(Pháp lý) - Lần đầu tiên giải Báo chí về phòng, chống tham nhũng (PCTN) được tổ chức đã thu hút hàng nghìn tác phẩm báo chí viết về đề tài này, đặc biệt 31 tác phẩm được trao giải là minh chứng quan trọng về vai trò tiên phong và hiệu quả của các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo trong công cuộc đấu tranh chống giặc “nội xâm”. Tuy nhiên, để các cơ quan báo chí, các Nhà báo không “chùn bước” trước cuộc chiến chống giặc “nội xâm” thì tới đây, rất cần các cơ quan chức năng hoàn thiện sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật để bảo vệ báo chí.
Giải Báo chí tôn vinh những người làm báo dũng cảm
Nhằm phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, của báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, Hội Nhà báo Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp tổ chức thành công Giải báo chí toàn quốc (lần I): “Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí”.
Sau gần một năm phát động, đã có 1.126 tác phẩm tham dự giải. Các tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo, được trao giải có chất lượng nghiệp vụ tốt, thông tin sắc bén, trung thực, thể hiện trách nhiệm cao của các nhà báo, tinh thần dấn thân, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm để có tác phẩm báo chí hay, tính chiến đấu cao và tính nhân văn sâu sắc. Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo lựa chọn 31 tác phẩm thuộc các loại hình báo in, điện tử, truyền hình, phát thanh để trao giải. Hầu hết các tác phẩm báo chí đạt giải đã bám sát nội dung phát hiện đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực PCTN, lãng phí; tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác giám sát cán bộ đảng viên, công chức ở khu dân cư; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII của Đảng và Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII.
Lần đầu tiên giải Báo chí về PCTN tổ chức đã thu hút hàng nghìn tác phẩm báo chí viết về đề tài này. Bởi trên thực tế, đặc biệt là trong nhiều năm nay, báo chí đã và đang luôn thể hiện vai trò xung kích, tiên phong trên mặt trận đấu tranh PCTN, lãng phí. Đặc biệt, 31 tác phẩm được trao giải là minh chứng quan trọng về vai trò của các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo trong cuộc đấu tranh với giặc “nội xâm” hết sức cam go, phức tạp… Trong đó đáng chú ý, hai tác phẩm "Cuộc đại phẫu những "khối u" nghìn tỷ…" của nhóm tác giả Thu Hà, Quang Hưng, Hoàng Anh, Ngọc Long, Ngô Quang Dũng, Đặng Giang, Thanh Phong - Báo Nhân Dân và loạt bài "Chống được "chạy" sẽ thành công" của tác giả Nguyễn Hòa Văn - Tạp chí Người làm báo được trao giải A trong thể loại báo in và báo điện tử.
Có thể nói, công tác PCTN, lãng phí là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Tại lễ trao giải, Chủ tịch Nước mong muốn và đề nghị các cơ quan báo chí, các Nhà báo phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của báo chí, đặc biệt coi trọng tính khách quan, chân thực, tính chuyên nghiệp đẩy cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghệ nghiệp của đội ngũ những người làm báo trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội.
Để báo chí luôn tiên phong trên mặt trận PCTN
Nhận được sự khích lệ lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ nhiệt tình của Nhân dân cả nước, thời gian qua, báo chí đã dũng cảm, tích cực đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở đâu có tham nhũng, tiêu cực ở đó có sự đồng tâm, hiệp lực kịch liệt lên án, đấu tranh không khoan nhượng của đội ngũ nhà báo. Bằng những tác phẩm mang đầy sức chiến đấu, thông qua nhiều hình thức, thể tài phong phú, báo chí không chỉ phê phán, phanh phui, “điểm mặt chỉ tên” từng đối tượng, sự việc cụ thể mà những kết quả điều tra công phu của họ còn là những cứ liệu ban đầu hết sức quan trọng giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc.
Một thực tế hết sức sống động là trong hầu hết các vụ tiêu cực, tham nhũng lớn ở một số cơ quan Trung ương và địa phương được phát hiện, đưa ra trước ánh sáng công luận, đã được cơ quan chức năng xử lý đến nơi đến chốn đều có công đầu của báo chí. Ví dụ như: Vụ “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng và tiêu cực lớn ở PMU18; vụ cán bộ lãnh đạo thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng) chia chác hàng chục mảnh đất trị giá hàng tỷ đồng cùng bản án sơ thẩm “nhẹ như lông hồng”; vụ tham nhũng của cựu đại biểu Quốc hội Mạc Kim Tôn; vụ đề án tin học hóa các hoạt động hành chính (Đề án 112); vụ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; vụ vi phạm trong giải phóng mặt bằng cầu Thanh Trì (Hà Nội); vụ chạy hạn ngạch (quota) dệt may tại Bộ Thương mại; vụ Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP . Hồ Chí Minh; dự án xây dựng cầu Bãi Cháy; vụ Vinashin... Gần đây là hàng loạt các vụ việc tham nhũng tiêu cực được báo chí phanh phui, cho thấy rõ hơn vai trò của báo chí trong việc phát hiện, góp phần đưa ra ánh sáng các vụ tiêu cực, tham nhũng.
