Trong khi sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria từ lâu đã được đảm bảo thì những nỗ lực của Moscow nhằm gia tăng sức mạnh mềm tại quốc gia Trung Đông này cũng đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
Hiện tại, quân đội Nga đang hỗ trợ tích cực cho các chiến dịch quân sự của chính quyền Syria nhằm chống lại các phần tử khủng bố và cực đoan tại quốc gia này. Hành động đó đã giúp Moscow ghi dấu ấn sức mạnh quân sự, song chưa dừng lại ở đó, Nga cũng đang nỗ lực gia tăng sức mạnh mềm của mình tại đất nước đang dần bước ra khỏi giai đoạn chiến tranh này.
Khi năm học mới đến gần cũng là lúc Raeda Tahan (18 tuổi) bắt đầu phải suy nghĩ về ngành học tương lai tại đại học Damascus sau khi tốt nghiệp trung học. Cô bé đang chờ đợi thông báo tuyển sinh từ trường để quyết định sẽ theo học ngôn ngữ văn học tiếng Nga hay tiếng Anh.
Từ hơn một năm trước, Tahan đã ấp ủ được học tiếng Nga trong một trường đại học tư nhân, vì cô bé tin vào sự quan trọng của việc học ngôn ngữ của đồng minh số một của Syria cũng như vai trò trong tương lai của văn hóa Nga đối với Syria trong nhiều năm tới.
Từ 4 năm trước, đại học Damascus đã thành lập khoa Văn học tiếng Nga. Đó không phải lần đầu tiên, cũng không phải hoạt động cuối cùng trong quá trình “mở rộng văn hóa” của Nga tại Syria.
Nói cách khác, Nga không chỉ gia tăng ảnh hưởng về mặt quân sự ở Syria mà còn muốn tác động tới văn hóa, xã hội của quốc gia Trung Đông này.
Mới đây nhất, một trong những nỗ lực gia tăng sức mạnh mềm của Nga tại Syria là mở cửa trường tiểu học đầu tiên tại Trung Đông ở Thủ đô Damascus, dự kiến sẽ vào học trong tháng tới. Tuần trước, truyền thông Nga cho hay, một trong những hợp tác nhân đạo quan trọng nhất giữa Nga và Syria là trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có việc xây dựng một trường học Nga dưới sự giám sát của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Các chương trình giảng dạy sẽ là chương trình của Nga được dịch sang tiếng Anh.
Truyền thông Nga cho hay, đó là kết quả của sự quan tâm ngày càng tăng của người dân Syria đối với giáo dục đại học Nga, cũng như sự phổ biến của ngôn ngữ Nga ở Syria với khoảng 15.000 người đang theo học ở các lĩnh vực khác nhau.
Trong 3 năm qua, bộ Giáo dục Syria đã đưa tiếng Nga vào chương trình giảng dạy với tư cách là một ngoại ngữ thứ hai, cùng với tiếng Anh, để thay thế cho tiếng Pháp, từ lâu vốn đã đóng vai trò quan trọng trong các trường học ở Syria.
Theo tuyên bố của các quan chức Bộ, số lượng trường học cho giảng dạy tiếng Nga năm ngoái đạt 170 trường, phân bố ở hầu hết các thành phố tại Syria, với sự tham gia giảng dạy của khoảng 100 giáo viên từ Syria. Con số này dự kiến sẽ tăng trong năm học mới bắt đầu từ tháng Chín tới.
Bộ Giáo dục Syria cũng đã mở một trung tâm Nga tại đại học Damascus để khuyến khích sự hợp tác giữa Nga và Syria.
Ngoài ra, nhiều trung tâm ngôn ngữ tư nhân và các trường đại học tư cũng mọc lên ở các thành phố như Damascus, Homs, Latakia và Tartus, thuê cả giáo viên địa phương và giáo viên từ Nga về dạy.
Ông Abdul Hakim M, một giáo viên đã nghỉ hưu tại khoa Xã hội học của đại học Damascus, tin rằng tất cả những điều trên là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm lâu dài của Nga đối với Syria trên nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ gói gọi trong quân sự.
Theo ông, Nga đang cố gắng mở rộng “quyền lực mềm” ở Syria nhằm thể hiện rằng Moscow là đồng minh lớn nhất của chính quyền Damascus cả trong thời chiến và thời bình.
Ông tin rằng cả hai bên đang cố gắng trao đổi lợi ích trên nhiều cấp độ kinh tế, chính trị và văn hóa khác nhau. Sự tồn tại của chính quyền Syria có liên quan mật thiết tới những nỗ lực của Nga với tư cách một cường quốc và đồng minh lớn nhất của Damascus.
Ahmed Meftah (45 tuổi), hiện đang dạy tiếng Nga tại một đại học tư nhân ở Damacsus, lại có ý kiến khác. Ông cho rằng Nga không cố ý áp đặt hay can thiệp để ngôn ngữ, văn hóa của mình được lan truyền tại Syria, mà do người Syria bắt đầu cảm thấy yêu ngôn ngữ của đồng minh đất nước mình nên đã quyết định tự tìm hiểu, đặc biệt là với những ai muốn có cơ hội phát triển và giành học bổng ở Nga.
Meftah cho rằng chính nhu cầu đó đã giúp anh, một người đã tốt nghiệp tại một trường kỹ thuật của Nga, có khả năng tìm việc và có một mức thu nhập khá. Mặc dù gặp khó khăn trong việc dạy ngôn ngữ mới cho những người Syria song niềm đam mê của những học viên đã khiến cho công việc của anh trở nên dễ dàng hơn, Meftah cho biết.
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/quyen-luc-mem-cua-nga-len-ngoi-tai-syria-a382826.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/quyen-luc-mem-cua-nga-len-ngoi-tai-syria-a196887.html