Đại án ngân hàng nghìn tỷ: Ai làm sai cũng bị pháp luật trừng trị

Dẫn phiên phúc thẩm Đại án Oceanbank vừa kết thúc với kết quả y án tử hình cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và chung thân cho bị cáo Hà Văn Thắm, hay như vụ án Đinh La Thăng với hai phiên toà với mức án 31 năm tù, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh với việc xét xử các vụ án kinh tế gần đây cho thấy ai làm sai cũng đều bị pháp luật trừng trị nghiêm minh.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội)

Dưới sự chỉ đạo của Bộ chính trị thời gian vừa qua, nhiều Đại án chống tham nhũng, lợi ích nhóm đã được đẩy mạnh, đặc biệt kinh tế. Xin ông cho biết ý nghĩa của những Đại án được đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua?

Trước tiên, chúng ta phải thấy rằng, trong thời gian cuối 2017, nửa đầu 2018, một loạt các vụ án kinh tế đã được các cơ quan bảo vệ pháp luật đưa ra xét xử với tính chất đa dạng, có cả những lĩnh vực liên quan tới các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), lại có những lĩnh vực liên quan đến tư nhân cấu kết với DNNN và các cơ quan chức năng để có hành vi trục lợi. Hoặc có cả những trường hợp doanh nghiệp (DN) 100% vốn tư nhân cấu kết với các DN khác có vốn xã hội hoá để trục lợi ngay chính những người góp vốn vào DN đó. Tuy nhiên, nhìn chung các vụ án tập trung chủ yếu trong 2 lĩnh vực chính đất đai và ngân hàng.

Nếu nhìn vào các mức tuyên phạt của toà án thời gian vừa rồi, ví dụ như trong vụ án Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), chúng ta có thể thấy sự nghiêm khắc hơn những gì đã xảy ra theo thông lệ trước đây với các vụ án kinh tế. Dư luận cũng có nhiều ý kiến cho rằng xử như vậy là quá nghiêm khắc, nhưng thiết nghĩ, chúng ta nên tập quen với điều này, ở một nhà nước pháp quyền, khi toà đã tuyên án theo luật thì chúng ta buộc phải chấp hành. Mọi người có quyền bình luận nhưng những bình luận ấy phải dựa trên căn cứ luật pháp, chứ không thể theo cảm tính hay những lập luận chưa có sở cứ về mặt pháp lý.

Những vụ án kinh tế lớn được xét xử một cách nghiêm khắc thời gian qua sẽ là tiền đề cho những vụ án kinh tế tiếp về sau. Cũng từ đó nó có tính răn đe những người còn đang mơ hồ về tính nghiêm minh của luật pháp trước nhiều điều trước đây tưởng như là “vùng cấm”.

Trong một số vụ án kinh tế thời gian gần đây như đại án ngân hàng Oceanbank vừa xử xong hay vụ án Đinh la Thăng, Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đang xét xử, có thể thấy rõ sự lợi dụng chức vụ để lợi ích chung chảy vào túi cá nhân hoặc cố tình làm sai gây hậu quả thất thoát vốn nhà nước. Vậy ông có bình luận gì về những trường hợp này?

Qua các vụ án kinh tế vừa qua, chúng ta thấy bóng dáng của sự liên kết giữa các DN làm sản xuất kinh doanh với một nhóm các DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Chính có sự thông đồng đó đã tổn thất cho nền kinh tế nói chung, cho những DN, những người góp vốn trong DN ấy nói riêng, gây thiệt hại rất lớn cho cả vốn nhà nước và tiền của cá nhân. Lấy ví dụ cho câu chuyện này không khó, ví như câu chuyện ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Qua sự cấu kết của nhóm cổ đông lớn thuộc ngân hàng Đại Tín cũ với Phạm Công Danh, bên cạnh lợi dụng để rút vốn của các ngân hàng ra, nó đẩy cả một doanh nghiệp vào vòng nợ nần đó chính là Phương Trang.