Hầu hết các vụ tiêu cực lớn, dù thủ đoạn hành vi tham nhũng của các đối tượng có tinh vi đến đâu, cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng, nhờ sự phát hiện, tố cáo của nhân dân, thường trước hết nhân dân tố cáo với các cơ quan báo chí, thông qua báo chí.
Rất nhiều thông tin mà báo chí nêu về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, hành vi tham ô được báo chí đề cập và sau đó Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương phải vào cuộc xác minh, điều tra, xử lý nghiêm. Từ đó, tạo niềm tin cho người dân vào công lý, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vào quyết tâm PCTN của Đảng.
PCTN là sự nghiệp của toàn dân, trong đó nhà báo với chức năng của mình có vị trí rất quan trọng. Thực tế hiện nay cho thấy, tham nhũng đã phát triển rất tinh vi, tham nhũng gắn liền với “lợi ích nhóm”, tức là của những người có chức có quyền trong hệ thống quyền lực các cấp, các tập đoàn kinh tế câu kết với nhau chi phối, thao túng tìm kiếm lợi ích trong các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực đất đai nổi lên như một vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Vai trò của nhà báo trong công cuộc đấu tranh PCTN đã được pháp luật xác định rõ ràng. Luật Báo chí năm 2016 (Điều 25) quy định các quyền và nghĩa vụ của nhà báo trong hoạt động tác nghiệp. Luật PCTN quy định trách nhiệm của báo chí tại Điều 9 đã xác định rất rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí trong PCTN: “Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc PCTN; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong PCTN; khi đưa tin phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa”. Luật PCTN tại khoản 1 Điều 86 quy định: "Nhà nước khuyến khích cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng, chống tham nhũng". Cũng Điều 86 tại khoản 2 quy định: "cơ quan báo chí có trách nhiệm biểu dương tinh thần và những việc làm tích cực trong công tác PCTN; lên án, đấu tranh đối với những người có hành vi tham nhũng; tham gia truyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN". Tại Khoản 3 , Điều 86 Luật PCTN quy định: "cơ quan báo chí, phóng viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật; trường hợp không cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do". Như vậy có thể nói, Luật PCTN chính thức trao quyền lớn hơn về chống tham nhũng cho cơ quan báo chí.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn thiếu vắng một cơ chế pháp lý cụ thể để bảo vệ nhà báo trong các trường hợp nhà báo khi tác nghiệp bị cản trở, thậm chí bị đe dọa, hành hung hoặc bị trả thù sau khi công bố kết quả phát hiện, xác minh, thu thập thông tin. Một số vụ việc nhà báo lãnh chịu hậu quả của hoạt động tác nghiệp vẫn chưa được xử lý quyết liệt, dẫn đến hiện tượng nhiều nhà báo không dám dấn thân, thậm chí có người chán mà bỏ nghề… Đây là một hiện tượng đáng suy ngẫm trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhà báo trong công cuộc đấu tranh PCTN.
Mới đây, dư luận chú ý đến trường hợp một nữ nhà báo Dương Hằng Nga - TrưởngVPĐD Tạp chí Giao thông vận tải thường trú tại Đà Nẵng bị cấm xuất cảnh. Đáng chú ý là người đứng đơn tố cáo nhà báo lợi dụng chức năng báo chí vu khống doanh nghiệp đó lại chính là Công ty đang bị nhà báo này phanh phui tiêu cực. Hội Nhà báo Việt Nam đã có những động thái tích cực để bảo vệ Hội viên của mình. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ khi thời điểm đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là các cơ quan có chức năng chống tham nhũng lại chưa kịp thời đứng ra bảo vệ nhà báo.
Trong cuộc chiến cam go chống lại các hành vi tiêu cực hiện nay, nhiều nhà báo cho biết, bản thân nhà báo phải tự bảo vệ mình. Nhà báo phải rất thận trọng trong hoạt động tác nghiệp, cần thông tin đúng sự thật trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và chịu trách nhiệm về kết quả thông tin của mình. Kinh nghiệm quý báu đối với nhà báo là tránh suy diễn, phán xét một cách chủ quan về sự kiện được thông tin.
Báo chí thời gian qua luôn tiên phong và phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác đấu tranh PCTN, lãng phí. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia pháp luật, cần có những nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung quy định bảo vệ tác nghiệp, bảo vệ nhà báo khi đi làm nhiệm vụ, tạo hành lang pháp lý tốt để các nhà báo, cơ quan báo chí yên tâm dấn thân. Bên cạnh đó cũng cần có chế tài xử lý hành vi không trả lời báo chí theo luật định, đặc biệt với những vụ việc có dấu hiệu sai phạm thì cần có chế tài trong việc cung cấp thông tin khách quan, kịp thời.
