Nhà báo và Luật Báo chí

(Pháp lý) - Một câu hỏi thú vị mà chúng tôi đặt ra khi bắt tay thực hiện chuyên đề đặc biệt này: Vậy với chính những chính sách pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống báo chí là Luật Báo chí, thì nhà báo và báo chí đã tuyên truyền và thực hiện thế nào?

Đa dạng tiếng nói khi sửa đổi Luật Báo chí

Với mong mỏi tạo ra một hành lang pháp luật hoàn chỉnh, ổn định và thông thoáng cho hoạt động báo chí, đã có rất nhiều Nhà báo, Tòa soạn báo chí góp những ý kiến tâm huyết khi Quốc hội có chủ trương sửa đổi Luật Báo chí. Ông Trần Nhật Minh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển) chia sẻ với Phóng viên Pháp lý: Còn nhớ, khi dự án Luật Báo chí sửa đổi còn “phôi thai”, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau góp ý vào dự án luật này. Tổng hợp các góp ý, Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển đã đề nghị các cơ quan soạn thảo bổ sung và làm rõ nhiều điểm trong Dự thảo Luật. Cụ thể, cần dẫn chiếu các hình thức xử phạt kỷ luật trong Luật Công chức và Luật Viên chức đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí vào điều 58; Bổ sung định danh nhà báo hoạt động vì lợi ích công và quy định rõ cơ chế bảo hộ của nhà nước đối với quyền tác nghiệp báo chí vào điều 12 và khoản đ, điểm 1, điều 34; Bổ sung chức năng xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí và hành vi cản trở tác nghiệp của Nhà báo trong “Nội dung quản lý Nhà nước về Báo chí” vào điều 7; Bổ sung quy định quyền miễn trừ trách nhiệm pháp luật và điều kiện hưởng quyền lợi của Phóng viên trong quá trình tác nghiệp…

 Nhiều quy định của Luật Báo chí (sửa đổi năm 2016) được đánh giá là tiến bộ…
Nhiều quy định của Luật Báo chí (sửa đổi năm 2016) được đánh giá là tiến bộ…)

Trước một dự luật liên quan mật thiết đến đời sống báo chí, đồng loạt nhiều báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao động, Lao động … đã tường thuật hoạt động và phát biểu của đại biểu ở nghị trường chỉ ra những điểm bất cập của dự luật… Các lưu ý về các quy định về quyền tự do báo chí, quy định về thủ tục cấp phép, quy định để tăng cường tự chủ cho báo chí, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí, tạo điều kiện để cơ quan báo chí hoạt động sáng tạo và chủ động phù hợp với năng lực và chiến lược phát triển của họ…

Theo nhà báo Trần Quốc Hải, Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển thì sau những đóng góp của chính giới báo chí và từ đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, đã có rất nhiều quy định tiến bộ được đưa vào Luật Báo chí sửa đổi năm 2016. Cụ thể: Luật Báo chí đã ghi nhận và tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển báo chí ngoài cơ quan chủ quản là các tổ chức Đảng, bộ, ngành, chính phủ (bên hành pháp). Đó là báo chí thuộc các hiệp hội ngành nghề, các Tổng Công ty Nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp; Cơ chế cho phép tạo nguồn thu từ hoạt động báo chí, quảng cáo, tổ chức sự kiện để tự bù đắp hoặc, thậm chí, tự chủ hoàn toàn về tài chính và nhân lực (trừ Tổng Biên tập). Đặc biệt, luật cho phép liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị bên ngoài cơ quan báo chí để hợp tác xây dựng, sản xuất nội dung…

Luật Báo chí năm 2016 cũng công nhận đội ngũ Phóng viên là những người làm báo chuyên nghiệp, có hợp đồng lao động với một cơ quan báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện để cấp Thẻ Nhà báo (2 năm) được hưởng quyền, nghĩa vụ khi tác nghiệp và được pháp luật bảo vệ như các nhà báo đã được cấp thẻ (Nghị định 159); Quy định rõ cách thức xử lý, sửa sai cả về hình thức và nội dung khi báo chí đưa thông tin sai sự thật, vi phạm hoặc làm tổn hại danh dự; uy tín; thiệt hại vật chất cho tổ chức và cá nhân; Công nhận loại hình báo chí điện tử và rút ngắn thủ tục, điều kiện thành lập cơ quan báo chí; Quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin và việc sử dụng quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí thông qua người phát ngôn; Rút ngắn thời gian đủ điều kiện cấp Thẻ nhà báo từ 3 năm còn 2 năm và đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí trong việc xét duyệt hồ sơ xin cấp thẻ”…

Nhiều Nhà báo đã tham dự các hội thảo của Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển để góp ý sửa đổi Luật Báo chí.
Nhiều Nhà báo đã tham dự các hội thảo của Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển để góp ý sửa đổi Luật Báo chí.)

