Hôm nay (30/7), TAND TP HCM tiếp tục đưa vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm ra xét xử sơ thẩm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với phần tranh tụng.
VKS: Đề nghị thu hồi 6.100 tỷ đồng của 3 ngân hàng
Mở đầu phiên tòa sáng nay, đại diện VKS phát biểu quan điểm luận tội đối với các bị cáo.
Đại diện VKS cho biết vụ án đã được đưa ra xét sơ thẩm 1 lần, sau khi có quyết định trả hồ sơ, phiên toà tiếp tục được đưa ra xét xử. Qua các phiên toà, xét hỏi, tranh luận, VKS xét thấy nội dung vụ án đã được làm rõ. Theo đó, các bị cáo và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đều giữ nguyên lời khai trong các phiên toà trước.
Sau khi phân tích, đánh giá, đại diện VKS cho rằng, qua phiên tòa vào ngày 8/1 và hôm nay, lời khai của các bị cáo cũng như hồ sơ vụ án, cho thấy, Phạm Công Danh đã thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội, lôi kéo nhiều cán bộ, nhân viên, lãnh đạo tại các ngân hàng và công ty sử dụng tinh vi số tiền gửi của VNCB tại Sacombank, TPBank, BIDV để làm tài sản bảo lãnh cầm cố để các ngân hàng này cấp tín dụng cho các công ty, lấy tiền sử dụng.
Phạm Công Danh trực tiếp gặp lãnh đạo các ngân hàng Sacombank, BIDV và thông qua Nguyễn Việt Hà móc nối với lãnh đạo TPBank để thỏa thuận kinh doanh vật liệu theo mô hình mua nhà, lập khống nhiều hợp đồng mua bán trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty Trung Dung để hoàn thành hợp đồng vay tiền của các ngân hàng.
Phạm Công Danh và các đồng phạm đã dùng 6.100 tỷ đồng của VNCB gửi vào các ngân hàng khác để làm tiền bảo lãnh cho 29 công ty vay vốn tại các ngân hàng gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng của VNCB. Do đó, đại diện VKS đề nghị thu hồi số tiền này từ 3 ngân hàng BIDV, TPBank, Sacombank để trả lại cho Ngân hàng Xây dựng (CB).
Bên cạnh đó, đại diện VKS cho rằng, thời gian qua, nhiều vụ án về ngân hàng gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ trong nước. Nhằm răn đe và phòng ngừa tội phạm, cần phải xử lý nghiêm tội phạm này để củng cố lòng tin của người dân, doanh nghiệp với hoạt động của ngân hàng. Theo đó, đại diện VKS đề nghị lần lượt các mức án với các bị cáo:
Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) bị đề nghị 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp với bản án cũ là 30 năm tù.
Cùng tội danh trên, Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) bị đề nghị 4-5 năm tù. Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) bị đề nghị 12-14 năm tù, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù. Mai Hữu Khương (nguyên Thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) bị đề nghị 10-12 năm tù, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù. Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) bị đề nghị 2-3 năm tù, tổng hợp hình phạt là 21-22 năm. Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng ban kiểm soát VNCB) bị đề nghị 5-6 năm tù, tổng hợp hình phạt là 14-15 năm. Phan Minh Tùng (Kế toán hành chính Tập đoàn Thiên Thanh) bị đề nghị 4-5năm tù, tổng hợp hình phạt là 11-12 năm.
Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) bị đề nghị 3-4 năm tù. Nguyễn Việt Hà ((Tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ Lộc Việt) bị đề nghị 6-7 năm tù.
36 bị cáo khác là giám đốc các công ty "ma", giám đốc, phó giám đốc các ngân hàng bị đề nghị từ 2-5 năm tù và cho hưởng án treo.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị giải tỏa kê biên đối căn nhà trên đường An Dương Vương, quận Bình Tân, TP HCM để trả lại cho bà Viên Tú Anh vì căn nhà này không liên quan đến vụ án.
Đối với căn nhà trên đường Hồng Bàng, quận 6, đề nghị HĐXX xem xét theo yêu cầu của bị cáo Trầm Bê để xử lý theo quy định pháp luật.
Về việc thu hồi tài sản để khắc phục hậu quả, trong quá trình điều tra vụ án, VKSNDTC đã có yêu cầu CQĐT có công văn về việc thu hồi các khoản tiền của vụ án.
