Minh bạch và trách nhiệm giải trình: “Chìa khóa”cho các vấn đề của Đặc khu

Một thực tế dễ nhận nhận thấy là càng qua thảo luận thì càng có những đề xuất cần có quy định thắt chặt các ưu đãi với đặc khu. Điều này khác với mục đích ban đầu là hình thành những đặc khu với những ưu đãi “vượt trội” để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên Văn phòng luật sư NHQUANG và cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ với Phóng viên Pháp lý về những quan sát, quan điểm của cá nhân ông xung quanh vấn đề trên.

Đặc khu thực sự cần gì?

Phóng viên: Bằng kinh nghiệm và quá trình nghiên cứu kinh tế quốc tế xin ông chia sẻ về những điều kiện cũng như tiêu chí về sức hấp dẫn của đặc khu?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Theo cách hiểu thông thường, một đặc khu, dù đó đơn thuần là đặc khu kinh tế hay đặc khu tổng hợp cả hành chính và kinh tế, không hẳn phải là một vùng miền có vị trí địa kinh tế đặc biệt mà chỉ là nơi được áp dụng khung khổ pháp luật và chính sách đặc biệt khác với phần lãnh thổ còn lại của một quốc gia.

Xét từ góc độ thu hút đầu tư tư nhân, để vùng miền được gọi là “đặc khu” ấy trở nên hấp dẫn thì phải có hai điều kiện cơ bản. Thứ nhất, môi trường chính sách vĩ mô chung của quốc gia còn chứa đựng khá nhiều hạn chế và rào cản cho tự do kinh doanh; và thứ hai, nhà nước cho phép áp dụng các chính sách và quy định pháp luật đặc thù, thông thoáng hơn, thậm chí đi kèm với các hỗ trợ vật chất và tài chính riêng cho các nhà đầu tư tại đặc khu, là điều mà các địa phương khác không có được. Với nguyên lý như vậy, ở các nước đã có tự do kinh tế hoàn chỉnh rồi thì đương nhiên không cần thiết phải lập ra các đặc khu nữa, bởi tất cả đã mở và thông thoáng. Xu hướng chung của thế giới là vậy, nhất là trong bối cảnh tự do hoá toàn cầu về thương mại và đầu tư, kinh doanh, theo đó, nguyên tắc căn bản về bình đẳng và không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư tại một quốc gia được tôn trọng và bảo đảm.

 Luật sư Nguyễn Tiến Lập trả lời phỏng vấn PV Pháp lý
Luật sư Nguyễn Tiến Lập trả lời phỏng vấn PV Pháp lý)

Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ đối với một số quốc gia mới nổi hay thậm chí ngay cả nước phát triển như Nhật Bản. Năm 2014, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã cho thành lập một số đặc khu kinh tế ở Nhật với mục tiêu áp dụng các quy định pháp lý nới lỏng hơn về lao động nhập cư và một số ngành nghề, ví dụ như tự do mở trường đào tạo về thú y mà toàn quốc đang bị hạn chế. Mặc dù chính sách này cũng bị nhiều lực lượng trong xã hội phê phán và chỉ trích nhưng bản thân nó đã tạo ra ít nhiều cái gọi là sức hút cho tư nhân và nước ngoài đầu tư vào các khu vực này.

Tại Việt Nam, về cơ bản môi trường pháp lý và chính sách vĩ mô của chúng ta đã khá cởi mở và tạo nhiều ưu đãi cho đầu tư mới, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, do đó, khi bàn về cơ chế và chính sách cho các đặc khu dự kiến là Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc, dường như các nhà lập chính sách còn muốn và có lẽ chỉ còn cách tạo các ưu đãi nhiều hơn nữa mà thôi, bao gồm cả về pháp lý và tài chính. Sức hút ở đây cần phải hiểu rằng bất kể ai đầu tư vào các đặc khu này mà được đăng ký và cấp quyền sử dụng đất thì đã thấy lợi ngay rồi, chưa cần phải sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh bán hàng sau đó trên thương trường.

