Nhiều nước mạnh tay tuyên chiến với tội phạm rửa tiền

(Pháp lý) - Một Nghị sĩ thuộc Đảng Lao động Anh thông tin, “chỉ tính riêng tại Vương quốc Anh, theo thống kê sơ bộ cũng có ít nhất 85.000 "đại gia" bị nghi ngờ sở hữu những công ty "ma" ở các lãnh thổ hải ngoại (thuộc Anh) nhằm thực hiện hành vi trốn thuế, rửa tiền”.

Thực tế này cho thấy nạn rửa tiền, tham nhũng vẫn rất nhức nhối, hoành hành ở nhiều nước trên khắp thế giới. Theo đó, Quốc hội và Chính phủ các nước cần tiếp tục mạnh tay hơn để phanh phui và xử nghiêm đối với tội phạm rửa tiền. Một số nước đã ban hành Luật chống rửa tiền để có cơ sở pháp lý trừng trị loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.

Quốc hội Vương quốc Anh yêu cầu các lãnh thổ hải ngoại mạnh tay chống rửa tiền

Quốc hội Vương quốc Anh vừa chính thức thông qua đề xuất của Chính phủ yêu cầu chính quyền các lãnh thổ hải ngoại (thuộc Anh) phải đẩy mạnh chống rửa tiền, trốn thuế.

Trước đó, đề xuất của Chính phủ Anh nêu rõ, hiện nay, rất nhiều cá nhân, băng nhóm tội phạm hình sự và tham nhũng đang lợi dụng các chính sách ưu đãi thuế của nhiều lãnh thổ hải ngoại (thuộc Anh) để thực hiện các hành vi trốn thuế, rửa tiền.

 Tòa nhà Quốc hội Anh
Tòa nhà Quốc hội Anh)

Margaret Hodge, Nghị sĩ Đảng Lao động Anh cho biết, nếu chính quyền các lãnh thổ hải ngoại (thuộc Anh) cùng quyết tâm chống trốn thuế, rửa tiền, thì không khó để truy được nguồn gốc những khoản tiền khổng lồ, để từ đó biết rõ khoản tiền đó có phải do tham nhũng, gian lận tài chính hay phạm tội có tổ chức mà có hay không. Nghị sĩ Margaret Hodge thông tin thêm, chỉ tính riêng tại Vương quốc Anh, theo thống kê sơ bộ cũng có ít nhất 85.000 "đại gia" bị nghi ngờ sở hữu những công ty "ma" ở các lãnh thổ hải ngoại (thuộc Anh) nhằm thực hiện hành vi trốn thuế, rửa tiền.

Sau yêu cầu đẩy mạnh chống rửa tiền của Chính phủ Anh, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã lên tiếng đánh giá rất cao động thái này. "Đây là hành động rất quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Từ lâu nay, những tổ chức khủng bố luôn sử dụng các thiên đường về thuế để che giấu, bảo vệ những nguồn tiền bất hợp pháp. Hy vọng với quyết tâm chống tham nhũng, rửa tiền của Chính phủ Anh cũng như chính quyền các lãnh thổ hải ngoại (thuộc Anh), công cuộc chống tham nhũng và chống khủng bố sẽ thu được nhiều kết quả tích cực hơn".

Đan Mạch: Tiếp tay cho rửa tiền, Giám đốc Ngân hàng phải từ chức

Giám đốc Tài chính Lars Morch của Ngân hàng Danske (Đan Mạch) đã phải từ chức sau kết luận về các cuộc điều tra cho rằng Danske chậm trễ trong quá trình thẩm tra thông tin khách hàng, tiếp tay cho hành vi rửa tiền.

Thông tin từ một người tố giác được đăng tải trên Báo Berlinske (Đan Mạch) hé lộ toàn bộ quá trình rửa tiền tại Ngân hàng Danske - Chi nhánh Estonia và các giao dịch đáng ngờ của công ty thuộc quyền sở hữu Cơ quan Tình báo Nga (FSB).

