Chuyên gia “vạch mặt” những thủ đoạn trốn thuế, trục lợi từ chuyển nhượng nhà – đất công

(Pháp lý) - Nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế chuyển nhượng nhà đất công sản thời gian qua không hiếm các “phi vụ” “mua rẻ nhà đất công, trốn thuế, rồi bán đắt”. Đáng lo ngại là các “phi vụ” thực hiện được do một số cán bộ ở các cơ quan Nhà nước đã cố ý lách luật, vận dụng sai luật, bắt tay với doanh nghiệp mua bán tài sản công sai quy trình, định giá thấp gây thất thu tiền thuế cho ngân sách và có dấu hiệu trục lợi.

Nhìn nhận các vụ việc mà Phóng viên đề cập trong bài viết trước, ở khía cạnh luật pháp, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty Luật Đông Nam Á phân tích: Trong các vụ việc mà Phóng viên nêu, có thể thấy một số cán bộ ở các cơ quan Nhà nước đã bắt tay với doanh nghiệp bán tài sản công sai quy trình, với giá thấp gây thất thoát tài sản công và tiền thuế của Nhà nước. Cụ thể như các cán bộ đã miễn giảm tiền sử dụng đất, giảm giá bán trái pháp luật; ràng buộc đối với doanh nghiệp không chặt chẽ; có dấu hiệu vụ lợi và thiếu trách nhiệm. Do đó, cần thiết phải huỷ giao dịch để thu hồi tài sản cho Nhà nước, xem xét xử lý trách nhiệm những cán bộ liên quan.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty Luật Đông Nam Á trao đổi với PV  Pháp lý
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty Luật Đông Nam Á trao đổi với PV Pháp lý)

Đồng quan điểm với Luật sư Thuật, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, việc không thực hiện đấu thầu, đấu giá đất (hoặc tài sản công) là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thất thu tài sản và tiền thuế của Nhà nước. Các Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh Bất động sản đều quy định rất rõ những quy trình đấu thầu, đấu giá tài sản và mua bán tài sản của Nhà nước, nhưng một số cán bộ công chức không thực hiện đúng mà lại bắt tay với các doanh nghiệp bán rẻ, làm sai quy trình để trục lợi cá nhân.

Ông Đính phân tích thêm: Ngay cả những dự án liên quan đến Vũ “nhôm” và Quốc Cường Gia Lai, các đơn vị đều không tuân thủ quy trình quản lý của Nhà nước. Ví dụ trường hợp liên quan đến Quốc Cường Gia Lai, Công ty Tân Thuận là công ty 100% vốn của Thành ủy TP.HCM đang quản lý, thì khi đầu tư dự án, kể cả đang trong quá trình nghiên cứu hoặc mới được đồng ý về mặt chủ trương thì đã phải lựa chọn nhà đầu tư, phải tổ chức công bố công khai danh mục dự án định phát triển theo đúng quy hoạch. Khi không công bố công khai thì người nhận bao giờ cũng muốn được nhận với giá thấp nhất.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), cho rằng, xét vụ việc ở phương diện pháp luật thuế, có thể coi những hành vi liên quan đến Vũ “nhôm” và Công ty Tân Thuận hay Quốc Cường Gia Lai là những thủ đoạn trốn thuế.

Như ở vụ Phước Kiển, theo báo chí thông tin giá thị trường được định giá 2.400 tỉ, nhưng doanh nghiệp chỉ mua có hơn 500 tỉ. Như vậy, vì giá trị mua thấp nên thuế chuyển nhượng và thuế sử dụng đất đã thấp đi rất nhiều. Ở vụ việc này, rõ ràng tài sản là của một doanh nghiệp Nhà nước thuộc Thành ủy TP.HCM. Do đó, khi thực hiện việc mua bán, về nguyên tắc doanh nghiệp phải thực hiện đấu giá công khai, nhưng họ lại thực hiện ngược lại. Từ hành vi đó, có thể khẳng định bản chất việc Công ty Tân Thuận chuyển nhượng, liên kết với Quốc Cường Gia Lai là họ làm từng bước để hợp thức hóa tài sản công mà không cần thông qua đấu giá. Đây là một cách móc nối để lọt qua các thủ tục như đấu thầu, định giá tài sản… Do đó, cần phải đưa vụ việc ra cơ quan điều tra xem xét việc có đúng luật không, có tình trạng đi đêm, móc ngoặc, bắt tay giữa Công ty Tân Thuận với Quốc Cường Gia Lai để xà xẻo, tham ô tài sản Nhà nước hay không???

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, Công ty Tân Thuận là công ty 100% vốn Nhà nước. Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, vốn của công ty này bao gồm cả dự án đất Phước Kiển. Do đó, chiểu theo quy chế của Thành ủy TP.HCM đặt ra thì việc mua bán chuyển nhượng khu đất trên phải thông qua tập thể thường vụ Thành ủy. Nếu không thông qua Thành ủy mà thực hiện mua bán chuyển nhượng là trái với quy chế hoạt động của Thường vụ Thành ủy trong xử lý các vấn đề liên quan đến tài sản của các đơn vị trực thuộc Đảng bộ thành phố. Nhất là khi tài sản này xác định có nguồn gốc tài sản công rõ ràng, tạo lập do nguồn tiền của công ty TNHH MTV, 100% vốn của Đảng bộ Thành phố. Bởi vì, vốn điều lệ được tạo lập trong quá trình hoạt động kinh doanh của công ty đó, nên phải quản lý tài sản công, thực hiện theo quy chế hoạt động nội bộ của Đảng bộ thành phố. Chắc chắn trường hợp như này là phải thông qua tập thể của Ban thường vụ Thành ủy chứ không thể nào là quyết định của một cá nhân.

  Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam)

Theo Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, trong hoạt động kinh doanh bất động sản, khi chuyển nhượng, ít nhất doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng. Loại thuế giá trị gia tăng hiện nay có hai cách tính, tính dựa trên giá ghi trên hợp đồng hoặc theo khung giá đất do Nhà nước quy định nếu giá ghi trên hợp đồng thấp hơn giá khung này. Chính vì lẽ đó, không chỉ doanh nghiệp mà người dân trong các giao dịch cũng sử dụng thủ thuật ghi giá trên hợp đồng thường thấp hơn giá giao dịch thực tế. Đây là kẽ hở lớn nhất giúp các bên trong các thương vụ mua bán trốn thuế.

Trong trường hợp sự chênh lệch giá lên đến nhiều tỷ đồng, tương ứng với số tiền thuế rất lớn. Với hành vi này, doanh nghiệp hoàn toàn có nguy cơ bị truy tố trước pháp luật hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên vì lợi nhuận các doanh nghiệp vẫn bất chấp, Luật sư Thảo nói.

Phân tích về động cơ, mục đích, ông Nguyễn Văn Đính chỉ ra rằng, những vụ việc đã diễn ra là do một số nhóm người quản lý trong các cơ quan Nhà nước chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, họ cố tình làm sai để hưởng lợi ích. Bởi vì nếu đã làm quản lý thì họ thừa hiểu các quy định của luật pháp. Bên cạnh đó, khi thực hiện một công việc nào đó, còn có cả một đội ngũ tham mưu, tư vấn thì không thể nói họ không biết để mà làm sai được.

Phân tích cụ thể hơn, theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm: Trong kinh doanh bất động sản có rất nhiều thủ đoạn trốn thuế. Có thể doanh nghiệp có những mánh lới riêng, nhưng cũng có thể hành vi được hình thành do sự móc ngoặc của cán bộ Nhà nước với doanh nghiệp. Khi đã có sự thông đồng thì Nhà nước sẽ thất thu tiền thuế cũng như tiền sử dụng đất. Theo ông Thịnh, một trong những thủ đoạn phổ biến là cố tình định giá đất ở mức thấp. Từ đó chi phí đóng thuế sử dụng đất giảm. Điều này hay xảy ra ở những doanh nghiệp Nhà nước chuyển hóa đất đai sang cho doanh nghiệp tư nhân. Việc định giá giá trị của đất không phản ánh đúng giá trị thị trường. Thậm chí, trong mua bán họ giao dịch với giá thấp nhưng thực tế thì chưa chắc đã thấp như vậy.

Cũng theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, một thủ đoạn khác là họ thực hiện việc chuyển hóa đất nông nghiệp sang đất ở với nhiều thứ nhập nhằng, dẫn đến việc các chủ bất động sản trốn được nhiều thuế. Trong điều kiện đang phát triển nông nghiệp tập trung, nông nghiệp công nghệ cao thì việc chuyển hóa một phần đất đai thành đất xây chung cư, nhưng vẫn khai là đất nông nghiệp khiến họ trốn được rất nhiều thuế.

Nhiều thủ đoạn lách luật trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng nhà đất công sản đã được phanh phui (ảnh minh họa)
Nhiều thủ đoạn lách luật trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng nhà đất công sản đã được phanh phui (ảnh minh họa))

Đề cập đến những bất cập trong việc thuế thu nhập bất động sản, là một trong những nguyên nhân khiến các hợp đồng bất động sản luôn luôn có giá trị thấp hơn giá trị thực tế, ông Lê Hoàng Châu cho biết, trước đây chúng ta có hai phương pháp chính. Thứ nhất là nếu thu nhập có lời thì phải nộp thuế là 18%. Phương pháp thứ hai là trong trường hợp không thể chứng minh được đầu vào và đầu ra thì tính 2% trên giá trị hợp đồng. Nhưng hiện nay chúng ta thu thuế bất động sản chỉ một phương pháp duy nhất là thu 2% trên giá trị hợp đồng bất động sản. Do cách tính thuế đó của Nhà nước áp dụng cho tất cả các trường hợp hoặc có lợi nhuận, hoặc hòa vốn hoặc lỗ đều phải nộp thuế 2%. Điều này có nghĩa là tinh thần pháp luật sai. Vì thuế thu nhập thì phải có thu nhập mới phải nộp. Phương pháp thu này rất dễ thực hiện. Nhưng những hợp đồng chính trực lại chịu thiệt hại, những người khai đúng chịu thiệt thòi, còn những người lươn lẹo, lách luật để trốn thuế lại được hưởng lợi. Do họ khai thấp giá trị hợp đồng nên họ nộp thuế thấp, điều này đồng nghĩa với việc là họ trốn thuế. Chính những quy định có sở hở như vậy của Nhà nước đã tạo cho doanh nghiệp và quan chức lách luật, trốn thuế.

Đình Nguyễn

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chuyen-gia-vach-mat-nhung-thu-doan-tron-thue-truc-loi-tu-chuyen-nhuong-nha-dat-cong-a193882.html