Cơ quan điều tra dự kiến hoàn thành điều tra và chuyển hồ sơ liên quan 2 dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi sang cơ quan truy tố vào cuối quý II năm 2018.
Chính phủ vừa hoàn thành báo cáo kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương gửi đến đại biểu Quốc hội.
Đáng lưu ý, liên quan đến công tác điều tra, báo cáo cho biết, đã có 4 dự án, doanh nghiệp được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an do trong quá trình thanh tra đã phát hiện ra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật, gồm: Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên và Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
Đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã tiến hành khởi tố vụ án “Cố lý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex)”, trong đó có các sai phạm liên quan đến Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
Bên cạnh đó, phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với 02 dự án (Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi), sau đó đã chuyển Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công An tiếp tục thụ lý, xác minh các dấu hiệu sai phạm.
“Dự kiến sẽ hoàn thành điều tra và chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố vào cuối quý II năm 2018”, báo cáo của Chính phủ cho biết,
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình và tổ chức trinh sát, nắm tình hình, điều tra, xác minh thu thập tài liệu để làm rõ các sai phạm (nếu có) tại các dự án, doanh nghiệp khác.
Báo cáo cũng cho biết, một số dự án sản xuất nhiên liệu sinh học (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước) có vốn góp của đối tác chiếm đa số, phần vốn góp nhà nước trong dự án thấp (chỉ đạt trên dưới 30%) nên cổ đông nhà nước (ở đây là Tổng công ty Dầu Việt Nam PVOil) không thể quyết định được toàn bộ các vấn đề của dự án mà phụ thuộc vào các đối tác bên ngoài (kể cả đối tác nước ngoài).
Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ sau gần 31 tháng phải dừng sản xuất, đến ngày 10/4/2018, dự án đã khởi động lại được một phần với việc vận hành lại 3 dây chuyền. Dự kiến đến tháng 12/2018, nhà máy sẽ chạy đủ 29 dây chuyền của phân xưởng kéo sợi. Dự án này, đang làm việc với cơ quan điều tra của Bộ Công an nên tạm thời chưa triển khai thực hiện kiểm toán thực trạng tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh theo như kế hoạch.
Dự án nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi hiện vẫn dừng sản xuất. Hiện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, CTCP nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) và Tổ hỗ trợ từ các cổ đông đang tìm kiếm, lựa chọn đối tác hợp tác sản xuất kinh doanh để có kinh phí vận hành lại nhà máy.
Đối với Dự án nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, đây là dự án đầu tư xây dựng dở dang, khởi công từ quý III/2009 nhưng đã phải tạm dừng thi công từ tháng 11/2011 do không đạt được thống nhất của các bên tham gia về chi phí phát sinh, tiến độ mới đạt khoảng 78% khối lượng công việc.
Hiện nay, CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) đang tiếp tục triển khai phương án tìm kiếm đối tác đầu tư triển khai tiếp dự án theo nguyên tắc đối tác hợp tác sẽ góp toàn bộ vốn còn thiếu để triển khai, hoàn thành dự án.
Theo Bizlive
Link nội dung: https://phaply.net.vn/sep-lon-cua-12-du-an-thua-lo-nghin-ty-sap-hau-toa-a194737.html