Đại biểu Quốc hội: Lùi Dự Luật đặc khu thể hiện sự “lắng nghe” nhân dân của Chính phủ, Quốc hội

Theo ông Nghĩa, đề nghị của Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin lùi Dự Luật đặc khu để hoàn thiện là hoàn toàn bình thường trong một xã hội dân chủ.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa)

Thể hiện sự lắng nghe ĐBQH, cử tri, nhân dân

Theo thông cáo của Văn phòng Chính phủ gửi lúc 3h sáng 9/6, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Cụ thể, dự án Luật sẽ lùi từ Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sang Kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Đồng thời, Chính phủ khẳng định không có thời hạn thuê đất đặc biệt đến 99 năm.

Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho biết, thảo luận tại Quốc hội, ông đã nhiều lần đề nghị cơ quan có thẩm quyền lùi thời gian thông qua Dự Luật đặc khu để xem xét, hoàn thiện sau khi có ý kiến của các chuyên gia, cử tri, nhân dân.

Do đó, đề nghị của Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin lùi Dự Luật thể hiện sự lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, trí thức, cựu chiến binh, người dân...

Ông nhấn mạnh, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét một Dự Luật, với những điểm muốn đưa ra nhưng đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri góp ý nên sửa hay lùi lại đề nghị xem xét kỹ hơn hoàn toàn bình thường trong xã hội dân chủ.

"Việc sau khi đại biểu, người dân, cử tri có ý kiến, Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin lùi Dự Luật để hoàn thiện cho thấy quan hệ giữa cơ quan hành pháp, lập pháp rất tích cực và Nhà nước pháp quyền, dân chủ của chúng ta hoạt động hiệu quả", ông Nghĩa nói.

Vị đại biểu dẫn ví dụ, ngay ở Mỹ cũng có những Dự án Luật, Tổng thống đề ra nhưng Quốc hội không đồng tình nên phải xin lùi, hoãn, chưa thực hiện được.

"Qua đây, chúng ta nên coi việc trình Dự án Luật rồi tiếp thu các ý kiến xin lùi, hoãn là bình thường và không nên quy trách nhiệm cho ai, cơ quan nào còn nếu cần sẽ rút kinh nghiệm sau", vị ĐBQH đoàn TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm.

Đồng quan điểm đó, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho hay, khi nhận được thông tin lùi Dự Luật đặc khu, ông cảm thấy rất mừng và đánh giá cao sự lắng nghe của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 ĐBQH Thái Trường Giang. Ảnh: Quochoi.vn
ĐBQH Thái Trường Giang. Ảnh: Quochoi.vn)

Ông nói, điều này thể hiện các cơ quan có thẩm quyền cao nhất luôn lắng nghe ý kiến các đại biểu Quốc hội, lão thành cách mạng, cựu chiến binh, trí thức, người dân... Và sau đây, chúng ta sẽ có thời gian để hoàn thiện Dự Luật tốt nhất trước khi trình thông qua.

"Khi nhân dân, cử tri, đại biểu có ý kiến góp ý mà lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội lắng nghe như vậy thể hiện sự dân chủ và chắc chắn sẽ làm tăng thêm niềm tin của nhân dân", ông Giang nói.

Vị ĐBQH nhận định, với việc Chính phủ khẳng định, không còn thời hạn cho cho thuê đất 99 năm trong Dự án Luật, chắc chắn, cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ có điều chỉnh để lùi về phù hợp với Luật đất đai, cụ thể, thời gian có thể sẽ còn 70 năm.

Nên giám sát đất đai ở các đặc khu khi lùi Dự Luật

Đại biểu Thái Trường Giang cho rằng, hiện nay, vấn đề đất đai ở các đặc khu dự kiến được thành lập đang rất nóng, với nhiều vấn đề được cử tri, nhân dân phản ánh như giao dịch, chuyển đổi mục đích, giá cả tăng "chóng mặt" hay người nước ngoài nhờ người Việt đứng tên mua đất...

Do đó, khi lùi Dự án Luật đặc khu, ông đề nghị, Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên thành lập đoàn giám sát về vấn đề đất đai tại 3 khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

"Việc giám sát, tiến hành kiểm tra đất đai ở các khu này sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc trong dư luận trong thời gian gần đây cũng như ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội", ông Giang nêu ý kiến.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho hay, nhiều chuyên gia trong, ngoài nước có góp ý nên xây dựng một Luật chung về đặc khu chứ không chỉ dành cho 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Cụ thể, ở Luật chung sẽ quy định tất cả những tiêu chí, yêu cầu, đòi hỏi, định hướng và các ưu đãi, mốc ưu đãi tới đâu cho những ngành nào...

Sau khi có Luật chung đặc khu, 3 địa phương có Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc hay các địa phương khác muốn xây dựng đặc khu sẽ tập trung xây dựng đề án nhằm thuyết phục Quốc hội, nhân dân về việc khi thực hiện sẽ có lợi ích, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh như thế nào.

Ông nhìn nhận, khi xem xét từng đặc khu như vậy sát với thực tế và nếu được đồng ý, Quốc hội sẽ có Nghị quyết riêng về từng đặc khu để phát triển phù hợp với đặc thù từng nơi.

Ngoài ra, theo ông Nghĩa, có ý kiến của ĐBQH, chuyên gia cho hay, hiện nay, việc thành lập đặc khu đã quá muộn và ở nhiều nước, mô hình đặc khu đã phát triển lên thế hệ cao, do đó, nếu thành lập nên xem xét thí điểm trước ở một nơi rồi nhân rộng ra sau...

"Việc lùi Dự án Luật đặc khu tại kỳ họp này, theo tôi, các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét các ý kiến trên để có quyết định phù hợp, nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước, đồng thời, đảm bảo toàn vẹn chủ quyền quốc gia", ông Nghĩa nhấn mạnh thêm.

Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc gồm 6 Chương 85 Điều, dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào 15/6.

Theo quy trình, sau khi Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xin lùi thông qua Dự án Luật, cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phải trình ra kỳ họp Quốc hội để các đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định việc này.

Theo Trí thức trẻ

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dai-bieu-quoc-hoi-lui-du-luat-dac-khu-the-hien-su-lang-nghe-nhan-dan-cua-chinh-phu-quoc-hoi-a194762.html