Cử tri nhiều địa phương đặt vấn đề, công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay mới chỉ đề cập đến tham nhũng về kinh tế, chưa đề cập đến tham nhũng về chính trị, quyền lực…
Tham nhũng quyền lực gây bức xúc
Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội nêu rõ nhận xét của cử tri Tiền Giang, Cà Mau, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bình Định, Hải Phòng, Trà Vinh, Bến Tre, Bình Dương, Thái Bình về chuyện chống tham nhũng quyền lực.
Theo cử tri các tỉnh, thành này thì tham nhũng về chính trị, quyền lực cũng là vấn đề gây bức xúc, đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước (nhiều người trong gia đình giữ các chức vụ quan trọng tại địa phương như báo chí phản ánh).
Đề nghị từ cử tri là khi sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng cần quan tâm đến nội dung này.
Bên cạnh nội dung này, cử tri các địa phương nói trên còn đề nghị khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng cần quan tâm đến sự chặt chẽ hơn của các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, kiểm soát tài sản của người có chức vụ...
Phần trả lời, Thanh tra Chính phủ cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó tập trung hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát biến động tài sản, thu nhập theo hướng mở rộng một cách hợp lý diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai, hợp lý hóa việc công khai bản kê khai. Luật sửa đổi cũng quy định những trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản, thu nhập một cách chủ động; trình tự, thủ tục tiến hành xác minh và kết quả xác minh tài sản, thu nhập; quy định các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập.
Các công cụ kiểm soát được đưa ra như, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập, thực hiện việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm, giải trình thu nhập đối với những giao dịch, khoản chi tiêu có giá trị lớn hoặc có dấu hiệu bất thường. Tiếp tục bổ sung chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực, không giải trình được nguồn gốc của tài sản tăng thêm, xử lý tài sản không kê khai, tài sản tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý.
Tuy nhiên, đề nghị liên quan đến chống tham nhũng về chính trị, quyền lực từ cử tri không có hồi âm từ cơ quan trả lời.
Thu hồi tài sản tham nhũng thấp hơn nhiều số bị chiếm đoạt
Vì sao các vụ án tham nhũng lớn cả ngàn tỷ mới được phát hiện và số tiền nhà nước thu hồi được lại rất thấp là câu hỏi cử tri An Giang đặt ra với Thanh tra Chính phủ.
Văn bản trả lời nêu rõ, phòng chống tham nhũng còn những hạn chế, như việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp còn chậm, kéo dài, việc thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế…
Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Năm 2017 kết quả thu hồi cũng không đạt chỉ tiêu 60% nêu trong nghị quyết 111/2015/QH13 của Quốc hội.
Theo Thanh tra Chính phủ thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó có nguyên nhân về thể chế, chính sách. Như một số quan điểm, chủ trương của Đảng về thu hồi tài sản tham nhũng chưa được thể chế hóa kịp thời. Các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng phần lớn mang tính nguyên tắc, quy định trách nhiệm của từng cơ quan và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chưa rõ ràng. Việc nội luật hóa các quy định về thu hồi tài sản theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng còn chậm.
Bên cạnh đó, tội phạm tham nhũng thuộc nhóm tội có độ ẩn cao cả về hành vi phạm tội và tài sản bị chiếm đoạt. Kẻ phạm tội luôn có xu hướng che giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa những tài sản do tham nhũng mà có, dẫn đến khó khăn cho việc truy tìm, thu hồi tài sản. Vì vậy, việc xử lý người đứng đầu và thu hồi tài sản là những nội dung trọng tâm Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng.
Theo Dantri
Link nội dung: https://phaply.net.vn/chuyen-ca-ho-lam-quan-do-chua-co-luat-chong-tham-nhung-quyen-luc-a193787.html