 Danske là một trong số những ngân hàng quốc tế có liên quan đến đại án rửa tiền Russian Laundromat với quy mô lên tới 20 - 80 tỷ USD
Danske là một trong số những ngân hàng quốc tế có liên quan đến đại án rửa tiền Russian Laundromat với quy mô lên tới 20 - 80 tỷ USD)

Trong báo cáo trình lên Cục Quản lý Doanh nghiệp Anh, Lantana Trade LLP đã kê khai mức doanh thu thấp và không tăng trưởng, trong khi một khoản tiền khổng lồ đã được chuyển đi thông qua tài khoản tại Ngân hàng Danske - Chi nhánh Estonia. Ngân hàng này đã bị chỉ trích vì không thực hiện các biện pháp kịp thời mặc dù nhận được các cảnh báo về nguy cơ rửa tiền từ tháng 12-2013.

Theo Dự án Tố cáo Tham nhũng, Tội phạm (OCCRP), kể từ khi tài khoản công ty được mở tại Ngân hàng Danske cho đến lúc vụ việc bị phát giác, các giao dịch chuyển tiền diễn ra hàng ngày với tổng quy mô lên tới 10 triệu USD. Sau khi các giao dịch kết thúc, ngân hàng mới tiến hành điều tra chủ sở hữu và phát hiện nhiều ngân hàng đã góp vốn vào Lantana, trong đó có Promberbank (bị tước giấy phép kinh doanh từ năm 2015). Một trong những thành viên Hội đồng Quản trị là Igor Putin và Alexander Grigover, nhân viên ngân hàng có quan hệ với FSB là một cổ đông.

Lars Morch chính thức phải bàn giao lại nhiệm vụ vào cuối tháng 10-2019 sau 19 năm cống hiến tại Ngân hàng Danske.

Bangladesh thắt chặt quản lý chống rửa tiền

Chính phủ Bangladesh quyết định tập hợp các nguồn tin về rửa tiền thành một hồ sơ duy nhất để theo dõi quá trình luân chuyển vốn và truy thu các khoản tiền đã bị chuyển ra nước ngoài bất hợp pháp.

 Chính phủ Bangladesh rất nghiêm túc trong việc đối phó với rửa tiền ( ảnh minh họa)
Chính phủ Bangladesh rất nghiêm túc trong việc đối phó với rửa tiền ( ảnh minh họa))

Một nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết: “Chính phủ rất nghiêm túc trong việc đối phó với rửa tiền, các thông tin từ các tổ chức khác nhau như Ngân hàng Bangladesh, Hội đồng Doanh thu quốc gia (NBR) sẽ được tổng hợp thành một bộ hồ sơ quản lý duy nhất. Trong quá trình chuẩn bị và tạo lập hồ sơ, Chính phủ cũng sẽ phối hợp thực hiện các biện pháp khác để kiểm soát hoạt động rửa tiền”.

Buổi họp diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng chưởng lý Mahbubey Alam và đại diện Văn phòng Thủ tướng, Cơ quan Tình báo Tài chính Bangladesh, NBR, Ngân hàng Baladesh, Ủy ban Chống tham nhũng, Bộ Nội vụ và Ủy ban Chứng khoán. Các vấn đề trọng tâm được thảo luận bao gồm các biện pháp ngăn chặn các giao dịch chuyển tiền ra khỏi Bangladesh bất hợp pháp và định hướng cách thức làm việc dưới các chính sách chống rửa tiền. Chính phủ cũng quyết định tổ chức họp thường kỳ 3 tháng 1 lần để báo cáo về hoạt động của các đội đặc nhiệm giám sát tham nhũng.

Đại diện NBR đánh giá đây là động thái cứng rắn của Chính phủ đối với hành vi rửa tiền.

