Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị, từ nay đến dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều việc phải làm, trong đó cần tập trung làm tốt, có hiệu quả hai nội dung.
Sáng nay 16/5, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu trong cả nước. Tham dự Hội nghị ở điểm cầu Hà Nội có các Ủy viên Bộ Chính trị: ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ; ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; ông Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Cùng dự có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.
Học tập Bác đã trở thành thói quen, ý thức tự giác
Báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị trong 2 năm qua, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định: việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện và đồng bộ.
Từ đó, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong đó, thể hiện rõ nét nhất là gắn việc thực hiện Chỉ thị 05 với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã và đang đạt được những kết quả rất quan trọng.
Đồng thời, góp phần vào việc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bước đầu đã ngăn chặn được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; giải quyết kịp thời, có hiệu quả nhiều bức xúc nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị…
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị đã chú trọng lựa chọn nội dung đột phá để tạo chuyển biến rõ nét; xây dựng quy chế, quy định về việc định kỳ thực hiện trao đổi, đối thoại của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường trao đổi, đối thoại, nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Các cấp ủy, địa phương cũng tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm của từng tập thể, cơ quan, đơn vị, địa phương; xử lý nghiêm các cán bộ sai phạm…, qua đó góp phần tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, mang lại sự đoàn kết trong nội bộ, đồng thuận trong nhân dân, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương, đơn vị.
Ông Võ Văn Thưởng đánh giá: “Việc học tập và làm theo Bác đã dần dần trở thành thường xuyên, thành thói quen, ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên và nhiều người dân trong cả nước, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng cấp, từng địa phương, đơn vị. Kết quả thực hiện Chỉ thị 05 cùng với kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII góp phần làm cho vai trò, vị trí, uy tín của Đảng góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị trên phạm vi cả nước và các địa phương đơn vị”.
Vẫn còn tình trạng hình thức, chiếu lệ
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW chưa tạo ra sự chuyển biến toàn diện, đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Vẫn còn tình trạng làm qua loa, đối phó, chưa thực sự cầu thị, bệnh “hình thức” ở nhiều nơi.
Một số nơi chưa tập trung giải quyết những khâu đột phá và những vấn đề bức xúc nổi cộm tại địa phương, đơn vị. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu, thậm chí có cả cán bộ, đảng viên nắm giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước còn thiếu tự giác, chưa thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không gương mẫu trong công tác và trong sinh hoạt, vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Một số nơi, tinh thần tự phê bình và phê bình vẫn còn yếu, chưa chủ động phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên.
Về các mặt tồn tại, qua nghe báo cáo và trao đổi tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng lưu ý, cần thấy rõ những mặt hạn chế, yếu kém còn tồn tại, đó là ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn tình trạng lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị 05 cho sát hợp với điều kiện, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị mình; vẫn còn tình trạng thiếu tự giác, tổ chức thực hiện Chỉ thị hình thức, chiếu lệ, thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.
Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa tự giác, chưa thường xuyên rèn luyện, học tập, chưa thực sự là tấm gương cho nhân dân noi theo. Một số nội dung, yêu cầu nêu trong Chỉ thị 05 như tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ, đăng ký nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lựa chọn khâu đột phá và tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm… chưa thực sự về nền nếp. Nhiều nơi tinh thần tự phê bình, phê bình vẫn còn yếu, chưa chủ động phát hiện, đấu tranh với những những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chưa chủ động đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ...
Đặt mình vào vị trí là “công bộc”, là “đầy tớ” của nhân dân
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, thời gian tới cần quyết tâm phát huy những kết quả đã đạt được, kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05, tạo chuyển biến, có kết quả thực sự rõ nét trong đời sống xã hội để hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2020).
Bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Báo cáo sơ kết, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tập trung thực hiện tốt một số nội dung cụ thể. Trong thực hiện tiếp tục quán triệt sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực, lâu dài của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đồng thời, phải kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, hoạt động của các thế lực thù địch chống phá chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bôi xấu, hạ thấp uy tín lãnh tụ.