Trên cơ sở diễn biến tại phiên toà, dựa vào ý kiến phát biểu của các bị cáo, người có quyền nghĩa vụ liên quan,... đề nghị HĐXX ra phán quyết về việc thu hồi tài sản một các khách quan, đúng pháp luật để đảm bảo quyền lợi nhà nước và các bên có liên quan.
Luật sư: Đề nghị CB trả lại số tiền vay 4.500 tỷ đồng
Tranh tụng tại phiên tòa, các Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh tập trung vào số tiền 4.500 tỷ đồng mà Phạm Công Danh đã dùng các pháp nhân để đưa vào VNCB nhằm tăng vốn điều lệ nhưng không được chấp thuận.
Theo cáo Luật sư, liên quan số tiền 4.500 tỷ đồng, trong phiên tòa trước, bị cáo Danh cũng đã đưa ra quyết định chứng minh đây là số tiền bị cáo đi vay và dùng 22 cá nhân góp vào VNCB để tăng vốn điều lệ nhưng không được sử dụng. Tuy nhiên, CB lại cho rằng không thể trả lại số tiền vì đã góp vào dòng tiền chung không thể bóc tách.
Về vấn đề này, các Luật sư tiếp tục đưa ra quan điểm rằng, tại quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, HĐXX đã từng xác định số tiền này do bị cáo Danh chuyển về và sử dụng cho VNCB.
Các Luật sư cho rằng, theo quy định pháp luật, không phải cứ tiền chuyển vào ngân hàng là tiền của ngân hàng. Vậy số tiền này là tiền gì? Cần xử lý như thế nào?
Theo các Luật sư, số tiền 4.500 tỷ đồng không trùng với vốn sở hữu mà phải nằm trong nợ phải trả. Vậy phải trả cho nhóm cổ đông của Phạm Công Danh đã đưa vào ngân hàng. Số tiền này không hiển thị trong số dư của ngân hàng là do trong bản sao kê của ngân hàng không nói đâu là dòng tiền sở hữu, đâu là khoản phải trả, đâu là khoản phải thu. Đến nay, CB vẫn chưa xuất được báo cáo tài chính.
Do đó, số tiền 4.500 tỷ đồng đã chuyển vào tài khoản của VNCB nhưng chưa thuộc quyền sở hữu của ngân hàng. Do đó, các Luật sư đề nghị HĐXX cần xem xét và ghi nhận xác định rõ số tiền 4.500 tỷ đồng do CB sử dụng chứ không phải Phạm Công Danh, toàn bộ khoản tiền sử dụng, dù sử dụng vào mục đích nào cũng đều với tư cách của CB. Đồng thời, buộc CB phải trả lại cho Phạm Công Danh và 22 pháp nhân đứng tên chuyển vào VNCB.
Theo các Luật sư, nếu CB không trả lại số tiền 4.500 tỷ thì CB sẽ được lợi “kép”. Cụ thể, CB đã sử dụng số tiền này để phục vụ cho hợp đồng của ngân hàng. Bây giờ, nếu buộc thu hồi số tiền này để trả cho CB thì CB sẽ tiếp tục được thừa hưởng số tiền này lần thứ 2.
Trong phần bào chữa bổ sung, Phạm Công Danh cảm ơn đến tất cả Luật sư của mình đã cố gắng trình bày bài bào chữa cho ông. Có một vấn đề ông mới nghĩ ra, khoản tiền 4.500 tỷ đồng không thể hoà tan được. “VKS cho rằng tôi sử dụng số tiền này vào tiền riêng, tôi khẳng định là không. Vì số tiền tôi bỏ ra gấp nhiều lần số tiền này chứ không sử dụng một đồng nào số tiền 4.500 tỷ đồng này”, bị cáo Danh nói.
Tương tự, trong phần tự bào chữa bị cáo Phan Thành Mai cũng đề nghị HĐXX xem xét đến dòng tiền 4.500 tỷ đồng.
Bào chữa cho một số bị cáo còn lại, hầu hết các Luật sư xin giữ nguyên quan điểm bào chữa tại phiên tòa lần trước.
Theo Văn Vũ (congly.vn)
Nguồn bài viết: https://congly.vn/phap-dinh/toa-tuyen-an/xet-xu-pham-cong-danh-giai-doan-2-vks-de-nghi-thu-hoi-hon-6-100-ty-dong-tra-cho-cb-262602.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/xet-xu-pham-cong-danh-giai-doan-2-vks-de-nghi-thu-hoi-hon-6-100-ty-dong-tra-cho-cb-a196391.html