Truy trách nhiệm hình sự quan chức vi phạm pháp luật: Đảng đã nhận diện và chỉ đạo trúng vấn đề mà người dân mong mỏi

(Pháp lý) - LTS: Ngày 17/4/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành biện pháp tố tụng: Ra quyết định khởi tố bị can Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến. Cả 2 bị can đều là cựu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Hai bị can bị khởi tố về hai tội danh"Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và tội "Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai".

Trước hai cựu quan chức này, thời gian qua đã có không ít quan chức bị khởi tố, trong đó có cả quan chức cấp cao thuộc diện Ban Bí thư quản lý.

Dưới góc nhìn của một Chuyên gia, Nhà báo đang công tác tại Báo Nhân dân, TS. Nguyễn Minh Phong đã có một số trao đổi thẳng thắn cùng Phóng viên Pháp lý xung quanh các sự kiện pháp luật trên.

Nhức nhối thất thoát tài sản Nhà nước ở nhiều địa phương

Phóng viên: Ông có bình luận gì về vụ bắt giữ 2 cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng do có liên quan đến vụ án sai phạm về quản lý đất đai và gây thất thoát lãng phí tài sản nhà nước ở Đà Nẵng?

TS. Nguyễn Minh Phong: Có thể nói việc bắt giữ các cán bộ cấp cao của Thành phố Đà Nẵng, cũng như một số cán bộ cấp cao khác thời gian gần đây là một tín hiệu khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng trong chống tham nhũng. Tín hiệu đó là chống tham nhũng không có “hạ cánh an toàn”, không có “vùng cấm”, làm triệt để đến cùng.

Tuy nhiên, đối với Đà Nẵng, sự kiện bắt 2 cựu Chủ tịch thành phố, mà thành phố này trước nay có rất nhiều ấn tượng với nhân dân cả nước, thì đó là bất ngờ. Xem ra, bên ngoài cái vẻ đẹp của thiên nhiên, một sự bình ổn đến yên lặng của Đà Nẵng, thì đâu đó những “gợn sóng”, như những “khối U” tồn tại âm ỉ và việc bắt , xử lý 02 cựu lãnh đạo thành phố này như một cuộc “phẫu thuật” cắt bỏ những “khối U”. Từ đó tạo động lực, niềm tin cho người dân.

Tôi đã từng gặp và nói chuyện với rất nhiều người dân Đà Nẵng, có người gắn bó, sinh sống ở Đà Nẵng từ bé, gia đình có truyền thống cách mạng và tham gia chính quyền từ thời kỳ đầu giải phóng. Trước khi bắt Vũ Nhôm và những quan chức cao cấp ở thành phố này, người dân rất bức xúc, thậm chí họ nghi ngờ về quyết tâm chống tham nhũng, nhưng từ khi bắt Vũ Nhôm và xử lý hàng loạt lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, lòng tin của người dân đã được khôi phục. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chờ đợi cơ quan điều tra, kết lỗi, xử lý, mới có thể nói được trọn vẹn quá trình xử lý này.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong trả lời phỏng vấn PV Pháp lý
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong trả lời phỏng vấn PV Pháp lý)

Phóng viên: Trước và cùng thời điểm này, dư luận, báo chí và cơ quan Thanh tra, Kiểm toán đã phát hiện, phanh phui nhiều vụ việc liên quan đến sai phạm của cán bộ trong quản lý đất đai, quản lý tài sản Nhà nước ở nhiều địa phương. Theo ông, những vụ việc sai phạm như ở Đà Nẵng và các địa phương khác có điểm chung gì ?

TS. Nguyễn Minh Phong: Có điểm chung lớn nhất ở Đà Nẵng và các địa phương khác trên cả nước như chúng ta đã biết trước đây là có tới 60 dự án của các doanh nghiệp, Tập đoàn nhà nước chuyển đổi công năng, cổ phần hóa không qua sàn, không định giá, thậm chí không tính giá trị quyền sử dụng hay quyền thuê đất. Tức là tình trạng thất thoát tài sản công qua cổ phần hóa, qua giao đất cũng như qua các trường hợp mua, bán, chuyển nhượng đất kể cả trụ sở công là một vấn đề gây bức xúc, một “tảng băng ngầm” mà trường hợp ở Đà Nẵng chỉ là một điển hình được phanh phui đưa ra ánh sáng. Qua đó cho thấy nếu chúng ta không quản lý tốt nguồn công sản đất đai thì đây là một kênh tham nhũng rất nặng, thậm chí tạo ra những sự mất mát không thể tính được bằng tiền.

Nhận diện nguyên nhân

Phóng viên: Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra thực trạng trên là gì thưa ông?

TS. Nguyễn Minh Phong: Trước hết chúng ta phải nói đến cơ chế kiểm soát của chúng ta hiện nay vẫn còn có những “lỗ hổng”, tới đây cần phải khẩn trương rà soát hoàn thiện. Thứ hai chúng ta đều biết nếu không kiểm soát chặt chẽ quyền lực sẽ nảy sinh các vấn đề lợi dụng chức vụ, quyền hạn thao túng và tham nhũng.

