Chuyên đề: Chung tay hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật để phòng, chống tham nhũng hiện quả

(Pháp lý) - LTS: Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng được tổ chức vào cuối tháng 6/2018, cho ý kiến về giải pháp, phương hướng trong thời gian tới để PCTN hiệu quả, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Phải tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; phấn đấu từ nay đến hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng".

Vấn đề thu hồi đất của người dân để thực hiện các dự án vì mục đích công cộng trên thực tế hiện nay có nhiều bất cập (ảnh minh họa)
Vấn đề thu hồi đất của người dân để thực hiện các dự án vì mục đích công cộng trên thực tế hiện nay có nhiều bất cập (ảnh minh họa))

Tổng Bí thư đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) bảo đảm khả thi và hiệu quả; sớm ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp, Luật Thanh tra, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức… và các văn bản quy định chi tiết thi hành để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong phòng, chống tham nhũng. Đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, nhất là ở các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.

Với chức năng, nhiệm vụ cơ quan báo chí của Hội Luật gia VN và với mong muốn chung tay cùng các cấp, các ngành hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật để PCTN hiệu quả hơn nữa, từ số Tạp chí này, Pháp lý khởi đăng các bài nghiên cứu, phân tích bình luận, ghi chép, đối thoại nhằm thông tin phản ánh những ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Luật gia, chuyên gia... về những bất cập của pháp luật có liên quan tới công tác PCTN, từ đó đề xuất kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung cụ thể.

Bài 1: Tham nhũng có thể nảy sinh từ những “kẽ hở” nào của Luật Đất đai?

So với Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai năm 2013 có những điểm mới quan trọng có ý nghĩa phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên qua quá trình thực thi, đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để chặn nguy cơ tham nhũng từ nguồn lợi đất đai.

Nhiều chế định kỳ vọng phòng ngừa tham nhũng đất đai…

Theo tìm hiểu của Phóng viên Pháp lý, các quy định của Luật Đất đai 2013 có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa tham nhũng phải kể đến như: Quy định cụ thể từ nguyên tắc đến nội dung và mở rộng dân chủ, công khai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo đó, người sử dụng đất có quyền tham gia đóng góp ý kiến của mình từ khi lập quy hoạch, đồng thời, quy định bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch.

image001Đồng thời, Luật quy định rõ các đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và điều kiện để triển khai thực hiện các dự án đầu tư để Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Quy định này nhằm khắc phục một cách có hiệu quả việc giao đất, cho thuê đất một cách tràn lan mà không tính đến năng lực của các chủ đầu tư trong việc triển khai các dự án gây nên tình trạng sử dụng đất lãng phí, kém hiệu quả như trong thời gian vừa qua; Quy định cụ thể những trường hợp Nhà nước cần thu hồi đất, nhằm khắc phục, loại bỏ những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất, tạo nên các dư luận xấu trong xã hội.
Trước khi Luật Đất đai 2003 được sửa đổi, vấn đề bức xúc nhất, gây khiếu kiện nhiều nhất của người dân là vấn đề liên quan đến thu hồi đất, bồi thường khi thu hồi đất. Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) đã quy định khá cụ thể và đầy đủ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư bảo đảm một cách công khai, minh bạch đến quyền lợi của người có đất bị thu hồi; hướng đến điều tiết một cách hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Luật Đất đai 2013 còn quy định vấn đề về tài chính đất đai theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; về giá đất, khung giá đất do Chính phủ ban hành, định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá cho phù hợp. Căn cứ vào khung giá đất do Chính phủ ban hành, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01/01 của năm đầu kỳ.

Luật Đất đai 2013 bổ sung các quy định về hệ thống thông tin, hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá một cách công khai, minh bạch và bảo đảm dân chủ trong điều kiện đất đai thuộc sở hữu toàn dân và để người dân có thể giám sát theo dõi các hoạt động quản lý đất đai. Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng các quy định trên nếu được thực hiện đầy đủ trên thực tế sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Những vấn đề còn không ít kẽ hở của Luật “giúp” tham nhũng nảy sinh?

Bên cạnh những ưu điểm thì quá trình thực thi, Luật bộc lộ nhiều kẽ hở, làm nảy sinh tham ô, tham nhũng. PGS.TS Trần Thị Cúc (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng: Nhà nước ta chấp nhận phát triển kinh tế nhiều thành phần nhưng chỉ công nhận một chế độ sở hữu đất đai đó là sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu. Ở đây đã có một độ vênh khi xác định quyền sở hữu tài sản của cá nhân và tổ chức sử dụng đất. Chính độ vênh này đã tạo những kẽ hở có thể bị lợi dụng tham nhũng. Người dân cho rằng, đất đai của họ là do ông cha để lại, khai phá, chuyển nhượng. Cán bộ công chức nhà nước cho rằng mình có quyền lực trong quản lý, vì họ là đại diện cho chủ sở hữu. Hệ quả là, quyền lực của bên quản lý lớn có thể dẫn đến độc quyền, tham nhũng nếu quyền lực này không được kiểm soát chặt chẽ.

Quyền lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cũng tiềm ẩn những nguy cơ tham nhũng. Nhà nước quản lý đất đai bằng nhiều công cụ, trong đó có công cụ quy hoạch. Nhà nước quyết định sử dụng mảnh đất đó thế nào, người sử dụng là ai, có quyền gì. Do vậy nếu việc lập quy hoạch mập mờ thì có thể gây thiệt hại cho người dân, cán bộ làm quy hoạch có cơ hội để tham nhũng.

