Chuyển nhượng giá rẻ, sử dụng lãng phí , thất thoát nhà – đất công: “Soi” vai trò giám sát của HĐND và những “lỗ hổng” của Luật Đất đai

(Pháp lý) Thời gian qua, cơ quan chức năng và báo chí liên tiếp phát hiện phanh phui nhiều vụ việc chuyển nhượng nhà đất công sản giá rẻ, không qua đấu giá… khiến hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước bị bốc hơi, khiến dư luận sôi sục, bức xúc đòi hỏi làm sáng tỏ và xử lý nghiêm.

Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Trong phạm vi bài viết này, Phóng viên Pháp lý chỉ phân tích, mổ xẻ hai khía cạnh: vai trò giám sát mờ nhạt của Hội đồng nhân dân (HĐND) và những “lỗ hổng” của Luật Đất đai. Từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị.

Vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân …còn nhiều hạn chế, bất cập?

Có thể nói vụ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn Nhà nước) chuyển nhượng hơn 30ha đất công đã được đền bù thuộc khu dân cư Phước Kiển tại huyện Nhà Bè cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đang là tâm điểm dư luận. Với giá chuyển nhượng chỉ 1,29 triệu đồng/m², vụ mua bán đang dấy lên nghi vấn có hay không chuyện “đi đêm” giữa các doanh nghiệp (Nhà nước và tư nhân). Ngay lập tức Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM đã vào cuộc, yêu cầu Công ty Tân Thuận huỷ hợp đồng đã ký và hoàn trả lại tiền cho bên mua. Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc liên quan đến quản lý sử dụng đất công tại TP.HCM nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung xảy ra trong thời gian qua gây bức xúc dư luận…

Để xảy ra tình trạng này, dư luận đặt dấu hỏi vai trò giám sát của HĐND ở địa phương đang ở đâu ?

Công ty Tân Thuận (TP.HCM) chuyển nhượng với giá rẻ 32,4 ha đất công sản tại Khu dân cư Phước Kiển -Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai
Công ty Tân Thuận (TP.HCM) chuyển nhượng với giá rẻ 32,4 ha đất công sản tại Khu dân cư Phước Kiển -Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai)

Xem lại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2015 cho thấy, pháp luật đã trao quyền rất lớn cho HĐND các cấp trong việc giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương. Đó là quyền được giám sát hoạt động của UBND, các cơ quan thuộc UBND và giám sát quyết định của UBND cùng cấp. Không những trao quyền một chiều, Luật cũng quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát của chủ thể giám sát; cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ của mình (trừ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước); báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giám sát… Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát thì chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người có liên quan…

Trước đó, Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003 đã dành hẳn Chương 3, với 25 Điều để quy định về hoạt động giám sát của HĐND, của thường trực HĐND và các ban của HĐND đối với hoạt động của UBND và các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND các cấp.

Vậy thì lý do gì hàng loạt tài sản của Nhà nước, nhất là bất động sản bị chuyển nhượng với giá rẻ, cho thuê trái pháp luật và sử dụng lãng phí mà cơ quan quyền lực cao nhất của địa phương không hề hay biết, trừ phi việc giám sát đó không làm hết trách nhiệm, giám sát chiếu lệ hoặc vì lý do khác. ..?

Trong những năm gần đây, hoạt động giám sát của HĐND các cấp đã có nhiều cải tiến, đổi mới, chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, so với chức năng, quyền hạn của HĐND được pháp luật quy định, hoạt động giám sát vẫn còn những hạn chế, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Thực tế cho thấy, các cuộc giám sát của HĐND thời gian qua được thực hiện chưa thường xuyên, chủ yếu do Thường trực và các ban của HĐND. Trong khi đó các tổ đại biểu và đại biểu tham gia giám sát còn ít, chủ yếu tại kỳ họp; một số cuộc giám sát còn dàn trải, mang tính hình thức; kỹ năng giám sát chưa khoa học; một số kết luận sau giám sát thiếu cụ thể; chưa sử dụng các chế tài đã được pháp luật quy định.