“Thiết kế” ưu đãi cho đặc khu, sao cho hợp lý?

Ông đánh giá thế nào về ưu đãi được “thiết kế” (cho riêng các đặc khu) và các ưu đãi chung cho các đặc khu được quy định trong dự luật? Quy định đó có bất hợp lý và cần bổ sung, sửa đổi thế nào?

Trong dự thảo Luật về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) gần đây nhất mà tôi được tham gia góp ý với Đoàn ĐBQH Hà Nội thì thấy rằng các ưu đãi và hỗ trợ của nhà nước dành cho ba đặc khu này đều ở mức cao nhất, thậm chí “vượt khung”, so với mặt bằng pháp lý hiện hành. Chẳng hạn, về thuế, sẽ áp dụng mức thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp (so với mức phổ thông 20%) cho suốt đời dự án đi kèm với các mức miễn và giảm kịch khung hay miễn thu thuế thu nhập cá nhân từ 5 đến 10 năm và giảm thu tới 50%. Rồi vừa tăng thời hạn thuế đất tới 99 năm cùng với miễn thu hẳn hoặc miễn có thời hạn tiền thuê đất tới 30 năm.

Bên cạnh đó, các điều kiện di chú cho lao động nước ngoài cũng được nới lỏng và thậm chí dự thảo Luật còn cho phép áp dụng luật lao động nước ngoài tại đặc khu nữa.
Tôi biết rất nhiều chuyên gia và dư luận xã hội đã ngạc nhiên với điều này. Câu hỏi chung được đặt ra là ưu đãi để làm gì và nó, một khi coi là cái mà nhà nước sẽ “mất đi” thì “cái được” hay thu lại của Nhà nước sẽ là gì và có tương xứng không ? Cá nhân tôi chưa thấy cái lợi là gì với các đặc khu này xét từ góc độ lợi ích toàn cục của nền kinh tế nói chung và của toàn xã hội. Lợi ích nhà nước có thể có, tuy nhiên, người dân và các đại biểu chắc chắn đòi hỏi các nhà soạn thảo luật phải giải trình việc này thông qua quy trình đánh giá tác động chính sách bắt buộc đã được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định.

Có ý kiến cho rằng các đặc khu dự kiến như Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã ở những vị trí địa lý thuận lợi rồi nên không cần thiết có nhiều ưu đãi. Nhưng cũng cần đặt câu hỏi là chỉ cần những ưu đãi về địa lý thì những khu vực trên có thể phát triển được không?! Cần thêm yếu tố hay ưu đãi gì để các khu vực trên thực sự phát triển?

Là một người đã từng nghiên cứu về đặc khu kinh tế từ gần 20 năm trước, tôi luôn trăn trở câu hỏi xây dựng các đặc khu kinh tế nói chung và đặc khu hành chính – kinh tế ở ba địa điểm này nhằm phục vụ mục tiêu gì cho quốc kế dân sinh? Xét về tổng thể, Việt Nam cần cạnh tranh ở quy mô quốc gia với các nền kinh tế khác trong khu vực về thu hút đầu tư và công nghệ chứ không phải là tạo ra sức cạnh tranh hơn một cách cục bộ cho ba địa phương cụ thể so với các vùng, miền khác của cả nước. Việc tạo ra sức hút cục bộ có thể đúng nhưng đó là đối với các vùng miền khó khăn và tụt hậu cần được hỗ trợ để phát triển, trong khi cả Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc lại ở vị thế thuận lợi và đang phát triển khá sôi động rồi. Ngoài ra, nếu theo kinh nghiệm của Nhật Bản và Trung Quốc trước đây, tạo ra đặc khu để thử nghiệm chính sách kinh tế rồi sau đó mở rộng ứng dụng đại trà ra cả nước, thì cả ba địa danh nói trên lại chỉ có quy mô lãnh thổ và dân cư cấp huyện, tức là quá nhỏ bé để nhà nước thí điểm chính sách, chưa nói tới việc không rõ sẽ có những chính sách cụ thể gì sẽ được thí điểm ?