ADB tăng cường hỗ trợ các biện pháp chống rửa tiền

Được thành lập vào năm 1966 và có trụ sở đặt tại Manila (Philippine), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) luôn hướng đến hỗ trợ các quốc gia châu Á, với 66 thành viên gồm 47 nước trong khu vực và 19 nước khác trên thế giới.

Trong báo cáo thường niên 2018, Văn phòng Liêm chính và chống tham nhũng (OAI) thuộc ADB cho biết ADB đã và đang hỗ trợ các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối phó với nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Chương trình hỗ trợ chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT) bao gồm một khoản hỗ trợ kỹ thuật trị giá 2 triệu USD tư vấn quy trình nâng cao chất lượng các chính sách chống rửa tiền thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan như ngân hàng, tổ chức tài chính và Chính phủ. Theo người đứng đầu OAI John Versantvoort, ADB là đối tác đáng tin cậy trong đấu tranh chống tham nhũng.

Năm 2017, ADB giúp Philippines nâng cao hiệu quả chính sách chống rửa tiền như ban hành luật kiểm soát hoạt động sòng bạc, tổ chức tập huấn cho giới chức địa phương. Với Mông Cổ, ADB hỗ trợ xây dựng hệ thống pháp luật chống rửa tiền, quy trình thẩm định khách hàng. Với Bhutan và Papua New Guinea, ADB hỗ trợ vá lỗ hổng trong các chương trình AML/CFT cũng như tăng cường, cải thiện chính sách làm việc giữa hai nước.

Ngoài ra, ADB triển khai 41 khóa tập huấn cho các cơ quan kiểm toán, ủy ban chống tham nhũng, cơ quan hành pháp và tư pháp, các tổ chức thường xuyên có giao dịch tiền tệ giá trị lớn, các tổ chức phi tài chính, tổ chức xã hội và các đơn vị công của các nước châu Á - Thái Bình Dương. Trong nội bộ, OAI triển khai khóa học “Tôn trọng công việc và nói không với tham nhũng” dành cho 1.436 nhân viên với 51 buổi tập huấn nhằm cải thiện môi trường làm việc, một trong những chìa khóa giúp ADB đạt mục tiêu tăng trưởng toàn diện và bền vững.

Hạ viện Nigeria thông qua dự Luật chống rửa tiền

Hạ viện Nigeria chính thức thông qua dự luật cho phép cơ quan có thẩm quyền xét xử hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố. Theo đó, dự luật mới quy định Cơ quan Tình báo Tài chính Nigeria hoạt động độc lập thay vì dưới sự điều hành của Ủy ban Tội phạm Kinh tế và Tài chính, đồng thời được phép chia sẻ thông tin với giới chức nước ngoài.

 Đồng USD (Mỹ) và đồng Naira (Nigeria) (ảnh minh họa)
Đồng USD (Mỹ) và đồng Naira (Nigeria) (ảnh minh họa))

Dự luật được Quốc hội Nigeria xây dựng từ khi Egmont (Tổ chức gồm 155 cơ quan tình báo tài chính trên toàn thế giới) đe dọa hủy tư cách thành viên và áp đặt biện pháp kiểm soát đặc biệt tất cả giao dịch tài chính với Nigeria, nếu nước này không nâng cao khả năng đối phó tội phạm tài chính.

Ngoài ra, thông tin giao dịch ngân hàng vượt hạn mức sẽ được tự động gửi đến cơ quan tình báo tài chính có thẩm quyền.

Kể từ năm 2009, Nigeria kiệt quệ khi vừa phải chiến đấu với phiến quân Boko Haram phía đông bắc (khiến hơn 20,000 người thiệt mạng và khoảng 2 triệu người di cư), vừa phải chiến đấu với tình trạng tham nhũng ngày càng ăn mòn đất nước.

Hà Trang (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhieu-nuoc-manh-tay-tuyen-chien-voi-toi-pham-rua-tien-a194442.html