Luật Đất đai 2013 quy định, nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người dân theo quy định của Luật Đất đai. Nhà nước trao quyền đó bằng quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…. Như vậy việc quyết định quyền sử dụng đất (là một quyền tài sản) bằng một quyết định hành chính, do một người là đại diện cơ quan hành chính nhà nước ban hành. Quy định như vậy có thể tạo ra cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng.

“Hiện quy định về thu hồi đất của người dân để phục vụ các dự án vì mục đích quốc gia, công cộng đang khiến nhiều người dân băn khoăn. Cụ thể, khi Nhà nước quy hoạch một khoảng đất làm Trung tâm thương mại, công viên, vườn hoa, nhà xưởng,… vì lợi ích công cộng, phát triển kinh tế, thì Nhà nước vận động người có đất riêng lẻ hy sinh vì lợi ích cộng đồng. Thế nhưng, trong cơ chế thị trường liệu có sự hy sinh của người này cho người kia hưởng lợi? Liệu một người có nhà ở, có đất nông nghiệp đang tạo công ăn việc làm cho cả gia đình có tự nguyện giao đất cho dự án làm công viên, nơi nghỉ mát, sân chơi... trong khi đó họ chưa đủ cơm ăn, áo mặc, chưa có việc làm. Cơ chế này, có nguy cơ gây ra thiệt thòi, bất công trong xã hội”, PGS.TS Trần Thị Cúc nhấn mạnh.

Luật Đất đai 2013 còn “vênh” với nhiều luật khác!

Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng từng chỉ ra nhiều hạn chế của Luật Đất đai 2013. Cụ thể ông Võ cho rằng thiết kế hệ thống chính sách đất đai chưa đồng bộ, đang tồn tại một số chính sách khó thực hiện đồng thời. Có thể lấy ví dụ như, Luật đã đặt chính sách Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch để đưa đất ra đấu giá (xem nội dung Chương Quy hoạch sử dụng đất) nhằm ngăn ngừa tham nhũng, nhưng lại cho phép người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân được thực hiện quyền “cho chủ đầu tư dự án thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư dự án để thực hiện dự án theo quy định của Chính phủ” đối với trường hợp đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án (Điểm i Khoản 1 Điều 179). Cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa hướng dẫn được cơ chế thực hiện 2 quyền này khi Nhà nước thu hồi đất.

Khi xem xét thông qua Luật Đất đai năm 2013, những chính sách lớn về quản lý, sử dụng tài sản gắn liền với đất chưa được liên kết một cách hệ thống với Luật Đất đai nên tồn tại nhiều hoặc là khoảng trống pháp luật hoặc là chồng chéo có xung đột pháp luật. Một ví dụ điển hình là Luật Đất đai năm 2013 đã đưa ra cải cách cơ chế giải quyết “dự án treo” trên nguyên tắc Nhà nước sẽ thu hồi cả đất đai và tài sản gắn liền đã đầu tư sau khi gia hạn 24 tháng thực hiện đối với các dự án rơi vào tình trạng bị “treo”. Quy định này trái với Hiến pháp năm 2013 và Luật Đầu tư năm 2014 về quy định Nhà nước cam kết bảo hộ tài sản của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư.

Định giá đất chưa hợp lý dễ phát sinh khiếu kiện (ảnh minh họa)
Định giá đất chưa hợp lý dễ phát sinh khiếu kiện (ảnh minh họa))

Ông Võ còn cho biết, do mục tiêu của Luật Đất đai năm 2013 được đặt ra là tăng cường quản lý nhà nước về đất đai chứ không phải là nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng đất, nên rất thiếu những quy định, chế tài cụ thể hướng đến sử dụng nguồn lực đất đai một cách hiệu quả. Mặt khác, Luật chưa đưa ra được các quy định nhằm khắc phục nguy cơ tham nhũng khi Nhà nước vừa có quyền quyết định về đất đai với tư cách đại diện cho sở hữu toàn dân và vừa có quyền quyết định về quản lý đất đai với tư cách là cơ quan quản lý của Nhà nước. Về nguyên tắc, người quản lý chung phải đứng ngoài các quyết định liên quan tới lợi ích từ đất, mới đảm bảo tính khách quan, công tâm.

Hiện nay, hệ thống tài chính đất đai gồm định giá đất và thuế đất vẫn chưa đạt được trạng thái cần thiết của chuẩn mực quản lý phù hợp. Quyết định giá đất của cơ quan hành chính là thiếu độc lập và khách quan. Hệ thống thuế về đất đai lạc hậu, làm cho nguồn thu từ đất quá nhỏ bé so với nhu cầu bảo vệ lợi ích toàn dân về đất đai. Quan điểm xây dựng hệ thống thuế về đất đai cần chuyển hẳn sang mục tiêu thuế là công cụ quan trọng của Nhà nước để điều tiết thị trường. Hệ thống thuế về đất đai hiện hành đang là nguyên nhân chính làm cho ngân sách phải chi quá nhiều cho đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng, mà mọi người sử dụng lại không phải trả bất kỳ một chi phí nào.

Phan Phan (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chuyen-de-chung-tay-hoan-thien-co-che-chinh-sach-phap-luat-de-phong-chong-tham-nhung-hien-qua-a196556.html