Tuyên truyền để pháp luật vào cuộc sống: Báo chí cần có “nghệ thuật”

(Pháp lý) - Ông Vũ Mão (nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) là người giữ nhiều kí ức về Quốc hội thời kì đổi mới. Một trong những kí ức ông nhớ sâu sắc đó là sự đổi mới trong công tác báo chí đưa tin về Quốc hội. Điều này, đã tạo nền tảng cho mối “lương duyên” báo chí và Quốc hội để từ đó báo chí phát huy vai trò hỗ trợ, kết nối các nhiệm vụ của Đại biểu Quốc hội và Quốc hội với cử tri.

Kí ức những ngày đầu báo chí “vào” Quốc hội

Bắt đầu từ Quốc hội khóa VIII, “luồng gió” đổi mới đã “thổi mạnh” vào các hoạt động của Quốc hội. Là người luôn trăn trở về Quốc hội, ông Vũ Mão nhớ sâu sắc những điểm mới đó. Ông say sưa kể lại với phóng viên về 7 nội dung đổi mới tiêu biểu của Quốc hội khóa VIII: Hoạt động ở Quốc hội dân chủ hơn, các đại biểu đóng góp ý kiến thẳng thắn hơn. Đặc biệt đã diễn ra một sự kiện là tranh cử chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Quốc hội cũng sửa lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980, từ đó tạo tiền đề cho việc mở rộng quan hệ Quốc tế; Quyết định rút quân tình nguyện ở Campuchia về nước sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang; Sửa đổi bổ sung Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân 1989, lập ra thường trực hội đồng nhân dân; Xây dựng Hiến pháp 1992 – Hiến pháp có nhiều nội dung mới đặt nền móng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; Đưa công nghệ thông tin vào hoạt động của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động Quốc hội; Đổi mới trong công tác báo chí về Quốc hội.

Ông Vũ Mão chia sẻ những kí ức về Quốc hội và những đánh giá đối với hoạt động báo chí.
Ông Vũ Mão chia sẻ những kí ức về Quốc hội và những đánh giá đối với hoạt động báo chí.)

Trước đổi mới, Quốc hội thường họp kín. Báo chí không thật gần gũi với Quốc hội. Hằng ngày, sau khi họp xong thì Quốc hội ra thông cáo báo chí để một số các cơ quan báo chí đăng tải. Ông Vũ Mão được giao nhiệm vụ là trưởng ban thư kí của Quốc hội, người chịu trách nhiệm về phát ngôn của Quốc hội. Là cán bộ thấm nhuần tư tưởng đổi mới, ông nhận thấy sự khép kín của Quốc hội đối với báo chí là không cần thiết. “Tôi cho rằng dân chủ, công khai, minh bạch là yêu cầu cấp thiết trong tiến trình đổi mới. Tinh thần của chúng ta là đổi mới, bản chất của đổi mới là dân chủ, công khai và minh bạch. Dân chủ được hiểu là quyền của người dân. Dân bầu ra Quốc hội, Quốc hội là của người dân, nhưng dân không biết Quốc hội làm gì thì chưa thể coi là dân chủ! Đồng thời, giữa dân chủ và công khai, minh bạch có mối quan hệ mật thiết với nhau. Phải công khai và minh bạch thì dân mới biết và góp ý được”, ông Vũ Mão nói.

Ông Vũ Mão khởi xướng và đề xuất việc “mở cửa” cho báo chí vào nghị trường. Theo đó, từ khóa Quốc hội VIII, nhà báo được tiếp xúc trực tiếp với ĐBQH. “Ở hội trường Ba Đình, khu vực nhà kính, lúc đại biểu Quốc hội giải lao thì phóng viên được gặp trực tiếp ĐBQH và hỏi không hạn chế về mọi vấn đề. Lúc đó, cũng có không ít đại biểu phàn nàn. Nhiều người cho rằng, nhà báo làm phiền đại biểu, giờ giải lao phải để đại biểu nghỉ ngơi. Hay nhà báo hỏi nhiều vấn đề mà đại biểu không muốn trả lời. Khi ấy, có nhiều người kiến nghị, thắc mắc với tôi, nhưng cũng chính tôi giải thích: Đổi mới cần phải như thế. Qua kênh báo chí, cử tri sẽ biết đại biểu làm gì tại Quốc hội, đại biểu có thực hiện đầy đủ các chức trách cử tri giao hay không? Tôi là người đã quyết liệt bảo lưu để nhà báo vào Quốc hội”.

