Có thể nói, ACB đã cam phận mất trắng 695 tỷ đồng cho “siêu lừa” Huyền Như. Thế nhưng, hành trình của hàng nghìn tỷ “chảy” qua tay nhóm Huyền Như luôn khiến dư luận quan tâm và đặt câu hỏi?
Trong số hàng chục ngân hàng bị "sa lầy" vì đại án, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang nhận "quả đắng" khi số tiền gần 719 tỷ đồng gửi vào Ngân hàng TMCP Công thương Vietinbank – chi nhánh Sài Gòn và Nhà Bè đã bị siêu lừa Huyền Như chiếm đoạt.
Trờ lại vụ việc, tại ngân hàng ACB, đến cuối năm 2014, số dư tiền gửi tại Vietinbank ghi nhận còn hơn 600 tỷ đồng. Tuy vậy, trong Báo cáo tài chính Quý II/2015 của Ngân hàng TMCP Á Châu công bố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2015, ACB đã dùng toàn bộ số tiền dự phòng 694.830 triệu đồng đã trích lập để xử lý rủi ro cho khoản tiền gửi 718.908 triệu VND tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank.
Đến ĐHCĐ thường niên tháng 4/2015, lãnh đạo ACB tuyên bố rằng "Khoản tiền gửi hơn 600 tỷ đồng đã được tất toán trong quý I/2015 và không còn ảnh hưởng gì đến hoạt động của ACB".
Thực tế, ACB đã làm cách nào để "dọn dẹp" khoản phải thu này khi mà khả năng Vietinbank hoàn trả 600 tỷ đồng vẫn còn mù mịt?
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2015, tại thời điểm 31/12/2014, ACB có khoản cho vay hơn 600 tỷ đồng tại một ngân hàng TMCP trong nước (Ngân hàng A) và lãi phải thu gần 111,67 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm nợ vay là trái phiếu do một công ty trong "nhóm sáu công ty" phát hành cho Ngân hàng A (thời điểm đáo hạn nợ là 9/3/2015).
Khoản tiền gửi khổng lồ này vốn có nguồn gốc từ 719 tỷ đồng mà các lãnh đạo ACB đã ủy thác cho 19 nhân viên của mình gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP.HCM trong giai đoạn từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9 năm 2011 để hưởng lãi suất theo hợp đồng 14%/năm và lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7-13%/năm. Song như đã biết, toàn bộ số tiền này sau đó đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên là Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM, Quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, lừa đảo chiếm đoạt.
Khi sự việc vỡ lở và khởi dẫn ra 2 đại án ngân hàng (vụ án “siêu lừa” Huyền Như, và vụ án “bầu” Kiên), câu chuyện về trách nhiệm bồi thường khoản tiền gửi 719 tỷ đồng cũng như các trách nhiệm có liên quan khác đã khiến ACB và Vietinbank xung đột gay gắt trong mỗi lần tranh tụng tại các phiên tòa. ACB cho rằng Vietinbank phải có trách nhiệm bồi hoàn và khắc phục các hậu quả mà Huyền Như để lại; trong khi Vietinbank lại một mực phủ nhận và khẳng định vô can.
Câu hỏi đặt ra là khoản cho vay hơn 600 tỷ đồng tại Ngân hàng A có phải đã được "chuyển hoá" từ khoản tiền gửi 600 tỷ đồng của ACB không? Nếu có, thì bằng cách nào bốn bên gồm ACB – Vietinbank – Ngân hàng A và công ty trong "nhóm sáu công ty" đã hoán đổi khoản tiền gửi khó thu hồi thành nợ trái phiếu?
Trước đó, ngày 12/8/2013, ACB đã ký hợp đồng chuyển khoản tiền gửi 600 tỷ đồng thành khoản vay mới cho Ngân hàng D khi khoản tiền gửi đến hạn vào ngày 10/3/2014. Đồng thời, ACB chấp thuận gia hạn trả nợ gốc và lãi khoản vay phát sinh đến ngày 9/3/2015.
Đến ngày 9/3/2015, ACB đã thu hồi toàn bộ khoản vay 600 tỷ đồng cùng lãi dự thu 117,25 tỷ đồng thông qua việc mua lại tài sản bảo đảm (trái phiếu và lãi trái phiếu của một công ty trong "nhóm sáu công ty") với giá trị tương đương.
Bằng cách "chuyển hoá" này, ACB đã "thu hồi" được khoản tiền gửi trên sổ sách, nhưng thực chất, lại "ôm" nợ trái phiếu doanh nghiệp và lãi dự thu với tổng giá trị 711,25 tỷ đồng thay cho Ngân hàng A.
Ở đây, danh tính của Ngân hàng A không được công khai và vai trò của Vietinbank trong thương vụ "đảo nợ" trên giấy này cũng không được đề cập đến. Việc ACB đồng ý thu hồi tiền gửi bằng cách nhận nợ trái phiếu doanh nghiệp, thay vì tiền mặt, cho thấy mối "thâm tình" hiếm thấy với Ngân hàng A.
Và, có một điều đáng nói, trong danh mục các ngân hàng mà ACB đem tiền gửi có kỳ hạn, đáng nói ở chỗ, Vietinbank không phải là cái tên duy nhất mà đến hạn ACB vẫn chẳng thể thu lại được tiền. Còn có tới 1.172 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn khác đã được ACB đem gửi tại GPBank và Ngân hàng Xây dựng cũng “chưa thấy ngày về”. Đây đều là những Ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “mua lại với giá 0 đồng”: GPBank - nơi ACB gửi 772 tỷ đồng; và Ngân hàng Xây dựng (VNCB) – nơi ACB gửi 400 tỷ đồng.
Theo Mai An (antt.vn)
Nguồn bài viết: http://antt.vn/-670-ty-dong-tu-acb-duoc-chuyen-hoa-den-tui-sieu-lua-huyen-nhu-nhu-the-nao-245797.htm
Link nội dung: https://phaply.net.vn/670-ty-dong-tu-acb-duoc-chuyen-hoa-den-tui-sieu-lua-huyen-nhu-nhu-the-nao-a195827.html