Các tội phạm về chức vụ được quy định tại Chương XXIII Bộ luật hình sự (BLHS) 2015, từ Điều 352 đến Điều 366. Nhìn chung, quy định về các tội phạm về chức vụ trong BLHS 2015 không có nhiều thay đổi so với quy định về các tội phạm này trong BLHS 1999. Tuy nhiên, những sửa đổi, bổ sung lại thể hiện tinh thần đổi mới khá căn bản và nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến đấu tranh với lĩnh vực tội phạm này.
Việc sửa đổi BLHS 2015 – Chương “Các tội phạm về chức vụ” được tiến hành trên tinh thần đáp ứng những yêu cầu về mặt lý luận, những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy định về các tội phạm này cũng như những cam kết quốc tế của Việt Nam với tư cách là thành viên của Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng. Với tinh thần đó, nhà làm luật đã bổ sung vào Chương XXIII BLHS 2015 một số nội dung mới sau:
1.Mở rộng phạm vi của các tội phạm về chức vụ
Trong BLHS 2015, khái niệm tội phạm về chức vụ đã được mở rộng về phạm vi. Cụ thể phạm vi các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ đã được mở rộng sang khu vực ngoài nhà nước.
Các quy định về tội phạm chức vụ bắt đầu bằng khái niệm tội phạm về chức vụ. Theo khoản 1 Điều 352, “Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.” Qua định nghĩa này, có thể thấy, khách thể bị các tội phạm này xâm hại là những quan hệ xã hội bảo đảm cho hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan, tổ chức trong và ngoài nhà nước, cụ thể là các quan hệ bảo đảm tính liêm chính, tính vô tư và công minh trong hoạt động thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức; đồng thời, quan hệ sở hữu tài sản của Nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của công dân cũng có thể trở thành khách thể của các tội phạm về chức vụ. Đối tượng tác động quan trọng nhất của các tội phạm về chức vụ chính là hoạt động thực hiện công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn. Bằng việc bổ sung đối tượng tác động của tội phạm chức vụ là hoạt động thực hiện “nhiệm vụ” bên cạnh hoạt động thực hiện “công vụ” vốn đã được quy định trong BLHS 1999, BLHS 2015 đã khẳng định việc mở rộng phạm vi của tội phạm về chức vụ sang khu vực tư và thể hiện sự thay đổi của khái niệm tội phạm về chức vụ
Việc sửa đổi, bổ sung những quy định mở rộng phạm vi tội phạm về chức vụ này được luận giải bởi một số lí do sau đây: Một là hiện tượng tư nhân hóa mạnh mẽ các hoạt động trước đây vốn thuộc chức năng công như: giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội… đã phát sinh một loại hệ quả mang tính tiêu cực là tham nhũng trong khu vực tư với tính chất ngày càng nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng;
Hai là hình sự hóa những hành vi xâm hại hoạt động thực hiện nhiệm vụ trong khu vực tư là cần thiết để duy trì sự cạnh tranh lành mạnh trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước;
Ba là, việc mở rộng khái niệm tham nhũng sang khu vực tư giúp bảo vệ cộng đồng khỏi những hậu quả nguy hiểm mà hành vi tham nhũng trong khu vực tư gây ra cho lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là cho những lợi ích về tài chính và một số lợi ích khác của đời sống xã hội.[1] Bên cạnh đó, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng đã khuyến nghị các quốc gia thành viên tăng cường các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng không chỉ trong khu vực công mà cả trong khu vực tư[2] và điều này cũng trở thành một yếu tố thúc đẩy việc mở rộng khái niệm tham nhũng trong luật hình sự Việt Nam.
