Báo chí đứng về phía người yếu thế đi tìm công lý

(Pháp lý) - Báo chí dường như có một “thiên chức” là đứng về phía lẽ phải và công bằng xã hội. Báo chí là chỗ dựa, là địa chỉ tìm đến của những người yếu thế, dễ bị tổn thương cần giúp đỡ khi cuộc sống của họ gặp khó khăn, hay quyền lợi hợp pháp của họ bị xâm phạm. Nhìn lại một số vụ án nóng gần đây, chúng ta thấy phẩm chất cao quý đó của báo chí, với những tờ báo, những nhà báo dấn thân.

Hơn 40 bài báo của một Nhà báo đưa vụ xâm hại trẻ em ra ánh sáng

Vụ án ấu dâm vừa kết thúc với bản án giám đốc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án thành phố Vũng Tàu, xử phạt bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (sinh năm 1940) 3 năm tù do phạm tội dâm ô đối với trẻ em. Bản án đã được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ, vì lẽ phải và công bằng đã được bảo vệ.

 Các nhà báo tác nghiệp (ảnh minh họa)
Các nhà báo tác nghiệp (ảnh minh họa))

Mấy ai biết, trong hành trình đấu tranh vừa qua, có vai trò và sự đồng hành với gia đình nạn nhân của các nhà báo. Ngay sau khi bản án giám đốc thẩm được thông tin, nhà báo Đinh Thu Hiền hiện công tác tại Báo Phụ nữ Việt Nam (PNVN) - Văn phòng TPHCM viết trên Facebook: “ Nguyễn Khắc Thủy nhận án 3 năm tù giam. Cũng chính là 3 năm mình theo đuổi vụ án này. Rất nhiều đêm làm tin đến 3g sáng. Rất nhiều ngày đi đi lại lại Vũng Tàu”.

Vụ án Nguyễn Khắc Thủy xâm hại trẻ em đã được báo PNVN theo dõi, điều tra và phản ánh trong suốt 3 năm qua. Khởi đầu, năm 2014, anh ViJay (người Ấn Độ, sống tại Chung cư Lakeside ) gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Khắc Thủy tại Công an phường Nguyễn An Ninh (TP Vũng Tàu) về hành vi dâm ô trẻ em do anh chứng kiến tận mắt. Tuy nhiên sau đó các cán bộ công vụ lại tổ chức hòa giải. Vào giữa năm 2016 , chị Trần Thị T.T, mẹ bé T.N.T, 6 tuổi đã lại tiếp tục làm đơn tố cáo ông Nguyễn Khắc Thuỷ nhiều lần dâm ô bé T.

Nhà báo Đinh Thu Hiền, tác giả loạt bài điều tra về vụ “Dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu”
Nhà báo Đinh Thu Hiền, tác giả loạt bài điều tra về vụ “Dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu”)

Nhà báo Đinh Thu Hiền biết thông tin về vụ ấu dâm này vào khoảng giữa tháng 6/2016 thông qua trang thông tin cá nhân của chị Trần Thị T.T, mẹ của bé T.N.T. Nhà báo đã liên lạc, phỏng vấn chị T. chi tiết và đăng bài báo đầu tiên. Sau khi đăng, bài báo đã nhận được sư quan tâm của rất nhiều độc giả và độc giả còn cung cấp cho báo nhiều thông tin có giá trị liên quan đến vụ việc. Chính vì thế nhà báo đã xuống Vũng Tàu, tìm hiểu thêm thông tin. Chị T. đã kể cho nhà báo tường tận một lần nữa về vụ việc, thậm chí cả bản ghi âm lời của cháu và cung cấp cho tư liệu mà chị đã thu thập thêm từ những bé khác cũng là nạn nhân của Nguyễn Khắc Thủy. Tổng cộng có 9 em bé bị Nguyễn Khắc Thủy xâm hại đã lộ diện.

