Tham nhũng quyền lực cần phải xử lý bằng Luật Hình sự

(Pháp lý) - LTS: Hội nghị T.W 7 được dư luận đánh giá là đã tập trung bàn sâu sắc về công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền, kiểm soát quyền lực... Chúng ta kỳ vọng sẽ có thay đổi lớn trong công tác cán bộ thời gian tới. Chuyên mục Diễn đàn – Luật gia kỳ này, Pháp lý dành thời lượng thông tin sâu về chủ đề trên.

Sai phạm trong công tác cán bộ… và những bất cập của chính sách, pháp luật

Những vụ bổ nhiệm người nhà, nâng đỡ “thiếu trong sáng” cán bộ, cử bầu người thiếu tư cách, đạo đức và tài năng vào các cơ quan nhà nước, cơ quan dân cử trong thời gian gần đây bị phát hiện rất nhiều. Cùng Pháp lý điểm lại những vi phạm này và chỉ một số bất cập của chính sách pháp luật có liên quan hiện nay.

Tình trạng “quan cha” gây ảnh hưởng để bổ nhiệm “quan con” không hiếm trên thực tế hiện nay, gây bức xúc dư luận  (ảnh minh họa)
Tình trạng “quan cha” gây ảnh hưởng để bổ nhiệm “quan con” không hiếm trên thực tế hiện nay, gây bức xúc dư luận (ảnh minh họa))

Những vụ “con ông cháu cha” thăng tiến thần tốc

Thời gian vừa qua, hàng loạt người trẻ tuổi được bổ nhiệm, cất nhắc, thăng tiến một cách thần tốc. Điều khiến dư luận bức xúc là sự thăng tiến của họ đều có bóng dáng năm chữ C – “con cháu các cụ cả”…

Đầu tiên phải kể đến ông Vũ Quang Hải, con trai ông Vũ Huy Hoàng (đã bị cách chức nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương). Đầu năm 2015, khi Hải mới 28 tuổi đã được điều động về Tổng Công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn Sabeco (một doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương) ở vị trí hàm Phó Vụ trưởng để đảm đương chức Phó Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT Sabeco. Vụ bổ nhiệm Hải sau đó đã được Ủy ban kiểm tra (UBKT) Trung ương vào cuộc kết luận và đầu năm 2017, Hải bị bãi miễn hết các chức danh.

Tại Hải Dương, nơi có Sở LĐ-TB&XH có tới 44 lãnh đạo, trong đó có ông Phạm Văn Kháng (37 tuổi), người được đích danh cha ruột là ông Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương, ký quyết định bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng khi chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn ngạch công chức hành chính. Vụ việc này sau đó đã bị UBKT Tỉnh ủy Hải Dương vào cuộc xử lý.

Ông Đinh La Thăng (trái) đã bị kết án trong 2 vụ án và mất quyền ĐBQH. Ông Trịnh Xuân Thanh (phải) đã bị kết 2 án tù chung thân
Ông Đinh La Thăng (trái) đã bị kết án trong 2 vụ án và mất quyền ĐBQH. Ông Trịnh Xuân Thanh (phải) đã bị kết 2 án tù chung thân)

Gần đây nhất là vụ cha con nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam cũng được UBKT Trung ương kết luận. Cụ thể ông Lê Phước Hoài Bảo (con ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở KH&ĐT khi mới 30 tuổi. Việc bổ nhiệm này được UBKT Trung ương kết luận là “không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục”. Liên quan đến việc này, cả hai cha con ông Bảo đều bị đề nghị xử lý trách nhiệm.

Cũng ở tỉnh này, đương kim Chủ tịch UBND tỉnh là ông Đinh Văn Thu cũng bị UBKT Trung ương chỉ rõ đã ký văn bản đề nghị bổ nhiệm con trai mình khi chưa được phê duyệt quy hoạch; để tỉnh tuyển dụng công chức không qua thi tuyển, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo đối với con trai chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn…

Ngoài ra, trong năm qua, báo chí cũng nêu hàng loạt vụ việc bổ nhiệm người nhà, cả họ làm quan khiến người dân bức xúc ở các tỉnh như Hà Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Gia Lai…

Đáng nói hơn, hầu hết các trường hợp bổ nhiệm người nhà, người thân “siêu tốc” bị dư luận phanh phui đều liên quan đến những cán bộ chủ chốt ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Những người này không chỉ lợi dụng các kẽ hở của chính sách pháp luật về công tác cán bộ, lợi dụng quyền lực của mình để gây ảnh hưởng công tác cán bộ, mà còn xem nhẹ các quy định của Đảng trong vấn đề này. Cụ thể là Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Về những điều đảng viên không được làm”, đã quy định cán bộ, đảng viên không được: “Can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học… trái quy định”; và: “Tạo điều kiện hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi”. Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” cũng nêu rõ: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt “Không để cho người thân lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để trục lợi”.

Bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn, đánh giá cán bộ còn hình thức

Thực tiễn minh chứng, những khuyết điểm, vi phạm về bổ nhiệm cán bộ không những gây bức xúc trong nội bộ, để lại hậu quả khó lường mà còn gây dư luận xấu trong xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Điển hình là ở Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009 - 2015 thiếu kiểm tra, giám sát, buông lỏng để các đơn vị thành viên bổ nhiệm 27 trường hợp không có trong quy hoạch, có trường hợp không đủ tiêu chuẩn và chỉ đạo bổ nhiệm 08 trường hợp thuộc PVN không có trong quy hoạch. Thậm chí 17 cán bộ, lãnh đạo đơn vị trực thuộc có vi phạm, khuyết điểm để các đơn vị hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm không bị xem xét, xử lý trách nhiệm mà vẫn được PVN điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, có trường hợp lên chức cao hơn. Hệ lụy là nhiều cán bộ trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của PVN vi phạm nghiêm trọng bị khai trừ Đảng và bị xử lý hình sự.

Cũng xuất phát từ thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, biểu hiện nể nang, Ban cán sự đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh và một số cán bộ vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện; đánh giá, quy hoạch cán bộ một số trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình; để Bí thư Ban cán sự đảng tự ý đề nghị phê duyệt bổ sung quy hoạch chức danh Thứ trưởng Công thương đối với Trịnh Xuân Thanh và một số trường hợp khác; thực hiện không đúng thẩm quyền khi đề nghị Tỉnh ủy Hậu Giang tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang. Việc bổ nhiệm trên đã vi phạm quy định về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ của Đảng.

Từ vụ bà Phan Thị Mỹ Thanh cho thấy thiếu cơ chế để cử tri có thể trực tiếp bãi miễn ĐBQH (ảnh: vietnamnet)
Từ vụ bà Phan Thị Mỹ Thanh cho thấy thiếu cơ chế để cử tri có thể trực tiếp bãi miễn ĐBQH (ảnh: vietnamnet))

Hay vi phạm nổi cộm ở Thanh Hóa, sự thiếu gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Với cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2010 - 2015, ông Ngô Văn Tuấn đã ưu ái, nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong việc ra các quyết định về công tác cán bộ vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước như tiếp nhận, điều động bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên hợp đồng ở đơn vị sự nghiệp về làm công chức chuyên môn; trong một thời gian rất ngắn bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng, đề nghị quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Sở. Mặc dù chỉ mới làm việc trong cơ quan nhà nước có 5 năm, nhưng bà Quỳnh Anh đã sở hữu nhiều tài sản "khủng". Vi phạm có hệ thống của ông Tuấn còn thể hiện qua việc ký quyết định trái thẩm quyền về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ, bổ nhiệm 29 Trưởng, Phó phòng chưa có trình độ trung cấp lý luận chính trị và 12 trong số 29 trường hợp chưa qua lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước; ký bổ nhiệm lần đầu đối với 55 trường hợp Trưởng, Phó phòng không có trong quy hoạch.

Hay ngay trong công tác cán bộ của Quốc hội cũng có nhiều điều đáng bàn. Trong khóa XIV, có thể nói số lượng ĐBQH bị cho thôi nhiệm vụ và bị truy trách nhiệm hình sự là không hề ít. Trong quá trình đánh giá để đưa họ vào cơ quan dân cử, hầu hết lý lịch và quá trình hoạt động đều tốt. Tuy nhiên sau khi phanh phui ra, lại có hàng loạt vấn đề, sai phạm nghiêm trọng. Điều này cho thấy, hạn chế trong đánh giá cán bộ của các ngành, các cấp khi đưa trình và bầu. Mặc dù đánh giá tốt theo tiêu chuẩn của Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND, nhưng thực chất cán bộ yếu kém, nhiều sai phạm.