Về ý kiến cho rằng nếu không có cơ chế và chính sách ưu đãi đặc biệt thì cả ba khu vực nói trên có phát triển được không, tôi muốn đặt một câu hỏi khác. Đó là xét từ góc độ quản lý nhà nước ở cấp trung ương, tại sao Chính phủ không quan tâm đến tăng tốc phát triển ở các vùng miền còn khó khăn hay phát triển đồng đều của cả nước mà lại cần chú ý đặc biệt đến ba địa điểm vốn rất giàu tiềm năng nói trên? Còn nếu Chính phủ có ý thử nghiệm chính sách mới nào đó như cho phép kinh doanh sòng bạc “Casino” chẳng hạn, thì nên chăng vẫn có thể áp dụng các chính sách đó mà không cần tốn nhiều công sức để xây dựng đặc khu hành chính - kinh tế? Đó là những câu hỏi, những vấn đề mà cá nhân tôi băn khoăn.

Minh bạch và trách nhiệm giải trình

Khi đặt ra các vấn đề ưu đãi thì rõ ràng nguy cơ hình thành lợi ích nhóm ở các đặc khu sẽ rất hiện hữu. Ông bình luận thế nào về vấn đề đó? Theo ông làm thế nào để ngăn ngừa những nguy cơ về lợi ích nhóm hiện hữu?

Tôi xin lưu ý một thực tế rằng ngay tại Nhật Bản, nơi có nền quản trị công rất chuyên nghiệp và hiệu quả, mà vẫn xảy ra các hiện tượng tiêu cực khi áp dụng chính sách đối với các đặc khu. Chẳng hạn, theo tạp chí Financial Times, khi cho phép xây dựng mới các trường đào tạo về thú y tại các đặc khu kinh tế, Thủ tướng Shinzo Abe đã bị dư luận nghi ngờ rằng quyết định đó đã mang lại các lợi ích đặc biệt cho một nhóm các nhà đầu tư có quan hệ gần gũi với ông. Trong bối cảnh Việt Nam, các khả năng và nguy cơ theo hướng bị tác động hay làm lợi cho các “nhóm lợi ích” rõ ràng là hiện hữu, chưa nói tới các động thái làm gia tăng đầu cơ đất và bất động sản hơn là đầu tư thực chất ở các địa điểm triển vọng trở thành đặc khu đang được báo chí nói đến thời gian này.

Theo tôi, để kiểm soát và hạn chế các tiêu cực này, trong tất cả các biện pháp về chính trị, hành chính và pháp lý, bên cạnh xu hướng cá nhân hoá thẩm quyền và trách nhiệm thì, theo tôi, việc tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ban hành các quyết định chính sách của cơ quan chính quyền ở những đơn vị hành chính đặc biệt này cần được đặt lên hàng đầu. Nói một cách cụ thể, cần làm thế nào để người dân được tham gia giám sát và có tiếng nói của mình, dù bằng cách trực tiếp hay thông qua các cơ quan ngôn luận, báo chí. Tuy nhiên, từ góc độ thực tiễn, chúng ta phải thừa nhận rằng công việc này rất khó, nhất là khi cơ chế ban hành và thực thi các chính sách nhạy cảm về đặc khu phải chịu nhiều sức ép từ các quan hệ thị trường.

Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!

Phan Tĩnh (Ghi)

Luật sư Nguyễn Tiến Lập trả lời phỏng vấn PV Pháp lý

Link nội dung: https://phaply.net.vn/minh-bach-va-trach-nhiem-giai-trinh-chia-khoacho-cac-van-de-cua-dac-khu-a193763.html