Ngoài ra, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra còn yếu kém, hạn chế và nhiều bất cập. Trong quản lý đất đai tài sản Nhà nước hiện nay đang giao quá nhiều quyền cho quan chức mà thiếu đi chế tài và sự giám sát thường xuyên. Bằng chứng rõ nhất cho thấy quy hoạch rất dễ bị điều chỉnh, khi quy hoach bị điều chỉnh, kết hợp với cơ chế quản lý “lỏng lẻo” dẫn đến nảy sinh lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đây là kẽ hở điều chỉnh quy hoạch. Trong khi đó, việc trao quyền quyết định cho người đứng đầu địa phương, ngành mà thiếu đi sự kiểm soát, giám sát quyền lực, cũng tạo nên kẽ hở khi quyết định điều chỉnh lại quy hoạch. Và đây chính là những “cơ hội” cho tham nhũng nảy nở.

Thực tế thời gian qua cho thấy công tác quản lý đất đai còn rất “lỏng lẻo” trong khi chúng ta đã có một “rừng” luật, rất nhiều đơn vị, cơ chế kiểm tra, giám sát nhưng khi đã có sự “liên kết”, đã có sự “chỉ đạo” từ trên xuống ở cấp địa phương thì tất cả các thủ tục pháp lý đều bị “bỏ qua” hoặc bị hình thức hóa và rõ ràng đây là một nguy cơ có thật … mang tính “lợi ích nhóm”, ê kíp lớn gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Phóng viên: Còn vai trò của các cơ quan dân cử, giám sát ở đâu thời gian qua khi để xảy ra tình trạng này? Phải chăng vai trò của các cơ quan này bị vô hiệu bởi nhóm lợi ích?

TS. Nguyễn Minh Phong: Hiện nay, vai trò của HĐND ở một số địa phương không cao, vì đa số lãnh đạo UBND nằm trong hội đồng nhân dân, trong khi HĐND lại cơ cấu nên tính chuyên nghiệp và trách nhiệm quyền lực không cao. Những người nằm trong UBND đang là những người thừa hành, lẽ ra họ phải bị giám sát, thì họ lại được sử dụng quyền bỏ phiếu để giám sát. Bất cập này dẫn đến thực tế trong một số trường hợp, HĐND bị vô hiệu hóa. Bên cạnh đó vẫn thiếu những người mạnh dạn vị công và cơ chế để bảo vệ họ do đó tính phản biện rất thấp. Chính những điều này cũng tạo ra kẽ hở để quan chức chính quyền (UBND) và doanh nghiệp dễ bề bắt tay nhau “đục khoét” tài sản công.

Về vai trò của các tổ chức Đảng ở một số địa phương, ngành do người đứng đầu quyết định. Thực tế cho thấy một số vụ tham nhũng vừa qua thì hầu như vai trò của tổ chức này cũng bị vô hiệu hóa.

Thực tế qua một số vụ việc gần đây cho thấy có một “lỗ hổng” là khi Đảng chưa “bật đèn xanh”, khi Đảng chưa cho phép thì Thanh tra chưa thể vào cuộc. Như vậy khi người đứng đầu đã tham nhũng họ sẽ vô hiệu hóa cơ chế thanh tra, kiểm tra. Do đó đã đến lúc chúng ta phải nâng tầm thanh tra Nhà nước, Thanh tra nhân dân, thì mới đảm bảo hiệu quả của việc kiểm soát quyền lực. Theo đó, dù bất cứ ai, nhóm lợi ích nào cũng vẫn bị thanh tra, kiểm tra kiểm soát để quan chức không còn cơ hội tham nhũng.

Về vấn đề giám sát quyền lực, theo quan điểm của cá nhân tôi, hiện nay chúng ta mới có cơ chế giám sát từ vai trở xuống, giám sát cán bộ cấp cao, nhất là người đứng đầu ở các đơn vị, địa phương, các ngành, các cấp … đang là một vấn đề. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phải “Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Nhưng hiện nay, “lồng” cơ chế vẫn chưa định hình, hiệu quả việc kiểm soát chưa cao nên khi cấp cao nhất của địa phương, ngành đã duyệt, đã chỉ đạo, đã “bảo kê”, đã bắt tay nhau tạo ra nhóm lợi ích thì gần như tham nhũng được thực hiện trọn vẹn và lúc đó hậu quả rất khôn lường.

Quyết tâm của Đảng

Phóng viên: Ông có bình luận gì về quyết tâm phanh phui và đưa ra ánh sáng những nhóm lợi ích quan chức và tư nhân bắt tay nhau đục khoét tài sản công thời gian gần đây?

