(Pháp lý) - Ở hầu hết các dự án BT, BOT đã được thanh, kiểm tra chỉ ra sai phạm là không tổ chức đấu thầu rộng rãi; nhà đầu tư không đủ năng lực; không thực hiện đủ quy trình xây dựng, có tình trạng nâng khống giá trị công trình…
Sai phạm về năng lực, về tài chính
Vừa qua, Út “trọc” (tức Đinh Ngọc Hệ) Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) bị khởi tố, bắt tạm giam. Lúc chưa bị khởi tố, Út “trọc” được xem là “ông trùm” của các dự án BOT, BT khi liên tục được chỉ định thầu hoặc trúng thầu những dự án khủng. Một trong các dự án mà liên danh của Út “trọc” là chủ đầu tư có nhiều sai phạm là Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo quốc lộ 20 đoạn Km 123+105 đến Km 268. Dự án có chiều dài hơn 124 km, đi qua địa phận TP Bảo Lộc, các huyện Di Linh, Đơn Dương, Đức Trọng và Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 4.100 tỷ đồng, trong đó đầu tư theo hình thức BT hơn 1.300 tỷ đồng và đầu tư bằng hình thức BOT hơn 2.600 tỷ đồng.
Tại dự án BOT kết hợp BT này, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị về cơ chế đầu tư xây dựng cảng Kê Gà (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) và tuyến đường bộ phục vụ phát triển ngành công nghiệp nhôm được Thủ tướng đồng ý áp dụng hình thức chỉ định thầu. Liên danh được chỉ định thầu là Tổng Công ty 319; Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) và Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh. Theo hợp đồng, phương án thu hồi vốn cho dự án BOT được tính toán trên cơ sở tổng hợp vốn đầu tư dự án, lưu lượng đếm xe thực tế, tốc độ tăng trưởng lưu lượng xe hàng năm; chi phí vận hành, duy tu, lãi vay… Thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án là 21 năm 4 tháng 5 ngày. Thế nhưng qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phát hiện liên danh này bỏ ra hơn 250 tỷ đồng mua lại quyền thu phí của Trạm thu phí Bảo Lộc - Lâm Đồng và đưa số tiền mua bán trên vào tổng mức đầu tư con đường. Theo TTCP, số tiền bỏ ra mua quyền thu phí không thuộc danh mục theo qui định trong cơ cấu tổng mức đầu tư. Vì vậy Bộ GTVT phải xác định, điều chỉnh lại cho phù hợp trong phương án tài chính của dự án.
Chỉ mới kiểm tra ba gói thầu 1, 2, 3 của dự án này, TTCP đã phát hiện nhiều sai phạm tiền tỷ. Cụ thể, gói thầu số 18 duy tu, bảo dưỡng mặt đường với giá trị 3,9 tỷ đồng nhưng khi kiểm tra tổng mức đầu tư được duyệt lại không có hạng mục chi phí này. Ngoài ra đối chiếu khối lượng trong tổng mức đầu tư có đề cập nhưng thiết kế bản vẽ thi công lại không có giá trị lên đến 16,5 tỷ đồng. Nghiêm trọng nhất là hạng mục chi phí giải phóng mặt bằng. Giá trị được phê duyệt giải phóng mặt bằng trong dự án này là 459 tỷ đồng. Tuy nhiên trên thực tế, số tiền chi ra để giải phóng mặt bằng chỉ có 32 tỷ đồng, tức chênh lệch số tiền lên đến hơn 420 tỷ đồng.
Sai phạm trong chỉ định thầu
Trước đó, ngày 6/9/2017, Thanh tra Chính phủ có Thông báo số 2222/TB-TTCP công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực giao thông, môi trường, tại Bộ GTVT.
Kết luận chỉ rõ, 100% dự án BOT, BT của Bộ này được chỉ định thầu. Cụ thể, trong quá trình triển khai, Bộ Giao thông Vận tải chưa thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT vào tháng 1 hàng năm theo quy định của Chính phủ.
Từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến thời điểm thanh tra, với hơn 70 dự án đã thực hiện không lựa chọn nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu. Trong đó có nhà đầu tư được chọn chưa đảm bảo năng lực dẫn đến nhiều bất cập, sai sót làm hạn chế hiệu quả thực hiện dự án.
