Để bảo vệ quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 và trong các Bộ luật, luật về tố tụng mới được Quốc hội ban hành thời gian gần đây đã có nhưng quy định cụ thể, đảm bảo quyền được TGPL của người được TGPL khi tham gia tố tụng với tư cách là bị can, bị cáo, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan…
[caption id="attachment_194608" align="aligncenter" width="410"] Ảnh minh họa[/caption]
Quy định của Luật TGPL năm 2017 về tham gia tố tụng
Điều 31 Luật TGPL năm 2017 quy định: Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), luật sư (LS) tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa/bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Còn cộng tác viên TGPL, tư vấn viên pháp luật thì không được tham gia tố tụng mà chỉ thực hiện tư vấn pháp luật.
Khi người được TGPL yêu cầu cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ việc, tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm cử TGVPL hoặc LS để thực hiện bào chữa/bảo vệ cho người được TGPL.
Trường hợp người được TGPL là người bị bắt, người bị tạm giữ yêu cầu cử người thực hiện TGPL, trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm thụ lý, tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm cử TGVPL hoặc LS thực hiện TGPL.
Trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu TGPL của người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu TGPL của bị can, bị cáo, người bị hại là người được TGPL theo quy định của pháp luật về tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (THTT) có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước tại địa phương.
Ngay sau khi nhận được thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền THTT, Trung tâm TGPL nhà nước có trách nhiệm thụ lý và cử TGVPL hoặc LS tham gia tố tụng bằng quyết định và gửi cho người được TGPL, cơ quan THTT có liên quan.
Trong trường hợp người yêu cầu TGPL chưa thể cung cấp đầy đủ hồ sơ như giấy tờ chứng minh là người được TGPL và các giấy tờ có liên quan đến vụ việc nhưng cần thực hiện TGPL ngay do vụ việc sắp hết thời hiệu khởi kiện, sắp đến ngày xét xử, cơ quan THTT chuyển yêu cầu TGPL cho Trung tâm TGPL nhà nước hoặc để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL thì người tiếp nhận yêu cầu báo cáo người đứng đầu tổ chức thực hiện TGPL và thụ lý ngay, đồng thời hướng dẫn người yêu cầu TGPL bổ sung các giấy tờ, tài liệu cần thiết (khoản 4 Điều 30 Luật TGPL).
Phạm vi thực hiện TGPL hình thức tham gia tố tụng được quy định tại Điều 26 Luật TGPL là người được TGPL đang cư trú tại địa phương, vụ việc TGPL xảy ra tại địa phương, vụ việc TGPL do cơ quan có thẩm quyền về TGPL ở Trung ương yêu cầu.
Quy định về TGPL trong các bộ luật, luật tố tụng
Bên cạnh quy định của Luật TGPL năm 2017 “Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước”, Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 (khoản 3 Điều 9), Luật tố tụng hành chính (khoản 3 Điều 19) quy định: “Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm TGPL cho các đối tượng theo quy định của pháp luật để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án”. Đây là những quy định hoàn toàn mới so với các bộ luật, luật về tố tụng trước đây.
Thẩm phán là người được Nhà nước giao có trách nhiệm bảo đảm quyền được TGPL cho người thuộc diện được TGPL trong các vụ việc dân sự, hành chính. Khi được Chánh án phân công giải quyết vụ việc, Thẩm phán có trách nhiệm “Giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về TGPL” (khoản 6 Điều 48 BLTTDS; khoản 6 Điều 38 Luật TTHC). Không ai được hạn chế quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự và trong TTHC (khoản 13 Điều 70 BLTTDS; khoản 4 Điều 19 Luật TTHC).
Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018) quy định trong vụ án hình sự, người được TGPL có thể là: Người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo), người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, họ có quyền tự mình bào chữa/bảo vệ hoặc nhờ người khác bào chữa/bảo vệ cho mình.
Cơ quan, người có thẩm quyền THTT có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo quy định. Cơ quan, người có thẩm quyền THTT có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, đồng thời có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước các trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được TGPL theo quy định của Luật TGPL nếu họ đề nghị được TGPL (khoản 1 Điều 71 BLTTHS).
Việc chỉ định người bào chữa theo Điều 76 BLTTHS cho bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất, người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi, nếu họ thuộc diện người được TGPL thì cơ quan có thẩm quyền THTT chỉ định Trung tâm TGPL nhà nước cử người chữa cho họ (TGVPL hoặc LS).
Nếu trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền THTT không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng (trong đó có người được TGPL là người bị buộc tội, người bị hại, đương sự: nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án thì được coi là “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” (điểm o khoản 1 Điều 4 BLTTHS).
Để đảm bảo quyền được TGPL và đảm bảo mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, Trung tâm TGPL nhà nước được cử người bào chữa/bảo vệ cho người được TGPL trong cả trường hợp họ có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ án như: bị cáo với bị hại; nguyên đơn với bị đơn…(một bên có thể là TGVPL, bên kia là LS).
Theo Bao Phapluat
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tro-giup-phap-ly-trong-hoat-dong-to-tung-co-gi-moi-a194607.html