Sinh động trong tuyên truyền luật đi vào cuộc sống

Bằng các hình thức khác nhau, báo chí đã góp phần quan trọng cho việc tuyên truyền Luật đi vào cuộc sống. Phổ biến nhất là hình thức giới thiệu, quán triệt những điểm mới của luật tới từng cơ quan báo chí, từng Nhà báo, Phóng viên... Cụ thể như các chế định về đổi mới quy định về thời gian cấp Thẻ Nhà báo, quy định về bảo vệ nguồn tin cấp cho nhà báo; quy định về cấm báo chí đưa tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; cấm thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; cấm thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng….

Các quy định mới của Luật còn được báo chí tuyên tuyền, giải thích cụ thể, sinh động bằng những việc làm cụ thể.

Vấn đề báo chí hoạt động phải đúng theo “tôn chỉ, mục đích” cũng là một chế định trong Luật Báo chí quy định tại điểm b, khoản 2, điều 4; Khoản 1 điều 12, điểm a khoản 1,3 điều 15 Luật Báo chí. Bằng việc nêu các ví dụ cụ thể về những vi phạm khi xa rời tôn chỉ mục đích, ảnh hưởng tiêu cực đến cơ quan báo chí và nền báo chí.

Luật hiện hành còn thiếu các chế tài nghiêm khắc để ngăn ngừa và răn đe đối với hành vi cản trở tác nghiệp và hành hung nhà báo (trong ảnh là một nhà báo bị dọa giết khi tác nghiệp).
Luật hiện hành còn thiếu các chế tài nghiêm khắc để ngăn ngừa và răn đe đối với hành vi cản trở tác nghiệp và hành hung nhà báo (trong ảnh là một nhà báo bị dọa giết khi tác nghiệp).)

Thời gian qua, bên cạnh sự đóng góp to lớn và tích cực của báo chí vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một số cơ quan báo chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích, một bộ phận người làm báo thoái hóa về đạo đức và có khuynh hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vô tình hoặc hữu ý tiếp tay cho các thế lực thù địch chống chế độ và có một số biểu hiện vi phạm pháp luật. Hoặc những thông tin không đúng sự thật hoặc sự thật bị bóp méo, bị cắt xén phục vụ cho việc cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó môi trường kinh doanh, gây hại cho người tiêu dùng. Từ thực tế như vậy, nên cần thiết phải nhắc nhở, quản lý để báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích. Vi phạm ở mức độ nào sẽ bị xử lý theo mức độ đó.

Mong mỏi Luật hoàn thiện hơn nữa…bảo vệ báo chí phát triển

Không chỉ luôn trăn trở khi góp ý xây dựng Luật, tích cực tuyên truyền để các quy định Luật đi vào cuộc sống, giới báo chí còn luôn trăn trở và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện hơn các quy định của Luật Báo chí. Nhà báo Trần Quốc Hải cho rằng: Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung năm 2016) đã có rất nhiều những quy định mới tiến bộ, nhưng vẫn còn những quy định làm giới chuyên môn băn khoăn. Cụ thể như chưa quy định việc hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp là một hành vi bị nghiêm cấm và có thể bị xử lý hình sự. Quy định về quy hoạch báo chí chưa được thể hiện trong Luật Báo chí một cách cụ thể; Còn thiếu quy định rõ giới hạn điều kiện tài chính tối thiểu khi xin phép thành lập một tờ báo… Mạch lạc như vậy để thấy rằng, những người làm báo quan tâm đến chính sách về báo chí và luôn mong mỏi hoàn thiện chính sách hơn nữa để yên tâm cống hiến cho nghề.

Minh Minh

 

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nha-bao-va-luat-bao-chi-a195102.html