BLHS 1999 chỉ xác định bản chất tham nhũng đối với các hành vi tham nhũng trong khu vực công mà không xác định bản chất này đối với các hành vi có tính chất và đặc điểm tương tự trong khu vực tư và vì vậy, chưa có các quy định pháp luật tương ứng, phù hợp. Mặc dù theo quy định của BLHS 1999, một số hành vi tham nhũng trong khu vực tư vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, ví dụ: hành vi của người điều hành hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp thuộc khu vực chiếm đoạt tài sản được giao quản lý tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 140 – Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc theo Điều 139 – Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng việc chưa phản ánh đúng bản chất nguy hiểm của các hành vi này, chưa giúp cho xã hội nhận diện và ngăn ngừa được nguy cơ của những tiêu cực trong khu vực tư, chưa phản ánh đúng mức tầm quan trọng của việc bảo vệ tính liêm chính, minh bạch của khu vực tư và chưa có đường lối xử lý thích đáng đối với các hành vi đó khiến cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong tình hình mới chưa bảo đảm tính toàn diện.
Bên cạnh đó, thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm cũng cho thấy sự bất cập trong chính sách xử lý đối với các hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi do có sự phân biệt giữa khu vực nhà nước và khu vực tư, thậm chí nhiều hành vi tương tự như tham nhũng nhưng diễn ra trong khu vực tư nhân thì không thể xử lý được. Mặt khác, xuất phát từ thực tiễn về việc xử lý hành vi tham nhũng đối với tài sản của doanh nghiệp có phần vốn góp của nhà nước, trong đó có sự đan xen về sở hữu mà trong nhiều trường hợp không thể tách biệt giữa tài sản, phần vốn góp của nhà nước với tài sản, phần vốn góp của tư nhân, việc xác định xử lý trách nhiệm của cá nhân là người có chức vụ, quyền hạn trong loại hình doanh nghiệp này rất khó khăn.[3]
Trong bối cảnh khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đang ngày càng phát triển và dần dần đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, để giải quyết được những bất cập nêu trên, cũng như nhằm đáp ứng những đòi hỏi nội tại của Việt Nam hiện nay trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bảo đảm sự tương thích với các yêu cầu của Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp quốc, việc hình sự hóa các hành vi tham nhũng trong khu vực tư là hết sức cần thiết. Theo BLHS 2015, người có chức vụ, quyền hạn thuộc các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà thực hiện hành vi tham ô, nhận hối lộ hoặc người khác tác động đến hoạt động thực thi nhiệm vụ của những người này vì vụ lợi (đưa hối lộ, môi giới hối lộ) được xác định là những hành vi phạm tội về chức vụ. Quy định này cũng có ý nghĩa để chính sách xử lý hình sự đối với hành vi tham nhũng xảy ra ở khu vực trong và ngoài Nhà nước được thống nhất và phù hợp.
2.Mở rộng chủ thể và đối tượng của một số tội phạm về chức vụ
Khái niệm người có chức vụ, quyền hạn với tư cách là chủ thể của nhiều tội phạm về chức vụ và là đối tượng của tất cả các tội phạm này đã có một số thay đổi tương ứng với việc mở rộng phạm vi của một số tội phạm về chức vụ.
Trước hết, tội tham ô tài sản đã mở rộng phạm vi chủ thể, đó là người có trách nhiệm quản lý tài sản trong mọi loại hình cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài Nhà nước. Trách nhiệm này phát sinh cả trong các cơ quan, tổ chức của nhà nước cũng như trong các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ngoài nhà nước (ví dụ: trách nhiệm quản lý tài sản của công ty trách nhiệm hữu hạn với phần vốn góp từ các cá nhân, của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), vì theo quy định được bổ sung tại khoản 6 Điều 353, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng có thể trở thành chủ thể của tội tham ô tài sản.
Bên cạnh đó, theo quy định được bổ sung tại khoản 6 Điều 354, chủ thể của tội Nhận hối lộ còn có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Đó là những người làm công tác quản lí từ cấp cao nhất tới cấp thấp nhất hoặc những người tuy không có chức vụ nhưng được giao nhiệm vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức này và nhiệm vụ đó làm phát sinh quyền của họ đối với người khác.
