được tiền đi đâu về đâu, khó truy được nguồn gốc tiền, do vậy việc thi hành án để thu hồi tài sản thường rất khó thực hiện.

Về giải pháp tổng hợp, chúng ta phải nhanh chóng triển khai cơ quan quản lý dòng tiền. Trong điều kiện hiện tại thì tạm thời có thể cho phép giao dịch tiền mặt với các hoạt động bình thường còn những giao dịch lớn như: mua ô tô, giao dịch bất động sản, cổ phần, cổ phiếu, đầu tư... phải qua chuyển khoản. Bên cạnh đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng phải có những chế tài quy định mạnh hơn, quy định rõ ràng về cưỡng chế, kê biên, phong tỏa tài khoản. Nghĩa là chúng ta phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời, khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng thì lập tức kê biên toàn bộ tài sản, phong tỏa tài khoản.

Nguyễn Thành

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-dong-thai-rut-von-bat-thuong-tai-cac-cong-ty-nghin-ty-nghi-toi-giai-phap-ngan-chan-viec-tau-tan-tai-san-bat-minh-a197060.html