(Pháp lý) - Hội nghị Trung ương 7 diễn ra vào đúng những ngày hè đỏ lửa. Ba đề án trọng tâm được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 7 là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Cải cách chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội.
Đã có nhiều phát ngôn ấn tượng, đáng suy ngẫm từ bên trong hội nghị và bên ngoài xã hội xung quanh công tác tổ chức cán bộ. Pháp lý xin lược ghi lại.
Công tác cán bộ… quyết định thành bại của cách mạng
Trong phát biểu khai mạc hội nghị sáng 7/5 về nội dung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, có thể khẳng định, sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ cán bộ và những ưu điểm trong công tác cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước. Song những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.
Học tập Bác về công tác cán bộ
Trong dịp này, ĐBQH Lê Thanh Vân cũng có bài viết đăng trên báo Dân Trí bàn về cán bộ cấp chiến lược. Đại biểu này chia sẻ: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đã có những vị thánh đế, minh quân xuất chúng, vì việc nước và dựa trên thực đức, thực tài tương xứng của cá nhân mà chọn người giữ các vị trí rường cột quốc gia, như Lý Thái Tổ, Hưng Đạo Đại Vương, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, cùng nhiều bậc tiên liệt khác, và thời đại chúng ta có Bác Hồ. Khi Lễ phong quân hàm cấp tướng được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, một Phóng viên phương Tây đã hỏi Hồ Chủ tịch vì sao một lúc phong nhiều tướng, nhiều tá như vậy? Việc phong cấp này được tiến hành dựa theo những tiêu chuẩn nào? Bác đã trả lời giản dị: “Đánh thắng Đại tá phong Đại tá; đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng; thắng Trung tướng phong Trung tướng; thắng Đại tướng phong Đại tướng”. Không chỉ vậy, Bác đã tiến cử, bổ nhiệm nhiều nhân sĩ, trí thức không phải là Ủy viên Trung ương Đảng để giữ chức vụ Bộ trưởng trong Chính phủ ở ngay thời kỳ chế độ dân chủ cộng hoà mới được khai sinh. Dẫn chứng của đại biểu đã cho thấy, việc tuyển lựa cán bộ của Bác đáng học hỏi vì quan trọng thực tài của người làm cán bộ.
Hỏi dân về công tác cán bộ
Trước ý kiến công tác tuyển dụng cán bộ với những quy định về tiêu chuẩn, quy trình như hiện nay vẫn mang tính khép kín trong nội bộ. Vậy làm sao có thể thu hút hết được những hiền tài về hội tụ? Nhà báo Nhị Lê – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng: Đây là một thực tế rất đáng suy nghĩ để tiến hành đổi mới cơ chế. Đổi mới không phải để tiến đến một cơ chế nào đó xa lạ mà hãy trở về với những gì ông cha ta đã làm nhưng trong điều kiện mới. Từ khi thành lập Chính phủ lâm thời, Cụ Hồ đã lựa chọn thành phần tham gia Chính phủ rất đa dạng, đến khi bầu cử Quốc hội trong bối cảnh đất nước đã giành độc lập và uy tín Đảng Cộng sản lên rất cao… Trong tình hình hiện nay, tôi nghĩ rằng phương pháp lựa chọn cán bộ tốt nhất là hãy tăng cường hỏi ý kiến nhân dân. Nên tiến hành tranh cử ngay cả trong Đảng, giới thiệu các ứng cử viên để nhân dân lựa chọn một cách rộng rãi, dân chủ. Khi đó, chúng ta sẽ tìm được những người tài giỏi, cả trong Đảng và ngoài Đảng
“Công khai là thanh bảo kiếm tự nó chữa lành những vết thương do nó gây ra. Đảng là đứa con nòi của nhân dân thì hà cớ gì việc nhân sự lại không hỏi ý kiến nhân dân? Tôi nghĩ rằng chừng nào việc này được giải quyết thì tiếng nói của Đảng càng được tôn vinh hơn, uy tín và sức mạnh của Đảng càng được vun đắp, nhân lên và tỏa rộng. Giống như thần Ăngtê đứng vững hai chân mình trên đất mẹ vậy. Người ta không “mua” được toàn dân nhưng hoàn toàn có thể “mua” được vài chục người, thậm chí “mua” được hàng trăm người… Người ta không thể “mua” được nhân dân nhưng có thể “mua” được những người giữ trọng trách, và sau đó họ xây dựng “căn cứ”, hình thành bè phái, lợi ích nhóm, nguy cơ hình thành những “sứ quân”. Khi đó, hậu họa khôn lường”.
