Cấu thành tội phạm, hậu quả và hình phạt của tội phạm về chức vụ

BLHS 2015 đã được bổ sung một số nội dung về các tội phạm về chức vụ như cấu thành của các tội phạm này, khái niệm của hối lộ, hối lộ công chức nước ngoài, hình phạt đối với các tội phạm này,...Những sửa đổi đó về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu về mặt khoa học, yêu cầu của thực tiễn lập pháp và thực tiễn áp dụng luật hình sự, đồng thời, tiếp tục thể hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên của Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp quốc.

3
1.Một số điểm mới về hình phạt đối với các tội phạm về chức vụ

Thứ nhất, hình phạt đối với các tội phạm về chức vụ được quy định trong BLHS 2015 về cơ bản vẫn bảo đảm tính nghiêm khắc cần thiết, tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của các tội phạm này và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn phòng ngừa và đấu tranh với các tội phạm đó, trong khi đã có một số sửa đổi theo hướng kết hợp với hình phạt ít nghiêm khắc hơn tù có thời hạn và vẫn bảo đảm phù hợp với tính chất của tội phạm về chức vụ.

Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện chính sách hình sự theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW về hoàn thiện chính sách xử lý người phạm tội theo hướng giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ đối với một số tội phạm chức vụ ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, BLHS 2015 đã bổ sung hình phạt cải tạo không giam giữ tại một số cấu thành cơ bản, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm tính linh hoạt cho Tòa án xem xét áp dụng hình phạt phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Hơn nữa, về bản chất của các tội phạm về chức vụ là có tính chất vụ lợi, thông thường nhân thân người phạm tội là tốt, do đó, đối với tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng thì việc áp dụng các chế tài không giam giữ cũng bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm.[1]

Bên cạnh đó, ở các tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ theo Điều 364 và Điều 365, nhà làm luật đã mạnh dạn đưa hình phạt tiền vào khung hình phạt chính ở các khoản 1 do xác định tính chất vụ lợi của các tội phạm này cũng như mức độ nguy hiểm thấp hơn so với các tội phạm tham nhũng. Hình phạt tù quy định đối với các tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ đã giảm đáng kể về thời hạn ở tất cả các khung hình phạt. Đáng chú ý là hình phạt tù chung thân đã được xóa bỏ đối với tội đưa hối lộ và mức cao nhất của hình phạt tù đối với tội môi giới hối lộ đã giảm xuống 5 năm so với mức này trong BLHS 1999.

Thứ hai, bên cạnh đa dạng hóa hình phạt chính, BLHS 2015 còn có những sửa đổi đối với hình phạt bổ sung, cụ thể là các mức phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung đã được quy định tăng lên: trong BLHS 1999 các mức phổ biến là phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, nay các mức này đã được tăng lên từ 30 triệu đến 100 triệu đồng. Sửa đổi này phù hợp với tính chất của loại tội phạm (tính vụ lợi) và cũng phù hợp với sự thay đổi giá trị đồng tiền và giá cả sinh hoạt.

Có thể thấy so với BLHS 1999 thì hình phạt bổ sung đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản đã được quy định mở rộng. Cụ thể, hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản mới được quy định bổ sung đối với tội phạm này trong BLHS 2015.

Hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung đối với một số tội phạm về chức vụ đã được thay đổi về phương thức phạt tiền: từ phạt theo số lần giá trị của hối lộ hoặc giá trị tài sản đã trục lợi sang phạt theo số tiền cụ thể. Ví dụ: Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội nhận hối lộ là có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, so với quy định trước đây là phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ. Quy định này sẽ giúp cơ quan áp dụng dễ dàng hơn khi áp dụng phạt tiền trong những trường hợp không xác định được cụ thể giá trị của hối lộ hoặc tài sản trục lợi.

Thứ ba, bổ sung quy định không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân trong trường hợp sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (Điều 40 khoản 3 điểm c).

Việc bổ sung này được luận giải bởi một số lí do: một là phù hợp với định hướng hạn chế hình phạt tử hình của luật hình sự Việt Nam; hai là việc xác định bản chất của các tội phạm này là tội phạm phi bạo lực, tuy tội phạm có thể gây thiệt hại rất lớn về tài sản và các thiệt hại vật chất khác nhưng nếu người phạm tội đã chủ động nộp lại hầu như toàn bộ tài sản do phạm tội mà có thì về cơ bản thiệt hại vật chất gây ra đã được khắc phục, trong khi Nhà nước ta xác định việc thu hồi tài sản tham nhũng đang là vấn đề cần được quan tâm giải quyết; ba là việc người phạm tội đồng thời đã hợp tác tích cực với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc đã lập công lớn là những biểu hiện của thái độ ăn năn, hối cải, của khả năng cải tạo, giáo dục họ, đặc biệt với tính chất của các tội phạm tham nhũng này là những tội được thực hiện bởi các chủ thể có quyền lực, được che chắn và rất khó bị phát hiện, ít để lại dấu vết, việc hợp tác của người phạm tội là một thuận lợi lớn đối với hoạt động phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.

