Mua được trăm người, sao mua được muôn dân!

Nhà báo Nhị Lê - phó tổng biên tập tạp chí Cộng Sản - đã nói như vậy trong cuộc trò chuyện cởi mở với Tuổi Trẻ, nhân dịp Hội nghị trung ương bàn đề án xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, chống chạy chức chạy quyền...

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình, nghe người dân gửi gắm niềm tin chống tham nhũng - Ảnh: VIỆT DŨNG
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình, nghe người dân gửi gắm niềm tin chống tham nhũng - Ảnh: VIỆT DŨNG)

* Cuộc đấu tranh chống tham nhũng thời gian gần đây được người dân ví von là "cho củi vào lò". Điều đó một mặt cho thấy công tác phòng chống tham nhũng đạt được kết quả quan trọng, nhưng mặt khác lại cho thấy công tác cán bộ đang có vấn đề gì đó rất nghiêm trọng. Ý kiến của ông thế nào?

- Theo quan điểm của tôi, khi thể chế chưa phù hợp thì không "moi" ra được tham nhũng. Khi thể chế phù hợp, ngày càng phát hiện được nhiều tham nhũng, đồng thời với xây dựng các giải pháp hữu hiệu hơn để phòng ngừa, tiêu diệt tham nhũng.

Yếu tố quan trọng nhất chính là minh bạch hóa đi liền với dân chủ hóa, đặt trong bối cảnh mới của cách mạng thông tin. Chưa bao giờ tai mắt của nhân dân được mở rộng, tinh tường đến thế.

Thống kê cho thấy có đến hơn 70% số vụ tham nhũng, cán bộ tiêu cực bị phanh phui là nhờ vào sự phát hiện của nhân dân và báo chí.

Minh bạch, công khai, dân chủ là con đường ngắn nhất để tiếp cận sự thật và nhận rõ sự thật.

Nhà bác học Lê Quý Đôn đã nhắc nhở 5 điều đẩy đất nước vào vòng lâm nguy: "Trẻ không trọng già, trò không kính thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt". Đó là những dấu hiệu rất đáng ngại.

 Ảnh: VIỆT DŨNG
Ảnh: VIỆT DŨNG)

Làm chính trị phải có liêm sỉ

* Nhưng những vụ việc phanh phui là tham nhũng vật chất. Ông từng nói rằng kinh khủng hơn là tham nhũng quyền lực chính trị...

- Đúng vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dùng từ "đạo vị" để ví việc ăn cắp chức vụ - mà hiện nay ta vẫn nói là "tham nhũng quyền lực".

Khi quyền lực được giao cho những kẻ không có đạo đức thì không khác gì thả rông thú hoang vào xã hội. Nhưng tham nhũng lớn nhất, tệ hại nhất, nguy hiểm nhất là tham nhũng lòng tin.

Lúc nào cũng thế, dù ngay cả những khi thịnh trị nhất, ông cha ta cũng rất coi trọng lòng tin. Chưa bao giờ điều này làm nhân dân suy nghĩ như bây giờ. Nhiều người giữ trọng trách cao không xứng đáng đại diện cho nhân dân.

* Xin lấy ví dụ là Ban Bí thư vừa quyết định kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh. Đọc kết luận thì thấy sai phạm của bà này có hệ thống, kéo dài cả thập kỷ. Nhưng cho đến trước ngày bị cách hết chức vụ, bà Thanh vẫn tiếp xúc cử tri với tư cách trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, gây bức xúc đến mức nhiều cử tri đứng lên nói thẳng là "bà đừng đi tiếp xúc nữa", "chúng tôi thấy xấu hổ"... Tại sao việc phát hiện, xử lý lại chậm trễ như vậy?

- Đó còn là vấn đề liêm sỉ của người làm chính trị. Vì không có liêm sỉ nên họ bất chấp, đó chính là tham nhũng lòng tin.

Xem lịch sử đất nước, tôi thấy nguy hiểm không phải là nạn ngoại xâm vì chúng ta không sợ bất kỳ một kẻ xâm lược nào và đã chiến thắng mọi kẻ ngoại xâm, mà nguy hiểm nhất, đáng sợ nhất là giặc nội xâm, hay nói như đồng bào dân tộc Mông là quả bí thối từ trong ruột thối ra. Vạ trong tường vách mới là nỗi lo lớn nhất của dân tộc.

* Nhưng người dân không thể chỉ trông chờ được vào đạo đức của đội ngũ cán bộ. Đạo đức chỉ được vun trồng tốt khi quyền lực được kiểm soát tốt?

- Đó là hai mặt của vấn đề. Chính vì vậy, trong Đảng không chỉ là tự kỷ luật mà phải là kỷ luật thép, quốc pháp phải là tối thượng. Cùng với giáo dục đạo đức, không thể không có pháp luật nghiêm minh.

Chúng ta đã nói rất nhiều lần về những vấn đề trên, đã làm và đang được làm mạnh mẽ. Các hội nghị trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều nhấn mạnh đến tính nghiêm minh của kỷ luật.

Đại hội XII nhấn mạnh cùng với xây dựng Đảng về mặt chính trị, về mặt tư tưởng, về mặt tổ chức thì phương diện thứ 4 là về mặt đạo đức.