Các cấp ủy và lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị phải tiếp tục xác định rõ hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị, đưa vào chương trình công tác của các tập thể cấp ủy và cá nhân từng đồng chí lãnh đạo, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt. Việc thực hiện Chỉ thị 05 phải gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; về đổi mới tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Tập trung khắc phục, quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề bức xúc, những hạn chế, khuyết điểm.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị, từ nay đến dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều việc phải làm, trong đó cần tập trung làm tốt, có hiệu quả hai nội dung.
Thứ nhất: Phát động phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng của Bác trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Đồng chí nêu rõ, đây không chỉ là yêu cầu bức thiết của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh kinh tế hiện nay, mà còn là mong mỏi thực sự từ mỗi gia đình.
Thứ hai: Tạo nên phong trào trong toàn xã hội về tình thương yêu đồng bào, đồng chí theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ đảng viên, mỗi người dân Việt Nam, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, môi trường làm việc nào thì mọi hành vi ứng xử phải có nghĩa, có tình, giải quyết công việc phải xuất phát từ nền tảng tình yêu thương con người, làm điều thiện, tránh điều ác.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đấu tranh ngăn chặn sự xuống cấp một số mặt đạo đức xã hội.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nêu rõ tầm vóc của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào diện tích và dân số, mà chính là tầm vóc văn hóa của đất nước đó. Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mình trong khu vực và trên thế giới. Đó là cơ sở, điều kiện để có niềm tin và thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ, đưa đất nước ta “sánh vai các cường quốc năm châu” bằng trí tuệ, văn hóa, nhân cách, phẩm giá tốt đẹp của con người Việt Nam. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh luôn là bài học, là sức mạnh tinh thần to lớn của dân tộc ta trên con đường phát triển.
Trong thực hiện Chỉ thị 05, cần phát huy vai trò của người đứng đầu, làm tốt trách nhiệm nêu gương. Đồng chí Bí thư cấp ủy và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị phải quyết liệt vào cuộc, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện Chỉ thị 05. Các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương khẩn trương hoàn thiện chuẩn mực đạo đức của ngành, đoàn thể mình và tập trung thực hiện có hiệu quả. Nghiêm túc thực hiện Quy định số 55 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Việc nêu gương phải cụ thể, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc sử dụng xe công, tổ chức việc cưới, việc tang, tham dự lễ hội… đến việc nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công việc, “tận trung với nước, tận hiếu với dân” của cán bộ, đảng viên.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh để học tập và làm theo Bác trở thành ý thức tự giác, thói quen, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trong từng suy nghĩ, hành động đều phải đặt mình vào vị trí là “công bộc,” “đầy tớ” của nhân dân như Bác đã dạy; thường xuyên ý thức bảo đảm quyền lợi của nhân dân, lợi ích của đất nước, việc có lợi cho dân, cho nước thì khó mấy cũng phải làm, ngược lại, việc có hại cho dân, cho nước phải cương quyết tránh.
Các cấp ủy cần tăng cường hơn nữa trong chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí, xuất bản, tuyên truyền, tích cực đổi mới nội dung, hình thức thông tin, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kịp thời giới thiệu những gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến có nhiều thành tích trong học tập và làm theo Bác, tạo sự lan tỏa trong xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị; chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, làm lướt hoặc thiếu quan tâm, triển khai một cách hình thức Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị...
Ban Bí thư ghi nhận các kiến nghị tại Hội nghị, đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu, tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban Bí thư chỉ đạo các bộ, ngành thưc hiện, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, cơ quan, đơn vị; bổ sung, hoàn thiện Báo cáo trình Ban Bí thư kết quả hai năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Theo Congly
Link nội dung: https://phaply.net.vn/ong-tran-quoc-vuong-tap-trung-lam-tot-2-noi-dung-huong-den-ky-niem-sinh-nhat-bac-a194005.html