(Pháp lý) - Đặc xá là chính sách khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù để khuyến khích họ ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên thực tế áp dụng chính sách này thời gian qua nảy sinh một số bất cập. Do đó, các cơ quan chức năng đang tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chế định của Luật Đặc xá để khi áp dụng đảm bảo nghiêm minh, công bằng, minh bạch.
Đặc xá và những bất cập từ thực tế áp dụng
Ông Nguyễn Thanh Thủy - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp - cho biết trong 8 năm qua đã có 7 đợt đặc xá (riêng năm 2017 không có đặc xá). Trong đó, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá cho 85.974 phạm nhân và 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Trong số này có 13 phạm nhân và 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Trong 7 đợt đặc xá, tổng số tiền mà những phạm nhân được đề nghị đặc xá và thân nhân của họ nộp thay để thực hiện các nghĩa vụ dân sự như án phí, tiền phạt, truy thu, bồi thường dân sự là hơn 1.059 tỉ đồng và 157.036 USD. Tuy nhiên hoạt động đặc xá thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế. Có hiện tượng lợi dụng hoạt động đặc xá để vụ lợi. Đó là hiện tượng gợi ý, yêu cầu chung chi để đặc xá do sự thiếu chặt chẽ của các quy định pháp luật, lỏng lẻo về trách nhiệm trong quá trình đặc xá…
Bên cạnh đó, một số quy định khác của Luật Đặc xá năm 2007 cũng bộc lộ bất cập như: thời gian thực hiện Quyết định về đặc xá quy định chưa cụ thể; Điều kiện đặc xá trong Luật Đặc xá 2007 quy định chưa chặt chẽ; Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện quyết định đặc xá, đặc biệt trong việc thi hành, xử lý các khoản tiền phạt, bồi thường dân sự, án phí… cũng chưa rõ ràng, cụ thể.
Nhiều chế định quan trọng cần được sửa đổi
Trong bản dự thảo mới nhất, nhiều chế định quan trọng về đặc xá đã được sửa đổi. Cụ thể, vấn đề công khai minh bạch trong quá trình đặc xá được đề cao. Quy định Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước được công bố và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và được niêm yết tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, UBND cấp xã nơi người được đặc xá cư trú để bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường khả năng giám sát, giúp đỡ người được đặc xá nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội. Quy định này sẽ tạo điều kiện để người dân giám sát quá trình chấp hành án, đồng thời, tăng cường trách nhiệm xã hội, huy động sự hỗ trợ của người dân tham gia giúp đỡ người được đặc xá nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
Ngoài những vấn đề mới cơ bản nêu trên, dự thảo Luật đã bổ sung một số nội dung khác, như: Thu hẹp diện đối tượng không đề nghị đặc xá; Bổ sung quy định về các tài liệu trong hồ sơ đề nghị đặc xá; Quy định về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá, thẩm định xét duyệt hồ sơ đề nghị đặc xá theo hướng cụ thể, chặt chẽ hơn; Bổ sung trách nhiệm niêm yết Quyết định về đặc xá tại nhà tạm giữ thuộc Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện…
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi thi hành Luật Đặc xá năm 2007 về quản lý đối tượng người nước ngoài được đặc xá, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 19, cụ thể: “Khi có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đối với người nước ngoài, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân và đề nghị phối hợp thực hiện Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân nhưng các cơ quan này không đến nhận hoặc chưa đến nhận thì người nước ngoài được đặc xá được bố trí lưu trú tại cơ sở lưu trú do cơ quan quản lý thi hành án hình sự chỉ định trong thời gian chờ làm các thủ tục cần thiết” và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Những chế định cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện
Trên thực tế thời gian qua, số người được hoãn, tạm đình chỉ được đặc xá trong trường hợp đặc biệt rất lớn (theo Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Đặc xá, có tới 1.123 người đang hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được đặc xá trong trường hợp đặc biệt qua 07 lần đặc xá). Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị để đảm bảo chặt chẽ và làm căn cứ cho các cơ quan triển khai thực hiện, khắc phục hạn chế về số lượng người được đặc xá lớn như thời gian qua, cần quy định cụ thể tiêu chí xác định thế nào là “trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại”.
Với nhiều điều kiện đặc xá được quy định tại dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), nhất là với hình phạt tiền, nhiều người lo ngại chỉ người giàu mới đủ điều kiện để được đặc xá, còn người nghèo thì khó, vì không có tiền. Bởi thực tế có người chấp hành tốt nhưng vì lý do nào đó không đền được tiền thì không được đặc xá, không có tiền thì phải ở tù lâu hơn. Điều này thể hiện sự thiếu sự công bằng, cần xem lại.
Về vấn đề thời điểm đặc xá, Đại biểu Quốc hội Sùng A Hồng (Điện Biên) đề nghị cân nhắc chỉ nên áp dụng đặc xá 3 – 5 năm một lần, bởi nếu xét đặc xá nhiều lần trong năm sẽ không thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Một người được xét giảm nhiều lần, việc này cũng cần phải cân nhắc, quan trọng nhất là tính nghiêm minh của pháp luật”, ông Hồng lưu ý.
Minh Hải (tổng hợp)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/de-chinh-sach-dac-xa-duoc-thuc-hien-nghiem-minh-va-cong-bang-a196014.html