Sáng nay (14/5), tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 24.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết được tiến hành trong ba ngày (từ ngày 14-16/5), Phiên họp thứ 24 là phiên cuối để xem xét một số nội dung còn lại trước khi trình QH tại Kỳ họp thứ Năm. Trong lượng thời gian ngắn với khá nhiều nội dung quan trọng, lại ngay sát ngày khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch QH cho rằng, UBTVQH thực sự phải làm việc rất khẩn trương. Để bảo đảm việc xem xét, quyết định những nội dung trình UBTVQH cho ý kiến có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có liên quan tiếp thu, hoàn thiện văn bản kịp trình QH, Chủ tịch QH đề nghị UBTVQH và các đại biểu dành thời gian dự họp đầy đủ, nghiên cứu kỹ tài liệu, đóng góp ý kiến sâu sắc.
Kinh tế tăng trưởng đồng đều, khởi sắc trên các ngành, lĩnh vực
Sau khi nghe báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra, các đại biểu cơ bản nhất trí cho rằng, nhìn lại năm 2017, kết quả nổi bật nhất là kinh tế có mức tăng trưởng đột phá và ấn tượng, đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay trên nền lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (dưới 4%) và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Nền kinh tế tăng trưởng đồng đều và khởi sắc trên các ngành, lĩnh vực, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh, cao nhất trong bảy năm gần đây; các ngành dịch vụ đạt khá; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục mới... Điều này thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô, chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt.
Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành nông, lâm và thủy sản tiếp tục giảm, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ tiếp tục tăng, trong đó dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tín dụng tăng trưởng khá, chất lượng tín dụng được cải thiện, thanh khoản và an toàn hệ thống được đảm bảo. Thu ngân sách nhà nước vượt mục tiêu đề ra. Bội chi ngân sách khoảng 3,48% GDP, thấp hơn số QH đã thông qua là 3,5% GDP.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình cho rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề xuất khẩu có những chuyển biến tích cực, năng lực cạnh tranh tăng, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2017 đã tăng lên...
Nhấn mạnh sự bền vững của nền kinh tế, ông Phan Thanh Bình đặt vấn đề, hiện nay đang chuyển sang phát triển kinh tế chiều sâu, vậy vấn đề chuẩn bị được đặt ra như thế nào? "Chúng ta phát triển hiện dựa vào vốn và lao động, tuy nhiên đây không phải là nền móng để phát triển cho giai đoạn tới, đặc biệt trong giai đoạn cách mạng 4.0 khi vốn của chúng ta không lớn và sức lao động của chúng ta không phải là thế mạnh để cạnh tranh."
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu tán thành các báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của QH; cho rằng hơn một năm qua với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là những hành động đi sâu vào xử lý những "điểm nghẽn," những "nút thắt," các điểm yếu, nên kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng rõ nét, đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 ở mức rất cao.
Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua từng năm. Tuy nhiên, nếu tính theo sức mua tương đương, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực với mức chênh lệch ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp và còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN là tăng trưởng tiếp tục dựa vào chiều rộng, chủ yếu nhờ đóng góp của yếu tố tăng vốn đầu tư và tăng năng suất lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp, năm 2017 đạt mức 45,19%...
Nhất trí với các kết quả đạt được như Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của QH nêu rõ kinh tế quý 1/2018 với sự bứt phá về GDP tăng 7,38% đem lại kỳ vọng lớn, nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong ba quý còn lại của năm, nếu tăng trưởng vẫn định hình như các năm trước, quý sau cao hơn quý trước.
Ngoài hai lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng của các lĩnh vực khác cũng như khả năng đóng góp của từng vùng kinh tế trọng điểm và một số địa phương là các cực tăng trưởng của đất nước.
Áp lực lạm phát năm 2018 còn tiềm ẩn. Trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể, còn khó khăn, vướng mắc như chưa có sự gắn kết thường xuyên giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp với nhu cầu thị trường, vẫn phải “giải cứu” nông sản; công tác dự báo, thống kê chưa đáp ứng yêu cầu chủ động, từ xa, mang tầm chiến lược; giá trị gia tăng của sản phẩm một số ngành công nghiệp tăng chậm, chưa tham gia nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế...
Quản lý, sử dụng tài sản công, đất công chưa chặt chẽ
Một trong những điểm được nhấn mạnh trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đó là việc quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự.
Cơ quan này đề nghị báo cáo đậm nét hơn về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng, lãng phí; bài học rút ra và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, trong quản lý tài nguyên, nguồn lực của đất nước.
