Dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường quy định lãi suất lĩnh họ không vượt quá giới hạn 20%/năm.
[caption id="attachment_195634" align="aligncenter" width="410"] Ảnh minh họa.[/caption]
Bộ Tư pháp vừa công bố dự thảo lần 2 Nghị định về họ, hụi, biêu, phường để thay thế Nghị định cũ về vấn đề này. Dự thảo đã đề xuất 2 phương án về lãi suất trong họ có lãi theo cách tính khác nhau, nhưng đều quy định lãi suất lĩnh họ không vượt quá giới hạn 20%/năm.
Cụ thể, phương án 1, thành viên trong họ có lãi có thể đưa ra mức lãi mà mình trả cho các thành viên khác để được lĩnh họ nhưng lãi suất lĩnh họ không vượt quá giới hạn 20%/năm.
Ý kiến ủng hộ phương án 1 cho rằng quy định như phương án này thể hiện đúng đặc thù của quan hệ về họ, giải quyết được lúng túng trong việc xác định lãi suất lĩnh họ là vượt quá hay tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 471, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Thực tế áp dụng Nghị định số 144/2006/NĐ-CP cho thấy cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn trong việc xác định xác định thời điểm để tính lãi, khoảng thời gian tính lãi và số tiền phải chịu lãi. Phương án 1 tiếp cận theo cách mỗi thành viên từ thời điểm bắt đầu dây họ đến thời điểm được lĩnh họ là người cho vay, tại thời điểm lĩnh họ đến cuối dây họ là người đi vay, số tiền vay tính bằng tổng số phần họ trừ đi số phần đã góp.
Phương án 2 "Thành viên trong họ có lãi có thể đưa ra mức lãi mà mình trả cho các thành viên khác để được lĩnh họ nhưng lãi suất lĩnh họ không vượt quá giới hạn 20%/năm”.
Ý kiến ủng hộ phương án 2 cho rằng quy định tại phương án này quy định mang tính nguyên tắc, đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Bộ Tư pháp ủng hộ phương án 1 vì quy định này đảm bảo thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 đồng thời đảm bảo phù hợp với đặc thù của giao dịch này. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cho rằng quy định như phương án 2 không cụ thể hóa được các quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về giới hạn lãi suất, không xác định được các thông số về thời gian chịu lãi, khoản tiền chịu lãi dễ dẫn đến việc tính lãi suất không thống nhất, không khắc phục được hạn chế trong thực tiễn thi hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra điều kiện đối với chủ họ gồm 2 phương án. Một là cá nhân được làm chủ họ của một hoặc nhiều dây họ tại cùng một thời điểm nếu tổng giá trị các phần của các dây họ không quá 200 triệu đồng, trừ trường hợp có sự đồng ý của tất cả thành viên của các dây họ.
Hai là một cá nhân được làm chủ họ không quá 2 dây họ tại cùng một thời điểm, trừ trường hợp có sự đồng ý của tất cả thành viên của các dây họ. Bộ Tư pháp ủng hộ phương án 1 bởi quy định này sẽ hạn chế được tình trạng một cá nhân làm chủ họ chuyên nghiệp ẩn chứa nhiều nguy cơ biến tướng.
Bộ Tư pháp cũng cho biết, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, nhu cầu cho vay, đi vay bằng phương thức họ ngày càng đa dạng, phức tạp. Một số nơi việc chơi họ phát triển với quy mô lớn, có tính chất phức tạp và bị biến tướng thành hình thức huy động vốn, cho vay lãi nặng.
Nhiều trường hợp chủ họ đã lợi dụng lòng tin của những người tham gia họ để chiếm đoạt tài sản; thực tế đã xảy ra một số các vụ việc vỡ họ gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức.
Theo BẢO VY (bizlive.vn)
Nguồn tin bài: https://bizlive.vn/tai-chinh/khong-che-tran-lai-suat-hui-ho-20nam-3458723.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/khong-che-tran-lai-suat-hui-ho-20nam-a195633.html