Để đi tìm sự thật, nhà báo Đinh Thu Hiền còn tìm đến ông Thủy và “có cuộc nói chuyện khá dài với ông Nguyễn Khắc Thủy tại căn hộ của ông ta. Ánh mắt lảng tránh và lời nói dối, thái độ có vẻ thách thức của ông Thủy, lời nói của anh ViJay, lời kể của người mẹ... tất cả các tình tiết đã được tôi xâu chuỗi cho thấy sự vụ khá thống nhất, mạch lạc. Từ những cơ sở trên, chúng tôi đã tiếp xúc với các cơ quan chức năng, yêu cầu họ vào cuộc” – nhà báo Đinh Thu Hiền nhớ lại.

Sau hơn 40 bài báo mà vụ việc vẫn không được giải quyết, báo Phụ nữ Việt Nam đã gửi hồ sơ tới Văn phòng Chủ tịch nước rồi thậm chí cả Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc. Cả hai nơi đều ủng hộ. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đề nghị Bộ Công an và VKSNDTC chỉ đạo quyết liệt các cơ quan tư pháp Vũng Tàu điều tra làm rõ, sớm có kết luận vụ việc này. Nhờ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Viện KSNDTC đã vào cuộc thì vụ án mới được đưa ra truy tố và xét xử.

Trong hành trình đó, rất nhiều lần nhà báo Đinh Thu Hiền bị đe dọa. Chị kể: “Như lần đầu tôi gặp ông Thủy, ông ta đã nói thẳng: “Tôi là dân gốc Hải Phòng đấy”. Tôi hỏi: “Hải Phòng nghĩa là gì?” thì ông ta bảo: “Là băng đảng ấy”. Thời gian đầu tôi còn dám đi Vũng Tàu một mình, sau này mỗi lần đi phải nhờ người thân đi cùng”.

Trong vụ án này còn rất nhiều tờ báo khác cũng kịp thời phản ánh diễn biến, song hành cùng báo Phụ nữ Việt Nam.

Hàng trăm bài báo ủng hộ một gia đình nghèo mất đất

Với từ khóa “Lê Phúc Thủy” hay “nữ sinh kêu cứu vì nhà sắp sập”… công cụ tìm kiếm Google sẽ cho ra gần 1000 kết quả, dẫn đến hàng trăm bài báo của các cơ quan báo chí như Lao động, Tuổi trẻ, Tin tức, Dân trí, Công lý, Pháp lý, Pháp luật Việt Nam, Đại biểu nhân dân, Quân đội nhân dân, Phụ nữ Việt Nam, Văn nghệ Trẻ, Gia đình.net, VTC News, Tri thức trẻ… phản án về vụ UBND quận Long Biên (Hà Nội) thu hồi đất để bán đấu giá cho người khác làm nhà ở trên chính thửa đất gia đình ông Thủy (số 123 Nguyễn Văn Cừ - Long Biên - Hà Nội) đã sinh sống ổn định từ trước 15/10/1993.

Các báo phản ánh: Ngày 21/6/2013, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm và ra bản án số 114/2013/PTHC huỷ Quyết định 4433/QĐ – UBND ngày 18/11/2009 của UBND quận Long Biên về việc thu hồi đất của gia đình ông Thủy. Tòa cũng nhận định gia đình ông Thủy đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" - ông Thủy chia sẻ.

Nhưng kể từ năm 2013, Quận Long Biên không thi hành án, không cấp sổ đỏ cho gia đình ông Thủy. Họ đã gửi không biết bao nhiêu đơn thư, giấy tờ lên các cấp, các ngành có thẩm quyền hi vọng được xem xét giải quyết nhưng vô vọng. Không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được làm lại nhà, trong khi căn nhà cấp 4 được xây từ năm 1992, trải qua 25 năm khiến nó trở nên ọp ẹp, dột nát và có thể sập bất cứ lúc nào.