Trong thời gian vừa qua, đã có không ít những đề xuất làm ảnh hưởng không tốt tới thời gian và khả năng tiếp cận của báo chí với hoạt động của Quốc hội. Những đề xuất đó gây không ít băn khoăn trong dư luận và người dân. Trao đổi với Phóng viên Pháp lý về vấn đề này, ông Vũ Mão nói: Tôi rất tiếc, giai đoạn khó khăn nhất về nhận thức, nội dung, cách làm đã qua rồi. Từ khóa VIII đến khóa XIV là hơn 30 năm. Tác động báo chí trong đời sống xã hội nhất là trong hoạt động của Quốc hội là rất tích cực, rất cần thiết, vì vậy không nên hạn chế báo chí “vào” Quốc hội. Theo tôi, điều đó là không cần thiết. Trong hoạt động của báo chí, còn những hạn chế nhất định, chưa đúng đắn, thiếu chuẩn mực nhưng “khép kín” với báo chí là không nên. Những việc như vậy là cần rút kinh nghiệm.

Nhớ lại quá trình giải quyết “khủng hoảng” giữa đại biểu và báo chí, ông Vũ Mão nói: Thực tế có những buổi, tôi đã mời đại biểu không hài lòng với báo chí và nhà báo gặp nhau. Qua những cuộc gặp như thế, các bên trình bày ý nguyện của mình. Qua các vụ việc thực tế, tôi thấy báo chí có sai sót nhưng không nghiêm trọng, họ chỉ mắc lỗi là thiếu nhạy cảm với thông tin. Họ có ghi âm đầy đủ. Sau khi xem lại, Đại biểu cũng nhận thức được rằng, mình cần cẩn trọng khi phát ngôn…

Cầu nối đại biểu và cuộc sống

Từ sau Quốc hội khóa VIII, đã thành một nề nếp xung quanh các kì họp của Quốc hội báo chí được theo dõi, đưa tin, được gặp trực tiếp đại biểu. Thông tin báo chí về Quốc hội, cử tri hiểu rõ hơn về Quốc hội. Hơn nữa, thông tin trên báo chí về cử tri cũng tác động lại các hoạt động của Quốc hội. Trước khi đổi mới, phóng viên đi tiếp xúc cử tri cùng đại biểu là rất ít. Sau này thì đại biểu đi tiếp xúc cử tri thì có phóng viên đi cùng và đưa tin về các hoạt động cụ thể của đại biểu. Trong một thời gian ngắn, đại biểu chưa thể tiếp xúc với toàn bộ cử tri của mình, nhưng thông qua báo chí, đại biểu có thể ghi nhận toàn bộ ý kiến của các cử tri ở nhiều địa bàn khác nhau và truyền tải đến đại biểu. Theo một chiều khác, thông tin trên báo chí tác động tích cực đến đại biểu. Giữa muôn vàn ý kiến từ đời sống, nếu đại biểu chịu lắng nghe, đọc báo thì đại biểu có thể sử dụng những thông tin đó, nghiền ngẫm rồi biến thành những kiến nghị của mình.

Ông Vũ Mão cũng cho rằng: Những nhà báo tâm huyết, sắc sảo khi vào Quốc hội đã khéo léo tận dụng cơ hội của mình trong các dịp nói chuyện với đại biểu, hỏi han đại biểu. Trong hàng trăm đại biểu Quốc hội, có nhiều vị đại biểu ở cương vị rất cao. Từ thông tin họ cung cấp, nhà báo có thể viết những tin bài độc quyền, cũng như thu thập được nhiều tư liệu quý làm “của để dành” cho quá trình sáng tác, sáng tạo. “Tôi biết có nhiều nhà báo khi ấy đã ghi âm các tư liệu từ nghị trường để sử dụng đến tận hôm nay. Nó không chỉ có ý nghĩa với xã hội trong giai đoạn đó, mà còn có ý nghĩa đến sau này khi mọi người cùng nhìn lại những ưu và nhược điểm của các hoạt động chính trị đã qua”, ông Vũ Mão chia sẻ.

