Chống thất thoát tài sản Nhà nước…: Cần những giải pháp pháp luật đồng bộ

(Pháp lý) - Luật Đầu tư công được ban hành năm 2014 có những điểm mới mang tính đột phá. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng luật này có những quy định chưa chặt chẽ, nên cần khẩn trương sửa luật và áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp pháp luật khác thì mới mong chặn được tiêu cực, thất thoát tài sản Nhà nước, chặn được các dự án “siêu đội vốn”…

Khẩn trương sửa đổi Luật Đầu tư công 2014

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Luật sư Nguyễn Quang Dũng – Giám đốc Công ty Luật Đại Kim khẳng định, Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18/06/2014 đến nay là văn bản duy nhất quy định về đầu tư công với tư cách là một đạo luật. Với tư cách là một đạo luật, Luật Đầu tư công năm 2014 cũng đã thể hiện được nhiều ưu điểm như: Bao quát được việc quản lý sử dụng các nguồn vốn đầu tư công; Thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư; Tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn; Bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình quản lý chương trình, dự án đầu tư công; Đổi mới mạnh mẽ công tác lập kế hoạch đầu tư; chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm; Tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; Hoàn thiện quy chế phân cấp quản lý đầu tư công, phân định quyền hạn đi đôi với trách nhiệm của từng cấp.

Cần khẩn trương sửa đổi Luật Đầu tư công năm 2014 để chặn tiêu cực, thất thoát tài sản Nhà nước…
Cần khẩn trương sửa đổi Luật Đầu tư công năm 2014 để chặn tiêu cực, thất thoát tài sản Nhà nước…)

Đó có thể coi là những điểm mới mang tính đột phá của Luật Đầu tư công. Những đổi mới này nếu được các cấp, các ngành cùng các doanh nghiệp và người dân phối hợp thực hiện thì có thể phần nào khắc phục được tình trạng đội vốn, thất thoát, lãng phí ở những dự án đầu tư công.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia pháp luật, trong tình hình mới hiện nay, không ít các quy định của luật đã lỗi thời, tạo lỗ hổng cho nhóm lợi ích “hoành hành”. Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều – Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam cho biết, Luật Đầu tư công sẽ được sửa đổi trong thời gian tới. Theo dự thảo Luật sửa đổi, có nhiều quy định chặt chẽ hơn, tránh được đầu tư dàn trải, làm giảm đi việc đưa ra những dự án lãng phí, kém hiệu quả, đội vốn ở những dự án. Dự thảo Luật sửa đổi đã có những quy định nhằm giải quyết những vướng mắc phát sinh liên quan đến tiêu chí phân loại, thẩm quyền ra quyết định, các điều chỉnh đối với chương trình- dự án đầu tư công được các bộ, ban ngành và địa phương phản ánh như quy định về xây dựng quy trình kế hoạch phù hợp với nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước; Về phân loại dự án đầu tư có cấu phần xây dựng; Về tiêu chí phân loại dự án nhóm A; Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương…

Ngoài ra, Dự thảo Luật sửa đổi còn có những quy định nhằm nâng cao hiệu quả công tác lập, thẩm định và quyết định chủ chương đầu tư, quyết định đầu tư, theo dõi- giám sát trong hoạt động đầu tư công, Luật sư Kiều cho biết.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều – Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam
Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều – Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam)

Và những giải pháp pháp luật đồng bộ

Để giải quyết mối e ngại lớn nhất hiện nay là việc phê duyệt tràn lan các dự án đầu tư công, Luật sư Vũ Văn Thiệu, Hãng luật INCIP cho rằng, luật cần đề ra các quy định chặt chẽ từ khâu xác định chủ trương đầu tư. Theo Luật sư Thiệu, chỉ được phê duyệt dự án khi đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Hàng loạt các dự án đầu tư công “đội vốn khủng” gây bức xúc dư luận (ảnh minh họa)
Hàng loạt các dự án đầu tư công “đội vốn khủng” gây bức xúc dư luận (ảnh minh họa))

