Báo chí, chính sách pháp luật và Doanh nghiệp

(Pháp lý) - Những năm qua, nhờ báo chí, cộng đồng doanh nghiệp đã nắm bắt nhanh hơn những chính sách, quy định pháp luật, giúp họ có những định hướng thị trường nhanh chóng hơn. Và cũng nhờ báo chí mà tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của doanh nghiệp về chính sách pháp luật cũng được truyền tải đầy đủ tới cơ quan quản lý, cơ quan ban hành chính sách pháp luật.

Nhờ báo chí, doanh nghiệp cập nhật nhanh chóng mọi chính sách luật pháp

Nói về vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng Hóa MAC, khẳng định: vai trò của báo chí với doanh nghiệp hiện nay vô cùng quan trọng, không thể thiếu. Nhờ báo chí, doanh nghiệp cập nhật nhanh chóng hầu như mọi chính sách, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kịp thời thay đổi các chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Nhờ báo chí, doanh nghiệp có thể dễ dàng có được định hướng thị trường nhanh chóng mang các sản phẩm, dịch vụ của mình đến gần hơn với khách hàng và cũng thông qua báo chí mà doanh nghiệp biết được phản hồi của thị trường, của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ của mình để kịp thời điều chỉnh, thay đổi sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn với nhu cầu khách hàng.

Phóng viên báo chí tại một buổi Họp báo do VCCI đồng tổ chức
Phóng viên báo chí tại một buổi Họp báo do VCCI đồng tổ chức)

Theo ông Mạc Quốc Anh: hiện báo chí là kênh cung cấp thông tin chủ yếu và vô cùng hữu ích về mọi lĩnh vực cho doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, chúng tôi rất cần cập nhật chi tiết, đầy đủ hơn nữa về sự thay đổi, cũng như sự đánh giá phân tích về những chính sách mới, những bổ sung, sửa đổi của những văn bản luật của các cơ quan ban ngành, giúp doanh nghiệp đi đúng hướng. Các nhà làm luật, các cơ quan quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực của mình có trách nhiệm cập nhật, tiếp nhận thường xuyên thông tin của báo chí để kiểm tra, theo dõi và được sử dụng như một thước đo về tính khả thi, tính hiệu quả của các chính sách, pháp luật do mình ban hành có đi vào cuộc sống của người dân và doanh nghiệp hay không?. Nếu báo chí phản ánh đúng những hạn chế, bất cập của chính sách pháp luật gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp thì các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện trách nhiệm của mình là tổng hợp, nghiên cứu, giải quyết nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn hạn chế đó cho phù hợp với thực tế và yêu cầu của xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp chấp hành luật.

Nhìn về quá khứ, với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp từ năm 1999 và sau này là Luật Doanh nghiệp 2005, cùng với sự bùng nổ, phát triển nhanh chóng của khối doanh nghiệp, người ta thấy rõ vai trò không thể thiếu của báo chí trong sự đồng hành, hợp tác và hỗ trợ cho sự phát triển đó. Thực ra ngay từ khi chuẩn bị cho những bản dự thảo đầu tiên của Luật Doanh nghiệp 1999, đã thấy sự tham gia tích cực của báo chí trong việc đưa tin, tuyên truyền, vận động cho sự ra đời của đạo luật đặc biệt quan trọng này.
Liên tục nhiều năm sau đó, cho đến Luật Doanh nghiệp năm 2005, dư luận đã thấy sự vào cuộc, đấu tranh không mệt mỏi của báo chí giúp doanh nghiệp kiến nghị về việc dỡ bỏ các giấy phép con, cải cách thủ tục hành chính… để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng ra đời và hoạt động hơn. Và suốt từ đó đến nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đội ngũ doanh nghiệp với số lượng hiện đã lên đến gần nửa triệu, người ta dễ thấy hầu hết các tờ báo về kinh tế - chính trị - xã hội – pháp luật ở tất cả các loại hình báo chí: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình đã tham gia, dành thời lượng rất lớn, diện tích, vị trí quan trọng trên mặt báo để đưa tin, viết bài về tất cả những “ngóc ngách cuộc sống” của doanh nghiệp.

Đông đảo Phóng viên báo chí tham dự Họp báo công bố nguyên nhân cá chết do Formosa gây ra tại Hà Tĩnh do Chính phủ tổ chức
Đông đảo Phóng viên báo chí tham dự Họp báo công bố nguyên nhân cá chết do Formosa gây ra tại Hà Tĩnh do Chính phủ tổ chức)

Có thể thấy, mọi vấn đề, mọi khía cạnh, tin tức về đời sống doanh nghiệp đã được phản ánh khá đầy đủ trên báo chí trong những năm qua. Từ những vấn đề như kinh nghiệm thương trường, những mô hình, những thành công của các doanh nghiệp, của những doanh nhân thành công ở khu vực này cho đến những vấn đề như những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đều được phản ánh khá đậm nét ở hầu hết các tờ báo.

