6 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Bộ Tài chính, và các đơn vị thuộc Bộ đã triển khai thực hiện 28.368 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 196.136 hồ sơ khai thuế tại cơ quan Thuế; qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 6.271 vụ.
Kết quả thanh tra, kiểm tra của các kết luận đã lưu hành phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính 6.212 tỷ 798 triệu đồng, xử lý vi phạm hành chính 1.231 tỷ 139 triệu đồng, đồng thời có nhiều kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách, tiền, tài sản Nhà nước; kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý, điều hành tài chính ngân sách của đất nước.
Trong đó, riêng Thanh tra Bộ, trong 6 tháng đầu năm 2018, đã chủ động triển khai 19 cuộc thanh tra, kiểm tra. Nội dung thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, điều hành ngân sách địa phương, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, thanh tra hành chính nội ngành... Nhiều nội dung thanh tra, kiểm tra được lồng ghép một cách khoa học, góp phần tiết kiệm chi phí và nhân lực, rút ngắn được thời gian thanh tra, kiểm tra.
Công tác thanh tra, kiểm tra 6 tháng đầu năm 2018, đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ, của Chính phủ đối với các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, như: Thanh tra chống thất thu ngân sách Nhà nước, thanh tra công tác quản lý tài chính ngân sách tại Trung ương, địa phương, chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế...
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được Thanh tra Tài chính thực hiện nghiêm túc, chất lượng.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã tổ chức tiếp công dân tại trụ sở cơ quan tổng số 426 lượt, với 531 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua công tác tiếp công dân đã xem xét, hướng dẫn, giải quyết 445 vụ việc (trong đó: Cơ quan Bộ 23 vụ việc; Hệ thống Thuế 418 vụ việc; Hệ thống Hải quan 2 vụ việc; Hệ thống Dự trữ Nhà nước 2 vụ việc).
Tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức của Bộ triển khai thực hiện tốt các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Chương trình Hành động, kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ và của Bộ Tài chính.
Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, quy chế phòng, chống tham nhũng, nhất là các đơn vị có phạm vi hoạt động rộng, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng.
Tham mưu, trình lãnh đạo Thanh tra, lãnh đạo Bộ, Ban Cán sự Đảng ban hành 6 văn bản để chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng... chuẩn bị thông tin, tài liệu, tham mưu cho lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ là thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Dự án Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi, tham dự các phiên họp của Chính phủ, kỳ họp Quốc hội và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, bảo đảm yêu cầu, đúng thời hạn...
Thanh tra Bộ tích cực phối hợp với Vụ Pháp chế trong việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình Tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 và hướng dẫn, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 bảo đảm đúng quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trình lãnh đạo Bộ ban hành văn bản đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan tổ chức của Bộ và các bộ, ngành, địa phương về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổng hợp thông tin, báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, xây dựng Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 để trình ra kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV.
Về phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2018, Thanh tra Bộ Tài chính triển khai các nhiệm vụ giải pháp sau: (1) Tổ chức, triển khai kịp thời kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2018 theo kế hoạch đã được Bộ phê duyệt; bố trí lực lượng, tổ chức triển khai có hiệu quả để hoàn thành kế hoạch được giao. (2) Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp giữa Thanh tra Bộ với thanh tra chuyên ngành và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong việc triển khai các cuộc thanh tra theo chuyên đề, thanh tra diện rộng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm và kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách chưa phù hợp nhằm tăng cường công tác quản lý tài chính, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật. (3) Tăng cường công tác giám sát đối tượng, thông qua hệ thống phân tích rủi ro, phối hợp với qua các cơ quan quản lý Nhà nước các lĩnh vực của Bộ để chủ động cung cấp các thông tin phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo; kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm năng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra, cũng như phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính năm sau được kịp thời và đúng đối tượng. (4) Tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm tra; hạn chế tình trạng kéo dài thời gian lưu hành kết luận thanh tra do những nguyên nhân chủ quan. (5) Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tầm, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, nhất là bản lĩnh chính trị phải vững vàng, trình độ nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn phải tốt. (6) Đẩy mạnh tuyên truyền công tác thanh tra, kiểm tra, công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại tố cáo, công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí.
Theo Noichinh
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thanh-tra-bo-tai-chinh-trien-khai-thuc-hien-28-368-cuoc-thanh-tra-kiem-tra-a195572.html