Các đại án ngân hàng có những “điểm chung” nào?

(Pháp lý) - Có quyền và tiền trong tay, chủ các ngân hàng tự tung, tự tác, bất chấp pháp luật, cố ý làm trái, sai phạm thường lên đến nghìn tỷ đồng; Vi phạm trong thời gian dài không bị phát hiện, xử lý; Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại thường chậm… Đó là những “điểm chung” dễ nhận ra ở các đại án ngân hàng thời gian qua.

Chủ các ngân hàng tự tung tự tác, cố ý làm trái, sai phạm nghìn tỷ

Trong vụ án xảy ra ở Ngân hàng Đông Á, Cơ quan điều tra xác định ông Trần Phương Bình, với vai trò Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng của DAB, là người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DAB; cố ý làm trái; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DAB tổng số tiền hơn 3.405 tỷ đồng. Hành vi vi phạm của ông Trần Phương Bình và các đồng phạm là nguyên nhân dẫn đến việc DAB lỗ lũy kế đến 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25.451 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015.

Bà Hứa Thị Phấn và ông Phạm Công Danh đều là cá nhân được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn.
Bà Hứa Thị Phấn và ông Phạm Công Danh đều là cá nhân được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn.)

Nhận chuyển nhượng ngân hàng từ cá nhân khác, Phạm Công Danh là người giữ quyền làm chủ VNCB và cũng là người “cầm trịch” chỉ đạo các nhân viên dưới quyền làm trái, dẫn đến thất thoát tài sản của VNCB và khiến ngân hàng thua lỗ nặng nề. Tổng cộng, Phạm Công Danh được xác định phải có trách nhiệm với khoản tiền 9.133 tỷ đồng thiệt hại tại VNCB.

Hay một đại gia khác trong lĩnh vực ngân hàng là bà Hứa Thị Phấn. Bà Phấn từng là chủ của Ngân hàng Đại Tín – tiền thân của Ngân hàng Xây dựng. Theo cơ quan điều tra, mặc dù đại diện pháp luật của ngân hàng là ông Hoàng Văn Toàn (Chủ tịch HĐQT), Trần Sơn Nam (Tổng Giám đốc) nhưng họ chỉ là người quản lý, điều hành trên danh nghĩa. Bà Hứa Thị Phấn tuy chỉ giữ chức Cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị và Cố vấn Hội đồng tín dụng nhưng có gần 85% cổ phần nên thao túng mọi hoạt động của ngân hàng. Bà Phấn lợi dụng là cổ đông lớn nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của nhà băng, thâu tóm toàn bộ HĐQT, lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, thu chi tiền mặt. Bà này bị cáo buộc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái Luật kế toán, Luật các tổ chức tín dụng và điều lệ ngân hàng để rút ruột hơn 12.000 tỷ đồng của nhà băng thông qua 5 hành vi.

Vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm đang được đưa ra xét xử phúc thẩm với các hành vi tham ô, cố ý làm trái, làm sai quy định gây thiệt hại nghiêm trọng...tổng số tiền là hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó Thắm giữ vai trò chỉ đạo các nhân viên thực hiện hành vi cố ý làm trái là chi lãi suất ngoài trái quy định của nhà nước gây thiệt hại cho OceanBank hơn 1.500 tỷ đồng. Cho vay không có tài sản bảo đảm 500 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà băng này hơn 2000 tỉ đồng.

Trước đó, vụ án xảy ra tại Agribank Nam Hà Nội với 18 bị cáo phần lớn là nguyên cán bộ lãnh đạo của ngân hàng Agribank. Tổng số tiền các bị cáo gây thiệt hại cho ngân hàng là gần 2.500 tỷ đồng…

Phạm tội kéo dài mới bị phát hiện

Có thể thấy rõ nhất trong đại án liên quan đến bà Hứa Thị Phấn tại Ngân hàng Đại Tín. Từ thời điểm 2009-2010, bà Phấn chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín đầu tư sai quy định hơn 1.037 tỷ đồng vào bốn dự án bất động sản ở Long An, Nhà Bè, Bình Dương. Tuy nhiên, những công ty nhận tiền của Đại Tín không đầu tư dự án mà chuyển cho bà Phấn sử dụng cá nhân. Sai phạm của bà Phấn là các chuỗi hành vi khác nhau, có liên quan đến nhiều ngân hàng, doanh nghiệp khác. Tuy nhiên đến khi nhiều đại án ngân hàng khác (đại án tại Ngân hàng Xây dựng, đại án tại Oceanbank) bị vỡ lở, hành vi của bà Phấn mới bị thanh kiểm tra và điều tra phát hiện ra.