Cận cảnh ngôi nhà ông Lê Phúc Thủy ở quận Long Biên – Hà Nội mà báo chí phản ánh
Cận cảnh ngôi nhà ông Lê Phúc Thủy ở quận Long Biên – Hà Nội mà báo chí phản ánh)

Vì vậy, đầu tháng 3/2016 con gái ông Thủy là Lê Thúy Nga (sinh năm 1994) đã viết một lá thư cầu cứu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ngay sau khi bức thư được công bố, câu chuyện của nữ sinh Lê Thúy Nga nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận cũng như báo chí, liên tiếp trong nhiều ngày các cơ quan báo chí cử phóng viên đến thăm ngôi nhà của gia đình ông Thủy và viết bài phản ánh, đồng thời đề nghị UBND Tp Hà Nội quan tâm đến trường hợp đặc biệt này, với “ những hình ảnh khó tưởng về căn nhà chờ sập giữa Thủ đô”.

Báo Phụ nữ Việt Nam có bài: “Nữ sinh viết thư 'kêu cứu' chủ tịch Hà Nội vì nhà sắp sập” ra ngày Chủ nhật, 06/03/2016 viết: “ Ít ai hình dung được rằng căn nhà khiến nữ sinh Lê Thúy Nga (hiện là sinh viên Học viện Quản lý giáo dục) phải sống trong cảnh sợ hãi với nỗi lo sập đổ thường trực lại nằm ở vị trí mặt đường tại số 123 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội). Hiện cả bố và mẹ của Nga đều mắc bệnh ung thư và kinh tế gia đình trông cậy vào quán nước chè và sửa xe máy trước nhà”…

Báo giadinh.net.vn có bài: “Thăm ngôi nhà của nữ sinh gửi tâm thư "kêu cứu" Chủ tịch Hà Nội; VTC News: “ Nhà sắp sập mà không được sửa nên một nữ sinh ở Hà Nội đã viết thư gửi ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch thành phố Hà Nội để “kêu cứu” và “ Nữ sinh cầu cứu chủ tịch Hà Nội vì nhà sắp sập”; Báo Lao động có bài “Cận cảnh ngôi nhà chờ sập của nữ sinh viết tâm thư đến Chủ tịch UBNDTP.Hà Nội” ; Báo Tuổi trẻ TPHCM có bài “Cầu cứu Chủ tịch Hà Nội vì không được sửa nhà sắp sập” phản ánh: “ Nhà dột nát, sắp sập nhưng UBND quận Long Biên gây khó dễ, không cấp phép sửa chữa, Lê Thúy Nga, sinh viên năm 3 Học viện Quản lý giáo dục đã gửi thư cầu cứu chủ tịch UBND TP. Hà Nội”. Văn hiến Việt Nam viết: “Hà Nội: Cần khẩn trương "cứu" người dân trong căn nhà chờ sập”; Báo PLVN Plus có bài” Kỳ án 123 Nguyễn Văn Cừ: Toà tuyên huỷ án, quận nói phải... chờ”, “Bàng hoàng ngôi nhà cấp 4 "thủng lỗ chỗ" của nữ sinh viết tâm thư”; báo Pháp luật Việt Nam thì có những bài: “Kỳ án 123 Nguyễn Văn Cừ: Kỷ luật hàng loạt cán bộ ở mức “rút kinh nghiệm”, “Long Biên (Hà Nội): Còn chờ gì mà chưa cấp sổ đỏ cho dân? Báo Tin tức của Thông tấn xã VN có hai bài: "Hà Nội: Cần khẩn trương 'cứu' người dân trong căn nhà chờ sập" và “Hà Nội vào cuộc "giải cứu" người dân trong ngôi nhà chờ sập…

Nhờ sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận, với những tấm ảnh cho thấy thực trạng nguy hiểm của ngôi nhà ông Lê Phúc Thủy và lãnh đạo thành phố Hà Nội đã khẩn trương chỉ đạo Đoàn cán bộ Sở Xây dựng, quận Long Biên và chính quyền địa phương đến khảo sát, đo đạc, kiểm tra tình hình thực tế. Theo sát diễn biến này, Báo Một Thế Giới có bài: “Đoàn kiểm tra “hời hợt” vụ nữ sinh “kêu cứu” vì nhà sắp sập”.

