Liên quan hàng chục người nhiễm HIV tại Phú Thọ, luật sư Bùi Hoài Thanh cho rằng, sự tham gia của cộng đồng sẽ giúp cho người nhiễm HIV, nhất là trẻ em giảm đi sự mặc cảm, tự ti, từ đó dám đứng lên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Mấy ngày vừa qua, người dân ở tỉnh Phú Thọ nói riêng, cả nước nói chung hoang mang, sốc trước thông tin có 42 mẫu khẳng định dương tính với HIV ở xã Kim Thượng. Đây là kết quả được đưa ra tại buổi làm việc của các cơ quan chức năng tại UBND tỉnh Phú Thọ.
Dù mới hay đã dương tính với HIV từ lâu, nhưng việc làm thế nào để những người nhiễm HIV này giảm đi mặc cảm, sự kỳ thị của nhiều người và hơn nữa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Bùi Hoài Thành (trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách về Y tế, HIV/AIDS), người đã tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý thành công có rất nhiều các trường hợp đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em nhiễm HIV.
Luật sư Bùi Hoài Thanh cho biết: “Tôi rất sốc khi nghe được thông tin 42 trường hợp dương tính HIV tại xã Kim Thượng (Tân Sơn, Phú Thọ). Đây là căn bệnh không ai mong muốn mắc phải, nếu có những trường hợp trẻ em thì cực kỳ thương tâm. Bởi, trước đây tôi đã từng trợ giúp pháp lý cho cháu H. bị nhiễm HIV, dù đã 9 tuổi nhưng cháu không được đi học. Trường tiểu học nơi cháu sinh sống lấy lý do cháu nhiễm HIV là bệnh lây truyền để từ chối tiếp nhận cháu vào học tại trường.
Trường hợp này, luật sư của Trung tâm đã đến trường và làm việc trực tiếp với ban giám hiệu và giải thích về quyền được học của trẻ em nhiễm HIV theo quy định. Đồng thời cũng làm rõ việc từ chối tiếp nhận trẻ em nhiễm HIV vào học vì lý do nhiễm HIV là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định hướng dẫn thi hành. Kết quả là cháu H. đã được vào học lớp 1 năm cháu 9 tuổi.
Hay như trường hợp của cháu T. là người nhiễm HIV, đến tuổi học mầm non nhưng cũng không được nhà trường tiếp nhận vì không có giấy tờ (Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu). Sau khi tiếp nhận thông tin, luật sư của Trung tâm tiến hành xác minh thông tin và được biết mẹ cháu là phụ nữ bán dâm, có sử dụng ma túy đá.
Trong một lần sử dụng ma túy đá, chị ta đã đốt toàn bộ giấy tờ của hai mẹ con (giấy tờ túy thân của mẹ và giấy chứng sinh của con). Sau khi sinh con, chị ta cũng không làm thủ tục khai sinh cho con mà di biến động, sinh sống tại nhiều tỉnh.
Trường hợp này, các luật sư đã rất vất vả để truy tìm nguồn gốc của người mẹ, trên cơ sở đó làm lại toàn bộ giấy tờ tùy thân cho người mẹ và hỗ trợ chi ta làm thủ tục nhập hộ khẩu vào nhà bác ruột. Sau đó, đến tận nơi chị ta đã sinh con để xin trích lục giấy chứng sinh và làm thủ tục khai sinh, nhập hộ khẩu cho cháu bé. Kết quả là cháu đã được đi học mẫu giáo tại trường”.
[caption id="attachment_196516" align="aligncenter" width="410"]
Nhiều người dân Phú Thọ đang sốc trước thông tin 42 người nhiễm HIV.[/caption]
Cũng theo luật sư Bùi Hoài Thanh, có rất nhiều trường hợp vì không hiểu luật nên khi trẻ em đến tuổi đi học nhưng vì căn bệnh thế kỷ và sợ ánh mắt kỳ thị của mọi người nên con không được đến trường. Nhưng, mọi người không hiểu được rằng, xét về phương diện pháp lý thì các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS được ban hành kịp thời và đầy đủ đầu tiên phải kể đến. Luật Phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản hướng dẫn thi hành là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần làm giảm đi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
“Có thể thấy, việc quyền và lợi ích hợp pháp của người nhiễm HIV còn nhiều hạn chế không phải do thiếu các quy định của pháp luật, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV còn khá nặng nề. Trong khi kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS của người dân còn rất nhiều hạn chế.
Do vậy, để bảo vệ sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của người nhiễm HIV tốt hơn nữa thì chắc chắn cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về kiến thức cơ bản HIV/AIDS, cách phòng, tránh lây truyền HIV/AIDS và pháp luật phòng, chống HIV/AIDS tới chính người nhiễm HIV cũng như đông đảo người dân. Giúp họ hiểu về HIV/AIDS từ đó biết cách phòng, tránh sự lây truyền HIV có thể xảy ra.
Ngoài ra công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nhiễm HIV cũng rất quan trọng. Sự tham gia của luật gia, luật sư và cộng đồng sẽ giúp cho người nhiễm HIV giảm đi sự mặc cảm, tự ti, từ đó dám đứng lên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, luật sư Bùi Hoài Thanh phân tích.
Mai Thu (nguoiduatin.vn)
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/tre-em-nhiem-hiv-se-anh-huong-the-nao-neu-bo-me-khong-hieu-luat-a381921.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tre-em-nhiem-hiv-se-anh-huong-the-nao-neu-bo-me-khong-hieu-luat-a196513.html