Quang cảnh một kỳ họp của HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XII

Nguyên nhân dẫn tới các hạn chế nêu trên, có thể do các đại biểu HĐND nhận thức chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về chức năng giám sát của HĐND, trong đó không loại trừ về năng lực, trình độ và sự thiếu bản lĩnh, trách nhiệm của một số đại biểu. Ở một góc nhìn khác, Trưởng ban Pháp chế HĐND của một địa phương cho rằng, số lượng đại biểu kiêm nhiệm lấn át số lượng đại biểu chuyên trách như hiện nay thì rất khó để giám sát khách quan. “Một người vừa có quyền đưa ra quyết định, vừa thực thi, chấp hành quyết định, vừa giám sát việc tổ chức, thực hiện quyết định đó liệu có thể tách bạch từng vai, có thể khách quan và ra những kiến nghị phản biện mạnh mẽ, thẳng thắn được không? Cùng một con người nhưng thực hiện hai chức năng, nhiệm vụ khác nhau của hai cơ quan khác nhau, liệu kiểm soát quyền lực có đang được hiểu và vận hành đúng nghĩa? Đại biểu dân cử đi giám sát hoạt động của Giám đốc Sở, nhưng người này nằm trong Cấp ủy. Vị thế khác nhau, uy lực ở đâu?” – Vị đại biểu HĐND đặt câu hỏi ngược.

Mục đích của giám sát theo Luật quy định là nhằm bảo đảm việc thi hành các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND ở địa phương được nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả; giám sát để khẳng định những kết quả đạt được, đồng thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, từ đó kiến nghị, đề xuất, quyết định các biện pháp, giải pháp thực hiện tốt hơn.

Trở lại với một vụ án đang rất nóng xảy ra ở Đà Nẵng, đặt vấn đề nếu tập thể đại biểu HĐND thực hiện tốt vai trò giám sát thì sẽ không có chuyện, khi TP. Đà Nẵng quyết liệt thực hiện quy hoạch, đền bù giải tỏa, tăng tốc phát triển hạ tầng đô thị đẩy mạnh đổi đất lấy hạ tầng (năm 2006), nhiều dự án (DA), nhà đất công sản thuộc quyền sở hữu Nhà nước trên địa bàn Đà Nẵng rơi vào tay các cá nhân, doanh nghiệp, khiến cho Nhà nước bị thất thu một khoản ngân sách lớn. Tên gọi Vũ “nhôm” thực sự nổi đình nổi đám, bởi nó liên quan đến hàng loạt DA đầu tư, sang nhượng không minh bạch, hàng loạt nhà cửa công sản của TP sang nhượng trái quy định bị thanh tra và bị điều tra.

Tuy nhiên từ văn bản luật đến cuộc sống vẫn còn là câu chuyện dài. “Tự mình túm tóc mình”, “tôi đi giám sát tôi” là cụm từ được nhiều người làm công tác HĐND ví von khi nói về giám sát quyền lực của cơ quan dân cử ở địa phương. Đáng nói, đó có lẽ không phải là cái khó của HĐND ở riêng một địa phương nào.

Giá đất Nhà nước ban hành không theo kịp giá thị trường

Đang có một lỗ hổng quá lớn về pháp luật trong việc quản lý tài sản công giao cho các DN có vốn nhà nước. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ xin phép bóc tách một góc nhìn.

Luật Đất đai 2013 quy định: Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Theo đó căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Trước khi trình HĐND cùng cấp thông qua, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi dự thảo đến cơ quan có chức năng xây dựng khung giá đất xem xét. Điều đó cũng có nghĩa là việc giám sát của HĐND cùng cấp cũng chỉ dừng lại trong khung giá đất của Chính phủ quy định chứ không làm khác được. Ngoài việc sử dụng làm căn cứ để làm sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân, tính thuê sử dụng đất… Bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; cho thuê đất; và làm căn cứ để tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tính tiền thuê đất đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Trong khi đó việc quy định khung giá đất 5 năm một lần do Chính phủ quy định không theo kịp với sự biến động giá đất thị trường.

Lấy ví dụ từ vụ Công ty Tân Thuận (TP. HCM) chuyển nhượng 32,4ha đất công sản tại Khu dân cư Phước Kiển – Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai đang khiến dư luận bức xúc có thể thấy sự bất cập đó. Trong khi giá thị trường của khu đất có tổng giá trị giao dịch tại thời điểm lên tới hơn 2.400 tỷ thì giá của Nhà nước (do Giám đốc Sở TNMT TP. HCM Nguyễn Toàn Thắng gửi Văn phòng Thành ủy TP.HCM ngày 13/12/2017) chỉ có 1.768.000đ/m2, tương đương với 574 tỷ đồng (chênh lệch giá trị tới 1.826 tỷ).

