(Pháp lý) - Bên cạnh nguyên nhân chính là hành lang pháp lý chưa đầy đủ và rõ ràng, có ý kiến cho rằng việc chúng ta ưu ái lớn cho các doanh nghiệp FDI cũng là một trong những bất cập, vô tình tạo kẽ hở giúp các doanh nghiệp này thực hiện các hành vi gian lận thuế và chuyển giá.
Những rào cản vô hình
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, năm 2017, cơ quan này đã tiến hành hơn 97.200 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, theo đó số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra đạt gần 18.000 tỉ đồng, giảm khấu trừ hơn 1.630 tỉ đồng, giảm lỗ hơn 34.100 tỉ đồng, thuế nộp vào ngân sách gần 14.400 tỉ đồng. Trước đó, năm 2016, Tổng cục thuế cũng đã thanh tra, kiểm tra tại hơn 84.472 doanh nghiệp với số thuế tăng thu được đạt 17.164 tỉ đồng, số tiền thuế nộp ngân sách 11.907 tỉ đồng. Điều này cho thấy vấn đề gian lận thuế ở Việt Nam hiện phổ biến và nghiêm trọng như thế nào. Ngoài các lỗ hổng của quy định pháp luật thì năng lực xử lý, chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật thuế còn nhẹ, chưa đủ sức ngăn ngừa và răn đe. Ví dụ nhiều doanh nghiệp nợ thuế kéo dài, nhưng cơ quan chức năng không xử lý hình sự được. Các quy định của Chính phủ được cải cách theo hướng ngày càng thông thoáng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp làm ăn không chân chính lợi dụng những chính sách thông thoáng đó để trục lợi thuế. Ví dụ như những quy định cho phép doanh nghiệp bỏ bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra trong việc khai và hạch toán doanh thu và chi phí; chính sách hoàn thuế trước, kiểm tra sau cũng thường bị doanh nghiệp lợi dụng để gian lận.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Quản lý thuế, thời hạn một lần thanh tra thuế không quá 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra thuế. Trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn thời hạn thanh tra, nhưng thời gian gia hạn cũng không quá 30 ngày. Từ kinh nghiệm thanh tra thuế của các cơ quan thuế những năm qua cho thấy thời gian này sẽ rất khó để cơ quan thuế chuẩn bị đủ các thông tin, dữ liệu, phân tích. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Theo đó, việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp sẽ không được phép vượt quá 1 lần/năm. Quy định này nhằm chấn chỉnh lại tình trạng nhiều cơ quan quản lý nhà nước lạm dụng thẩm quyền, thực hiện thanh tra doanh nghiệp một cách không đồng bộ, thiếu kế hoạch, quá mức cần thiết gây phiền hà và tốn kém cho doanh nghiệp. Mặc dù quy định này là cần thiết nhưng đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế chuyển giá vốn có nhiều phức tạp thì quy định cứng như vậy đôi khi cũng tạo ra nhiều khó khăn cho cơ quan thuế.
Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam), việc đấu tranh chống chuyển giá đã phức tạp, đấu tranh với những doanh nghiệp lớn càng khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Điều này là bởi vì các doanh nghiệp lớn luôn có tiềm lực tài chính và nhân lực rất mạnh. Họ có một đội ngũ chuyên gia cực kỳ am hiểu về kế toán, tài chính, thuế và luật để có thể tạo ra vô vàn các giao dịch liên kết phức tạp và lập nên các báo cáo tài chính rất công phu đủ che mắt các cơ quan thuế. Khi đối diện với các cuộc thanh tra thuế, họ có thể thuê các chuyên gia thuế với chi phí đắt đỏ để tranh luận với các nhân viên thuế địa phương và thường thì họ dành phần thắng. Ở Việt Nam, tình huống Coca-Cola, Pepsi, Adidas, Metro... đã cho thấy điều đó. Ngoài các công ty đa quốc gia (MNCs), các công ty xuyên quốc gia (TNCs) hoạt động ở Việt Nam, chuyển giá cũng không phải là vấn đề xa lạ với các doanh nghiệp trong nước, cả doanh nghiệp nhỏ lẫn doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực. Việc đấu tranh với các doanh nghiệp này cũng gặp không ít các khó khăn và thách thức so với các doanh nghiệp FDI. Ngoài vấn đề tiềm lực tài chính và nhân lực, các tập đoàn MNCs, TNCs hoạt động ở Việt Nam còn dành được sự quan tâm và ưu ái rất nhiều của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương. Việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các tập đoàn này ít nhiều cũng bị trở ngại bởi các rào cản vô hình đó. Chỉ khi có những bằng chứng khá rõ ràng, có cơ sở và vấn đề đủ nghiêm trọng thì cơ quan thuế mới có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra, song tất cả đều phải lên kế hoạch cẩn trọng, cụ thể và phải báo trước. Mặc dù các tập đoàn quốc tế đầu tư ở Việt Nam nhìn chung đều tuân thủ rất tốt luật pháp của Việt Nam. Thậm chí có nhiều tập đoàn còn hình thành nên nhiều chuẩn mực kinh doanh tốt, đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện các chính sách và quy định của luật pháp Việt Nam. Tuy nhiên, trên phương diện thuế khóa, xét về bản chất lợi ích, không phải tập đoàn nào cũng có động cơ tuân thủ tốt mọi nghĩa vụ thuế với nhà nước. Sự quan tâm của Chính phủ hay chính quyền địa phương đối với các tập đoàn lớn là cần thiết, nhưng sự ưu ái và dễ dãi quá mức đôi khi cũng khiến cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các tập đoàn này cũng gặp ít nhiều khó khăn và thách thức vô hình.
Hành lang pháp lý chưa đầy đủ và rõ ràng
Bàn về những bất cập về hành lang pháp lý trong công tác đấu tranh chống chuyển giá, TS. Đặng Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước, cho biết: Các nước trên thế giới đều có hành lang pháp lý và biện pháp nhằm kiểm soát hoạt động chuyển giá, tuy nhiên mỗi quốc gia quy định chống chuyển giá đều có sự khác biệt nhất định. Ở Việt Nam, khuôn khổ pháp lý về chống chuyển giá đang từng bước được hoàn thiện.
Với sự ra đời của Thông tư 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, có thể nói, lần đầu tiên ở Việt Nam một văn bản pháp lý về chống chuyển giá được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, cả doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp khác. Thông tư 66/2010/TT-BTC đã cơ bản khắc phục được những hạn chế, bất cập của Thông tư 117/2005/TT-BTC ngày 19/12/2005 của Bộ Tài chính và được xem là văn bản pháp lý điều chỉnh một cách khá chi tiết về biện pháp chống chuyển giá bằng phương pháp định giá chuyển giao. Ý nghĩa của việc định giá chuyển giao là xác định lại giá giao dịch giữa các doanh nghiệp liên kết nhằm đưa giá giao dịch liên kết về đúng với giá thị trường. Về cơ bản, các quy định và các phương pháp xác định giá thị trường của Thông tư 66/2010/TT-BTC đã phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo Thông tư này, có 5 phương pháp xác định giá thị trường là: Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập; Phương pháp giá bán lại; Phương pháp giá vốn cộng lãi; Phương pháp so sánh lợi nhuận; Phương pháp tách lợi nhuận.