Tuy vậy việc áp dụng quy định mới này cần chú ý bảo đảm việc thỏa mãn đầy đủ các điều kiện luật định và đánh giá chính xác thái độ chủ động, tích cực của người phạm tội và thời điểm họ thể hiện thái độ này để việc áp dụng quy định mang tính khoan hồng trên thực sự phát huy được ý nghĩa và không bị người bị kết án lợi dụng để tránh được việc thi hành án tử hình. Điều đó xuất phát từ chỗ quy định này dẫn đến cách hiểu rằng sau khi người phạm tội các tội tham nhũng trên bị kết án tử hình họ mới chịu nộp lại tài sản do phạm tội mà có và mới chịu hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm của những người khác. Vậy thì tính chất chủ động và tích cực của việc họ làm lúc này có thực sự được thể hiện? Đây là vấn đề cần được chú ý đặc biệt khi ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định này.

2.Cụ thể hóa dấu hiệu hậu quả của một số tội phạm về chức vụ

Trước hết, dấu hiệu hậu quả được phản ánh một cách chung chung trong một số cấu thành tội phạm cơ bản của một số tội phạm về chức vụ trong BLHS 1999 đã được cụ thể hóa trong BLHS 2015. Cụ thể, ở các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356), lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357) và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360), các dấu hiệu “gây thiệt hại cho lợi ích…” hoặc “gây hậu quả nghiêm trọng” trước đây đã được cụ thể hóa bằng dấu hiệu “gây thiệt hại về tài sản từ…đến…” hoặc “làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên”, v.v…

Bên cạnh đó, những tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng khác”, “Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác” hoặc “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác” được quy định tại nhiều cấu thành tội phạm tăng nặng của các tội phạm về chức vụ trong BLHS 1999 đã được BLHS 2915 thay thế bằng các tình tiết phản ánh những biểu hiện cụ thể của hậu quả. Một trong những minh chứng rõ nét nhất là quy định về các biểu hiện cụ thể của hậu quả ở tội tham ô tài sản theo Điều 353. Đối với tội tham ô tài sản, BLHS 2015 đã cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng khác” của tội phạm này trong BLHS 1999 bằng các tình tiết tại khoản 2:

đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

Hay tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng khác” của BLHS 1999 được cụ thể hóa bằng các tình tiết tại khoản 3 Điều 353 BLHS 2015:

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

Tương tự như vậy ở một loạt các tội phạm về chức vụ tình tiết tăng nặng liên quan đến hậu quả đã được lượng hóa ở mức khá cao, đặc biệt rõ nét ở các tội như: tội giả mạo trong công tác (Điều 359), tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360). Ví dụ như ở tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng dấu hiệu hậu quả đã được cụ thể hóa bằng các biểu hiện của hậu quả về thể chất (thương tích với tỉ lệ nhất định hoặc chết người) hoặc về vật chất.

Sửa đổi này của BLHS 2015 xuất phát bởi sự hạn chế trong cách quy định dấu hiệu hậu quả chung chung, khó xác định của BLHS 1999. Đây là một trong những hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo kết quả tổng kết thực tiễn thi hành BLHS 1999 của Bộ Tư pháp năm 2014. Báo cáo khẳng định việc quy định tình tiết mang tính “định tính” như vậy vừa làm cho công tác áp dụng luật hình sự thiếu thống nhất, dễ sai sót vừa gây khó khăn cho công tác giải thích, hướng dẫn việc áp dụng luật.