Tạp chí Pháp lý cũng đã có tuyến bài phân tích dài kỳ về tính pháp lý của vụ kiện. Cuối cùng, Tạp chí Pháp lý có bài: “Hậu “kỳ án” ở 123 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội: Gia đình ông Thủy đã được cấp “sổ đỏ” nhưng chưa đủ diện tích”. Bài báo phản ánh ông Thủy qua PV xin bày tỏ lời cảm ơn báo chí, đặc biệt là cảm ơn sâu sắc đến Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, vì đã quan tâm sâu sát, chỉ đạo cụ thể đối với vấn đề khiếu kiện của gia đình ông Thủy qua đơn thư gửi đến và qua báo chí, dư luận phản ánh. “Nếu không được lãnh đạo Thành phố quan tâm thì chúng tôi nghĩ rằng gia đình tôi còn tiếp tục bị gây khó khăn trong việc thực hiện bản án có hiệu lực pháp luật, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Tuy nhiên, diện tích thực tế gia đình ông Thủy đang sử dụng là 110,5 m2, nhưng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ có 90 m2. Vậy là lại khiếu nại tiếp.

Mới đây, báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày 30/5/2018 có bài “Long Biên, Hà Nội: Vì sao để người dân phải khiếu kiện kéo dài?” phản ánh căn cứ để gia đình ông Thủy được cấp đủ diện tích đang sử dụng.

Có thể nói trong hành trình khiếu kiện đòi sự công bằng của vợ chồng ông Lê Phúc Thủy có báo chí đồng hành một cách kiên trì và mạnh mẽ. Vợ chồng ông Thủy có hoàn cảnh đặc biệt, hai vợ chồng đều có bệnh nặng, kinh tế eo hẹp, khó khăn nên báo chí thật sự là chỗ dựa thân thiết, tin cậy của họ.

Dự án xóa sổ một xã và sự vào cuộc quyết liệt của báo chí

Cuối năm 2017, báo Quân đội nhân dân có bài; “Dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng (Đồng Nai) - Mười năm triển khai vẫn ngổn ngang bức xúc”. Theo bài báo, Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng do Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (DonaCoop) làm chủ đầu tư là dự án đô thị có quy mô lớn nhất ở phía Nam với diện tích lên tới gần 1.300ha. Để thực hiện dự án, toàn bộ diện tích xã Long Hưng với gần 6.000 dân đã bị thu hồi. Nhưng sau 10 năm triển khai, đến nay nhiều lời hứa về viễn cảnh tốt đẹp vẫn xa vời, hàng nghìn hộ dân phải chịu thiệt thòi, mất sinh kế, định cư tạm bợ, cuộc sống nghèo khó hơn khi chưa có dự án...

Dự án Khu kinh tế mở Long Hưng đang bị người dân khiếu kiện khá nhiều. Người dân cho rằng UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định bồi thường trước và ra quyết định thu hồi sau là trái quy định với pháp luật. Do đó, người dân đề nghị cơ quan chức năng từ địa phương tới Trung ương xem xét tính pháp lý của dự án, thế nhưng người dân đã khiếu nại tố cáo về vấn đề này nhiều lần, kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Dự án xóa sổ một xã khiến không chỉ người dân Long Hưng khiếu kiện mà báo chí cũng vào cuộc quyết liệt để bảo vệ lẽ phải
Dự án xóa sổ một xã khiến không chỉ người dân Long Hưng khiếu kiện mà báo chí cũng vào cuộc quyết liệt để bảo vệ lẽ phải)

Theo diễn biến của sự việc, báo Pháp luật Việt Nam có loạt bài mạnh mẽ: “Dự án “lừa dưới, dối trên” của Dona.Coop: “Trò ma quỷ” với những con số”. Trí trá với dân và báo cáo sai sự thật với cấp trên chỉ với một mục đích duy nhất là quyết lấy đất làm dự án, đó là đặc điểm xuyên suốt trong quá trình Đồng Nai và Dona.Coop “bắt tay” xóa trắng cả một xã tại TP Biên Hòa để làm dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”. Dù không có căn cứ pháp lý, Đồng Nai vẫn khoác cho dự án “chui” cái quyền “thuộc diện Nhà nước thu hồi đất”, để áp đặt giá bồi thường rẻ mạt, tước đi các quyền năng của người sử dụng với đất đai; cùng với Dona.Coop dùng các thủ đoạn vô cùng tinh vi hòng đền bù số tiền “bèo bọt” nhất cho dân nghèo.