Quy định về từ chức, miễn nhiệm chưa rõ ràng…

Đảng ta đã có Quy định 260 QĐ/TW về thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Tuy nhiên quá trình này còn chậm, gây bức xúc cho dư luận. Có thể thấy từ vụ việc cụ thể của bà Phan Thị Mỹ Thanh (Đồng Nai). Chuỗi sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh kéo dài từ thời gian làm Giám đốc Sở Công nghiệp từ năm 2003 đến tháng 01/2009, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; Không chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng của Dự án khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất trong khi đã thu tiền của các hộ dân; đồng ý để kế toán Sở Công nghiệp gửi số tiền còn lại của Dự án vào Công ty Gỗ Tân Mai. Khi chuyển công tác, bà Thanh đã không bàn giao dự án cho người kế nhiệm, dẫn đến khiếu kiện đông người, kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài ra, bà Thanh còn ưu ái cho gia đình. Với cương vị Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (thời gian từ tháng 6/2011 đến tháng 9/2014), bà Thanh đã ký nhiều văn bản của Uỷ ban nhân dân tỉnh nhưng không xem xét nội dung tham mưu của Sở, ngành chuyên môn, vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế làm việc của Uỷ ban nhân dân tỉnh về trình tự, thủ tục đầu tư dự án. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc ký Quyết định số 2230/QĐ-UBND, ngày 21/7/2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án lấn Sông Đồng Nai không báo cáo, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Ký một số quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh thể hiện sự ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của gia đình thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực do bà phụ trách, trong đó có dự án không thuộc lĩnh vực được phân công trực tiếp phụ trách, báo cáo sai sự thật về khối lượng, tiến độ đã thực hiện của dự án, nhằm mục đích trục lợi cho doanh nghiệp của gia đình mình. Như vậy về mặt Đảng, bà Thanh vi phạm điều lệ Đảng; Vi phạm quy định về những điều Đảng viên không được làm và Luật Phòng, chống tham nhũng.

Bị kết luận hàng loạt vi phạm vào cuối năm 2017 nhưng đến thời gian gần đây, bà Thanh vẫn giữ các chức danh nhà nước, đi tiếp xúc cử tri, chậm bị bãi miễn gây bức xúc trong dư luận. Dù bị cử tri yêu cầu từ chức, nhưng bà Thanh vẫn trơ ra và nói: Còn một ngày làm đại biểu Quốc hội, tôi vẫn đi tiếp xúc cử tri. Nếu sau này tôi không còn là đại biểu, là cán bộ hay người dân thì thâm tâm tôi vẫn lắng nghe người dân.

Gần đây, Ban Bí thư khẳng định lại những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng mới cắt hết chức vụ trong Đảng của bà này. Và sau đó, bà này mới có đơn thôi làm đại biểu Quốc hội.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay còn thiếu quy trình cho cử tri bãi miễn ĐBQH. Hiện việc xem xét cho thôi ĐBQH là thủ tục do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm chủ. Thực tế còn thiếu thủ tục bãi miễn ĐBQH do yêu cầu, đề nghị của cử tri. Bởi cử tri bầu ra đại biểu Quốc hội thì cử tri có thể áp đặt các chế tài cho Quốc hội. Chế tài đó là không bầu cho nữa, hay đề nghị cho thôi, miễn nhiệm một ĐBQH đã bầu. Để cử tri có thể thực hiện các quyền của mình cần có quy định cụ thể về việc lấy ý kiến cử tri, thủ tục vận động chữ kí, quy trình bãi miễn đại biểu khi có đề nghị của cử tri. Đặc biệt, cần có những tổ chức xã hội của cử tri để giám sát đại biểu Quốc hội trong tình hình hiện nay.

Tất cả những thực tế về công tác cán bộ trên đây cho thấy, sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy chế kiểm tra, giám sát công tác cán bộ phù hợp thực tiễn gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI và XII. Về mặt hệ thống pháp luật, cũng cần không ngừng hoàn thiện để có thể đánh giá, xem xét cán bộ dựa trên thực chứng công việc để có được cán bộ tốt, cán bộ tài vào bộ máy để phục vụ nhân dân.

Phan Phan

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tham-nhung-quyen-luc-can-phai-xu-ly-bang-luat-hinh-su-a194221.html