Hay công ty TNHH Thiên Thanh là công ty cổ phần đã rút vốn của tổ chức tín dụng cổ phần có vốn xã hội hoá. Đây loại hình tội phạm mới, không chỉ còn là câu chuyện gây thất thoát vốn của nhà nước nữa mà là lợi dụng sự tín nhiệm, được giao điều hành tổ chức tín dụng để thông đồng với nhau để rút ruột ngân hàng. Người thiệt hại đầu tiên là cổ đông ngân hàng đó, sau đó là thiệt hại tới tình hình an ninh tài chính tiền tệ, gây nguy hiểm cho cả hệ thống.

Vậy, thưa ông, liệu có phải đang có những kẽ hở lớn để cho các đối tượng này cùng lợi dụng để tư lợi cá nhân không?

Đúng là đứng về mặt quản lý nhà nước chúng ta cần đặt câu hỏi: Liệu hệ thống pháp luật của chúng ta đã đủ kín kẽ để đảm bảo an toàn cho thị trường tài chính tiền tệ chưa?

Chính qua những vụ án thời gian vừa qua chúng ta đã tìm được những kẽ hở ấy và sửa đổi trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng và chính thức có hiệu lực từ ngày 15.8.2017 vừa qua.

Chúng ta cũng thừa nhận rằng, công tác thanh tra giám sát ngân hàng theo Luật các tổ chức tín dụng trước 2009 là có vấn đề, còn lỏng lẻo và trao quá nhiều quyền cho tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, muốn cơ quan thanh tra giám sát NHNN kiểm tra được hết các văn bản là điều không tưởng. Vì thế, bản thân nội bộ các ngân hàng phải có cơ chế tự kiểm tra và cơ quan quản lý chỉ có thể có trách nhiệm giám sát việc thực hiện ấy. Giống như Luật giao thông quy định nếu uống rượu bia quá một mức độ nhất định sẽ không được phép lái xe và người điều khiển xe máy, ô tô phải tự biết uống tới mức nào thì không vi phạm, còn lực lượng cảnh sát giao thông chỉ có thể kiểm tra có tính chất điểm chứ không thể dừng tất cả người đi đường lại để kiểm tra được.

Vậy qua các đại án kinh tế thời gian vừa qua, ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung được gì, thưa ông?

Trước hết phải nói một các công bằng rằng, trong nền kinh tế thị trường nào, phát triển tới đâu thì bao giờ cũng có các vụ án kinh tế đồng hành hay khi nền kinh tế òn do con người vận hành thì sẽ còn các vụ án. Ngay cả với một nước tiến bộ, hiện đại như Đức thì vẫn còn có hiện tượng làm giả số liệu khí thải động cơ xe ô tô để dẫn tới hậu quả là phải thu hồi gần 1 triệu chiếc xe ở Mỹ, với giá trị lên tới hàng chục tỷ USD. Nó cũng giống như việc cho vay ở ngân hàng thì luôn phải có nợ xấu. Vấn đề ở đây là hệ số nợ xấu là bao nhiêu thì được và quan niệm về cho vay của ngân hàng là đồng hành với DN hay chỉ là các nhà tư bản cho vay thu nợ?

Nhìn rộng ra là cần thấy rõ vai trò của quản lý nhà nước, bao gồm có quốc hội ban hành chính sách, chính phủ điều hành nền kinh tế, các cơ quan khối nội chính bảo vệ pháp luật, thực hiện quyền công tố nhà nước. Với các văn bản pháp lý hiện tại, chúng ta đã có đủ sức truy tố tất cả các hiện tượng sai phạm đang diễn ra trong nền kinh tế, tuy nhiên đối với công tác quản lý nhà nước thì việc phân giao trách nhệm của bản thân tổ chức kinh tế và cơ quan quản lý nhà nước phải dành mạch hơn.

Qua các sự kiện nóng thời gian vừa qua đã làm cho các tổ chức tín dụng hiểu rằng, dù là ai thì làm không tốt vẫn sẽ bị pháp luật trừng phạt và sự trừng phạt có thể rất nặng nề. Chúng ta cần tăng cường hơn nữa việc giám sát từ xa và công tác hậu kiểm, cùng với việc duy trì chế tài nghiêm khắc.

Theo Danviet

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dai-an-ngan-hang-nghin-ty-ai-lam-sai-cung-bi-phap-luat-trung-tri-a193690.html