(Pháp lý) - Là những biện pháp quan trọng nhằm đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm, đảm bảo cho công tác phá án và thi hành án, theo đó biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự đã có những qui định chặt chẽ hơn và có những qui định sửa đổi bổ sung phù hợp với tình hình mới. Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã dành một Chương (Chương VII) qui định cụ thể chi tiết về biện pháp ngăn chặn và các biện pháp cưỡng chế.
Qui định cụ thể hơn về các biện pháp bắt
Nhằm bảo đảm tính cụ thể trong cách thức quy định về biện pháp bắt người; đồng thời, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế trong TTHS, BLTTHS năm 2015, Điều 109 đã quy định về các trường hợp bắt, bao gồm: (1) Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; (2) Bắt người phạm tội quả tang; (3) Bắt người đang bị truy nã; (4) Bắt bị can, bị cáo để tạm giam; (5) Bắt người bị yêu cầu dẫn độ.
+ Biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp (Điều 110): BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể về trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, cụ thể là, trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tiến hành các hoạt động: (1) lấy lời khai ngay người bị giữ; (2) ra quyết định tạm giữ; (3) ra lệnh bắt người bị giữ và gửi ngay cho Viện kiểm sát kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn hoặc trả tự do cho người bị giữ.
+ Bổ sung và quy định chặt chẽ những người có thẩm quyền bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ (Điều 110 và Điều 117): BLTTHS năm 2015 bổ sung thẩm quyền bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ cho một số chủ thể thuộc Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư gắn với tiêu chí “thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn biên giới, hải đảo, xa cơ quan điều tra chuyên trách”, cụ thể gồm: Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục nghiệp vụ và pháp luật Cảnh sát biển; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng.
+ Quy định cụ thể những việc cần làm ngay sau khi bắt người hoặc nhận người bị bắt (Điều 104: Nhằm khắc phục những hạn chế của BLTTHS hiện hành, BLTTHS năm 2015 quy định rõ trách nhiệm của cơ quan bắt hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp truy nã; trách nhiệm của cơ quan đã ra quyết định truy nã.
Quy định chặt chẽ căn cứ tạm giam và rút ngắn thời hạn tạm giam
Theo đó, căn cứ tạm giam và việc rút ngắn thời hạn tạm giam được qui định tại Điều 119 và Điều 173. Cụ thể, đối với bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm thì cụ thể hóa căn cứ cản trở điều tra, truy tố, xét xử bằng các căn cứ cụ thể, theo đó, việc tạm giam chỉ có thể được áp dụng khi thuộc các trường hợp sau đây: (1) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; (2) Không có nơi cứ trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; (3) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; (4) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; (5) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; (6) Tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; (7) Đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Quy định chỉ có thể tạm giam bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định mức phạt tù đến 2 năm nhưng bỏ trốn nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã.
Trong giai đoạn điều tra: rút ngắn thời hạn tạm giam 1 tháng đối với tội ít nghiêm trọng; 2 tháng đối với tội rất nghiêm trọng. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, BLTTHS 2015 cho phép gia hạn tạm giam đến khi kết thúc điều tra nhưng để bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng, thẩm quyền gia hạn tạm giam trong trường hợp này chỉ thuộc Viện trưởng VKSNDTC.
Trong giai đoạn truy tố: thời hạn tạm giam tối đa đối với bị can về tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng là 30 ngày; tội rất nghiêm trọng là 45 ngày; tội đặc biệt nghiêm trọng là 60 ngày (Lưu ý: không còn được tính thêm 3 ngày giao cáo trạng và các quyết định tố tụng như Điều 166 BLTTHS năm 2003).
Sửa đổi các quy định về biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền, cấm đi khỏi nơi cư trú
Các nội dung sửa đổi trên được qui định lần lượt tại các điều 121, 122 và 123. Cụ thể, quy định chế tài phạt tiền áp dụng đối với người bảo lĩnh nếu để cho bị can, bị cáo bỏ trốn; chỉ quy định đặt tiền, không quy định đặt tài sản; quy định cụ thể nghĩa vụ của người nhận bảo lĩnh và nghĩa vụ của bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền, cấm đi khỏi nơi cư trú phải cam đoan; bổ sung thời hạn áp dụng đối với biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền; theo đó, thời hạn áp dụng các biện pháp này không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử; đối với người bị kết án phạt tù thì không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
Bổ sung biện pháp tạm hoãn xuất cảnh
Để đáp ứng các yêu cầu phát hiện và xử lý tội phạm, phù hợp với Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, BLTTHS năm 2015 , điều 124 bổ sung biện pháp tạm hoãn xuất cảnh áp dụng đối với: a) Người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ; b) Bị can, bị cáo.
Ngoài ra, BLTTHS năm 2015 còn bổ sung các biện pháp cưỡng chế khác được qui định tại các điều 126, 127, 128, 129 và 130. Trong đó bổ sung thêm biện pháp phong tỏa tài khoản.
Hà Trang
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bien-phap-ngan-chan-bien-phap-cuong-che-trong-to-tung-hinh-su-nhung-qui-dinh-moi-dang-luu-y-a194063.html