(Pháp lý) - Giám sát, kiểm soát hoạt động của ngân hàng còn nhiều tồn tại và yếu kém là một trong những nguyên nhân của hàng loạt các đại án ngân hàng xảy ra trong thời gian qua… Đó là nhận định của Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, Luật sư tranh tụng trong nhiều đại án ngân hàng.
Giám sát của ngân hàng nhà nước thường chậm hoặc muộn
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về vai trò giám sát, kiểm soát từ nội bộ ngân hàng và từ bên ngoài đối với hoạt động ngân hàng nói chung?
Luật sư Trần Minh Hải: Theo tôi là vô cùng quan trọng, bởi ngân hàng là một doanh nghiệp đặc biệt và nắm trong tay hầu bao của nền kinh tế. Hầu hết các ngân hàng đều có cơ chế tự giám sát thông qua hoạt động của Ban kiểm soát, Phòng kiểm toán nội bộ, Phòng pháp chế tuân thủ, thông qua hệ thống quy trình nghiệp vụ với sự xuất hiện của nhiều bộ phận chức năng khác nhau. Các ngân hàng cũng liên tục là đối tượng thanh tra của nhiều đợt thanh tra giám sát từ phía ngân hàng Nhà nước. Do là doanh nghiệp được ví như trung tâm các mạch máu của nền kinh tế nên ngân hàng còn luôn được giám sát bởi các khách hàng.
Giám sát, kiểm soát quan trọng nhất trong các thiết chế giám sát là từ Ngân hàng nhà nước. Nguyên tắc hoạt động giám sát ngân hàng được thực hiện theo nguyên tắc tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa giám sát việc chấp hành chính sách pháp luật về tiền tệ, ngân hàng với giám sát trên cơ sở rủi ro. Nội dung giám sát không chỉ dừng ở việc giám sát việc tuân thủ pháp luật, chấp hành các tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động mà còn chú trọng đánh giá, cảnh báo rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng… Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân hoạt động này thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả, nó là một phần nguyên nhân của hàng loạt đại án ngân hàng xảy ra thời gian qua.
Trong nhiều đại án ngân hàng xảy ra gần đây ta thường thấy nhiều hành vi cho vay hàng trăm tỉ không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm “có vấn đề”? Những hoạt động thường xuyên khác của ngân hàng như chuyển nhượng, mua bán bất động sản, cổ phần cổ phiếu lớn nhưng lại chỉ là quyết định của những cá nhân đứng đầu ngân hàng?
Theo ông, có phải do thiếu quy định pháp luật điều chỉnh?
Theo tôi, trong việc quản lý hệ thống ngân hàng, chúng ta không thiếu quy định, thậm chí có thể nói còn thừa nhiều quy định vô tác dụng. Quy định về điều kiện và trách nhiệm của lãnh đạo ngân hàng thương mại cũng rõ ràng và đầy đủ. Tuy nhiên ngành ngân hàng ở Việt Nam đang thiếu những chuẩn mực ứng xử đạo đức nghề nghiệp. Cũng như thiếu sự tôn trọng pháp luật, bất chấp pháp luật, làm liều từ những lãnh đạo ngân hàng.
Biểu hiện cụ thể của những vi phạm dù đã có cả “rừng luật” theo nhìn nhận, kinh nghiệm của ông?
Để lách qua một quy định pháp luật, một giới hạn pháp lý, các bên có nhiều “cách thức” khác nhau. Bên vi phạm, cụ thể là trong các vụ án đã xảy ra, đều có các hành vi để trốn tránh trách nhiệm của ngân hàng với người gửi tiền như trong Đại án Huyền Như, lách luật để lừa dối ngân hàng đối tác như Đại án VDB Đăk Nông, lách luật để cho vay vốn như hàng loạt đại án khác về ngân hàng. Những cách thức “lách” có dấu hiệu rõ ràng của việc vi phạm những chuẩn mực ứng xử đạo đức nghề nghiệp hay nguyên tắc cơ bản về kiểm soát xung đột lợi ích được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh Nghiệp nhưng lại không vi phạm những điều luật cụ thể nên bị phát hiện muộn. Một bên là các giao dịch do những ông chủ ngân hàng chỉ đạo thực hiện. Một bên là sự chủ quan trong việc kiểm tra, giám sát của Ngân hàng nhà nước… Hậu quả đã xảy ra và khi phát hiện thường muộn.
Giám sát nội bộ bị “vô hiệu” trong nhiều đại án
Việc giám sát trong nội bộ các ngân hàng cũng rất quan trọng. Tại sao sự giám sát này lại “vô hiệu” dẫn đến nhiều đại án đã xảy ra trên thực tế thưa ông?