Gốc của vấn đề là kiểm soát quyền lực cán bộ
Nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương cho biết, đề xuất bố trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh không phải người địa phương đã được bàn thảo từ mấy chục năm nay, điểm tích cực của chủ trương này là chống tư tưởng "rừng nào cọp nấy", giúp người cán bộ khách quan, nỗ lực hơn trong công tác khi đến một địa bàn mới, cũng qua đó để thử thách, phát hiện được cán bộ có năng lực nổi trội.
"Tuy nhiên, không thể một giải pháp này mà chống được chạy chức, chạy quyền và tiêu cực. Tôi ủng hộ đề xuất trên, nhưng cần nói rõ gốc của vấn đề hiện nay là kiểm soát quyền lực, phải giải quyết từ gốc", ông Hương nói và hiến kế cho Trung ương Đảng hai việc. Thứ nhất, nghiên cứu chủ trương nhất thể hóa lãnh đạo, Bí thư cấp tỉnh kiêm Chủ tịch UBND. Theo ông, trên thực tế ở nhiều địa phương xảy ra tình trạng mất đoàn kết, chủ yếu do Bí thư và chủ tịch mâu thuẫn với nhau. "Chúng ta chỉ nên để một người đứng đầu, kiêm nhiệm, khi đó địa chỉ trách nhiệm rất rõ, ông nào làm được thì phát triển lên Trung ương, làm kém cách chức", ông Hương góp ý.
Thứ hai, ông Hương nói Đề án có nội dung "nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch ủy ban nhân dân xã", tôi đề nghị Trung ương nên nghiên cứu ở cấp cao hơn (nhân dân bầu Chủ tịch cấp cao hơn), đồng thời thực hiện nghiêm việc lựa chọn, bầu cử có số dư; ứng viên trước khi bổ nhiệm phải trình bày chương trình hành động và cam kết trách nhiệm thực hiện.
Chống duy tình khi xử lý công việc của cán bộ
Đã có nhiều đề xuất, cũng như giải pháp để công tác cán bộ của Đảng được đưa ra tại hội nghị. Trong đó là đề xuất bố trí Bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, quy định này sẽ giúp kiểm soát được quyền lực tốt hơn, vì người đó không có mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em trên địa bàn. Hơn nữa, lãnh đạo cấp ủy từ nơi khác đến thì sự giám sát của người dân sẽ chặt chẽ hơn; bản thân vị lãnh đạo đó cũng thận trọng hơn trong ứng xử với nhân dân.
Chia sẻ kinh nghiệm bản thân có nhiều năm làm Bí thư Tỉnh ủy không phải là người địa phương, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, mỗi người đều có mối quan hệ tình cảm họ hàng, anh em, đồng nghiệp, kể cả những thế hệ trước có công đào tạo mình. Vì vậy, nhiều khi cán bộ rơi vào tình trạng duy tình trong giải quyết công việc. Ông thẳng thắn thừa nhận, nếu không phải người địa phương thì sẽ khó khăn nắm địa bàn, lòng dân, nhưng là người địa phương thì lại có thể nể nang, né tránh trong xử lý công việc. "Những thiếu hụt về nắm bắt địa bàn có thể bù đắp, còn tình cảm rất khó xử lý. Vì vậy tôi ủng hộ phương án lãnh đạo không phải người địa phương", ông Chiến nói.
Cán bộ phải không để “lợi ích nhóm” chi phối
Tại Hội nghị T.W 7 đã có những bàn bạc về tiêu chuẩn, điều kiện của 600 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. 600 cán bộ cấp chiến lược gồm các cán bộ trong Ban Chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Bộ trưởng, Trưởng các ngành, Thứ trưởng, Phó Trưởng các ngành, Bí thư và Phó Bí tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND và HĐND tỉnh.
Ông Phạm Quang Hưng (Vụ trưởng Vụ 4) cho rằng: Riêng đối với cán bộ cấp chiến lược thì ngoài các yêu cầu của cán bộ lãnh đạo quản lý thì phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lý tưởng, đạo đức nhân sinh quan cách mạng, có ý chí và nghị lực, có khát vọng đưa đất nước phát triển, sẵn sàng hi sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, có tư duy đổi mới, có tầm nhìn xa trông rộng, nắm bắt nhanh xu thế của thời đại. Đặc biệt, họ phải biết xây dựng và bảo vệ uy tín của Đảng cũng như hình ảnh của cá nhân, không để các mối quan hệ cá nhân, lợi ích nhóm chi phối trong quá trình công tác.
Minh Hải (tổng hợp)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/phat-ngon-an-tuong-ve-cong-tac-to-chuc-can-bo-doc-ngam-va-hanh-dong-a194338.html