"Kiên quyết không để lợi ích nhóm len lỏi vào việc tạo lập các chính sách, phê duyệt các dự án, các vụ đấu thầu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước…”.
Đó là góp ý của ông Nguyễn Hữu Thuận đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Phòng, trong buổi thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 22-5.
Ông Thuận cho rằng trong các cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng đã nêu nhiều đến vấn đề trên. Nhưng ở các cấp Bộ, Cục đâu đó vẫn có lợi ích nhóm len lỏi vào trong các chính sách, đặc biệt tại dự án đấu thầu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Vì vậy, ông Thuận khẳng định kết quả đấu tranh chống tiêu cực vừa qua là rất đáng hoan nghênh, tạo ra làn gió mới vào niềm tin của nhân dân… “Nên tôi cho rằng cần đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực nếu ai cho rằng việc này làm nhụt ý chí đầu tư kinh doanh là luận điệu…” - ông Thuận nhấn mạnh.
Về lĩnh vực kinh tế thời gian tới, ông Thuận kiến nghị Chính phủ cần quan tâm đến việc hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xưa nay, Nhà nước quan niệm “quả đấm thép” quan trọng nhưng trong điều kiện hiện nay việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải được hỗ trợ, quan tâm.
Trong khi đó, ông Lê Kim Toàn, đại biểu Bình Định ghi nhận sự phát triển vượt bậc của kinh tế-xã hội, điều này thể hiện sự chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ. Ông Toàn cũng tin rằng Nhà nước còn dư địa để phát triển, dư địa đó là sử dụng vốn đầu tư công hiện nay chưa hiệu quả.
Cụ thể, báo cáo Chính phủ quý I-2018 mà đến nay là cuối tháng 5 nhưng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới 16,4%. Trong khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước rất khó khăn, nguồn lực đầu tư hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư cao. Nhiều dự án chưa bố trí được vốn nhưng tỉ lệ giải ngân của chúng ta quá thấp.
“Nếu chúng ta sử dụng nguồn vốn này có hiệu quả thì nó sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế-xã hội, giải quyết nhiều vấn đề đất nước và các địa phương. Vì vậy kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành rà soát lại các dự án, đơn vị nào, công trình nào chưa đáp ứng yêu cầu thì cắt vốn chuyển cho công trình khác đã đủ các điều kiện đầu tư để sớm đưa các dự án vào khai thác. Tôi nghĩ như vậy sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, bên cạnh đó tăng cường quản lý, giám sát các dự án đầu tư công…” - ông Toàn nhấn mạnh.
Ông Toàn cũng nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Trong báo cáo của Chính phủ, có đề cập đến việc xuất khẩu một số hàng nông nghiệp mang lại giá trị lớn. Tuy nhiên, người nông dân vẫn khó khăn, nông dân có vui nhưng chưa nhiều, vì điệp khúc “được mùa mất giá” liên tiếp xảy ra, hết lợn, đến chuối, dưa hấu.. Theo đó ông Toàn khẳng định: “Có bán ra được thì hàng làm ra mới có giá trị. Điều này cho thấy việc sản xuất của chúng ta chưa gắn với thị trường, tiêu thụ, tiêu dùng, nên chuỗi giá trị này chưa phát huy tác dụng…”.
Đồng quan điểm, nhiều đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần quan tâm hơn đến chính sách phát triển kinh tế biển, công tác bảo vệ rừng, tinh giản biên chế, ứng dụng công nghệ, không để phát sinh quá nhiều lễ hội gây lãng phí.
Theo PLO
Link nội dung: https://phaply.net.vn/loi-ich-nhom-len-loi-vao-cac-du-an-dau-thau-co-phan-hoa-dnnn-a194248.html