Ở một cấp độ pháp lý cao hơn, Điểm e Khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế quy định cơ quan thuế có quyền ấn định thuế khi người nộp thuế “Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hoá, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường”. Quy định này không hoàn toàn xử lý vấn đề chuyển giá, song cũng tạo ra căn cứ pháp lý nhất định để xử lý vấn đề chuyển giá. Đặc biệt, ngày 24/02/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đây được coi là văn bản pháp lý cao nhất hiện nay để xử lý các doanh nghiệp sử dụng biện pháp này để chuyển giá, trốn thuế. Nghị định 20/2017/NĐ-CP nằm trong khuôn khổ kế hoạch cải cách thuế của Việt Nam nhằm phù hợp với bối cảnh toàn cầu đòi hỏi gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống né thuế (BEPS). Nghị định này đã quy định các nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định giá giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá của giao dịch liên kết và kê khai nộp thuế; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết. Nghị định 20/2017/NĐ-CP đưa ra những quy định mới về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết tại Việt Nam, bao gồm chuẩn bị Hồ sơ kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo ba cấp, các mẫu tờ khai giao dịch liên kết mới, hướng dẫn về khấu trừ chi phí phát sinh từ giao dịch liên kết và chi phí lãi vay. Đây là những thay đổi lớn so với những quy định hiện hành về giá giao dịch liên kết tại Việt Nam. Trong khi được soạn thảo trên cơ sở kế thừa những nội dung còn phù hợp của Thông tư 66/2010/TT-BTC, Nghị định 20/2017/NĐ-CP đã mở rộng phạm vi diễn giải đối với một số quy định hiện hành, đồng thời đưa ra một số khái niệm, nguyên tắc mới theo hướng dẫn của OECD và Chương trình hành động BEPS. Nghị định 20/2017/NĐ-CP đã đưa ra Nguyên tắc “Bản chất quyết định hình thức”, là nguyên tắc để cơ quan thuế áp dụng trong công tác quản lý, kiểm tra và thanh tra giá giao dịch liên kết; đồng thời, nguyên tắc này cũng là cơ sở cho việc soạn thảo các điều khoản và quy định được nêu trong Nghị định này.
Như vậy, có thể thấy, nỗ lực đáng ghi nhận của các cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua là việc đã thiết lập và dần dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, tạo những cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành Thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam chưa hoàn thiện. Xét ở cấp độ văn bản pháp luật thì quy định về chuyển giá và chống chuyển giá chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng. Như đã phân tích trên, ở cấp độ luật mới chỉ có Điểm e Khoản 1 Điều 37 của Luật Quản lý thuế quy định một nội dung có liên quan có thể được vận dụng làm cơ sở để đấu tranh chống chuyển giá. Ngoài ra, các quy định về định giá chuyển giao chỉ mới dừng ở cấp thông tư và gần đây là nghị định nên hiệu lực pháp lý chưa cao, gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Hiện nay, cũng chưa có quy định rõ ràng về các khoản chi ngân sách phục vụ chống chuyển giá (chi phí để mua thông tin, chi phí điều tra, xác minh...); chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan (công an, tham tán kinh tế) để giúp ngành Thuế thu thập thông tin phục vụ công tác chống chuyển giá; chưa có cơ quan chuyên trách chống chuyển giá ở cấp Trung ương nhằm chỉ đạo thực hiện thông suốt công tác chống chuyển giá ở tầm quốc gia và trực tiếp xử lý các vấn đề về thông tin ở tầm quốc tế.
Đồng quan điểm với TS. Đặng Văn Hải, PGS,TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính phân tích thêm: việc cơ quan thuế chưa được giao thẩm quyền điều tra về thuế nên rất khó khăn trong đấu tranh chống chuyển giá. Một trong những cơ sở quan trọng để xác định có hành vi chuyển giá hay không và áp dụng phương pháp nào để xác định giá chuyển giao trong trường hợp có hành vi chuyển giá là phải có thông tin đầy đủ và đáng tin cậy về người nộp thuế, song nếu không có quyền điều tra (với những thẩm quyền cụ thể như: kiểm tra đột xuất, khám xét, bắt giữ...) thì rất khó khăn trong thu thập thông tin.
Đình Nguyễn
Link nội dung: https://phaply.net.vn/chuyen-gia-chi-ro-nhung-bat-cap-cua-chinh-sach-phap-luat-a196737.html