Một bạn đọc tên Lê Lan ở quận Cầu Giấy, Tp. Hà Nội có gửi tới Luật sư nội dung vụ việc và đề nghị tư vấn:
“Tháng 7 năm 2015 tôi cho vợ chồng ông N, bà Y, quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội vay 30.000.000.000 VNĐ (ba mươi tỷ VNĐ), thời hạn vay là 36 tháng kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên, lãi suất vay 1,5% /tháng. Mục đích vay vốn để ông N bà Y kinh doanh nhà hàng, khách sạn.
Theo một điều khoản của Hợp đồng hai bên đã ký, ông N, bà Y dùng toàn bộ nguồn thu để trả nợ cho tôi bao gồm: Nguồn thu từ kinh doanh nhà hàng, các nguồn thu khác hợp pháp của ông N, bà Y. Ông N, bà Y dùng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà của họ tại quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội và các tài sản sở hữu hợp pháp khác của ông N, bà Y để bảo đảm trả nợ cho khoản tiền tôi đã cho họ vay.
Họ còn cam kết, trong trường hợp không trả được tiền vay gốc, tiền lãi, tôi có quyền đơn phương đưa những tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của ông N, bà Y để phát mại, bảo đảm thu hồi nợ gốc và lãi mà ông N, bà Y còn nợ. Ngoài ra ông N, bà Y còn chứng minh rằng các khoản thu lãi hàng tháng của họ lên tới 3 tỷ VNĐ.
[caption id="attachment_195860" align="aligncenter" width="278"]
(Ảnh có tính chất minh họa)[/caption]
Được cam kết bằng tài sản bảo đảm và những chứng minh làm ăn có nhiều lãi nên tôi mới cho ông N, bà Y vay tiền. Số tiền vay được chuyển từ ngân hàng vào tài khoản của ông N, bà Y.
Đến tháng trả nợ lãi đầu tiên và tháng tiếp theo, ông N bà Y khất nợ (có văn bản nhận nợ ). Tuy nhiên, đến các tháng sau đó ông N, bà Y trốn tránh trả nợ lãi.
Tôi và người được ủy quyền của tôi đến thu nợ, họ cố tình trốn tránh, gọi điện thoại không nghe máy, gửi văn bản đốc nợ không gặp, không cho nhân viên nhận văn bản.
Đến cuối năm 2017, tôi được biết tài sản và nhà và quyền sử dụng đất của ông N, bà Y đã chuyển nhượng cho người khác. Với tinh thần nhân đạo tôi nhiều lần cảnh báo về hành vi vi phạm pháp luật của ông N, bà Y. Hiện nay đã hết thời hạn cho vay nhưng họ cố tình phớt lờ, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Tôi ủy quyền cho người khác đến đòi nợ, bà Y ngang nhiên trắng trợn cho rằng, họ không vay nợ tôi.” Đề nghị Luật sư tư vấn, để đòi được nợ, tôi phải làm thế nào?
Luật sư Phạm Sơn ( VPLS Phạm Sơn) trả lời như sau:
Như thông tin bạn trình bày, đây là giao dịch dân sự, không trái đạo đức xã hội, phù hợp với quy định của pháp luật, do đó, bước đầu tiên bạn nên tiếp tục gặp vợ chồng ông N, bà Y đàm phán để bên vay nợ trả nợ. Trường hợp họ tiếp tục lẩn tránh không trả nợ, bạn có thể gửi đơn đến các cơ quan bảo vệ pháp luật để được bảo vệ.
Tuy nhiên, theo như bạn trình bày và nếu đúng như bạn trình bày thì vụ việc nêu trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự. Cụ thể, ông N, bà Y trốn tránh nghĩa vụ trả nợ; đến kỳ hạn nhưng không trả nợ; có điều kiện nhưng không trả nợ; tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Và những hành vi này có dấu hiệu cấu thành: “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 175 Bộ Luật hình sự năm 2015, có hiệu lực ngày 1.1.2018.
Bạn nên làm đơn tố giác tội phạm về hành vi nêu trên của ông N, bà Y đến Công an quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội để được cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật./.
Luật sư Phạm Sơn
Link nội dung: https://phaply.net.vn/dau-hieu-cau-thanh-toi-lam-dung-tin-nhiem-chiem-doat-tai-san-a195859.html