Bên cạnh đó, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công chưa quy định trình tự, thủ tục đối với trường hợp chủ đầu tư đề xuất tăng hoặc giảm quy mô dự án, tăng, giảm tổng mức đầu tư của chương trình, dự án (tăng tổng mức đầu tư từ phân loại dự án nhóm C lên nhóm B, nhóm B lên nhóm A hoặc ngược lại); có trường hợp giữ nguyên tổng mức đầu tư nhưng lại giảm quy mô dự án, làm thay đổi mục tiêu đầu tư ban đầu so với quyết định chủ trương đầu tư ban đầu đã được phê duyệt. Nếu không sớm sửa đổi quy định trên thì diện dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư sẽ có nguy cơ lan rộng.
Một vấn đề nữa, theo Luật sư Thiệu, chúng ta cần quy định chặt chẽ và rõ ràng hơn nữa về quản lý nguồn vốn. Bởi từ trước tới nay, các khoản vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn chịu sự quản lý, giám sát rất chặt từ trung ương đến địa phương, qua nhiều tầng nấc và nhiều luật định như Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật xây dựng,… nhưng thực tế có những quy định thiếu rõ ràng, không xuyên suốt và thiếu bao quát nên lỗ hổng thất thoát đầu tư công vì thế cứ lớn dần.

Cũng theo Luật sư Thiệu, việc phân bổ vốn đầu tư công phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công và thực hiện theo mục tiêu ưu tiên (các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ) trong từng thời kỳ cụ thể. Các dự án đầu tư muốn được đưa vào danh mục bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn phải được phê duyệt chủ trương đầu tư, đảm bảo nguồn vốn, khả năng cân đối vốn và tuân thủ đúng các thủ tục đầu tư theo quy định. Những nội dung nêu trên nếu được xem xét luật hóa quy định chặt chẽ và chế tài xử lý nghiêm sẽ giúp kế hoạch đầu tư công có tính khả thi cao, nhất là về việc bố trí và cân đối vốn, tránh phải điều chỉnh sau này.

Vấn đề quy trách nhiệm đối với những người có thẩm quyền phê duyệt dự án phải được làm rõ và luật hóa. Do từ trước đến nay xảy ra rất nhiều trường hợp dự án đầu tư công không hiệu quả nhưng hiếm có ai bị truy cứu trách nhiệm. Luật cần đẩy mạnh chế tài xử lý vi phạm đầu tư công. Quá trình thực hiện dự án đầu tư nếu có điều chỉnh không đúng về nội dung hay thủ tục thì trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt điều chỉnh. Các cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“Vấn nạn điển hình” của các dự án đầu tư công là hay điều chỉnh tổng mức đầu tư, làm “đội” vốn. Muốn xóa bỏ “vấn nạn” này, rất cần phải quy định cụ thể trong Điều 46 của Luật về trường hợp “Do các nguyên nhân bất khả kháng làm thay đổi về mục tiêu, nội dung đầu tư, chi phí và thời gian thực hiện chương trình” là gì? Nếu không quy định cụ thể, rõ ràng, sẽ rất dễ bị lợi dụng và việc quy trách nhiệm người ra chủ trương, quyết định đầu tư vì thế sẽ khó mà thực hiện được. Do đó phải có quy định xác định cụ thể trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư công trong trường hợp ra các quyết định sai, kém hiệu quả, làm tăng vốn, Luật sư Thiệu kiến nghị.

Đề cập đến giải pháp để quản lý đầu tư công tốt hơn, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam bày tỏ: chúng ta đã có một thực tế là thường xuyên sửa luật cũ để mong khắc phục các tiêu cực và sai phạm, tuy nhiên vấn đề mấu chốt theo tôi là việc thực thi pháp luật, trong đó kiểm soát quyền lực và giám sát trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức thực thi là khâu quan trọng nhất. Trong điều kiện của nước ta, rất khó để có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong cùng một hệ thống chính trị duy nhất, đồng nhất và thống nhất. Vì vậy, giải pháp đặt ra là minh bạch hoá các hoạt động gọi là quản lý nhà nước ở tất cả các cấp. Hay nói một cách khác là làm sao để buộc các hành vi công vụ phải được báo cáo, giải trình trước nhân dân và tạo điều kiện để nhân dân giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước một cách có tổ chức hay thông qua các tổ chức của họ.

 Luật sư Nguyễn Quang Dũng – Giám đốc Công ty Luật Đại Kim
Luật sư Nguyễn Quang Dũng – Giám đốc Công ty Luật Đại Kim)

Ngoài ra, chúng ta đã có rất nhiều quy định pháp luật hay và đúng rồi thì cần phải có các cơ quan tài phán tư pháp độc lập, chuyên nghiệp và hiệu quả. Một biện pháp hỗ trợ rất hiệu quả nữa là bảo đảm quyền tự do tác nghiệp của các cơ quan truyền thông trong việc điều tra và phản ánh các sự vụ gây ảnh hưởng đến lợi ích công, đời sống cộng đồng và xã hội. Những việc này theo tôi nên làm, đỡ tốn kém và thực chất hơn rất nhiều, Luật sư Lập kiến nghị.

