Vũ "nhôm" và 23 đồng phạm bị đề nghị truy tố về những tội danh gì?

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có Kết luận điều tra bổ sung vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank - DAB), gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Chiều ngày 18/6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) và Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB) cùng 22 đồng phạm khác về 4 nhóm tội danh đã nêu trên.

Riêng đối với Vũ "nhôm" bị đề nghị truy tố về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015. Hành vi sai phạm của Vũ "nhôm" được xác định là đã ký chứng từ nộp khống 200 tỷ đồng để Công ty Bắc Nam 79 mua cổ phần của DAB và gần 3,2 tỷ đồng tiền lãi.

Ngoài việc, Vũ "nhôm" phải chịu trách nhiệm về số tiền nêu trên, Vũ "nhôm" phải chịu trách nhiệm hoàn trả cho Trần Phương Bình 13,4 triệu USD.

 Bị can Phan Văn Anh Vũ
Bị can Phan Văn Anh Vũ)

Ngoài 24 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án này, còn có đối tượng Nguyễn Huỳnh Đăng (nguyên Trưởng phòng kinh doanh DAB Hội sở), do Đăng đang bỏ trốn, nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra lệnh truy nã, đến nay chưa bắt được.

Do vậy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định tách vụ án "Cố ý làm trái..." liên quan đến hành vi của Nguyễn Huỳnh Đăng, chờ khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải Đăng đến cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. Sau khi tiếp nhận đối tượng truy nã phải báo ngay cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an (Phòng 10 C46) theo số điện thoại 069.2322.621.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng ra quyết định tách vụ án hình sự Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, liên quan đến hành vi của Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Ngọc Vân (nguyên Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB). Ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với hành vi này của Bình và Vân, khi nào có kết luận giám định, kết luận định giá sẽ phục hồi điều tra và xử lý sau.

Những sai phạm tại Ngân hàng Đông Á bị phát giác như nào?

Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) được thành lập năm 1992, hiện có vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng; 100% cổ đông trong nước, cổ đông sáng lập chiếm 13,21% và cổ đông thường chiếm 86,79%. Trong đó nhóm gia đình Trần Phương Bình chiếm 10,24%; nhóm Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) do vợ của Trần Phương Bình làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, nắm giữ 7,7% vốn điều lệ DAB.

Ngày 23-7-2015, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước có Kết luận thanh tra về một số sai phạm xảy ra tại Ngân hàng DAB, nêu rõ: Tổng số dư nợ tại DAB là 20.233 tỷ đồng, trong đó 123 khách hàng có dư nợ 19.644 tỷ đồng. Trong số này, có gần 8.000 tỷ đồng là nợ khó thu hồi và hơn 5.600 tỷ đồng là nợ không có khả năng thu hồi (chủ yếu là cho vay tín chấp).

Từ đó, ngày 13-8-2015, Ngân hàng Nhà nước có Quyết định số 69 về việc kiểm soát đặc biệt Ngân hàng DAB. Qua công tác rà soát, kiểm tra, giám soát, đã phát hiện Kho quỹ Hội sở DAB thiếu hụt gần 2.100 tỷ đồng và hơn 62.000 lượng vàng; Kho quỹ DAB Sở giao dịch thiếu hụt gần 417 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước đã chuyển hồ sơ vụ việc này đến Cơ quan Công an để đề nghị điều tra làm rõ. Ngày 9-12-2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Ngọc Vân về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Riêng Trần Phương Bình bị khởi tố bổ sung tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

 Bị can Trần Phương Bình.
Bị can Trần Phương Bình.)

Nguyên nhân chính dẫn đến việc DongABank lỗ lũy kế hơn 31 nghìn tỷ đồng

Theo đó, với vai trò là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, Trần Phương Bình đã tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ, tín dụng, đầu tư… tại DAB; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái Luật kế toán, Luật các Tổ chức tín dụng và Điều lệ DAB, gây thiệt hại cho DAB tổng số tiền gần 3.600 tỷ đồng.

Cụ thể, Trần Phương Bình phạm đã phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trong việc: Chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 1.160 tỷ đồng để mua hơn 74,2 triệu cổ phần DAB; chi gần 500 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD và Vũ "nhôm" mua cổ phần DAB; 349,6 tỷ đồng để sử dụng cá nhân.

Như vậy, với hành vi "Lạm dụng chức vụ...", Bình đã chiếm đoạt của DAB tổng số hơn 2.000 tỷ đồng.

Riêng với hành vi "Cố ý làm trái quy định...", Bình đã gây thiệt hại thêm tổng số tiền vào khoảng hơn 1.560 tỷ đồng. Trong số này, Bình đã chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 467,8 tỷ đồng đồng để chi lãi ngoài; hơn 53 tỷ đồng để tất toán khoản vay của Nguyễn Hồng Ánh (cán bộ hưu trí) liên quan đến việc tất toán khống khoản vay 1.900 lượng vàng.

Gần 43 tỷ đồng, Bình dùng để sử dụng chi tiêu cho các mục đích khác; xuất khẩu vàng trái phép gây thiệt hại hơn 611 tỷ đồng; kinh doanh ngoại hối trái phép gây thiệt hại hơn 384 tỷ đồng...

Vũ "nhôm" đã cấu kết với Trần Phương Bình để hợp thức hơn 200 tỷ như nào?

Năm 2013, DAB kinh doanh sa sút, thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn vàng và tiền trong kho quỹ. Trần Phương Bình muốn Vũ “nhôm” đầu tư vào DAB để Bình có tiền xử lý khó khăn tại ngân hàng, tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng (năm 2014).

Cuối năm 2013, Bình và Vũ “nhôm” bàn bạc, thống nhất để Vũ "nhôm" mua 60 triệu cổ phần DAB với giá hơn 600 tỷ đồng khi DAB tăng vốn điều lệ nhằm để Vũ "nhôm" thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB. Vũ "nhôm" thế chấp hàng trăm lô đất tại TP Đà Nẵng để vay DAB 400 tỷ đồng, còn thiếu 200 tỷ đồng Vũ "nhôm" nhờ Bình giúp đỡ.

Bình và Vũ “nhôm” thống nhất DAB xuất quỹ chi cho Vũ "nhôm" bằng cách Vũ "nhôm" phải ký chứng từ nộp khống 200 tỷ đồng tại DAB.

Kết luận điều tra bổ sung nêu, 200 tỷ đồng mà Vũ nộp vào DAB là khống, 200 tỷ đồng DAB chuyển vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79 là thật. Số tiền này đã được dịch chuyển sở hữu bất hợp pháp từ DAB sang cho công ty của Vũ “nhôm”. Vì vậy, hành vi của Bình và Vũ “nhôm” gây thiệt hại cho DAB 200 tỷ đồng tiền gốc và 3,1 tỉ đồng tiền lãi.

Chúng tôi sẽ thông tin tiếp về vụ án này.

Theo cand.com.vn

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vu-nhom-va-23-dong-pham-bi-de-nghi-truy-to-ve-nhung-toi-danh-gi-a195053.html