Đáng ra Bộ GTVT nên trình Quốc hội bổ sung phí BOT vào danh mục phí và lệ phí thì lại tìm cách đánh tráo khái niệm.
Đó là nhận định của TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, sau những lùm xùm bùng lên khi Bộ GTVT đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu giá BOT”.
Nhập nhèm đánh tráo khái niệm
Theo ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT), trước đây các dự án BOT giao thông được quản lý dưới hình thức là phí, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng.
Trong đó, mỗi dự án BOT được Bộ Tài chính ban hành một thông tư riêng để áp dụng thu phí cụ thể và mức phí nằm trong quy định chung tại Thông tư 159 năm 2013 của Bộ Tài chính.
Sau đó, việc chuyển đổi tên gọi từ phí sang giá thực hiện theo quy định của Luật Phí và lệ phí được Quốc hội thông qua năm 2015. Theo đó, từ ngày 1-1-2017, phí đường bộ sẽ được chuyển sang cơ chế giá dịch vụ sử dụng đường bộ, được điều chỉnh bởi Luật Giá.
Cụ thể, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức giá trần (tối đa) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do bộ này quản lý; UBND cấp tỉnh quy định giá đối với đường địa phương.
Hiện mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được Bộ GTVT và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án dựa trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa quy định tại Thông tư 35 (năm 2016).
Như vậy, hai cách gọi này khác nhau ở chỗ: Bộ GTVT sẽ là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố về giá biến động, thay vì thẩm quyền của Bộ Tài chính. Thực tế, từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ GTVT là cơ quan ra quyết định đối với việc giảm mức thu đối với phương tiện tại các dự án BOT.
Tuy nhiên, cách giải thích của Bộ GTVT về cách gọi “thu giá” thay vì “thu phí” đã không thuyết phục được dư luận.
Quên vai trò của Quốc hội?
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), cho rằng “thu giá” hay “thu phí” không có gì khác nhau về mức thu, vẫn là khoản tiền trả cho việc sử dụng đường do doanh nghiệp cung cấp, là nguồn thu để các doanh nghiệp hoàn vốn theo hợp đồng BOT đã ký kết.
Mức thu này tăng hay giảm phụ thuộc vào lưu lượng phương tiện, doanh thu thực tế của trạm. Hơn nữa, hàng loạt trạm thu trước đây sẽ vẫn tiếp tục thu theo thông tư quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ mà bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành.
Vậy vì sao Bộ GTVT chuyển cách gọi thành “thu giá”? Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phí BOT không có trong danh mục phí được ban hành kèm theo luật và đưa phí BOT vào danh mục phí có thể tạo ra xung đột với phí bảo trì đường bộ đã có trong danh mục.
Hơn nữa, bản chất của việc Bộ GTVT muốn chuyển cách gọi thành “thu giá” là bởi các quy định chặt chẽ của Luật Phí và lệ phí khiến rất khó để thu hút các nhà đầu tư cho các dự án BOT. Nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoàn vốn theo hợp đồng đã ký thì cần linh hoạt điều chỉnh giá theo thực tế doanh thu. Tuy nhiên, việc sử dụng từ “thu giá” là không đúng.
“Thu giá” thật ra là một “sáng tạo” để lách qua những quy định rất chặt chẽ của Luật Phí và lệ phí. Theo quy định của luật, một tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công thì có thể thu phí để bù đắp các chi phí. Tuy nhiên, việc thu phí chỉ hợp pháp khi khoản phí như vậy được đưa vào danh mục phí được ban hành kèm theo luật” - TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.
Việc sử dụng từ “thu phí” thì không sai về mặt ngữ nghĩa nhưng nếu muốn phù hợp với các quy định hiện hành, Bộ GTVT cần kiến nghị Quốc hội bổ sung phí BOT vào danh mục phí, đồng thời sửa đổi, bổ sung Luật Phí và lệ phí theo hướng tạo khuyến khích cho các nhà đầu tư, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và nhà đầu tư.
“Rất tiếc, phí BOT không có trong danh mục này. Đáng ra Bộ GTVT nên trình Quốc hội bổ sung phí BOT vào danh mục nói trên thì lại tìm cách đánh tráo khái niệm” - ông Dũng nói.
Cũng theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, “thu giá” là một khái niệm hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Việt. “Bạn có thể thu phí, thu thuế, thu nợ, thậm chí thu ngân... nhưng không thể thu giá vì giá không phải là thứ có thể thu được. Giá là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hoá/dịch vụ. Thu biểu hiện bằng tiền quả thực là một thứ khá tối nghĩa và ngô nghê”.
Trong khi đó, phí là một từ có nghĩa trong tiếng Việt, được người dân hiểu rằng đó là tiền trả cho dịch vụ mà họ được hưởng. Hiện người dân vẫn đang sử dụng từ phí cho những dịch vụ không hề nằm trong danh mục phí, lệ phí như phí môi giới, phí giao dịch, phí quản lý tài khoản ngân hàng…
Việc tùy tiện đặt ra những cách gọi làm méo mó ngôn ngữ, làm biến dạng thông tin là biểu hiện sự áp đặt, đánh tráo khái niệm.
Chiều 22-5, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể lý giải: Phí do HĐND, Quốc hội quyết định, còn giá là do doanh nghiệp cung cấp, mà BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên cần điều chỉnh lại tên gọi cho chính xác. Việc đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT sẽ linh động hơn.
"Tuy nhiên, có những sự nhập nhằng cần phải làm rõ" - bộ trưởng GTVT nói vậy nhưng tại các dự án BOT hiện nay, sau khi các trạm thu phí BOT bị rầm rộ phản đối trên cả nước thì doanh nghiệp BOT lại phải làm tờ trình lên Bộ GTVT xin điều chỉnh giảm phí, Bộ GTVT xem xét chấp thuận rồi chuyển văn bản sang Bộ Tài chính để điều chỉnh phương án tài chính… Vậy bản chất của nó cũng không khác điều chỉnh thu phí. Hơn nữa, về lý mà nói, doanh nghiệp BOT là ông chủ (bỏ tiền ra đầu tư) nhưng không được quyền tự quyết, mà ông chủ thật sự lại là Bộ GTVT.
Theo VOV
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thu-gia-va-thu-phi-bo-gtvt-co-vuot-quyen-quoc-hoi-a194314.html