Bảo đảm trên thực tế yêu cầu của nguyên tắc suy đoán vô tội

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo “Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự” mới được tổ chức tại Hà Nội, ông Hoàng Anh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), VKSND tối cao cho rằng, suy đoán vô tội là nguyên tắc quan trọng, có tính chất nền tảng, chi phối nhiều nguyên tắc khác của tố tụng hình sự.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo “Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự” mới được tổ chức tại Hà Nội, ông Hoàng Anh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), VKSND tối cao cho rằng, suy đoán vô tội là nguyên tắc quan trọng, có tính chất nền tảng, chi phối nhiều nguyên tắc khác của tố tụng hình sự. Trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã quy định cụ thể hơn về nguyên tắc này.

 Quang cảnh tại Hội thảo.
Quang cảnh tại Hội thảo.)

Theo Phó Vụ trưởng Vụ 14, VKSND tối cao Hoàng Anh Tuyên, khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung và quy định đầy đủ nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Trên tinh thần đó, Điều 13 BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể hơn về nguyên tắc này, theo đó, “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”. Đồng thời, trong các điều luật cụ thể được sửa đổi, bổ sung đều quán triệt nguyên tắc này như: Thứ nhất, toàn bộ quá trình chứng minh tội phạm được Bộ luật quy định rất chặt chẽ, đầy đủ, cụ thể về trình tự, thủ tục, nhất là quá trình thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, theo đó, bổ sung quy định những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự (Điều 87); mỗi chứng cứ phải được kiểm tra để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án (Điều 108). Trường hợp đã áp dụng đầy đủ các biện pháp cần thiết mà vẫn không đủ căn cứ để chứng minh tội phạm thì phải kết luận họ không có tội, khôi phục và bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của họ.

Thứ hai, Bộ luật thay cụm từ “người phạm tội” bằng các cụm từ “người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm” (Điều 179, 180, 280…) nhằm nhấn mạnh, tạo sự nhận thức rõ ràng cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là chừng nào chưa có bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì người bị buộc tội vẫn chưa bị coi là có tội; những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được đối xử với người bị buộc tội như người có tội.

Ngoài ra, theo ông Tuyên, nguyên tắc suy đoán vô tội có mối quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa, nguyên tắc trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội cũng như bảo đảm quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo được trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội. Sẽ là “sự suy đoán có tội” nếu các nguyên tắc và bảo đảm các quyền nêu trên của người bị buộc tội còn bị vi phạm trên thực tế; tương tự như vậy, nếu trách nhiệm chứng minh, quyền bào chữa và các quyền khác của người bị buộc tội được bảo đảm tức là đã bảo đảm trên thực tế yêu cầu của nguyên tắc suy đoán vô tội” - ông Tuyên nói.

Theo BVPL

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bao-dam-tren-thuc-te-yeu-cau-cua-nguyen-tac-suy-doan-vo-toi-a195020.html