Để bảo vệ nhà báo trong hoạt động tác nghiệp, khơi dậy lòng yêu nghề, nhiệt tình đam mê và trách nhiệm đối với nghề báo trong cuộc đấu tranh PCTN, Luật sư Nguyễn Minh Tâm – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: cần có nghiên cứu về cơ chế phối hợp giữa Hội Nhà báo với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc bảo vệ quyền hành nghề của nhà báo đấu tranh PCTN. Hình thức phối hợp có thể là bằng văn bản, trong đó gồm các quy định về mục đích, nguyên tắc phối hợp, các điều kiện và biện pháp phối hợp, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của Hội Nhà báo cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc thực hiện các quy định của Luật Báo chí, Luật PCTN. Văn bản này có giá trị pháp lý, tạo điều kiện để các nhà báo yên tâm hoạt động tác nghiệp, có đủ bản lĩnh dấn thân thực hiện tác nghiệp, đấu tranh có hiệu quả trong công cuộc đấu tranh PCTN hiện nay.
Với tư cách một Nhà báo đã tham gia viết rất nhiều về mảng đề tài chống tham nhũng, chia sẻ với Phóng viên Pháp lý, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo Lao Động nhận xét: “Báo chí ở Việt Nam đã phát huy rất tốt vai trò PCTN. Nhiều nhà báo, Tòa soạn báo đã đi tiên phong trong hầu hết các vụ việc tiêu cực gây bức xúc dư luận xã hội.
Để báo chí phát huy cao hơn nữa vai trò tiên phong trong việc phát hiện, phản ánh những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho rằng: “báo chí cần nhận được “phản hồi” từ các cơ quan chức năng. Đó là điều báo chí mong muốn nhất. Ngoài những vụ việc ầm ĩ báo chí đưa hôm trước, hôm sau các cơ quan ra quân xử lý, còn rất nhiều bài báo khi phản ánh bị các cơ quan coi như “ném đá ao bèo”, khiến Nhà báo bị tổn thương, công sức họ bỏ ra bị đổ xuống sông, xuống biển, cảm thấy bị phụ bạc. Do vậy, dù bài báo viết đúng hay sai cũng cần được phản hồi. Nếu báo chí phản ánh đúng, các cơ quan cần ra quân để xử lý triệt để. Có như thế họ mới có niềm tin và thêm dũng khí”.
Về kinh nghiệm nghiệp vụ, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ: đây là mảng đề tài khó, nó thể hiện sự chuyên nghiệp và đạo đức của cả bản thân phóng viên, nhà báo và tòa soạn báo. Nếu phóng viên, nhà báo và tòa soạn không có sự chuyên nghiệp và đạo đức, tòa soạn sẽ “lao đao”, thậm chí có thể bị đóng cửa hoặc đình bản. Một vấn đề mấu chốt để báo chí thành công hơn nữa trong việc phát hiện và phản ánh tiêu cực là, song song với sự nhiệt huyết của Phóng viên, Nhà báo cũng cần có sự hỗ trợ từ Tòa soạn, bản lĩnh của lãnh đạo Tòa soạn.
Trong một bài viết về đề tài “Báo chí với công tác phòng, chống tham nhũng”, trên trang thông tin Ban Nội chính Trung ương, ông Cù Tất Dũng, Ban Nội chính Trung ương cho biết: thời gian qua, báo chí đã có hàng nghìn bài viết liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Những bài báo in, báo hình, báo điện tử hay phát thanh dù được đăng tải dưới những hình thức khác nhau đã truyền tải tới người nghe, người xem, người đọc bức tranh toàn cảnh, đa màu sắc của công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, một số thông tin đưa ra chưa có bằng chứng xác thực với vụ việc. Do đó, để phát huy hơn nữa vai trò trong việc phát hiện và phản ánh đối với những hành vi tham nhũng, các cơ quan quản lý báo chí, cũng như các cơ quan báo chí, tòa soạn báo cần phải có cơ chế chống tiêu cực ngay trong các cơ quan báo chí; công khai và xử lý nghiêm khắc đối với những cơ quan báo chí, Tổng Biên tập, nhà báo, phóng viên khi nhân dân phản ánh, tố giác về hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nhưng không tích cực vào cuộc hoặc ngăn cản cấp dưới tác nghiệp, đưa tin.
Cần khẩn trương xây dựng cơ chế bảo vệ, khen thưởng Nhà báo, Phóng viên, công dân có công phát hiện, tích cực tố giác, dũng cảm đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, suy thoái trong đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân tích cực tham gia phát hiện, tố giác những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí để tạo thành phong trào chung, lan tỏa ra toàn xã hội. Nhà báo được tham gia sâu hơn, tiếp cận thông tin nhiều hơn với các văn bản, đặc biệt là những kết luận, các thông cáo báo chí của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và của các cơ quan, đơn vị có chức năng là trụ cột trong xử lý các vấn đề liên quan đến tham nhũng, lãng phí.
Điều 9, Luật PCTN quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí. Cụ thể: “Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng chống tham nhũng; khi đưa tin phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa”.
Thành Chung và Nguyễn Hòa
Link nội dung: https://phaply.net.vn/de-bao-chi-nha-bao-khong-chun-buoc-truoc-tham-nhung-a195057.html