Đối với phê duyệt nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư theo Thanh tra Chính phủ là chưa đúng quy định, còn một số khoản sai lệch. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải còn coi nặng tiêu chí hoàn vốn dự án, thiếu nghiên cứu hợp lý khả năng nộp phí của đối tượng tham gia giao thông cũng như sự ảnh hưởng đến chi phí hoạt động vận tải, chi phí xã hội trước khi quyết định đầu tư dự án; đặt một số trạm thu phí khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí tăng cao, tăng nhanh, gây khó khăn với người tham gia giao thông, không có sự lựa chọn nào khác.
Mặt khác, việc xác định doanh thu theo phương án tài chính một số dự án còn thiếu chuẩn xác, doanh thu thực tế của một số dự án chênh lệch cao so với phương án tài chính, sẽ là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí kéo dài.
“Ồ ạt” làm dự án BT, “tranh thủ” pháp luật chưa hoàn thiện
Câu chuyện sai phạm dự án BT đã được khởi phát từ nhiều năm trước, khi mà pháp luật về BT vẫn còn khá sơ khai, nhiều địa phương ồ ạt thực hiện. Và ở Hà Nội cũng vậy. Theo tìm hiểu của Phóng viên, sai phạm tại các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT của Hà Nội đã được phát hiện từ giai đoạn 2012-2013. Từ năm 2007 đến năm 2015, thời ông Nguyễn Thế Thảo giữ chức Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã thực hiện và quyết định nhiều dự án BT. Thời điểm đó, tính sơ sơ số lượng dự án BT Hà Nội đã lên đến con số trên 60. Đây là con số chưa hoàn chỉnh bởi Hà Nội còn chưa kịp thống kê thành Danh mục dự án kêu gọi đầu tư và công bố công khai theo quy định mà chỉ tập hợp số liệu trên cơ sở các dự án đầu tư do nhà đầu tư tự đề xuất và được UBND TP. Hà Nội chấp thuận, phê duyệt.
Những ầm ĩ về dự án BT Hà Nội không phải đến năm 2017 mới bị phát hiện, mà ngay từ đầu năm 2012, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố một Kết luận thanh tra trong đó xác định hàng loạt vấn đề sai phạm nghiêm trọng về tài chính tại nhiều dự án BT của Hà Nội. Trong số này những dự án dính tai tiếng điển hình như: dự án xây dựng đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ (nhà đầu tư là Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 - CIENCO5); Dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ qua sông Nhuệ đến KĐT mới Xuân Phương (nhà đầu tư là Công ty cổ phần TASCO); Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (nhà đầu tư là Tập đoàn GAMUDA BERHSD - Malaysia); Dự án nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn (nhà đầu tư là AIC); Dự án Cung Trí thức Thành phố. Sự việc nghiêm trọng tới mức ngày 28/3/2012, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng rà soát tình hình thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng BT để báo cáo Chính phủ.
Một cuộc rà soát các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT lớn trên địa bàn TP. Hà Nội đã được thực hiện trong năm 2013. Quy mô rà soát lên đến trên 60 dự án BT. Việc này do chính TP. Hà Nội tự lập Tổ công tác và lên kế hoạch thực hiện. Trong đó, việc rà soát hướng đến làm rõ tính khả thi, điều kiện thực hiện; đề xuất danh mục các dự án BT cho phép tiếp tục triển khai, danh mục các dự án tạm thời chưa triển khai, danh mục các dự án không tiếp tục triển khai.
Ngày 29/11/2013, đã diễn ra cuộc họp do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế thảo chủ trì với sự tham gia của nhiều lãnh đạo sở, ngành quan trọng Hà Nội. Trên cơ sở báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về kết quả rà soát các dự án BT và ý kiến các sở, ngành thời điểm đó, ông Nguyễn Thế Thảo đã kết luận không tiếp tục thực hiện 41 dự án theo hình thức hợp đồng BT. Trong số 41 dự án này có nhiều dự án BT lớn liên quan đến các lĩnh vực giao thông, môi trường như: Dự án xây dựng các tuyến đường kết nối các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông; Xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc gắn với việc nạo vét, cải tạo nâng cấp trục chính sông Nhuệ (từ cống Liên Mạc đến đập điều tiết Hà Đông); Xây dựng tuyến đường 2,5 đoạn trên địa bàn quận Thanh Xuân (từ Lê Văn Lương - Nguyễn Trãi - Đầm Hồng); Xây cầu Tứ Liên và đường dẫn đến đường Vành đai 3; Xây dựng trục đường nối từ chân cầu Vĩnh Tuy qua sông Đuống đến Ninh Hiệp; Cải tạo, nâng cấp đường 70 (đoạn đường Láng - Hòa Lạc đến Nhổn); Xây tuyến đường 3,5: Cầu Thượng Cát;...
