Với vai trò là tổ chức tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã và đang tích cực nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Sáng ngày 17/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị “Công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018”.
Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đại sứ quán, các tổ chức trong và ngoài nước cùng các thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp là những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ từ nhiều năm qua.
Với vai trò là tổ chức tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã và đang tích cực nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.
Năm 2018, một trong những kết quả tích cực của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính là xây dựng và hoàn chỉnh Báo cáo đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (Báo cáo APCI 2018) với những phân tích đầy đủ các khía cạnh “chi phí” của việc thực hiện chuỗi những thủ tục hành chính trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh (doing business) của doanh nghiệp, gồm: (1) khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; (2) giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh; (3) đầu tư; (4) đất đai; (5) xây dựng; (6) môi trường; (7) thuế; (8) hải quan.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm, Báo cáo APCI 2018 là sản phẩm của quá trình nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng, phân tích chuyên sâu của nhóm chuyên gia kết hợp với sự tham gia tích cực của các thành viên trong Hội đồng.
Kết quả APCI 2018 là những dữ liệu thực tế, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để làm cơ sở phục vụ việc đánh giá tính hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm thủ tục hành chính và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo; giúp cho các cơ quan nhà nước ở Trung ương tiếp tục thực hiện các phương án kiểm soát thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ phù hợp tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý; đề xuất những ưu tiên cải cách cho các vùng, địa phương phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế ở từng địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm nêu rõ, thông qua những kết quả khách quan được phản ánh bởi APCI 2018, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính có những đề xuất, khuyến nghị với các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp những vấn đề cụ thể như:
Một là, những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính cần phải được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh nhằm xây dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ phấn đấu đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD.
Hai là, những đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai Chính phủ điện tử thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ hành chính công cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phục vụ doanh nghiệp, tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và giảm thiểu nhũng nhiễu, tiêu cực.
Ba là, Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 là kết quả đo lường dựa trên trải nghiệm của doanh nghiệp đối với tính hợp lý của quy định pháp luật, thực tiễn thi hành và chất lượng thực thi thủ tục hành chính. APCI 2018 bổ sung cho các chỉ số hiện có đánh giá về môi trường kinh doanh, quản trị hành chính công của Việt Nam và là dữ liệu cơ sở ban đầu cho việc đánh giá hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm thủ tục hành chính và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo. Dựa vào kết quả của Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của những năm tiếp sau, Chính phủ sẽ có thêm một công cụ được lượng hóa để so sánh nỗ lực cải cách của từng bộ, ngành, địa phương và từ đó tạo động lực và cạnh tranh trong cải cách.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết, đây là năm đầu tiên công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Trong các năm tới, Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sẽ thực hiện so sánh mức độ cải cách mà các bộ ngành, địa phương đã thực hiện trong năm trước, nhằm giúp các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương xem xét, đo lường được mức độ cải cách của ngành, lĩnh vực, địa phương mình và xác định được những vấn đề cần tiếp tục cải cách cho những năm tiếp theo. Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm sau cũng sẽ tạo động lực giữa các địa phương trong việc cải cách thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ.
Theo nguoiduatin.vn
https://www.nguoiduatin.vn/no-luc-cai-cach-hanh-chinh-giam-thieu-nhung-nhieu-tieu-cuc-a382437.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/no-luc-cai-cach-hanh-chinh-giam-thieu-nhung-nhieu-tieu-cuc-a196665.html