TS. Nguyễn Minh Phong: Như chúng ta đã biết mục đích của cách mạng là giành đất cho nhân dân, giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia, cũng như cống hiến và hưởng thụ sau … tuy nhiên những biểu hiện quản lý sử dụng lãng phí, thất thoát, trục lợi từ đất đai ở các địa phương vừa qua đều đi ngược lại những mục tiêu này. Do đó đây là sự thoái hóa cao nhất khá điển hình của không ít cán bộ, quan chức. Bởi vì hàng triệu Đảng viên và nhân dân đã hy sinh để giữ đất nhưng chỉ vì lợi ích cá nhân, hoặc nhóm lợi ích đã chiếm dụng đất, sử dụng cho mục tiêu lợi ích riêng như vậy là chiếm đoạt thành quả cách mạng , thể hiện sự suy thoái về đạo đức phẩm chất cán bộ, chỉ lo hưởng thụ cá nhân.

BLHS 2015 (sửa đổi 2017) có hiệu lực từ 1/1/2018 đã bổ sung nhiều tội danh mới thuộc nhóm các tội xâm phạm TTQLKT, trong đó có tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”
BLHS 2015 (sửa đổi 2017) có hiệu lực từ 1/1/2018 đã bổ sung nhiều tội danh mới thuộc nhóm các tội xâm phạm TTQLKT, trong đó có tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”)

Do đó, việc phanh phui nhiều vụ tiêu cực tham nhũng liên quan đến đất đai công sản và khởi tố một số quan chức chính quyền, cho thấy Đảng và Nhà nước đã nhận diện trúng vấn đề mà dư luận mong mỏi và đang tập trung vào chỉ đạo xử lý vấn đề này. Bởi nếu chúng ta làm không kiên quyết, triệt để, nếu xử lý không nghiêm thì về lâu dài đất công sản sẽ trở thành đất tư nhân, và hiện tượng tư nhân hóa ngầm đất sẽ ngày càng phổ biến và trở thành một trong những “áp lực” của tương lai cả về mặt quyền lợi kinh tế và an ninh quốc gia nhất là khi các dự án đất giao cho tư nhân hoặc giao cho nhóm chuyển nhượng sai mục đích…

Phóng viên: Câu hỏi cuối xin hỏi ông, từ thực tế trên, tới đây chúng ta cần có những giải pháp hữu hiệu nào để kiểm soát quyền lực và phòng ngừa tham nhũng hiệu quả hơn, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, công sản?

TS. Nguyễn Minh Phong: Xung quanh vụ bắt giữ 2 cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng có liên quan đến vụ án sai phạm về quản lý đất đai và gây thất thoát lãng phí tài sản nhà nước ở Đà Nẵng chúng ta đã thấy bộc lộ nhiều vấn đề cần phải bổ sung, hoàn thiện. Đặc biệt trong việc giao quyền, phân quyền, nhưng cơ chế kiểm soát quyền và cơ chế chịu trách nhiệm của người đứng đầu, thời gian qua chúng ta làm thiếu chặt chẽ.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng việc kiểm soát tài sản quan chức phải làm chặt chẽ từ khai báo đến giải trình và nếu không chứng minh được phải tịch thu, nếu gian dối phải được xử lý cả về đảng và xử lý hình sự. Đặc biệt, cần có thêm các biện pháp để chống rửa tiền … Đồng thời, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải làm rõ những thủ đoạn, mánh lới tinh vi của nhóm lợi ích, những cách thức cấu kết của chúng, để từ đó đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách, nhằm ngăn chặn phòng ngừa, xây dựng cơ chế giám sát quan chức chặt chẽ để không thể tham nhũng.

Tới đây khi hoàn thiện các qui định pháp luật về PCTN, Bộ luật Hình sự, chúng ta cần chú ý đến những vấn đề trên.

Đối với Đảng viên, đặc biệt là những đảng viên có chức quyền, thì tổ chức Đảng phải là “cái lồng” chặt chẽ hơn để “nhốt” quyền lực. Khi đảng viên dính sai phạm thì các quy định về đảng viên cộng với quy định của luật pháp phải kết hợp để trừng trị nghiêm khắc gấp đôi. Sai phạm phải được xử lý bằng pháp luật, không xử lý nội bộ, đúng người, đúng tội để răn đe, để tham nhũng thực sự “run sợ”.

Ngoài ra, cần quan tâm nâng cao các thiết chế giám sát của nhân dân, báo chí, chúng ta phải thực hiện tốt Luật Báo chí, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, và đặc biệt cho phép hoạt động đường dây nóng và bảo vệ nhân chứng thì những thông tin về tham nhũng sẽ được phát hiện nhanh chóng và đầy đủ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông !

 

Thành Chung ( thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/truy-trach-nhiem-hinh-su-quan-chuc-vi-pham-phap-luat-dang-da-nhan-dien-va-chi-dao-trung-van-de-ma-nguoi-dan-mong-moi-a193540.html