Tôi quan sát các chính đảng trên thế giới, từ các đảng cộng sản cho đến các đảng cầm quyền trong các thể chế khác thì họ đều hết sức coi trọng đạo đức, đề cao liêm sỉ.

Tôi nghĩ rằng đất nước ta không thiếu nhân tài, tôi mơ đến ngày chúng ta có cơ chế đúng đắn chiêu hiền đãi sĩ để nhân tài hội tụ. Cần mở rộng mọi con đường để hễ là người VN dù trong nước hay ngoài nước đều nguyện ghé vai gánh vác giang san xã tắc.

Tăng cường hỏi ý kiến nhân dân

* Công tác tuyển dụng cán bộ với những quy định về tiêu chuẩn, quy trình như hiện nay vẫn mang tính khép kín trong nội bộ Đảng. Vậy làm sao có thể thu hút hết được những hiền tài như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói là "ở nơi chân trời góc bể" về hội tụ?

- Đấy là một thực tế rất đáng suy nghĩ để tiến hành đổi mới cơ chế. Đổi mới không phải để tiến đến một cơ chế nào đó xa lạ mà hãy trở về với những gì ông cha ta đã làm nhưng trong điều kiện mới.

Từ khi thành lập Chính phủ lâm thời, Cụ Hồ đã lựa chọn thành phần tham gia Chính phủ rất đa dạng, đến khi bầu cử Quốc hội trong bối cảnh đất nước đã giành độc lập và uy tín Đảng Cộng sản lên rất cao...

Trong tình hình hiện nay, tôi nghĩ rằng phương pháp lựa chọn cán bộ tốt nhất là hãy tăng cường hỏi ý kiến nhân dân.

 Nhà báo Nhị Lê - Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhà báo Nhị Lê - Ảnh: VIỆT DŨNG)

Nên tiến hành tranh cử ngay cả trong Đảng, giới thiệu các ứng cử viên để nhân dân lựa chọn một cách rộng rãi, dân chủ. Khi đó, chúng ta sẽ tìm được những người tài giỏi, cả trong Đảng và ngoài Đảng.

* Và cũng không lo mất vai trò của Đảng cầm quyền?

- Không sợ chuyện đó. Chỉ có những đảng yếu kém mới sợ. Công khai là thanh bảo kiếm tự nó chữa lành những vết thương do nó gây ra. Đảng là đứa con nòi của nhân dân thì hà cớ gì việc nhân sự lại không hỏi ý kiến nhân dân?

Tôi nghĩ rằng chừng nào việc này được giải quyết thì tiếng nói của Đảng càng được tôn vinh hơn, uy tín và sức mạnh của Đảng càng được vun đắp, nhân lên và tỏa rộng.

Giống như thần Ăngtê đứng vững hai chân mình trên đất mẹ vậy. Người ta không "mua" được toàn dân nhưng hoàn toàn có thể "mua" được vài chục người, thậm chí "mua" được hàng trăm người.

Thế mới có nạn "chạy chức, chạy quyền", chạy đủ thứ quyền lực chính trị. Người ta không thể "mua" được nhân dân nhưng có thể "mua" được những người giữ trọng trách, và sau đó họ xây dựng "căn cứ", hình thành bè phái, lợi ích nhóm, nguy cơ hình thành những "sứ quân". Khi đó, hậu họa khôn lường!

Rất đáng mừng là trong những năm vừa rồi, Đảng ta quyết liệt, nhân dân ta góp sức nên đã bước đầu công phá vào những điểm rất tung thâm. Nhiều vụ việc, nhiều cá nhân, nhiều nhóm lợi ích đã bị phanh phui, bị xử lý. Những kẻ tham nhũng quyền lực chính trị, ăn cướp quyền lực nhà nước đã dần lộ diện.

Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng đổi mới công tác cán bộ, đi thẳng vào những điểm đột phá là việc cần khẩn trương làm.

Bỏ sót nghiêm trọng

Chuyện cả họ làm quan không phải bây giờ mới có. Câu chuyện này tôi đã từng đề cập trong bài viết trên báo Nhân Dân từ năm 1989: "Các chi bộ họ ta", "Đảng ủy họ", rồi phát triển thành "các tỉnh ủy họ chúng ta".

Cách đây 12 năm, tôi cũng đề cập "có dấu hiệu của một đảng phong kiến", cha truyền con nối, chứ không phải đến bây giờ mới nói.

Không ít người khi được giao quyền lực thì họ tưởng tất cả thuộc về họ mà không hiểu (hoặc cố tình làm ngơ) rằng quyền lực ấy được Đảng ủy thác, nhân dân trao cho. Và họ đã biến "quyền tín dụng" được nhân dân trao cho ấy thành thứ tài sản tư hữu và chiếm đoạt.

Đó là lỗi mà thể chế chúng ta lâu nay bỏ sót, chưa kiểm soát đủ mạnh quyền lực.

Theo Tuoitre

Link nội dung: https://phaply.net.vn/mua-duoc-tram-nguoi-sao-mua-duoc-muon-dan-a193693.html