Những sai phạm nghiêm trọng của ông Trần Phương Bình đã làm khuynh đảo Ngân hàng Đông Á (ông Bình đã bị đề nghị truy tố hồi đầu tháng 4 vừa qua)
Những sai phạm nghiêm trọng của ông Trần Phương Bình đã làm khuynh đảo Ngân hàng Đông Á (ông Bình đã bị đề nghị truy tố hồi đầu tháng 4 vừa qua))

Vi phạm của Phạm Công Danh cũng phác lộ từ rất sớm. Từ tháng 12/2012 đến tháng 5/2014, Phạm Công Danh đã chỉ đạo các lãnh đạo, nhân viên ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do ông thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV. Phạm Công Danh và những nhân viên làm thuê tại Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỉ đồng. Đến thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỉ đồng, tổng số nợ phải trả là 38.255 tỉ đồng. Hành vi vi phạm của Phạm Công Danh trong thời gian kéo dài và vượt mặt tổ kiểm soát của Ngân hàng nhà nước nhưng do tổ kiểm soát này thiếu trách nhiệm nên Phạm Công Danh đã vi phạm kéo dài, gây hệ lụy xấu.

Thiếu trách nhiệm trong giám sát của ngân hàng nhà nước

Còn nhớ trong phiên xét xử đại án tham ô tài sản, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng TCMP Đại Dương (OceanBank), lời khai của các bị cáo tại tòa cho thấy từ năm 2011-2014, Oceanbank triển khai việc chi lãi ngoài hợp đồng trên toàn quốc, gây thiệt hại số tiền hơn 1.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, thanh tra Ngân hàng Nhà nước lại không có động thái xử lý, nhắc nhở.

Tại phiên xét xử đại án Ngân hàng Xây dựng (VNCB) thất thoát 9.000 tỉ đồng, đại diện viện kiểm sát đã kiến nghị HĐXX phải kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xem xét hành vi vi phạm của Ban thanh tra giám sát của Ngân hàng nhà nước. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an sau đó đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, sinh năm 1954, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự. Không chỉ ông Đặng Thanh Bình thiếu trách nhiệm trong việc giám sát và tái cơ cấu VNCB mà một số thành viên tổ giám sát được ông Bình ký quyết định thành lập cũng có những hành vi sai phạm trong thực thi công vụ.

Ông Đặng Thanh Bình – nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc giám sát và tái cơ cấu VNCB
Ông Đặng Thanh Bình – nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc giám sát và tái cơ cấu VNCB)

Trong đại án Phạm Công Danh, mặc dù tổ giám sát ngân hàng có quyền đề nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ những hoạt động không đúng pháp luật, giám sát trước khi chuyển tiền đối với những giao dịch có giá trị từ 5 tỉ đồng trở lên, nhưng các bị can (là thành viên tổ giám sát) đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, để Phạm Công Danh và các đồng phạm rút tiền của VNCB bằng các hành vi phạm tội để sử dụng, gây thiệt hại cho ngân hàng này. Trong đó, bị can Hà Tấn Phước có trách nhiệm đối với số tiền 3.454 tỉ đồng, Lê Văn Thanh có trách nhiệm với thiệt hại là 6.591 tỉ đồng, bị can Phạm Thế Tuân có trách nhiệm liên quan đến số tiền thiệt hại là 3.454 tỉ, bị can Ngô Văn Thanh có trách nhiệm liên quan đến số tiền 10.046 tỉ đồng.

Đối với ông Đặng Thanh Bình, kết quả điều tra cho thấy đủ căn cứ kết luận ông Bình đã có hành vi không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB do Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ, không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nhằm bảo đảm tính đúng đắn, chính xác với thực trạng năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, mà vẫn quyết định để Phạm Công Danh tham gia quản lý, nắm giữ cổ phần chi phối để điều hành VNCB.

Minh Minh (tổng hợp)

 

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cac-dai-an-ngan-hang-co-nhung-diem-chung-nao-a193585.html