Xét xử Hứa Thị Phấn và đồng phạm: Tập trung làm rõ tính pháp lý của Chứng thư thẩm định giá

Ngày 10/5, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng 27 đồng phạm.

Phiên tòa sáng nay diễn ra trễ do bị cáo Bùi Thị Kim Loan (Kế toán Cty TNHH Phú Mỹ), mang trẻ sơ sinh đến phòng xử.

Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Phạm Lương Toản đã phê bình lực lượng bảo vệ vì để cho bị cáo này mang con vào phòng xét xử. Đồng thời, chủ tọa phiên tòa cũng nhắc nhở bị cáo Bùi Thị Kim Loan chỉ được vào tham dự phiên toà sau khi gửi con cho các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Nhi đồng 2 chăm sóc.

 

 Bị cáo Bùi Thị Kim Loan (ngồi đầu hàng ghế thứ 2) tại tòa sáng nay
Bị cáo Bùi Thị Kim Loan (ngồi đầu hàng ghế thứ 2) tại tòa sáng nay)

“Các bác sĩ, điều dưỡng của có nhiệm vụ chăm sóc con cho bị cáo Loan và chỉ trao trả cháu bé cho bị cáo Loan khi phiên toà kết thúc buổi làm việc và chỉ giao cho đúng bị cáo Loan”, Thẩm phán Toản nói.

Ngoài ra, chủ tọa cũng thông báo bị cáo Loan được phép vắng mặt, ngày nào đến phòng xử thì báo cho HĐXX biết để HĐXX sắp xếp thẩm vấn.

 

 Bị cáo Bùi Thế Nghiệp trả lời đại diện VKS
Bị cáo Bùi Thế Nghiệp trả lời đại diện VKS)

Tuy nhiên, khoảng 10 phút sau khi phiên toà diễn ra, luật sư bào chữa cho bị cáo Loan đã than phiền rằng căn phòng, nơi mà trước đó HĐXX đã bố trí làm nơi chăm sóc cho cháu bé ồn ào, ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé.

Trước than phiền này, chủ tọa phiên tòa cảnh báo sẽ mời luật sư này ra khỏi phòng xét xử nếu tiếp tục có ý kiến về vấn đề này và nhắc lại việc HĐXX đã cho phép bị cáo Bùi Thị Kim Loan được phép vắng mặt tại các phiên toà mà HĐXX không tiến hành xét hỏi bị cáo này nhưng bị cáo này không đồng ý.

Sau khi giải quyết xong chuyện bị cáo và con nhỏ, Tòa bắt đầu xử với xét hỏi liên quan tới hành vi mua, bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.

Theo cáo trạng, thông qua việc mua qua bán lại căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch được Hứa Thị Phấn mua khoảng 371 tỷ đồng sau đó chuyển nhượng “lòng vòng” rồi “thổi giá" lên 1.268 tỷ đồng bán cho TrustBank nhằm rút ruột trên 1,1 ngàn tỷ đồng.

Sai phạm liên quan tới căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch khiến bị cáo Hứa Thị Phấn, Ngô Kim Huệ (nguyên thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc TrustBank), Bùi Thị Kim Loan và Lâm Kim Dũng bị quy tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Nguyễn Công Tụ tại phiên tòa.
Bị cáo Nguyễn Công Tụ tại phiên tòa.)

Bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT TrustBank), Trần Sơn Nam (nguyên Tổng Giám đốc TrustBank), Nguyễn Vĩnh Mậu (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT TrustBank), Lâm Hồng Trinh, (nguyên Phó Tổng Giám đốc TrustBank), Nguyễn Công Tụ (nguyên Giám đốc Công ty TrustAsset) , Bùi Thế Nghiệp, (nhân viên Cty TrustAsset) và Hứa Xương (nguyên thành viên HĐQT) phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Như Báo Công lý đã thông tin, tại phiên xét hỏi ngày 9/5, các bị cáo Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam, Ngô Kim Huệ, Lâm Kim Dũng (nguyên Giám đốc Công ty địa ốc Lam Giang) đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết. Các bị cáo cho rằng, mình chỉ là người làm công ăn lương, mọi việc liên quan đến mua bán căn nhà này đều thực hiện theo chỉ đạo của Hứa Thị Phấn.

Tại phiên tòa sáng nay, HĐXX xét hỏi các bị cáo Nguyễn Vĩnh Mậu, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT TrustBank và bị cáo Lâm Hồng Trinh, nguyên thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc TrustBank về việc các bị cáo có ký tên trên các Biên bản họp HĐQT quyết định việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Theo đó, HĐQT không họp để quyết định các nội dung này mà 02 bị cáo chỉ ký hoàn thiện thủ tục.

Bên cạnh đó, HĐXX tập trung làm rõ về Chứng thư thẩm định giá đối với căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch do Công ty TrustAsset lập.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Công Tụ, nguyên Giám đốc Công ty TrustAsset khai rằng, bị cáo được bị cáo Hoàng Văn Toàn giới thiệu và được Hứa Thị Phấn bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty TrustAsset.

Bị cáo là người đại diện TrustAsset ký hợp đồng thẩm định giá số 22 ngày 27/07/2011 với Công ty TNHH địa ốc Lam Giang, là người ký kết luận định giá, ký Chứng thư thẩm định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.

Bị cáo Tụ thừa nhận việc ký chứng thư thẩm định giá khi TrustAsset không có chức năng thẩm định giá là trái quy định của pháp luật nhưng đây là do hiểu lầm giữa thẩm định giá và định giá là giống nhau. Việc định giá căn nhà trên với giá 1.268 tỷ đồng là không có cơ sở và theo ý chủ quan.

 

 Quang cảnh phiên tòa sáng nay
Quang cảnh phiên tòa sáng nay)

Còn bị cáo Bùi Thế Nghiệp, nguyên nhân viên định giá Công ty TrustAsset khai rằng, bị cáo chỉ có thẻ định giá viên bất động sản và được Ban giám đốc Công ty TrustAsset giao thẩm định căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.

Ngay khi TrustAsset ký hợp đồng với Công ty Lam Giang, Nghiệp đã báo cáo với Ban giám đốc TrustAsset không có chức năng thẩm định giá và Nghiệp không có thẻ thẩm định viên nên không thể thực hiện hợp đồng được. Nhưng do bị ép, Nghiệp phải thực hiện việc thẩm định giá với mức giá cao nhất có thể sau nhiều lần định giá không thành. Do sợ mất việc làm nên Nghiệp đã thực hiện việc định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch theo phương pháp “giá trị thặng dư”. Sau khi định giá xong, Nghiệp xây dựng báo cáo kết quả định giá và chứng thư Thẩm định giá trình ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc ký nháy và trình ông Tụ, Giám đốc ký Chứng thư thẩm định giá.

Sau khi HĐXX kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKS cũng tập trung hỏi các bị cáo Nguyễn Công Tụ, Bùi Thế Nghiệp và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Lê Hoàng Minh, nguyên Phó Giám đốc TrustAsset về thủ tục pháp lý liên quan đến chứng thư thẩm định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.

Theo Congly

Link nội dung: https://phaply.net.vn/xet-xu-hua-thi-phan-va-dong-pham-tap-trung-lam-ro-tinh-phap-ly-cua-chung-thu-tham-dinh-gia-a193775.html