Công ty Xổ số Kiến Thiết TP.HCM tọa lạc trên đường Lê Duẩn đưa ra tổ chức đấu giá thu về cho ngân sách gần 2.000 tỷ, trong khi trước đó rao bán với giá khởi điểm (theo khung giá Nhà nước) chỉ có giá hơn 800 tỷ đồng.

Trước đó cũng tại TP.HCM có thời điểm giá thẩm định tại nơi được cho là khu “đất vàng” nằm trên các đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi (quận 1)… chỉ đạt 194,4 triệu đồng/m2. Trong khi đó, cùng thời điểm một nhà đầu tư vì nhu cầu kinh doanh đã phải mua lại căn nhà cũ nát tại giao lộ Đồng Khởi - Nguyễn Huệ với số tiền khoảng 80 cây vàng/m2 (tức khoảng 3,6 tỉ đồng/m2)…

Theo ý kiến một số chuyên gia luật chỉ ra rằng, chính sự lạc hậu về khung giá nhà - đất so với thị trường, đã trở thành mảnh đất màu mỡ làm phát sinh những “phi vụ” chuyển nhượng nhà – đất, cho thuê đất (đối với những trường hợp Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất) và thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, làm bốc hơi giá trị tài sản công của Nhà nước lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Điều 113 Luật Đất đai 2013 cũng quy định Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần, nếu giá đất phổ biến trên thị trường tăng hoặc giảm 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giá tối thiểu thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất… Tuy nhiên theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, từ năm 2003 đến nay chưa có trường hợp nào Chính phủ điều chỉnh khung giá đất, hoặc UBND cấp tỉnh đề nghị Bộ TNMT điều chỉnh bảng giá đất. Trong khi đó, ông Châu dẫn chứng: Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND của UBND TP.HCM vừa ban hành về việc điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất ở tại một số khu vực trên địa bàn thành phố, có hiệu lực từ ngày 1/8. Ban hành chưa ráo mực thì giá đất giao dịch ở các khu vực này đã “nhảy vọt” cao hơn gấp 10 lần. “Điều này cho thấy sự bất cập của cơ chế khung giá đất và bảng giá đất hiện nay cần phải được thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn” - ông Châu nhận xét.

Đồng quan điểm trên, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cảnh báo, thực trạng vận hành Luật đất đai 2013 cùng những chính sách về đất đai của chúng ta hiện nay cho thấy pháp luật về đất đai đang có 3 “lỗ hổng” lớn và những lỗ hổng này không những không được thu hẹp mà càng ngày càng nới rộng ra. Trong đó, ông Võ đặc biệt nhấn mạnh “lỗ hổng” nằm ở sự khó khăn trong việc vận hành chế độ công hữu đất đai trong cơ chế thị trường. “Sở hữu đất đai là công hữu nhưng chúng ta phải công nhận vận hành quyền sử dụng đất trên thị trường. Giá quyền sử dụng đất là rất trừu tượng và thậm chí lệch nhiều so với giá trị mảnh đất” – ông Võ nhận định.

Kiến nghị

Như vậy để hạn chế việc chuyển nhượng tài sản công với giá rẻ mạt hoặc bất hợp pháp và chấm dứt việc quản lý sử dụng tài sản công lãng phí… đồng thời với việc tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sửa đổi (vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 01/01/2018), cần phải tăng cường vai trò giám sát của HĐND các cấp ở địa phương, phải làm sao để hoạt động giám sát không còn là hình thức để tạo ra sự đột phá. Muốn làm được điều đó, cần phải đổi mới công tác nhân sự theo hướng tinh gọn, nâng cao về năng lực, bản lĩnh và giảm dần số lượng đại biểu HĐND kiêm nhiệm. Hay nói cách khác, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của HĐND các cấp trong bộ máy chính quyền nhà nước ở địa phương.

Cùng với sự mong mỏi đó, để Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân phát huy hiệu lực cao nhất trong thực tiễn cuộc sống, cần phải có chế tài mạnh hơn trong tổ chức thực hiện hoạt động giám sát để nâng cao trách nhiệm của chủ thể giám sát và các đối tượng chịu sự giám sát. Trong hoạt động giám sát của HĐND, nhất là giám sát chuyên đề cần cân nhắc, lựa chọn chủ đề giám sát đúng trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề bức xúc, nổi cộm được dư luận xã hội và cử tri quan tâm để tìm giải pháp tháo gỡ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, giám sát không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của HĐND và các đại biểu HĐND, thay mặt nhân dân và cử tri trong việc theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo và chịu trách nhiệm trước Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trong đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, công tác giám sát sẽ kém hiệu quả nếu các kiến nghị sau giám sát không được các cơ quan tiếp thu và nghiêm túc thực hiện. “Thường trực HĐND, các ban HĐND cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận giám sát của các đối tượng giám sát, cần thiết phải tổ chức tái giám sát và đề nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý đối với trường hợp không thực hiện nghiêm túc kết luận giám sát” – PCT nhấn mạnh.