Có thể dễ dàng nhận diện các hành vi giám sát nội bộ bị vô hiệu như: Tình trạng tiến hành giao dịch không theo nguyên tắc quản lý rủi ro mà theo chỉ đạo, mệnh lệnh từ giới chủ ngân hàng. Thực tế này đã từng tồn tại ở nhiều ngân hàng và đến nay vẫn tồn tại trong giới ngân hàng Việt Nam. Cán bộ ngân hàng thì thường lựa chọn làm theo chỉ đạo còn hơn phải đối mặt với rủi ro mất việc làm, chậm thăng tiến chức danh… Lựa chọn của họ làm vô hiệu giám sát nội bộ, gây ra hậu quả và kéo theo trách nhiệm tù tội của cán bộ ngành ngân hàng như trong hàng loạt các vụ án gần đây.
Một sự giám sát khác từ nội bộ ngân hàng là từ các cổ đông ngân hàng. Tại sao những vi phạm không bị phát hiện từ sự giám sát này thưa ông?
Theo quy định của pháp luật thì cổ đông ngân hàng có đầy đủ quyền của mình đối với tài sản của mình. Cụ thể nhất là quyền giám sát. Cổ đông luôn có quyền giám sát hoạt động của ngân hàng nhưng thực tế thì rất ít cổ đông vận dụng được những cơ chế luật định để thực hiện quyền giám sát của mình.
Quyền lợi và trách nhiệm của cổ đông ngân hàng khác với quyền lợi và trách nhiệm của cổ đông của doanh nghiệp. Cổ đông doanh nghiệp được tự chủ, tự chịu trách nhiệm, còn cổ đông ngân hàng rất “đặc thù” và gắn chặt với trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước. Ví dụ: Cổ đông ngân hàng có quyền đề cử người lãnh đạo ngân hàng, nhưng để họ có thể trở thành lãnh đạo ngân hàng thì cần có sự phê chuẩn của Ngân hàng nhà nước. Hay cổ đông ngân hàng có thể phản ánh những vi phạm của ngân hàng mình là cổ đông tới Ngân hàng Nhà nước và trách nhiệm xử lý, ngăn ngừa lại thuộc về Ngân hàng Nhà nước.
Nói về sự bị động về quyền lợi của cổ đông, có thể thấy rõ hơn trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Tôi nhận thấy, quy định của pháp luật cũng chưa thực sự thấu đáo và công bằng để cổ đông có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Trong thời gian qua, việc xử lý một số ngân hàng yếu kém với giải pháp Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng là một vấn đề pháp lý khá phức tạp. Nếu nhìn vào các quy định về khía cạnh trưng mua hay mua bán thỏa thuận thì quyền lợi của các cổ đông tại những ngân hàng bị mua với giá 0 đồng đang không được bảo đảm. Tuy nhiên, bảo vệ được quyền lợi của mình, cổ đông phải đấu tranh, đó là điều đương nhiên.
Trách nhiệm nào của Thuế và kiểm toán?
Đại án ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín - là “nguồn cơn” của nhiều đại án ngân hàng khác. Hành vi vi phạm trong việc mua bán trụ sở, rút tiền chiếm đoạt đã được điều tra và kết luận. Hoạt động đó chắc chắn còn có sự giám sát khác của cơ quan thuế, cơ quan kiểm toán, nhưng theo ông đâu là lý do khiến vụ việc vi phạm kéo dài mà không bị các cơ quan này phát hiện? Các cơ quan thuế, cơ quan kiểm toán có trách nhiệm gì đối với những hoạt động trên hay không?
Tôi cho rằng nếu có xem xét mức độ, thì trách nhiệm của các cơ quan này cũng không phải trực tiếp. Cơ quan thuế quản lý giao dịch theo số liệu nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước. Suy cho cùng họ không có trách nhiệm như cơ quan quản lý trực tiếp đối với ngân hàng thương mại đó là Ngân hàng Nhà nước. Đối với cơ quan kiểm toán thì trách nhiệm chủ yếu là soát xét các số liệu và phản ánh tính chất của giao dịch. Tất nhiên, trong những vụ án vừa qua ngành ngân hàng có thể đặt dấu hỏi về chất lượng của các cơ quan kiểm toán. Mỗi năm, mỗi ngân hàng đều chi bộn tiền cho các hãng kiểm toán danh tiếng. Vậy mà, thực trạng tài chính xấu xảy ra tại nhiều ngân hàng trong nhiều đại án cho thấy bức tranh năng lực tài chính thực sự của ngân hàng không đẹp như sự mô tả của nhiều hãng kiểm toán.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ sâu sắc của ông!
Luật sư Trần Minh Hải hiện là Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico. Ông là luật sư có nhiều thành công trong việc phụ trách và gây dựng hệ thống pháp chế cho nhiều Ngân hàng thương mại lớn, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Giám đốc Pháp chế Ngân hàng Quốc tế (VIB); Giám đốc pháp chế Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (LienViet-PostBank); Trưởng phòng pháp chế Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank); Tham gia hàng chục dự án liên quan đến tổ chức, tái cấu trúc ngân hàng; Là luật sư tranh tụng tại nhiều đại án ngân hàng như Đại án Huỳnh Thị Huyền Như; đại án Nguyễn Đức Kiên; đại án VDB Đắc Nông - Đắc Lắc (Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đắc Nông- Đắc Lắc). |
Phan Tĩnh (thực hiện)