3.Thay đổi dấu hiệu định lượng ở một số cấu thành tội phạm

Trước hết, dấu hiệu định lượng trong cấu thành tội phạm cơ bản của nhiều tội phạm về chức vụ đã có sự thay đổi. Cụ thể đó là sự thay đổi của mức định lượng tối đa của giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị của hối lộ, giá trị của tài sản bất chính hoặc của thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Đối với các tội được quy định tại các Điều 353, 355, 366 thì mức tối đa này tăng gấp 2 lần so với quy định của BLHS 1999; riêng các tội quy định tại các Điều 354, 358, 364, 365 thì mức tối đa thậm chí tăng lên đến 10 lần. Ví dụ đối với tội nhận hối lộ, định lượng về “của hối lộ” đã có sự thay đổi, trong BLHS 1999 khung hình phạt cơ bản áp dụng đối với trường hợp “của hối lộ” có giá trị từ 02 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng, BLHS 2015 quy định khung hình phạt này đối với trường hợp “của hối lộ” có giá trị từ 02 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng (mức tối đa đã tăng lên 10 lần).

Tiếp theo là những thay đổi về định lượng trong cấu thành tội phạm tăng nặng của nhiều tội: Các tình tiết tăng nặng định khung phản ánh giá trị tài sản bị chiếm đoạt hoặc giá trị “của hối lộ” đều thay đổi về định lượng. Có thể thấy các mức định lượng đều tăng lên một cách đáng kể so với với quy định của BLHS 1999, Ví dụ: Đối với tội tham ô tài sản, Điều 278 khoản 2 BLHS 1999 quy định giá trị của tài sản bị chiếm đoạt là từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, trong khi Điều 353 khoản 2 BLHS 2015 quy định giá trị của tài sản này là từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Có một số khung hình phạt tăng nặng các mức định lượng này tăng lên đến 10 lần so với BLHS 1999, Ví dụ: Đối với tội nhận hối lộ Điều 279 khoản 2 BLHS 1999 quy định giá trị của hối lộ là từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, còn khoản 2 Điều 354 BLHS 2015 quy định giá trị của hối lộ là từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Các báo cáo thuyết minh về BLHS sửa đổi hoặc tờ trình dự thảo BLHS sửa đổi đều không giải thích gì về việc sửa đổi này. Theo tác giả sửa đổi này có thể được lý giải bởi sự sụt giảm giá trị của đồng tiền cũng như sự tăng cao của giá cả sinh hoạt. Tuy nhiên, việc sửa đổi lần này nâng định lượng của nhiều tội lên một mức giống nhau trong khi những tội đó có mức độ nguy hiểm cho xã hội không giống nhau và chính những quy định về định lượng ở BLHS 1999 đã thể hiện sự phân hóa đó. Thiết nghĩ việc tăng định lượng của các tội cho phù hợp với những biến động của giá trị tiền và giá cả là đúng đắn nhưng cũng vẫn phải phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và bảo đảm nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự.

4.Tiếp tục thực hiện phân hóa trách nhiệm hình sự ở một số tội phạm về chức vụ

Điểm mới tiếp theo là phân hóa trách nhiệm hình sự đã được thực hiện thêm một bước nữa khi mà một số khung hình phạt được xây dựng thêm và khoảng cách giữa mức tối thiểu và mức tối đa của một số khung hình phạt đã được thu hẹp lại.

Ví dụ: Tội lạm quyền trong khi thi thành công vụ (Điều 357) đã được xây dựng 4 khung hình phạt so với 3 khung trước đây trong BLHS 1999, trong đó khoản 4 được bổ sung quy định khung tăng nặng có mức phạt tù từ 15 năm đến 20 năm được áp dụng cho trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên. Khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của các khung hình phạt đối với tội này tại khoản 2, 3 đều đã được thu hẹp so với BLHS 1999. Điều này thực sự có ý nghĩa khi xét trong mối liên hệ với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356) vì tội phạm đó có thể xem là ít nguy hiểm hơn so với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Những sửa đổi, bổ sung tương tự cũng được thực hiện đối với quy định về các tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Việc tiếp tục thực hiện nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự như trên thể hiện tính khoa học của những sửa đổi, bổ sung này, đồng thời, tạo cơ sở cho việc cá thể hóa hình phạt trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự xử lý các tội phạm về chức vụ.

Tóm lại, BLHS 2015 đã được bổ sung một số nội dung về các tội phạm về chức vụ như khái niệm và phạm vi của tội phạm về chức vụ, chủ thể có chức vụ trong cấu thành của các tội phạm này, khái niệm của hối lộ, hối lộ công chức nước ngoài, hình phạt đối với các tội phạm này,…Những sửa đổi đó về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu về mặt khoa học, yêu cầu của thực tiễn lập pháp và thực tiễn áp dụng luật hình sự, đồng thời, tiếp tục thể hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên của Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp quốc.

Theo TCTA

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cau-thanh-toi-pham-hau-qua-va-hinh-phat-cua-toi-pham-ve-chuc-vu-a194639.html