Theo những tài liệu Pháp luật Việt Nam có được, “Tập đoàn Donacoop” ra đời vào năm 2005, đăng ký kinh doanh lần đầu với số vốn 5 tỷ VNĐ ngày 20/10/2005. Hơn nửa năm sau đó, Ban Kinh tế Tỉnh ủy Đồng Nai có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh, đề nghị chấp thuận cho Dona.Coop được thực hiện dự án khi đó còn có tên là “Dự án khu dân cư và du lịch sinh thái ven sông Đồng Nai”. Đây chính là dự án sau này đổi tên thành “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”, xóa sổ cả một xã.

Và không hiểu vì có “năng lực” gì, chỉ trong một năm rưỡi (từ tháng 7/2007 đến tháng 12/2008), tỉnh Đồng Nai đã cấp ít nhất tám giấy chứng nhận đầu tư dự án, giao Dona.Coop quyền định đoạt hơn 11 triệu m2 “đất vàng” tại tỉnh này.

“Một ha đất vừa bồi thường vừa hỗ trợ chỉ có 1,5 tỷ đồng. Nhưng giờ “nó” bán cái nền 100m2 với giá ba mấy triệu đồng/m2. Theo tui tính toán, 1 m2 đổ đất này kia, kể cả hạ tầng, chi phí tối đa chừng 3,5 – 5 triệu đồng/m2. Giờ bán từ mười mấy đến ba mấy triệu đồng thì lợi nhuận thu vào biết bao nhiêu mà nói. Chưa nói đến chuyện cả xã bị xóa trắng, cả vạn dân hóa tay trắng, ảnh hưởng tinh thần, nên dù chuyện Dona.Coop có nộp 477 tỷ tiền thuế là thật, cũng không là cái gì hết so với những gì người Long Hưng mất mát” – một người dân bức xúc phản ánh.

Còn rất nhiều cơ quan báo chí khác đã đồng hành cùng người dân Long Hưng đi đòi quyền lợi chính đáng của họ. Đơn cử những tựa đề các bài báo sau đây cho thấy các nhà báo đã sát cánh cùng người dân rất chặt chẽ: “Dự án “lừa dưới, dối trên” của Dona.Coop: Hai lần bị Chính phủ nhắc nhở vẫn “vận dụng sai” pháp luật” là bài báo trên PLVN Plus; “Sống mòn ở dự án triệu đô” - Báo Sài Gòn Giải Phóng; “Sở hữu dự án tỷ đô, DonaCoop vẫn vay nợ khủng hơn 2 ngàn tỷ đồng” là bài trên Reatimes.vn; Dự án của Dona.Coop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn: Những kẻ chủ mưu giấu mặt trong đêm 680 nông dân bị bắt – Báo Pháp luật Việt Nam; “Ai oán dân tạm cư ở dự án tỷ đô” - Báo Đất Việt…

**
Đứng về phía những người yếu thế, bảo vệ lẽ phải và công bằng xã hội là một nghĩa vụ cao cả của báo chí. Trong hành trình ấy, các nhà báo gặp không ít trở ngại, khó khăn, cám dỗ và nguy hiểm… Nhưng chính những thử thách ấy khiến mỗi bài báo càng có sức thuyết phục hơn, được bạn đọc tin cậy hơn, đáng trân trọng hơn. Và chính hành trình dấn thân, đồng hành cùng những người yếu thế là niềm hạnh phúc của người làm báo.

Lưu Thái Bảo

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bao-chi-dung-ve-phia-nguoi-yeu-the-di-tim-cong-ly-a195076.html