Ngày 11-6, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức Hội nghị bàn tròn về kê khai tài sản ở Việt Nam. Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh và ông Francesco Checchi, Cố vấn khu vực về phòng, chống tham nhũng, UNODC Khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương đồng chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, ông Tilman Hoppe - chuyên gia quốc tế về phòng, chống tham nhũng của UNODC - trình bày các biện pháp xử lý hiệu quả đối với tài sản không giải trình được.
Theo ông Tilman Hoppe, hiện tại, các nước trên thế giới áp dụng nhiều phương thức khác nhau để xử lý đối với tài sản không giải trình được (thông thường là tài sản thực tế có giá trị lớn hơn so với thu nhập hợp pháp), bao gồm: Đánh thuế, xử phạt hành chính, tịch thu hoặc xử lý hình sự.
Riêng phương thức đánh thuế thu nhập cá nhân đối với người kê khai không trung thực hoặc không giải trình được một cách hợp lý nhằm che giấu tài sản thì tùy theo các quy định của pháp luật về thuế mà xác định về mức thuế suất, giá trị tính thuế sao cho phù hợp. Phương án này được đưa ra bởi lẽ trên thực tế, rõ ràng người kê khai đã có thêm khoản thu nhập chưa nộp thuế (tương đương với giá trị của tài sản, thu nhập mà họ cố tình che giấu). Do vậy, cần phải yêu cầu người này nộp về cho Nhà nước khoản thuế đó, kèm theo tiền lãi hoặc/và tiền phạt do chậm nộp.
Tuy nhiên, ông Tilman Hoppe cũng cho rằng, về lâu dài, cần nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về hình sự để có thể xử lý hình sự được các trường hợp này nhằm đảm bảo giải quyết vấn đề này một cách triệt để nhất có thể. Ông Tilman cũng đưa ra ví dụ về một số quốc gia ở châu Âu như Hy Lạp, Pháp đã quy định là tội phạm đối với trường hợp này.
Vấn đề đánh thuế, người kê khai có tài sản không thể giải trình được cũng được đóng thuế, nhưng do đã quá hạn đóng các khoản thuế đó trong vài năm. Vì vậy, họ nên trả một khoản lãi suất tương đối cao đối với khoản "thuế thu nhập cá nhân tương đương với giá trị của tài sản không giải trình" được tính toán cho tổng số các năm đó. Số năm có thể được tính liên tiếp theo thời gian công tác của họ, ví dụ tiền lãi sẽ được thanh toán ít nhất cho nửa số năm kể từ khi người kê khai trở thành công chức, trừ khi có thể chứng minh rằng tài sản đó đã được che giấu lâu hơn. Mức lãi suất áp cho việc chậm đóng thuế ở mỗi nước mỗi khác.
Hiện nay, lãi suất cho việc chậm đóng thuế Việt Nam đang được để ở mức 11%/năm không phải là con số không bình thường, chỉ cần áp dụng tỷ lệ phần trăm này cho 5 năm, thì thuế 45% tương đương với 72% tổng giá trị trước thuế bao gồm tiền lãi. Một số nước áp dụng mức thuế 70% đối với tài sản không thể giải trình được phát hiện sau khi xác minh các bản kê khai...
Ngoài ra, việc xử lý hành chính cũng hiệu quả trong việc xử phạt chậm nộp bản kê khai.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận về các biện pháp xử lý hành chính khi chậm nộp bản kê khai. Đồng thời, xác định những điểm mạnh, yếu trong bối cảnh của Việt Nam với từng phương án. Theo đó, tại Việt Nam chế tài xử lý kỷ luật áp dụng đối với công chức vi phạm quy định về kê khai theo Điều 31 Nghị định 78/2013.
Theo Điều 29, Nghị định 78/2013 quy định người kê khai tài sản, thu nhập, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực thì phải xử lý kỷ luật như sau: Đối với cán bộ, công chức, viên chức người làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm; hạ bậc lương (công chức); Đối với người làm việc trong cơ quan đơn vị thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân áp dụng theo quy định về xử lý kỷ luật trong quân đội nhân dân, công an nhân dân.
Các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, chế tài xử phạt hướng tới cá nhân chứ không phải tài sản của người đó. Trong bối cảnh đang sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, có kế hoạch áp dụng khoảng 45% thuế đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc so với thu nhập hợp pháp có được.
Theo Báo Thanh tra
Link nội dung: https://phaply.net.vn/hoi-nghi-ban-tron-ve-ke-khai-tai-san-o-viet-nam-a194847.html