“Thực tế, khu vực ngoài Nhà nước nhưng những việc làm đó lại sử dụng vốn của Nhà nước”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương cho biết.
Phải làm rõ tài sản minh bạch
Thảo luận về luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), mặc dù vẫn còn ý kiến khác nhau, song, đa số Đại biểu Quốc hội đồng tình việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng.
Theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhìn nhận: “Tôi đồng tình với việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài Nhà nước.
Thực tế, khu vực ngoài Nhà nước nhưng những việc làm đó lại sử dụng vốn của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện đã có nhiều doanh nghiệp ngoài Nhà nước cũng bị thanh tra và kiểm toán.
Tất nhiên, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và tránh lạm dụng về thanh tra, kiểm toán thì cần có phạm vi quy định nhất định.
Về từng trường hợp cụ thể, tôi đề nghị phải làm rõ tài sản minh bạch. Theo cách giải thích của các nước, minh bạch có nghĩa là thu nhập từ lương, từ thưởng, từ tiền thừa kế và tài sản chứng minh được để làm rõ”.
Đại biểu Phương góp ý: “Tại các điều luật cụ thể về phạm vi tham nhũng, tôi đề nghị bổ sung hai hình thức tham nhũng, đó là tham nhũng chính sách, đưa ra những chính sách mang tính lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân. Tham nhũng quyền lực, thông qua việc chạy chức, chạy quyền, nên bổ sung hai trường hợp đó”.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng cho rằng: “Theo dõi các vụ án thời gian qua có thể thấy tham nhũng không chỉ xuất hiện trong khu vực Nhà nước mà hiện tượng sân sau, gửi giá, lại quả đã xuất hiện ngày càng nhiều trong các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước.
Do đó, chúng tôi đồng tình với cách đặt vấn đề của cơ quan soạn thảo là đã đến lúc cần mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư. Bước đầu chỉ áp dụng với loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội”.
Mở rộng đến đâu thì cần phải cân nhắc, thận trọng
Đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) nêu quan điểm, về cơ bản, bà Ngọc nhất trí với dự thảo luật đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Đại biểu Phạm Huyền Ngọc cũng tham gia một số ý kiến đóng góp.
Đối với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh dự án luật ra khu vực ngoài Nhà nước, bà Ngọc nói: “Tôi đồng tình với dự thảo luật là mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng không chỉ ở khu vực công mà còn phòng, chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước.
Bởi vì nội dung này đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đồng thời, thể hiện đúng tinh thần tại Kết luận số 10 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Tuy nhiên, việc mở rộng đến đâu thì cần phải cân nhắc, thận trọng để đảm bảo tính khả thi.
Theo tôi, cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá toàn diện các đối tượng, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng trong thực tiễn. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu vừa đấu tranh phòng, chống tham nhũng, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”.
Theo NĐT
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhieu-dbqh-dong-tinh-mo-rong-phong-chong-tham-nhung-ra-khu-vuc-tu-a194904.html