Tóm lại, chủ thể của hai tội phạm về chức vụ nêu trên là người có chức vụ, quyền hạn trong cả hai khu vực nhà nước và ngoài nhà nước (khu vực công và khu vực tư). Cần chú ý rằng chủ thể của tội tham ô tài sản ở khu vực tư phải là người được giao quản lý tài sản bởi các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Đối với chủ thể của tội nhận hối lộ ở khu vực tư, đó phải là người được các tổ chức, doanh nghiệp tín nhiệm giao vị trí công tác hoặc công việc (họ là người lao động trong mối quan hệ với chủ doanh nghiệp) và hành vi nhận lợi ích của họ trong lúc thực hiện nhiệm vụ đã thể hiện sự bội tín với chủ doanh nghiệp hoặc với tổ chức của mình.
Đồng thời, người có chức vụ, quyền hạn ở khu vực ngoài Nhà nước có thể trở thành đối tượng của các tội phạm về chức vụ như tội đưa hối lộ (Điều 364), tội môi giới hối lộ (Điều 365) BLHS 2015. Như vậy, trong khi đối tượng tác động của các tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ theo BLHS 1999 chỉ là hoạt động thực hiện công vụ của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan đơn vị của Nhà nước thì BLHS 2015 đã mở rộng đối tượng tác động của các tội này tới hoạt động thực hiện nhiệm vụ nói chung của tất cả những người có chức vụ, quyền hạn trong và ngoài nhà nước.
3.Mở rộng phạm vi “của hối lộ” và lợi ích được đưa, nhận bất chính trong một số tội phạm chức vụ
Khái niệm “của hối lộ” và lợi ích được đưa, nhận bất chính trong một số tội phạm chức vụ đã được mở rộng sang các lợi ích phi vật chất. Cụ thể ở các tội nhận hối lộ (Điều 354), lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358), đưa hối lộ (Điều 364), môi giới hối lộ (Điều 365), lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 366), “của hối lộ” hoặc lợi ích được đưa, nhận không chỉ gồm các loại lợi ích vật chất như tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác mà còn bao gồm các lợi ích phi vật chất. Việc mở rộng này phản ánh đầy đủ yêu cầu của Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp quốc về “của hối lộ”, theo đó bất kì loại lợi ích nào được đưa, nhận một cách bất chính để thay đổi hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người có thẩm quyền đều bị xem là “của hối lộ”. Thực tiễn lập pháp của nhiều quốc gia trên thế giới cũng phản ánh xu thế mở rộng khái niệm “của hối lộ” này.
“Của hối lộ” còn có thể là các lợi ích phi vật chất, tức là những lợi ích tuy không có tính hữu hình và quy giá trị thành tiền nhưng có khả năng đem lại sự hài lòng, sự thỏa mãn cho người nhận, do đó có khả năng gây ảnh hưởng đến hoạt động thực thi công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn, ví dụ: việc khen ngợi trên phương tiện truyền thông, việc quan hệ tình dục, chỗ học tại một trường chuyên cho con cái. Như vậy, sau khi BLHS 2015 có hiệu lực pháp luật, hành vi trao và nhận những lợi ích này bị xem là phạm tội hối lộ.
4.Quy định cụ thể về bên thứ ba hưởng lợi trong các tội phạm hối lộ
BLHS 2015 quy định cụ thể và trực tiếp vấn đề bên thứ ba hưởng lợi từ hành vi hối lộ. Cụ thể Điều 354 về tội nhận hối lộ và Điều 364 về tội đưa hối lộ đều quy định “của hối lộ” có thể được thụ hưởng bởi chính bản thân người có chức vụ, quyền hạn hoặc cho người khác hoặc tổ chức khác.
Việc quy định cụ thể dấu hiệu nêu trên tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và trực tiếp cho việc xử lý hành vi hối lộ trong những trường hợp của hối lộ không được thụ hưởng bởi chính người có chức vụ, quyền hạn mà bởi người hoặc tổ chức khác với sự chấp nhận của người có chức vụ, quyền hạn và điều đó nhằm vào việc thực hiện công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn. Ví dụ: Của hối lộ được chuyển tới một tổ chức xã hội mà người có chức vụ là thành viên với danh nghĩa của người có chức vụ và được sự đồng ý của người đó, trong trường hợp này tuy người có chức vụ không trực tiếp thụ hưởng nhưng họ biết và chấp nhận việc thụ hưởng bởi tổ chức kia và thực chất người có chức vụ cũng được sự hàm ơn, sự vinh danh của tổ chức kia. Bên cạnh đó, việc quy định cụ thể dấu hiệu này cũng thể hiện sự tương thích với quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng.