Riêng dự án tuyến đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương mặc dù đã ký hợp đồng và đang triển khai, nhưng ông Nguyễn Thế Thảo vẫn yêu cầu dừng thực hiện, giao cơ quan quản lý và nhà đầu tư rà soát, thanh lý hợp đồng, đề xuất các biện pháp xử lý tồn tại.
Kết luận tại cuộc họp này, khi đó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo tất cả quỹ đất dự kiến đối ứng cho các dự án BT trên giao lại cho các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan rà soát, thực hiện các thủ tục, chuẩn bị các điều kiện để đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án theo đúng quy định pháp luật, tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng. Có lẽ, câu chuyện đấu giá đất, đấu thầu dự án để đảm bảo lợi ích tài nguyên đất đai đã được đặt ra sau cuộc thanh tra và rà soát này. Một quyết định có phần cứng rắn của Hà Nội khiến hàng loạt các dự án BT lâm vào cảnh bế tắc.
Thông tin trên báo Đấu thầu cho biết, từ tháng 11/2015 đến thời điểm đầu năm nay, có gần 100 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và dự án có sử dụng đất đã công bố danh sách đúng quy định và tất cả danh sách đều chỉ có 1 nhà đầu tư (độc lập hoặc liên danh).
Một ví dụ điển hình, ngày 27/6/2016, Sở Giao thông vận tải Bình Phước có Quyết định phê duyệt danh sách Dự án Đầu tư xây dựng đường Đồng Phú - Bình Dương, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước theo hình thức BOT. Cái tên duy nhất trong danh sách ngắn là Công ty CP BOT đường Đồng Phú - Bình Dương. Sẽ không có gì đáng nói nếu đằng sau danh sách ngắn này không có câu chuyện dự án gần 1.500 tỷ đồng này đã được khởi công từ trước đó khoảng 2 tháng. Ngày 25/4/2016, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước đã tổ chức khởi công Dự án đúng ngày thông báo mời sơ tuyển được công bố, đồng nghĩa dự án này khởi công và có nhà đầu tư ngay từ khi chưa có kết quả sơ tuyển. Và có sự trùng hợp là Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước cũng là cổ đông chính của Công ty BOT đường Đồng Phú - Bình Dương, nhà đầu tư duy nhất tham gia và trúng sơ tuyển Dự án sau đó.
Ở một dự án khác, đằng sau danh sách với duy nhất một nhà đầu tư là những kế hoạch rất cụ thể đã được chính nhà đầu tư này công bố trước khi sơ tuyển gần 1 năm. Dù ngày 17/4/2017, Công ty CP Bid Group mới chính thức được phê duyệt là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển Dự án Xây dựng, chỉnh trang Khu tập thể 4-5 tầng, phường Lê Hồng Phong, TP. Thái Bình theo hình thức BT, nhưng từ trước khi đề xuất dự án BT này được phê duyệt vào tháng 9/2016, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, từ tháng 5/2016, lãnh đạo Bid Group đã cho biết dự kiến thực hiện dự án BIDHomes Eden Gardens tại khu đất đối ứng cho dự án BT với những kế hoạch rất chi tiết như thể họ đã là nhà đầu tư Dự án.
Những câu chuyện trên đây cho thấy nhiều vấn đề: đầu tư BOT, BT một thời dễ kiếm lời, pháp luật điều chỉnh sơ khai, sai phạm nhiều nhưng hiếm bị xử lý hình sự.
Hải Dương
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-sai-pham-dien-hinh-o-cac-du-an-bt-bot-a194069.html