Bàn về giải pháp cụ thể hơn, Luật sư Dũng cho rằng, cần xử lý nghiêm những trường hợp “ngoại lệ”, thư tay trong chỉ định thầu. Bổ sung quy định về việc những nhà thầu đã trúng thầu và những người liên quan mà chậm trễ triển khai hoặc không có năng lực triển khai thì không được dự thầu đối với các gói thầu đầu tư công. Nâng cao mức xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi: cung cấp thông tin không chính xác, không trung thực về năng lực của nhà thầu thậm chí có thể xem xét xử lý hình sự nếu gây thiệt hại lớn đến tài sản nhà nước do hành vi vi phạm này.

Một kiến nghị khác, theo chúng tôi đó là cần phải cân nhắc lại việc trao quyền ban hành quy chế lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư công. Đặc biệt là có quy định chặt chẽ về hậu kiểm năng lực nhà thầu và có chế tài nghiêm minh để từng bước ngăn chặn và loại bỏ những nhà thầu thi công có năng lực kém, tạo ra sân chơi bình đẳng cho những nhà thầu thực sự có năng lực. Phải tạo ra một hành lang pháp lý trong tư duy nhà thầu xây dựng, trúng thầu dự án chỉ mới là một công đoạn đầu tiên chịu sự giám sát, cần phải thi công bằng chính năng lực của mình thì mới giữ vững được chữ tín và thương hiệu. Sẽ là lý thuyết suông nếu đề ra điều luật đề cao đạo đức của nhà thầu tư vấn, giải pháp để góp phần triệt tiêu sự “đi đêm” giữa nhà thầu tư vấn với nhà thầu thi công và chủ đầu tư trong “ma trận” nâng mức đầu tư “khủng” công trình: Đó là cần mạnh dạn xóa bỏ các khái niệm hợp đồng có tính trượt giá, điều chỉnh hệ số nhân công... đồng thời cần tính đến tiến tới đấu thầu và ký hợp đồng trọn gói.

Một nhà thầu xây dựng ở Bình Định (xin được giấu tên) đề xuất: “Cần phải có cơ chế rõ ràng, được tăng bao nhiêu phần trăm, phải có mức trần dự toán, tối đa chỉ được tăng khoảng 20-30%. Nếu vượt quá thì nhà thầu tự bỏ tiền ra thì chắc chắn không có tình trạng tăng giá vô tội vạ như vậy”

Kết mở

Không thể đổ lỗi hết cho khách quan. Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án; đồng thời cũng đã quy định rõ điều kiện được điều chỉnh dự án. Đối với đầu tư công, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND là người quyết định đầu tư. Do vậy, quá trình thực hiện nếu có điều chỉnh không đúng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt điều chỉnh; các cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…

Hệ lụy và trách nhiệm thì ai cũng nhìn thấy nhưng vì sao tình trạng đội vốn dự án công vẫn tái diễn? Đơn giản là vì số tiền “đội lên” đó không phải là tiền túi của chính người thực hiện dự án bỏ ra và hiếm có chủ đầu tư nào bị xử lý trách nhiệm vì tội để công trình đội vốn, chậm tiến độ…cũng như chưa có người ký thẩm định cũng như ký phê duyệt điều chỉnh dự án gây thiệt hại tài sản của Nhà nước bị xử lý nghiêm minh.

Từ những phân tích trên, thiết nghĩ đặt ra một giải pháp pháp luật đồng bộ là bên cạnh việc sửa đổi Luật Đầu tư công cần có sự hỗ trợ đắc lực của các luật như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giữa các quy định phải đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất, không được gây sự chồng chéo, khó vận dụng, thực thi. Do đó tới đây, cũng cần rà soát sửa đổi bổ sung những quy định lỗi thời hoặc “bít” những lỗ hổng của các luật nêu trên.

Đình Nguyễn – Lê Minh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chan-cac-du-an-sieu-doi-von-chong-that-thoat-tai-san-nha-nuoc-can-nhung-giai-phap-phap-luat-dong-bo-a195744.html