“Đề nghị tính toán tỷ lệ thất thoát, lãng phí tài sản công so với GDP để cảnh báo đầy đủ về thực trạng này”, đại diện cơ quan thẩm tra nêu quan điểm.
Liên quan vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị xem lại quản lý tài sản công và đất công, nhất là ở những thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM... “Qua tổng thể tất cả vụ việc chuyển nhượng trái phép, bán chỉ định... thì Chính phủ rút ra vấn đề gì trong quản lý tài sản công, đất công?”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đặt câu hỏi và đề nghị kiểm tra xử lý rốt ráo tình trạng đầu cơ, trục lợi tăng giá đất ở một số nơi như 3 địa phương dự kiến xây dựng đặc khu kinh tế.
Về tình hình tội phạm, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, tội phạm công nghệ cao có ngay trong cơ quan có chức năng chống tội phạm công nghệ cao là việc rất nghiêm trọng. Các vụ án đang được làm rõ nhưng phải đánh giá lý do vì sao, cách quản lý như thế nào. Ngoài ra, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra trầm trọng ở một số địa phương trong khi Thủ tướng đã ban hành lệnh đóng cửa rừng, do đó cần làm rõ trách nhiệm.
Liên quan cháy nổ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp dẫn số liệu cho thấy 4 tháng vừa qua xảy ra hơn 1400 vụ làm hàng trăm người chết và bị thương. “Lo nhất là cư dân ở các khu chung cư, 5 đến 6 tầng còn chạy được chứ 20 đến 30 tầng thì không biết người dân chạy bằng cách nào. Giờ phó mặc cho số phận hay sao?”, bà Nga đặt vấn đề và cho rằng Chính phủ cần có giải pháp để xử lý đảm bảo an toàn cho người dân.
Quyết liệt hơn để đưa Luật Ngân sách nhà nước vào cuộc sống
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2017, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2018.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2017, triển khai dự toán NSNN năm 2018. Theo đó, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản thống nhất với Báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ và cho rằng, cùng với sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, ngành và chính quyền địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình KT - XH những tháng cuối năm đã có chuyển biến tích cực hơn. Do đó, số thu NSNN quý IV.2017 đã tăng cao so với cùng kỳ những năm gần đây, kết quả thu NSNN năm 2017 khả quan hơn so với số đã báo cáo QH, đáp ứng các nhiệm vụ phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Được biết, tổng thu NSNN năm 2017 tăng 6,3% so với dự toán, tăng 3,5% (49,16 nghìn tỷ đồng) so với con số báo cáo QH. Chi NSNN cơ bản đã chấp hành kỷ luật tài chính.
Tuy nhiên, 2017 là năm đầu thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách theo Luật NSNN năm 2015 và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, nên các bộ, ngành và địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Qua giám sát thực tế cho thấy, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn còn chậm. Một số quy định của Luật NSNN về cơ chế bố trí, phân bổ chi NSNN trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và ngân sách có trách nhiệm về giới chưa được hướng dẫn cụ thể, khó thực hiện. Việc quy định về chuyển nguồn cũng còn vướng mắc. Việc tuyên truyền, phổ biến Luật NSNN chưa triển khai rộng đến các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện tốt chức năng giám sát… Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ quan tâm có biện pháp quyết liệt hơn để đưa Luật NSNN vào cuộc sống.
Cơ bản thống nhất với nhận định của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nhiều thành viên UBTVQH nêu rõ, Báo cáo thẩm tra đã chỉ rõ ưu, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ NSNN. Đồng thời căn cứ trên kết quả kiểm toán, một số Ủy viên UBTVQH lưu ý, số liệu kiểm toán kiến nghị xử lý tăng thu, xuất toán thu hồi và giảm cấp phát do chi sai chế độ còn khá lớn. Một số khoản chuyển nguồn chưa đúng quy định, kéo dài nhiều năm (khoản chuyển nguồn kế hoạch vốn từ năm 2015 trở về trước chưa giải ngân, các khoản chuyển nguồn qua nhiều năm chưa thực hiện chi, chuyển nguồn kinh phí hết nhiệm vụ chi...). Điều này cho thấy kỷ luật NSNN chưa được thực hiện nghiêm và những yếu kém vẫn không được khắc phục trong quản lý tài chính của bộ máy nhà nước. Do đó, đề nghị Chính phủ có chế tài mạnh hơn để khắc phục triệt để các tồn tại này.
Theo Congly
Link nội dung: https://phaply.net.vn/khai-mac-phien-hop-thu-24-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-a193921.html