Hiểu theo Phó Chủ tịch Quốc hội, giám sát có trọng tâm, trọng điểm và tổ chức thực hiện tái giám sát sẽ mang lại hiệu quả. Câu chuyện về giám sát của HĐND tỉnh Quảng Ngãi mới đây đối với việc UBND tỉnh “trải thảm” thần tốc Dự án đầu tư xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn (Quảng Ngãi) của Tập đoàn FLC đang thu hút sự quan tâm của dư luận, cho thấy quyền lực của HĐND đang được phát huy hiệu quả. Theo đó, trả lời với báo chí, bà Bùi Thị Quỳnh Vân – Chủ tịch HĐND tỉnh này cho biết, HĐND không chỉ yêu cầu UBND tỉnh giải trình về kế hoạch hoàn trả ngân sách số tiền tạm ứng 500 tỷ cho nhà đầu tư GPMB (trong trường hợp nhà đầu tư không thể hoàn trả) mà còn yêu cầu UBND tỉnh phải làm rõ dựa vào quy định nào của luật pháp để cho tạm ứng số tiền lớn như vậy.

Đề cập đến “khoảng trống” của Luật Đất đai năm 2013 về giá đất của Nhà nước ban hành không theo kịp thì trường, nhiều chuyên gia luật đồng tình với quan điểm của ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và GS. Đặng Hùng Võ, cho rằng cần phải sửa đổi luật theo hướng không quy định Chính phủ ban hành khung giá đất 5 năm một lần mà nên giao toàn quyền cho cấp tỉnh chịu trách nhiệm ban hành bảng giá đất, đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc phù hợp với giá thị trường. Cùng với vai trò giám sát của HĐND các cấp được phát huy thực sự thì không những giá đất do UBND tỉnh đề xuất và ban hành hàng năm không bị lỗi nhịp với giá thị trường mà còn góp phần triệt tiêu được mầm mống trục lợi của các tổ chức và cá nhân được giao quản lý sử dụng nhà – đất công sản.

Điểm mặt một số tài sản công được giao cho DNNN quản lý không có hiệu quả tại TP.HCM

1. Tổng công ty TNHH MTV Công nghiệp Sài Gòn được giao quản lý và sử dụng khu đất rộng 1.700m2 ngay mặt tiền đường Võ Văn Tần (Q.3) nhưng đã bỏ hoang mấy năm nay. Trước đó, khu đất này được Tổng công ty này giao lại cho Trường Công nghệ thông tin Sài Gòn, sau đó sử dụng kinh doanh bãi giữ xe và đến nay khu đất được quây rào lại rồi... bỏ hoang.

2. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) trên sổ sách quản lý khoảng 6.600ha đất nhưng thực chất chỉ còn 550ha đang trồng mía, bưởi da xanh, ổi… số đất còn lại không biết đi đâu.

3. Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC), được giao quản lý một khu đất rộng hơn 26.000m2 có 3 mặt tiền, trong đó mặt tiền chính nằm trên đường Phạm Thế Hiển (Q.8). Sau một thời gian dài đem "cắt" cho Công ty Quỳnh Thư thuê làm bãi giữ ô tô thì nay được thu hồi lại và để hoang.

4. Công ty Colas được Nhà nước giao cho thuê để làm nhà xưởng, địa điểm kinh doanh khu đất rộng hơn 2.000m2 tại số 360 Xa lộ Hà Nội (Q.9). Thời gian gần đây, khi thời hạn thuê đất gần hết, thay vì trả lại cho nhà nước, DN này lại đem khu đất cho Công ty nhũ tương nhựa đường Việt Pháp thuê lại để làm nơi nấu, chế biến nhựa đường.
(Nguồn: Báo Dân Việt)

VŨ LÊ MINH

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chuyen-nhuong-gia-re-su-dung-lang-phi-that-thoat-nha-dat-cong-soi-vai-tro-giam-sat-cua-hdnd-va-nhung-lo-hong-cua-luat-dat-dai-a193904.html