Đây là một đề xuất rất thực tế được đưa ra tại Hội thảo “Các giải pháp đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức theo thông báo Kết luận phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ trì Hội thảo là Bộ trưởng Lê Thành Long, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cùng sự tham dự của đông đảo đại diện các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và 12 địa phương, Thủ trưởng một số đơn vị thuộc Bộ.
Học tập pháp luật phải là công việc hàng ngày của mỗi người
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự ra đời của Luật PBGDPL năm 2012, hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả trong công tác PBGDPL. Những kết quả đạt được đã góp phần trực tiếp vào công tác tổ chức thi hành pháp luật và đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy vậy, công tác PBGDPL vẫn còn nhiều điểm cần phải khắc phục như nội dung PBGDPL còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; một số hình thức PBGDPL chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của đối tượng đặc thù và nội dung cần phổ biến; nguồn lực kinh phí chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ…
Đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận sâu về một số nội dung, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, cần quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn mới nhằm đa dạng hình thức để công tác tuyên truyền, PBGDPL trở nên cuốn hút và việc tổ chức sẽ hiệu quả tiết kiệm hơn. Bàn đến việc tổ chức Ngày Pháp luật, Bộ trưởng khẳng định, trong những năm qua, Ngày Pháp luật đã để lại dấu ấn tốt đẹp. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu tổ chức Ngày Pháp luật ngày càng thiết thực để mọi người biết đến nhiều hơn. Đồng thời, cần phải xác định tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật không chỉ trong Ngày Pháp luật 9/11 hàng năm mà phải thấm nhuần trong cuộc sống và coi đây là công việc hàng ngày của người dân.
Báo cáo dẫn đề tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Đỗ Xuân Lân cũng cho biết, những năm qua, công tác PBGDPL đã được các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương tích cực triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác PBGDPL. Các thể chế, chính sách về PBGDPL đã được hoàn thiện; các Chương trình, Đề án, Kế hoạch trung hạn, dài hạn và hàng năm về PBGDPL được ban hành và triển khai thực hiện trong cả nước để tập trung nguồn lực với nhiều giải pháp đột phá nhằm tăng cường công tác PBGDPL tại một số địa bàn, lĩnh vực, đối tượng đặc thù. Nội dung PBGDPL được đổi mới, bám sát công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, với nhu cầu xã hội, với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; hình thức PBGDPL được đa dạng hóa, sát với nội dung, đối tượng, địa bàn gắn với ứng dụng công nghệ thông tin...
Khi thực thi công vụ phải lồng ghép việc phổ biến pháp luật cho dân
Từ kinh nghiệm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Văn Huyên, Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, cần đổi mới nội dung trong công tác bồi dưỡng cán bộ, coi việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, đạo đức là bắt buộc. “Có những cán bộ cao cấp phạm pháp, cả nước đều biết. Họ quá hiểu pháp luật nhưng họ thiếu về đạo đức, không được bồi dưỡng, trau dồi đạo đức thường xuyên. Do đó, bồi dưỡng phải trúng đối tượng, đối tượng nào cần bồi dưỡng, bồi dưỡng cái gì họ cần”, ông Huyên nhấn mạnh. Đồng thời, mỗi công chức hàng ngày tiếp xúc với dân, khi thực thi công vụ phải lồng ghép việc phổ biến pháp luật để dân hiểu, dân thực hiện.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) thì chia sẻ việc tổ chức PBGDPL theo đối tượng đặc thù là kinh nghiệm rất quan trọng. Theo đó, Bộ Công an đặc biệt quan tâm đến công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù là phạm nhân, đối tượng bị tạm giữ, tạm giam. Bên cạnh đó, mỗi năm Bộ Công an cũng tổ chức 10 Hội nghị tập huấn diện rộng và tập huấn chuyên sâu cho lực lượng công an với yêu cầu phải viết bài thu hoạch.
Trưởng phòng PBGDPL Sở Tư pháp Thái Nguyên Đinh Xuân Quang không tán thành nhận định lâu nay cho rằng vi phạm pháp luật do công tác tuyên truyền kém. Minh chứng rõ ràng nhất là việc đội mũ bảo hiểm ai cũng biết nhưng có người vẫn cố tình vi phạm. Vì vậy, từ góc độ địa phương, ông Quang ví tuyên truyền pháp luật như phải “cho ăn đúng món”, với cách tiếp cận nhiều chiều. Không những thế, cần tăng cường tập huấn phương pháp tuyên truyền PBGDPL; quy định cụ thể, nêu cao vai trò của người đứng đầu, chịu trách nhiệm tuyên truyền PBGDPL trong phạm vi ngành mình quản lý…
Theo Bao Phapluat
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nghien-cuu-to-chuc-ngay-phap-luat-ngay-cang-thiet-thuc-a193475.html