Liên quan vụ sửa điểm thi THPT ở Hà Giang, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng cho rằng, nếu như các bị can có sự phân công trách nhiệm chặt chẽ thì sẽ là phạm tội có tổ chức.
Liên quan đến vụ án sửa điểm thi THPT Quốc gia xảy ra tại Hà Giang, ngày 23/7, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục thuộc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trước đó, ngày 20/7, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang cũng khởi tố, bắt tạm giam ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục thuộc sở GD&ĐT Hà Giang cùng về tội danh trên.
Những ngày qua, vụ việc tiêu cực trong điểm thi THPT ở Hà Giang đã gây chấn động dư luận. Từ động thái mới nhất của cơ quan tố tụng vừa khởi tố ông Nguyễn Thanh Hoài, nhiều người đặt nghi vấn, vụ án có dấu hiệu của tội phạm có tổ chức.
Xung quanh vấn đề trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp của Công an TP.Hà Nội phân tích: “Đến thời điểm này, cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố 2 bị can thì có thể khẳng định rằng, đây là một vụ án có đồng phạm. Trong trường hợp, nếu như đồng phạm có tổ chức chặt chẽ, có sự phân công trách nhiệm, có người chỉ huy, có người thực hành, phân chia lợi nhuận thì khi đó sẽ nâng lên thành đồng phạm có tổ chức. Còn nếu như 2 người chỉ bàn nhau đơn thuần, không có phân công gì, cùng chung ý chí, cùng chung hành động thì là đồng phạm giản đơn. Tội phạm có tổ chức thì nó phải ở mức cao hơn”.
“Tính chất của đồng phạm trong vụ án này có phải là đồng phạm có tổ chức hay đồng phạm giản đơn thì phải chờ kết quả điều tra của cơ quan An ninh điều tra”, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng nói.
Một cán bộ nguyên là điều tra viên cao cấp của bộ Công an cũng nhận định: “Thông tin về việc ông Nguyễn Thanh Hoài đưa chìa khóa cho ông Lương (cấp phó của ông Hoài) là do đoàn công tác thanh tra cung cấp ban đầu. Còn tài liệu mà cơ quan An ninh điều tra làm việc thì chắc chắn sẽ có nhiều nội dung khác”.
Vị này phân tích: “Nếu như ông Hoài chỉ đưa chìa khóa cho ông Lương mà không có tài liệu chứng cứ khác, ví dụ như ông Hoài không biết ông Lương dùng chìa khóa đó làm gì, không có bàn bạc thống nhất thì có thể ông Hoài vi phạm vào nhóm tội Làm trái quy định hoặc tội Thiếu trách nhiệm do lơ là, cẩu thả dẫn đến người khác lợi dụng để phạm tội.
Tuy nhiên, ở vụ án này, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố ông Nguyễn Thanh Hoài về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cùng tội danh với ông Lương (đã bị khởi tố trước đó) thì chứng tỏ giữa ông Hoài và ông Lương có sự liên quan, đồng phạm, cùng hành vi. Còn mức độ đồng phạm là người chỉ huy, người thực hành hay vai trò như thế nào thì quá trình điều tra sẽ làm rõ”.
Nguyên điều tra viên cao cấp của bộ Công an nhấn mạnh: “Về bản chất của tội danh Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tức là làm trái công vụ vì động cơ vụ lợi. Vụ lợi ở đây có thể bằng tiền, bằng hiện vật, nhưng cũng có thể bằng các lợi ích khác”.
Theo Nguyễn Hường (Người Đưa Tin)
Nguồn bài viết: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/khoi-to-2-lanh-dao-phong-khao-thi-vu-sua-diem-thi-thpt-o-ha-giang-pham-toi-co-to-chuc-a237427.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/khoi-to-2-lanh-dao-phong-khao-thi-vu-sua-diem-thi-thpt-o-ha-giang-pham-toi-co-to-chuc-a196176.html