5.Quy định bổ sung hối lộ công chức nước ngoài
Hành vi hối lộ công chức nước ngoài đã chính thức được ghi nhận là một trường hợp của tội đưa hối lộ theo Điều 364 khoản 6. Như vậy là BLHS 2015 đã xác định rõ ràng uy tín và hoạt động của các cơ quan, tổ chức quốc tế công và nước ngoài cũng bảo vệ khỏi sự xâm hại của hành vi đưa hối lộ cho công chức quốc tế hoặc công chức nước ngoài.
Đối tượng tác động của tội đưa hối lộ theo BLHS 2015 không chỉ có hoạt động thực hiện công vụ của người có chức vụ, quyền hạn của Việt Nam mà còn bao gồm hoạt động thực hiện công vụ của công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công.
Việc quy định bổ sung như trên trước hết xuất phát từ tinh thần thực thi đầy đủ Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng. Khái niệm công chức trong phạm vi điều chỉnh của Công ước tương đối toàn diện, bao gồm cả hai đối tượng: công chức của quốc gia và công chức của nước ngoài, công chức làm việc tại các tổ chức quốc tế công. Công ước chống tham nhũng yêu cầu các quốc gia thành viên hình sự hóa hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài và công chức của các tổ chức quốc tế công (Điều 16).
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các quốc gia khác nhau trên thế giới và các tổ chức quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ, viện trợ, tài trợ, v.v…Do đó, việc bảo đảm tính liêm chính và hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế công là có ý nghĩa thiết thực. Việc một người nào đó vì vụ lợi mà đưa hối lộ công chức nước ngoài hay tổ chức quốc tế công để dành những ưu thế trong các hoạt động nêu trên cũng đã xảy ra trong thực tiễn. Vì vậy, để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, sự công bằng trong xã hội và giữ gìn quan hệ với các quốc gia khác, với các tổ chức quốc tế công, việc bổ sung hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài hay công chức của tổ chức quốc tế công là cần thiết.[4]
[1] Những luận giải chi tiết cho việc hình sự hóa tham nhũng trong khu vực tư có thể được tìm hiểu thêm tại: Đào Lệ Thu (2010), Các tội phạm về hối lộ trong luật hình sự Việt Nam – So sánh với Luật hình sự Thụy Điển và Australia, Luận án tiến sĩ thực hiện trong khuôn khổ chương trình hợp tác đào tạo giữa ĐH Luật Hà Nội và Khoa Luật – ĐH Tổng hợp Lund Thụy Điển; Gunter Heine, Barbara Huber, Thomas O. Rose (chủ biên), Private Commercial Bribery – A Comparison of National and Supranational Legal Structures, xuất bản bởi International Chamber of Commerce, Rreiburg im Breisgau 2003.
[2] Theo quy định tại Điều 21 Công ước chống tham nhũng, các quốc gia nên áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác để hình sự hóa hối lộ trong khu vực tư, gồm hai dạng hành vi là đưa hối lộ và nhận hối lộ. Bên cạnh đó, Điều 22 Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên xem xét hình sự hóa hành vi của người điều hành hay làm việc, ở bất kỳ cương vị nào, cho tổ chức thuộc khu vực tư biển thủ tài sản, quỹ tư hoặc chứng khoán hoặc bất kỳ thứ gì khác có giá trị mà người này được giao quản lý do vị trí của mình, nếu hành vi biển thủ đó được thực hiện một cách cố ý trong quá trình hoạt động kinh tế, tài chính hoặc thương mại.
[3] Ban soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bản thuyết minh chi tiết về Dự thảo BLHS (sửa đổi), Hà Nội, tháng 04/2015.
[4] Xem thêm: Ban soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bản thuyết minh chi tiết về Dự thảo BLHS (sửa đổi), Hà Nội, tháng 04/2015.
Theo Tapchiphaply
Link nội dung: https://phaply.net.vn/diem-moi-ve-cac-toi-pham-chuc-vu-trong-blhs-2015-a194561.html