Xét xử đại án Phạm Công Danh gia đoạn 2: Truy dòng tiền vay 4.500 tỷ đồng

Hôm nay (26/7), TAND TP HCM tiếp tục mở phiên toà xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với phần xét hỏi.

Hôm nay, phần xét hỏi đối với các bị cáo đã được HĐXX thẩm vấn xong. Hầu hết các bị cáo giữ nguyên lời khai tại phiên tòa lần trước. Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi đối với người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Như trong quyết định trả hồ điều tra bổ sung, HĐXX đã yêu cầu làm rõ dòng tiền 4.500 tỷ đồng vay từ BIDV, TPbank, Sacombank chuyển về VNCB. Do đó, tại phiên tòa hôm nay, HĐXX tiếp tục truy đại diện của Ngân hàng Xây dựng (CB).

HĐXX hỏi: Trong khoảng thời gian Phạm Công Danh thực hiện hàng loạt hành vi vay tiền của các ngân hàng để lấy tiền sử dụng vào mục đích riêng, gây hậu quả nghiêm trọng. Sau khi vay được tiền của 3 ngân hàng, Phạm Công Danh chuyển 4.500 tỷ về VNCB để tăng vốn đều lệ thông qua 22 pháp nhân. Việc này đã được làm rõ từ trước, vậy số tiền này còn tại CB không?

Đại diện CB: Số tiền 4.500 tỷ đồng đã trộn lẫn vào dòng tiền chung và không tách ra được.

HĐXX: Khi Phạm Công Danh chuyển tiền về VNCB nhưng không được sử dụng tăng vốn điều lệ thì có chứng cứ gì cho thấy ông Danh sử dụng số tiền này vào mục đích riêng không?

Đại diện CB: Về hồ sơ chứng từ thì không có chuyển tiền trực tiếp cho ông Danh, các bị cáo khác cũng vậy. Đại diện CB cho rằng, số tiền này đã sử dụng hết cho chính VNCB.

 

 Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa)

Bên cạnh đó, trả lời các câu hỏi của Luật sư về dòng tiền 4.500 tỷ đồng, đại diện CB cho rằng đã trả lời rõ tại phiên toà trước nên không trình bày thêm. Liên quan số tiền này, đại diện CB cho biết, lý do CB vẫn chưa điều chỉnh hạch toán 4.500 tỷ đồng cũng đã trả lời rõ tại phiên tòa trước. Chứng từ hợp pháp duy nhất mà CB có là chứng từ góp vốn nên không đủ cơ sở để có thể hạch toán lại.

Đại diện CB khẳng định vốn điều lệ của ngân hàng là 3.000 tỷ đồng căn cứ theo giấy đăng ký kinh doanh chứ không phải căn cứ vào chứng từ kế toán thể hiện tăng 4.500 tỷ đồng. Về việc ghi nhận 4.500 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu hay nợ phải trả mà luật sư nêu ra, đại diện CB cho rằng phụ thuộc vào chứng từ pháp lý.

Cũng liên quan đến 4.500 tỷ đồng, tại phiên toà, ông Phan Thành Mai khai rằng, ông và Phạm Công Danh có xin phép NHNN tăng vốn điều lệ thành 2 đợt vì thời điểm đó vốn dự kiến trong phương án để tăng vốn điều lệ dùng vào việc hỗ trợ thanh khoản ngân hàng, trả nợ ngoài nên không còn đủ.

Ngân hàng thời điểm đó khó khăn về mọi mặt, ở tình trạng chỉ số dưới quy định của NHNN, buộc VNCB phải tăng vốn điều lệ mới đáp ứng điều kiện để đạt tăng trưởng tín dụng. Theo ông Mai, thời điểm đó, nên tách việc tăng vốn điều lệ ra nhiều lần thì tái cơ cấu sẽ tốt hơn.

Xét về mặt nguyên tắc, khoản 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ trở thành nợ phải trả khi không được phép tăng vốn. Bị cáo cũng đồng ý không bóc tách được nguồn tiền này nhưng không biết nguồn tiền đi đâu. Điều đó thể hiện nhiều lần tại phiên toà, đại diện CB cho biết, số tiền 4.500 tỷ đồng mà Phạm Công Danh chuyển về VNCB nhằm tăng vốn điều lệ đã bị hoà lẫn vào dòng tiền chung của ngân hàng nên không thể tách ra được.

Bên cạnh đó, tại phiên toà lần này, các ngân hàng liên quan đến vụ án đều có mặt đầy đủ để tham gia phần xét hỏi. Trả lời tại phiên tòa, đại diện Sacombank, TPBank, BIDV đều giữ nguyên ý kiến và yêu cầu của mình như phiên toà trước. Theo đó, cả 3 ngân hàng đều đề nghị HĐXX xem xét lại kiến nghị thu hồi 3 dòng tiền từ các ngân hàng liên quan trong vụ án.

Theo Văn Vũ (congly.vn)

https://congly.vn/phap-dinh/xet-xu-dai-an-pham-cong-danh-gia-doan-2-truy-dong-tien-vay-4-500-ty-dong-262224.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/xet-xu-dai-an-pham-cong-danh-gia-doan-2-truy-dong-tien-vay-4-500-ty-dong-a196306.html