Không phải là tự nhiên có một xu hướng như vậy bởi yêu cầu bức thiết đặt ra buộc báo chí và doanh nghiệp phải tìm đến với nhau. Chính các doanh nhân, các doanh nghiệp cũng phải tìm đến báo chí bởi nhu cầu cần phải nắm bắt được thông tin về tình hình kinh tế, chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành, nhu cầu quảng bá, xây dựng thương hiệu…

Đã có những khảo sát từ VCCI cho thấy, gần như 100% các doanh nghiệp tư nhân khi được hỏi đều cho biết, đến 80 - 90% thông tin về chính sách, pháp luật họ nắm bắt được là qua các phương tiện thông tin đại chúng, bởi không có phương tiện nào truyền tải các Luật, Nghị định, Thông tư…nhanh và đầy đủ hơn báo chí. Đặc biệt, báo chí còn tham gia tích cực phản biện chính sách pháp luật kinh tế giúp doanh nghiệp.

Doanh nghiệp mong mỏi gì ở báo chí?

Đóng góp về những giải pháp để báo chí làm tốt hơn nữa vai trò tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến đời sống của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Cầu Hà Bắc cho rằng: về hình thức tuyên truyền, ngoài các phương thức thông tin như từ trước tới nay vẫn thực hiện, hiện báo chí chưa có nhiều phương thức tuyên truyền pháp luật đối với doanh nghiệp. Vì trình độ nhận thức của một số chủ doanh nghiệp, đặc biệt là chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất hạn chế, nên nếu tuyên truyền mà không có dẫn chứng cụ thể, họ rất khó tiếp thu.

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Thạc sỹ Luật học – Nhà báo Đăng Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Quản lý đánh giá: hiện nay, với sự phát triển của khoa học, công nghệ, các loại hình báo chí đều có đặc tính truyền tin nhanh, đặc biệt là báo điện tử. Chính vì vậy, việc tuyên truyền pháp luật trên báo chí luôn được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, mang tính chính thống (so với mạng xã hội) để đáp ứng nhu cầu được thông tin, tìm hiểu về pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng, thực tiễn hiện nay cho thấy, ở không ít cơ quan báo chí vẫn thiếu những cây bút “có tầm” để giúp doanh nghiệp phản biện những chính sách kinh tế, pháp luật bất cập. Do vậy, để trở thành những nhà báo “có tầm”, “cầu nối” doanh nghiệp và những người làm chính sách, đòi hỏi nhà báo phải am hiểu pháp luật, am hiểu về lĩnh vực kinh tế và có quá trình cọ xát thực tiễn nhiều hơn với doanh nghiệp. Theo ông Bình, điều đáng mừng là đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp là những người được đào tạo chính quy, năng động, làm việc xông xáo, nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Để thích nghi với sự đa dạng, phức tạp và biến động của thực tiễn, họ cần phải được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về chính trị, về chuyên môn. Vì có như vậy, nhà báo mới có thể làm tốt được nhiệm vụ của mình là thông tin tuyên truyền pháp luật, đồng thời giúp doanh nghiệp phản biện chính sách pháp luật bất cập, đồng thời đưa ra những phân tích, đánh giá, giải thích, nhận định, dự báo phù hợp, không những nhằm mục đích thông tin cho doanh nghiệp mà còn giúp cho các nhà quản lý hoạch định chính sách kịp thời bổ sung, điều chỉnh các quyết sách.

Báo chí đã có công trong việc góp ý sửa đổi Luật Doanh nghiệp
Báo chí đã có công trong việc góp ý sửa đổi Luật Doanh nghiệp)

Đối với tuyên truyền để giúp phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, theo ông Bình, các Tòa soạn nên ưu tiên các chủ đề về cơ chế, chính sách, nguồn vốn, môi trường đầu tư, kinh doanh sản xuất và nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, để bảo đảm cho việc thực hiện tốt kế hoạch, cơ quan báo chí cần phải bồi dưỡng những kiến thức mới cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên viết về kinh tế, pháp luật. Đối với phóng viên, biên tập viên tuyên truyền về doanh nghiệp, cơ quan báo chí phải tạo mọi điều kiện để họ có đủ tài liệu mang tính pháp lý, cũng như chuyên ngành mà họ muốn viết, muốn thâm nhập tìm hiểu. Đó cũng là việc làm thường xuyên của các cơ quan báo chí để cho chất lượng trong hoạt động tuyên truyền giúp phát triển doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.

Phóng viên Đặng Tuyền – Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, thẳng thắn chia sẻ: theo quan điểm cá nhân tôi, hiện nay, ngay cả những tờ báo chuyên về “Pháp luật” cũng chưa hoàn toàn thể hiện được vai trò tư vấn pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, để các doanh nghiệp dễ tiếp cận và tiếp cận pháp luật dễ hiểu hơn, ở mỗi cơ quan báo nên có một chuyên mục riêng về tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật cho riêng cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh mục đích chính ở những chuyên mục đó là tuyên truyền và phổ biến, các cơ quan báo nên có những bài phân tích chuyên sâu về luật để giúp các doanh nghiệp dễ hiểu hơn.

Nguyễn Hòa (thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bao-chi-chinh-sach-phap-luat-va-doanh-nghiep-a195151.html