 Phóng viên báo chí phỏng vấn các Đại biểu Quốc hội
Phóng viên báo chí phỏng vấn các Đại biểu Quốc hội)

Nhận định về sự hỗ trợ của báo chí với đại biểu trong thời gian vừa qua, ông Vũ Mão có nhiều đánh giá tích cực. “Nói về Quốc hội, phải nói đến 3 chức năng. Lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đối với đại biểu, để thực hiện đầy đủ các chức năng này thì đỏi hỏi họ phải có tầm nhìn và kiến thức sâu rộng. Không phải đại biểu nào cũng có đầy đủ kiến thức, kĩ năng khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Chính vì vậy, để thực hiện tốt các nhiệm vụ, đại biểu lúc nào cũng cần học hỏi thêm, nhất là thu nhận từ báo chí”.

Thông qua báo chí, hình ảnh của ĐBQH cũng trở nên gần gũi với cử tri hơn. Báo chí đã khai thác triệt để tiếng nói của đại biểu đối với các vấn đề xã hội. Đại biểu chia sẻ với báo chí nhiều hơn. Đại biểu đưa quan điểm của mình đến cử tri, đến cơ quan soạn thảo luật, cơ quan bị chất vấn, giám sát qua báo chí. Thông quá báo chí, cử tri ghi nhận những hoạt động của đại biểu. Tuy nhiên, cũng có không ít đại biểu gặp những rắc rối nho nhỏ trên báo. Để hạn chế những rắc rối đó, theo ông Vũ Mão thì đại biểu cần trau dồi hơn nữa để có kiến thức, kinh nghiệm để khi phát ngôn đúng đắn, chuẩn mực.

“Đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống”: Báo chí cần có “nghệ thuật”

Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với công tác của Quốc hội và cơ hội làm việc nhiều với giới báo chí, khi được hỏi về những góp ý để một nhà báo viết giỏi về Nghị trường, ông Vũ Mão cho rằng nhà báo viết giỏi về Nghị trường cần sắc sảo, am hiểu nhiều kiến thức. Trước khi bước vào một kì họp, hay phỏng vấn một đại biểu thì nhà báo đó phải có tính toán, dự liệu về những gì cần khai thác trước khi tiến hành. Sự chuẩn bị kĩ lưỡng ấy là cần thiết và sẽ được đáp đền bằng các tin bài sâu sắc như “trái ngọt” của nghề báo vậy.

Trước đây, hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chủ yếu bằng hình thức đăng công báo. Hiện nay, nhiều tờ báo đã có những cách thức khác nhau tuyên truyền chính sách pháp luật, là nhịp cầu nối quan trọng đưa chính sách pháp luật mà Quốc hội đã ban hành vào cuộc sống. Đánh giá về vấn đề này, ông Vũ Mão cho rằng: Hoạt động đó đã được tiến hành bài bản và tốt hơn nhiều, nhưng theo tôi, những thông tin tuyên truyền pháp luật đến với người dân còn hạn chế về cả số lượng lẫn chất lượng. Nó có nguyên nhân từ hai phía. Phía báo chí thì còn chạy theo các thông tin phục vụ thị hiếu là chính. Phía người dân cũng chưa ý thức đầy đủ được về tầm quan trọng của việc nhận thức pháp luật…

Ông Vũ Mão trăn trở: Theo tôi, tuyên truyền chính sách pháp luật muốn hiệu quả dài lâu thì phải nâng lên thành tầm nghệ thuật viết. Các nhà báo đã rất cố gắng nhưng phải nâng tầm lên hơn nữa. Nhà báo xứng tầm là nhà báo viết giỏi về lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến pháp luật không thể chỉ ghi là điều, chương, luật mà phải có những cách truyền tải mềm mại, gần gũi với đời sống hơn nữa…

Phan Tĩnh (Ghi)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tuyen-truyen-de-phap-luat-vao-cuoc-song-bao-chi-can-co-nghe-thuat-a194987.html